Một trung tâm bí mật của NSA ở Berlin

Thứ Sáu, 08/11/2013, 21:20

Các cơ quan tình báo Mỹ không chỉ chọn mục tiêu là điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel mà họ còn biến Đại sứ quán Mỹ ở Berlin thành một trung tâm nghe lén bí mật. Tòa nhà đại sứ Mỹ được coi là nằm ở vị trí “đắc địa” tại thủ đô Berlin. Còn chỗ nào tốt hơn Pariser Platz vì cách đó vài bước chân là tòa nhà Quốc hội Đức. Khi bước ra khỏi ngưỡng cửa Tòa đại sứ Mỹ là nhìn thấy ngay Cổng chào Brandenburg nổi tiếng của Đức.

Khi người Mỹ bước vào đại sứ quán khổng lồ năm 2008, họ đã tổ chức bữa tiệc linh đình với hơn 4.500 khách mời. Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cắt băng khánh thành và Thủ tướng Angela Merkel hết lời chúc tụng. Kể từ đó, người Mỹ thường hay tản bộ trên mái tòa nhà đại sứ có lẽ để thoải mái “phóng tầm mắt” đến tòa nhà Quốc hội Đức và công viên Tiergarten.

Từ mái tòa nhà đại sứ, một đơn vị đặc biệt của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có thể giám sát mọi cuộc giao tiếp bằng điện thoại của các quan chức chính phủ Đức. Hành động của NSA đã gây chấn động chính trường Đức, nhất là đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của bà Merkel - người bạn thân thiết của Washington.

Đơn vị đặc biệt SCS

Một tài liệu tuyệt mật năm 2010 của NSA tiết lộ một đơn vị có tên gọi "Ban Thu thập thông tin đặc biệt" (SCS) có hoạt động bí mật ở thủ đô Berlin nước Đức cũng như ở những nơi khác. SCS được coi là nơi tập hợp các chuyên gia tình báo cừ khôi nhất của NSA và CIA, hoạt động mạnh ở 80 khu vực trên khắp thế giới, và 19 trong số đó là ở châu Âu - với các thành phố lớn như Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Rome (Italia), Prague (Cộng hòa Czech) và Geneva (Thụy Sĩ).

SCS duy trì 2 căn cứ ở Đức - một ở Berlin và một ở Frankfurt - với những trang thiết bị tình báo tín hiệu (SIGINT) hiện đại nhất. Các đội của SCS ẩn thân bên trong các tòa nhà đại sứ và lãnh sự Mỹ ở nước ngoài dưới lốt nhân viên ngoại giao để có được những đặc quyền. Được bảo vệ dưới vỏ bọc nhà ngoại giao, họ dễ dàng nhòm ngó và lắng nghe thoải mái mà không thể bị bắt giữ. Việc nghe lén từ một đại sứ quán được coi là bất hợp pháp tại gần như mỗi quốc gia trên thế giới, song đó lại là nhiệm vụ của SCS.

Theo một tài liệu mật do Erdward Snowden tiết lộ, SCS bí mật kiểm soát các tín hiệu điện thoại di động, mạng Internet không dây và giao tiếp qua vệ tinh. Các thiết bị nghe lén được bố trí ở tầng thượng hay mái tòa nhà đại sứ quán, nơi mà công nghệ gián điệp có thể bắt được các tín hiệu radio yếu nhất được che đậy bằng bức màn che chắn khổng lồ nhằm để tránh né những ánh mắt tò mò từ trên không. Còn nhân viên SCS làm việc bên trong những phòng nhỏ kín đáo không cửa sổ đầy những sợi cáp cũng ở sát mái nhà.

Theo chuyên gia an ninh Đức Andy Muller Maguhn, có lẽ nhân viên SCS sử dụng cùng một công nghệ gián điệp nghe lén như nhau trên khắp thế giới. Họ có thể chặn bắt các tín hiệu điện thoại di động cùng lúc định vị đối tượng mục tiêu. Một trong những hệ thống ăngten mà SCS mang tên mã nghe có vẻ hiền lành là "Einstein".

SCS - được gọi là F-6 trong NSA - đặc biệt quan tâm che giấu công nghệ của họ, nhất là các hệ thống ăngten khổng lồ đặt trên mái các tòa nhà đại sứ và lãnh sự. Bởi vì, nếu hệ thống gián điệp bị phát hiện thì - theo một tài liệu tuyệt mật giải thích - "sẽ gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các mối quan hệ của Mỹ với một chính phủ nước ngoài". Theo tiết lộ từ Edward Snowden, các nhóm SCS cũng có khả năng chặn bắt các tín hiệu sóng cực ngắn (viba) và sóng milimét (Millimeter-Wave - MMW).

