Việc chưa từng có tiền lệ của NATO:

Một văn phòng của NATO bị nhân viên Bộ Quốc phòng Ba Lan "đột kích"

Thứ Sáu, 25/12/2015, 21:20
Nhân viên Bộ Quốc phòng Ba Lan hôm 18-12 vừa qua đã đột kích và kiểm soát Trung tâm Nghiên cứu năng lực Phản gián (CICOE) trực thuộc NATO đặt tại thủ đô Warsaw của Ba Lan. Vụ việc đang gây chú ý bởi đây là lần đầu tiên một nước thành viên tấn công một cơ sở của NATO.

Vụ việc xảy ra vào lúc 1 giờ 30 phút sáng ngày 18-12 (giờ địa phương). Tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan cho biết, văn phòng CICOE bị đột nhập là trụ sở tạm của CICOE tại Warsaw. Các quan chức cấp cao của Cục Phản gián Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng Ba Lan được hộ tống bởi một số cảnh sát quân sự đã đột kích vào tòa nhà văn phòng CICOE bằng chìa khóa riêng. Những người trực đêm của Trung tâm khi đó đã gọi điện thoại cho Giám đốc trung tâm là đại tá Krysztof Dusza, nhưng khi ông này đến nơi thì bị ngăn lại, không vào được bên trong.

Theo phát ngôn trên báo chí của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ba Lan thì hành động này có liên quan đến việc Bộ này muốn cách chức Giám đốc CICOE đối với đại tá Dusza và thay thế bằng một người trung thành với đảng mới lên cầm quyền. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Bartosz Kownacki cho biết, đại tá Dusza đã bị cách chức Giám đốc CICOE từ tuần trước nhưng ông này không chịu rời khỏi chức vụ mà vẫn tiếp tục công việc như bình thường.

Đại tá Krysztof Dusza, Giám đốc CICOE.

Tuy nhiên, Dusza cho rằng về danh nghĩa ông hiện vẫn là Giám đốc của CICOE và quyết định cách chức ông là không có hiệu lực. Bởi lẽ, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc CICOE vào tháng 10-2015 trên cơ sở thỏa thuận tại văn bản đã được ký giữa Bộ Quốc phòng hai nước Ba Lan và Slovakia và một lãnh đạo NATO, tướng Jean-Paul Palomeros. Vì vậy, đại tá Dusza cho rằng, nếu Bộ Quốc phòng Ba Lan muốn thay thế ông bằng một người khác thì phải bàn bạc với Bộ Quốc phòng Slovakia và hai bên cùng ra quyết định.

Tờ The Guardian của Anh nhận định, việc thay thế người đứng đầu CICOE của Bộ Quốc phòng Ba Lan là không phù hợp với các cam kết mà chính phủ tiền nhiệm đã ký với nước láng giềng Slovakia. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz phát biểu trên trang web Defense News rằng, đích thân ông đã "báo trước" với Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia về việc cách chức đại tá Dusza và thảo luận vụ việc đột kích văn phòng CICOE với tùy viên quốc phòng Slovakia tại Warsaw và ông này đã đồng ý.

CICOE ra đời tại một lễ ký kết chính thức ở Mỹ vào cuối tháng 9-2015 giữa tướng Jean-Paul Palomeros, người đứng đầu bộ phận chuyển đổi tổ chức của NATO, với Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Ba Lan và Slovakia, cùng đại diện của 8 nước thành viên NATO đồng bảo trợ cho CICOE. Cơ quan này nằm trong số các trung tâm nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật tình báo của NATO và không chịu sự chỉ huy trực tiếp của NATO.

Một tuyên bố của NATO tại lễ ký kết thành lập CICOE nói rằng, trung tâm này sẽ là "trung tâm đầu mối chuyên môn kỹ thuật của NATO trong lĩnh vực phản gián quân đội". Cơ sở chính của trung tâm này đặt tại Krakow, đang được xây dựng và sẽ đi vào hoạt động chính thức vào năm sau. Còn hiện tại, văn phòng tạm thời của trung tâm đặt tại Warsaw.

Tờ The Guardian cho rằng, cuộc đột kích văn phòng CICOE phản ánh cuộc thanh trừng bộ máy của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz nhằm giành lấy quyền kiểm soát CICOE. Và việc này lại là một trong những động thái của chính quyền đương nhiệm và đảng cầm quyền nhằm loại trừ tất cả những ai còn dính líu đến chính quyền cũ để thay thế bằng những người trung thành với đảng mới lên cầm quyền, đặc biệt là trong lĩnh vực tình báo và an ninh.

Trụ sở tạm của CICOE tại Warsaw, nơi vừa bị đột kích.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 11-2015 sau chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 25-10, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) theo đường lối bảo thủ, hữu khuynh đã nhanh chóng đưa những người trung thành với mình vào những vị trí chủ chốt trong lĩnh vực tình báo và an ninh để thay thế người được đảng cầm quyền cũ bổ nhiệm.

Ngay sau khi lên cầm quyền, đảng này đã thay thế các thẩm phán mà không tuân theo thủ tục hiến định. Đặc biệt, việc thay thế các thẩm phán cũng diễn ra vào lúc nửa đêm, tương tự như vụ đột kích văn phòng CICOE. Đảng này cũng đang chuẩn bị một dự thảo luật để cho phép việc bổ nhiệm các chính khách thuộc đảng cầm quyền vào các vị trí công chức cấp cao.

Sự kiện này làm dấy lên dư luận cho rằng, cơ quan chức năng Ba Lan đã hành động vượt quá thẩm quyền và đã vi phạm một số cam kết đã ký với Chính phủ Slovakia và NATO. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak nói, việc cơ quan chức năng Ba Lan - một nước thành viên NATO - đơn phương đột kích vào trụ sở một cơ quan của NATO là vụ việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tổ chức này, và cho rằng đây là một vụ "bê bối" đáng xấu hổ xảy ra tại một quốc gia thành viên NATO.

Người dân Ba Lan đang bắt đầu ngao ngán trước những vụ việc "thay người nửa đêm" của PiS và nói đùa rằng "không biết đêm mai chuyện gì sẽ xảy ra"? Nhưng vài tháng nữa Ba Lan sẽ đăng cai tổ chức một hội nghi thượng đỉnh khối NATO tại Warsaw, và đây sẽ không phải là chuyện đùa. "Chính quyền Ba Lan nên hết sức thận trọng trước khi tiến hành bất kỳ động thái nào có thể khiến các đồng minh NATO ở phương Tây tỏ vẻ ngạc nhiên" - Michai Kobosko, Giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu thân NATO cảnh báo.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.