Một số vụ án gián điệp kinh tế hàng đầu tại Mỹ

Thứ Hai, 16/10/2006, 08:00
Với trình độ khoa học kỹ thuật được xếp vào nhóm những quốc gia hàng đầu thế giới, Mỹ từ lâu đã là mục tiêu của các hoạt động tình báo kinh tế. Các cơ quan tình báo và tập đoàn kinh tế nước ngoài đã tìm đủ mọi cách để đánh cắp các thông tin thương mại, các công nghệ tiên tiến cũng như những dữ liệu quan trọng của Mỹ để phục vụ cho mục đích kinh tế.

Trước thực trạng các công ty Mỹ đã tổn thất hàng tỉ USD mỗi năm bởi nguyên nhân bị lấy trộm các bí mật thương mại, Quốc hội Mỹ đã phải thông qua đạo luật tình báo kinh tế vào năm 1996, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu cho cuộc chiến chống tình báo kinh tế nước ngoài. Dưới đây là một số vụ án gián điệp kinh tế tiêu biểu từ năm 1997 được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố...

Tháng 6/1997, hai công dân Mỹ Hsu Kai-lo và Chester H. Ho đã bị FBI bắt giữ và buộc tội âm mưu đánh cắp phương pháp chiết xuất loại thuốc Taxol từ các tế bào thực vật. Loại thuốc Taxol này hiện đang được sử dụng rộng rãi cho việc chữa trị bệnh ung thư buồng trứng. Thành phần chính để chế tạo ra loại thuốc này được chiết xuất từ loại cây thủy tùng. Tập đoàn Bristol-Myers Squibb của Mỹ trước đó đã đầu tư tới 15 triệu USD để nghiên cứu và chế tạo ra Taxol từ các tế bào thực vật của loại cây này.

Phiên tòa diễn ra sau đó vào ngày 10/7/1997 đã đưa ra nhiều phán quyết kết tội Hsu, Ho cùng với Jessica Chou (một công dân Đài Loan đã câu kết trực tiếp với Hsu trong âm mưu đánh cắp công thức của Taxol). Trước khi âm mưu này bị đổ bể, Hsu là Giám đốc kỹ thuật của Yuen Foong Paper Manufacturing Company, một tập đoàn đa quốc gia của Đài Loan. Ho là Giám đốc phát triển kinh doanh của tập đoàn này. Còn Chou là giáo sư công nghệ sinh học tại Trường đại học Tổng hợp quốc gia Chaio Tung và Viện Khoa học và Công nghệ sinh học Đài Loan. Ông ta đã may mắn không bị bắt giữ vì khi đó đang ở tại Đài Loan.

Trước đó, Chou đã tiếp xúc với một chuyên gia môi giới thông tin về công nghệ nhằm kiếm được công nghệ chế tạo Taxol. Tuy nhiên, nhân vật được ông ta liên hệ thực chất lại là một nhân viên mật của FBI. Tiếp đó, các đại diện của Yuen Foong Paper đã tìm cách hối lộ khoản tiền lên tới 400 ngàn USD cho một nhà khoa học của Bristol-Myers Squibb nhằm lấy được những thông tin quan trọng trên. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị chặn đứng kịp thời. Được biết là giá trị thị phần của Taxol tại thị trường nước ngoài lên tới 200 triệu USD mỗi năm. Nếu công nghệ trên bị đánh cắp, tổn thất của Bristol-Myers Squibb có thể lên tới hàng tỉ USD trong thời gian 10 năm tập đoàn có quyền giữ bí mật về loại thuốc này.

Âm mưu tiết lộ thiết kế loại dao Gillette

Ngày 3/10/1997, công dân Mỹ Steven Louis Davis tại Tennessee đã bị kết tội đánh cắp và tiết lộ bí mật thương mại liên quan đến việc phát triển một mẫu dao cạo mới của Hãng Gillette. Davis từng là nhân viên của Wright Industries, một doanh nghiệp chuyên về thiết kế sản phẩm tại Tennessee, đã ký với Gillette một hợp đồng hỗ trợ phát triển loại dao cạo mới. Ban đầu David được cử làm kỹ sư điều hành quá trình thiết kế sản phẩm này, nhưng sau đó đã bị gạt ra bởi yêu cầu của Gillette. Thế là anh ta tìm cách gửi những bản vẽ thiết kế bí mật của loại dao cạo mới này cho các đối thủ cạnh tranh của Gillette như Warner-Lambert, Bic and American Safety Razor Co. Do một trong những công ty này (Bic) là của nước ngoài, nên dù FBI đã tìm mọi cách ngăn chặn, đối thủ cạnh tranh của Gillette tại Thụy Điển đã kịp có trong tay những bản vẽ thiết kế loại dao cạo mới này.

Các bí mật thương mại của Eastman Kodak

Harold Worden (một nhân viên từng có 30 năm làm việc tại Eastman Kodak Corporation) đã cho mở ngay một công ty tư vấn sau khi về nghỉ và đã ký kết được không ít hợp đồng với nhiều hãng nước ngoài. Worden còn lôi kéo hơn 60 cựu nhân viên khác của Kodak vào các hoạt động tư vấn của mình. Trong thời gian 5 năm cuối tại Kodak, Worden từng là giám đốc dự án chế tạo loại máy đặc biệt có tên 401. Loại máy này được thiết kế để chế tạo loại nhựa làm phim ảnh mới với chất lượng tốt và giá thành lại rẻ. Đến khi về hưu, Worden đã đánh cắp hàng ngàn tài liệu có dấu mật về việc chế tạo chiếc máy 401, đồng thời còn tuyển mộ thêm nhân vật kế nhiệm mình tham gia cung cấp thông tin.

Phát ngôn viên của Kodak cho biết, rất nhiều những tài liệu và bản vẽ bị Worden lấy cắp đã khiến cho công ty bị tổn thất hàng triệu USD (cho dù tới thời điểm bị bắt, Worden chỉ nhận được có 26.700 USD từ việc bán các thông tin trên).

Lấy trộm công nghệ sản phẩm kết dính

Hwei Chen Yang.

Pin Yen Yang và cô con gái Hwei Chen Yang đã bị các nhà chức trách Mỹ bắt giữ vào ngày 5/9/1997 tại Cleveland vì tội đánh cắp các bí mật thương mại từ Avery Dennison Corp - một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại Mỹ về các sản phẩm kết dính như tem thư, nhãn hiệu hay băng giấy. Pin Yen Yang là Chủ tịch của Four Pillars Enterprise Company (Đài Loan), một công ty lớn có thu nhập hàng năm tới hơn 150 triệu USD.

Đến tháng 4/1999, hai cha con nhà Yang bị kết tội đã trả cho Ten Hong Lee nhân viên của Avery Dennison khoảng 160 ngàn USD để mua lại những thông tin về sản xuất cũng như các dữ liệu nghiên cứu của công ty này trong giai đoạn 1989-1997. Thiệt hại từ các công nghệ bị đánh cắp được Avery Dennison ước tính lên tới hàng chục triệu USD. Sáu tháng trước khi Yang bị bắt, Lee đã bị các nhân viên FBI bắt giữ và đã khai nhận chuyển giao các thông tin thương mại quan trọng cho Four Pillars

Quỳnh Lai (Tổng hợp)
.
.