Một số chương trình của SCS - như là "Birdwatcher" - chủ yếu xử lý những giao tiếp mã hóa tại các quốc gia nước ngoài và tìm kiếm những điểm truy cập tiềm tàng. "Birdwatcher" được kiểm soát trực tiếp từ trụ sở chính của SCS ở Fort Meade bang Maryland (tổng hành dinh của NSA). Với sự lan truyền chóng mặt của Internet hiện nay, công việc của SCS cũng có sự thay đổi và khoảng 80 nhánh của SCS chịu trách nhiệm thực hiện các chiến dịch trên nền tảng web. Trong tình hình hiện nay, SCS không chỉ đánh chặn các tín hiệu điện thoại di động và giao tiếp qua vệ tinh mà còn chống lại bọn tội phạm và hacker trên khắp thế giới. Từ một số tòa nhà đại sứ quán, nhân viên SCS lén lút cài các bộ cảm biến vào thiết bị giao tiếp của nước sở tại.

Ngoại trưởng Đức Guido Westrwellr (bìa trái) và tân Đại sứ Mỹ John Emerson (giữa) ở Đức.

Một tài liệu nằm trong cơ sở dữ liệu của NSA có ghi số điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Số điện thoại này thủ tướng chủ yếu sử dụng để giao tiếp - thường bằng tin nhắn SMS - với các thành viên CDU, các bộ trưởng và những người thân thiết. Giới chức NSA gọi số điện thoại này của Merkel là "Giá trị chọn lọc". Có bằng chứng cho thấy NSA giám sát điện thoại của bà Angela Merkel từ năm 2002, tức hơn một thập niên - từ lúc bà giữ chức Chủ tịch đảng CDU cho đến khi trở thành Thủ tướng nước CHLB Đức!

Theo định kỳ, Nhà Trắng và các cơ quan tình báo Mỹ ngồi lại với nhau để lập một bản danh sách gọi là "Khung các ưu tiên tình báo quốc gia" và được tổng thống phê chuẩn. Một hạng mục trong bản danh sách này gọi là "những mục đích của giới lãnh đạo" chú trọng đến giới lãnh đạo chính trị của một quốc gia. Chính quyền Mỹ đặc biệt quan tâm đến những mục đích của giới lãnh đạo Trung Quốc và chúng được đánh số 1 trong thứ tự từ 1 đến 5. Mexico và Brazil nhận chữ số 3 trong hạng mục. Các cơ quan tình báo Mỹ chủ yếu quan tâm đến sự ổn định kinh tế và các vấn đề chính sách của hai nước này. Đức cũng có mặt trong bản danh sách.

Cựu nhân viên tình báo NSA Thomas Drake cho biết: "Sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, nước Đức trở thành mục tiêu gián điệp số 1 ở châu Âu".--PageBreak--

Người Đức thua người Mỹ về công nghệ

Khi vụ việc NSA giám sát điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel nổ ra, cộng đồng an ninh nước Đức bắt đầu đứng ngồi không yên. Merkel liền ra lệnh cho Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) điều tra thông tin. Đồng thời, Christoph Heusgen - cố vấn chính sách đối ngoại của bà Merkel - cũng được yêu cầu tiếp xúc với đối tác Mỹ là Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice để tìm hiểu sự việc.

Thời gian ngắn sau, giới chức tình báo Đức trình kết quả điều tra sơ bộ lên bà Merkel: các con số, ngày tháng và mật mã bí mật của Thủ tướng Đức nằm trong tài liệu mật của NSA cho thấy thông tin là chính xác! Lúc đó, sự căng thẳng pha lẫn tức giận lan nhanh trong Chính phủ Đức. Rõ ràng, nếu người Mỹ giám sát điện thoại của bà Merkel thì đó chính là quả bom chính trị! Trong khi đó, nữ cố vấn Susan Rice phủ nhận vụ việc. Mặc dù vậy, một cuộc điều tra vẫn được tiến hành ở nước Mỹ.

