Mức độ thiệt hại do gián điệp Geoffrey Prime gây ra cho nước Anh

Thứ Sáu, 12/06/2009, 09:15
Theo một bài báo mới đây trên tờ The Sunday Times, các nhà chức trách cho đến thời gian gần đây mới xác định rõ được những thiệt hại mà tay gián điệp nổi tiếng trong Chiến tranh lạnh Geoffrey Prime (sinh năm 1938) đã gây ra cho Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cả nước Anh.

Thất bại đáng kể nhất trong vụ này, theo như phóng viên Michael Smith của tờ báo trên, chính là việc Geoffrey Prime đã thông báo cho Cơ quan Tình báo Xôviết (KGB) về việc, người Mỹ và Anh đã giải được mật mã sử dụng trong Bộ Tư lệnh tối cao của quân đội Xôviết. Những bằng chứng mới này lần đầu tiên sẽ được giới thiệu trước công chúng qua cuốn sách “The Secret Sentry” (Lính gác bí mật) của Matthew Aid.

Nội dung cuốn sách tiết lộ rõ những thông tin mà Prime - với mật danh là Rowlands - đã chuyển giao cho phía Liên Xô. Là một cựu nhân viên của GCHQ (Cơ quan Liên lạc chính phủ - thực chất là một cơ quan tình báo đảm trách các điệp vụ nghe trộm hay bảo mật về thông tin liên lạc cho Chính phủ Anh), Geoffrey Prime trong một cuộc gặp gỡ với các liên lạc viên của mình tại Vienna đã chuyển cho Moskva 15 cuộn phim chứa khoảng 500 trang tài liệu mật được chụp bằng một camera nhỏ chỉ để nhận được 8.000 bảng.

Đáng chú ý trong số này có tài liệu tiết lộ về việc phương Tây đang sử dụng vệ tinh để nghe trộm các cuộc điện thoại của Điện Kremlin. Trước đó, GCHQ (có trụ sở tại Cheltenham) và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã cùng hợp tác giải được mật mã của người Nga vào năm 1976 sau suốt 27 năm thất bại.

Nhờ Prime, Moskva đã thay đổi ngay lập tức mật mã của mình, khiến cho các cơ quan mật vụ phương Tây trong gần 10 năm đã mù tịt về các kế hoạch của Liên Xô cho đến tận cuối Chiến tranh lạnh (năm 1989). Đó là chưa kể vô số những thiệt hại của NATO qua những thông tin giả mà Moskva cố tình truyền đi qua hệ thống mật mã mà họ biết đã bị lộ này.

Prime ban đầu làm việc trong bộ phận tình báo tín hiệu của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh tại Berlin. Anh ta tự tìm cách móc nối hợp tác với KGB vào năm 1968 vì lý do giải thích sau đó khi bị bắt là để “tìm kiếm ý nghĩa mới của cuộc sống”, sau những thất vọng về tôn giáo cũng như những cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

KGB đã cho Prime tham gia một khóa huấn luyện nghiệp vụ cấp tốc về mật mã, cũng như cách sử dụng chiếc máy ảnh mini hiệu Minox để chụp tài liệu mật. Theo lời khuyên của 2 sĩ quan liên lạc - Igor và Valya - Prime đã xin vào làm tại GCHQ.

Khoảng 10 năm sau do không chịu nổi sức ép trong cuộc sống hai mặt của một điệp viên nội gián, Prime đã xin nghỉ việc và chuyển ra ngoài làm lái xe taxi, sau đó là một thương gia buôn bán rượu vang nhưng không thành đạt. Tuy nhiên, Prime vẫn duy trì liên lạc với người Nga, và trong một cuộc gặp tại Vienna vào tháng 5/1980, Prime trao cho họ tới 500 trang tài liệu mật còn lại có ý nghĩa hết sức quan trọng như đã nói ở trên.

Vụ phản bội của Prime chỉ được biết vào năm 1982, sau khi anh ta bị bắt vì những trò tán tỉnh và xâm phạm tình dục các cô gái vị thành niên. Cô vợ Rhona của anh ta đã lục soát tìm ra những bằng chứng tố cáo Prime hoạt động gián điệp và đưa chúng cho cảnh sát. Prime đã phải nhận bản án 35 năm tù vì tội hoạt động gián điệp, cộng thêm 3 năm nữa vì tội có hành vi tình dục với trẻ vị thành niên.

Năm 2001, Prime được trả tự do, sau khi các cơ quan tình báo kết luận Prime không còn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nữa. Prime đã sống một cách lặng lẽ với một cái tên và giấy tờ giả do chính quyền Anh cung cấp để tránh những rắc rối có thể có đối với cả hai bên

Linh Nga (tổng hợp)
.
.