Vụ bê bối nghe lén điện thoại của bà Angela Merkel đã làm sống lại vấn đề cũ - đó là, có phải các cơ quan an ninh Đức quá tin tưởng vào người Mỹ? Trước đây, tình báo Đức chỉ lo ngại về Trung Quốc và Nga, hai quốc gia thuộc diện theo dõi của Cơ quan Liên bang Bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV). Cách đây chừng 1 năm, một cuộc tranh cãi nổ ra giữa hai cơ quan BND và BfV khi Bộ trưởng Nội vụ và Thủ tướng Đức có lập trường cứng rắn hơn về sự hiện diện của tình báo Mỹ trên đất Đức.

Tuy nhiên, thái độ cứng rắn này đã nhanh chóng mất đi do vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị. Trong tình hình hiện nay, có lẽ không bao lâu nữa BfV sẽ tiến hành cuộc điều tra về các hoạt động của CIA và NSA trên đất Đức. Đầu tuần này, một nhóm quan chức chính phủ cao cấp Đức đã bay đến Mỹ để gặp Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper. Theo thông tin hành lang BND có nhiệm vụ điều đình với các cơ quan tình báo Mỹ về một "hiệp ước không gián điệp" lẫn nhau.

Cơ sở gián điệp của NSA được che chắn cẩn thận trên mái tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thành phố Berlin.

Hiện nay, các cơ quan tình báo rất khó mà theo dõi các hoạt động của NSA ở Đức, bởi vì giới chức chính quyền thừa nhận rằng, các khả năng kỹ thuật của tình báo Mỹ đã vượt xa những công nghệ đang tồn tại ở Đức! Ví dụ, thậm chí không phải mỗi nhân viên của cơ quan tình báo nội địa BfV đều được trang bị máy tính kết nối Internet. Nhưng sau khi vụ bê bối nghe lén bổ ra, tình báo Đức mong muốn nâng cao khả năng kỹ thuật của họ càng sớm càng tốt để có thể đối đầu với sức mạnh công nghệ gián điệp của Mỹ. Hiện nay, BfV chỉ có hơn 100 sĩ quan chịu trách nhiệm phản gián và giới chức lãnh đạo cơ quan muốn con số này phải tăng gấp đôi trong tương lai gần.

Vấn đề khác là các tòa nhà đại sứ quán nước ngoài ở trung tâm thành phố Berlin. Một quan chức tình báo phát biểu: "Chúng tôi không hề biết mái tòa nhà nào có lắp đặt các thiết bị gián điệp. Đó là vấn đề gay go cho các cơ quan tình báo Đức". Khi vụ bê bối nghe lén được tiết lộ, BND và BSI - Cơ quan liên bang chịu trách nhiệm về an ninh thông tin của Đức - đã nhanh chóng có cuộc điều tra tìm hiểu nhưng họ chẳng có thể làm gì khác hơn là đặt ra các câu hỏi cho người Mỹ.

Tài liệu mật của NSA tiết lộ hệ thống ăngten có tên mã "Einstein" và thiết bị kiểm soát thông tin liên lạc "Castanet" của SCSB.

Hiện nay, mối quan hệ Mỹ - Đức đang bị đe dọa rơi vào thời kỳ băng giá. Trước khi nổ ra vụ bê bối nghe lén của NSA, mối quan hệ giữa Merkel và Tổng thống Obama cũng không có gì tốt đẹp. Ví dụ, ban đầu Tổng thống Obama bác bỏ chiến dịch quân sự ở Libya cách đây 3 năm với sự đồng thuận của Berlin. Nhưng, sau đó ông Obama đã thay đổi quyết định sau sự thuyết phục của Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton mà không hề tham khảo ý kiến đồng minh. Berlin đánh giá thái độ của Mỹ là không kiên định và không “đếm xỉa” đến đồng minh.

Thủ tướng Merkel cũng xung khắc với Mỹ về cách giải quyết cuộc khủng hoảng đồng euro và không muốn nghe ý kiến của Washington. Để phản ứng lại hoạt động nghe lén của NSA, Thủ tướng Merkel một lần nữa đang có kế hoạch xem xét lại việc cho phép các cơ quan tình báo Mỹ hiện diện ở Đức. Văn phòng Thủ tướng Đức cũng đang xem xét khả năng Hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương có thể thất bại nếu NSA không công khai về hành động của họ. Cuộc điều tra cho thấy có đến 58% người Đức ủng hộ việc hủy bỏ những cuộc đàm phán đang tiến hành giữa Đức với Mỹ.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Ilse Aigner tuyên bố: "Chúng ta nên cho đóng băng những cuộc đàm phán về tự do mậu dịch với Mỹ cho đến khi những cáo buộc chống lại NSA được làm sáng tỏ"

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.