Mỹ - Hàn: Bí mật vụ mua bán máy bay không người lái

Thứ Năm, 27/10/2011, 07:30

Từ những bức điện ngoại giao do trang WikiLeaks tiết lộ, dư luận biết được giữa Mỹ và Hàn Quốc từng bất đồng xung quanh một vụ mua bán máy bay không người lái bất thành, chủ yếu do Mỹ cố ép đồng minh mua hàng với giá quá cao. Sự thật được tiết lộ không như những gì báo chí Mỹ và Hàn Quốc từng đưa tin.

Vào ngày 28/9/2011, báo chí Hàn Quốc (tờ Dong-A Ilbo) đã loan tin chính quyền Seoul đang xem xét hủy bỏ việc mua 4 chiếc máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ.

RQ-4 Global Hawk là loại máy bay do thám không người lái, điều khiển từ xa, bay ở độ cao từ 20 đến 36 km so với mặt đất và có thể chụp ảnh các vật thể nhỏ đến 30cm trên mặt đất. Tầm hoạt động của loại máy bay này là khoảng 3.000km và có khả năng giám sát mục tiêu xa đến 550 km. Vì vậy, đây được xem là loại vũ khí do thám lợi hại nhất trên bán đảo Triều Tiên, có khả năng "nhìn thấy" tất cả mọi sinh hoạt bên trong lãnh thổ CHDCND Triều Tiên mà không cần bay đến vùng không phận của nước này.

Theo kế hoạch, nếu hợp đồng được ký kết thì đến năm 2015, Hàn Quốc sẽ sở hữu 4 chiếc RQ-4 Global Hawk. Tuy nhiên, vào giờ chót, các thỏa thuận về bản hợp đồng tiền tỉ này đã không thành vì 2 bên không thống nhất được về mức giá. Tờ Dong-A Ilbo tiết lộ, vấn đề giá cả là lý do chính khiến cho vụ mua bán bất thành. Theo Dong-A Ilbo, ban đầu Washington đề nghị mức giá bán là 450 tỉ won (tương đương 385 triệu USD) trọn gói 4 chiếc, nhưng về sau lại tăng gấp đôi giá bán lên 940 tỉ won.

Vì sao lại có chuyện nâng giá lạ lùng này? Theo những gì báo chí Mỹ và Hàn Quốc thông tin thì nguyên nhân chính là do Mỹ không "ưa" cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, không tin tưởng chính quyền của ông Roh nên đã tìm cách "phá giá" nhằm khiến cho Seoul nản lòng mà bỏ ý định mua máy bay. Xin bắt đầu từ việc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đặt ra yêu cầu mua 4 chiếc máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ từ năm 2005.

Máy bay do thám tầm cao không người lái RQ-4 Global Hawk.

Tờ Dong-A Ilbo ngày 13/7/2006 viết: "Hàn Quốc đã vài lần yêu cầu, nhưng vào tháng 6, Mỹ đã ra dấu hiệu “không bán” và bác bỏ yêu cầu của Hàn". Ngày 28/9/2011, Dong-A Ilbo vẫn viết rằng Hàn Quốc đã "nhiều lần thúc đẩy quyết liệt việc mua máy bay Global Hawk từ năm 2005".

Theo giải thích của báo Mỹ thì vào thời điểm năm 2005, Mỹ không muốn bán loại máy bay do thám tầm cao Global Hawk cho Hàn Quốc vì lo ngại công nghệ sản xuất máy bay không người lái hiện đại này bị tiết lộ cho CHDCND Triều Tiên. Điều này phản ánh thái độ thiếu tin tưởng của Washington đối với Seoul. Nguyên do chủ yếu là Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Roh Moo-hyun được đánh giá là một người "thiên tả", khá thân với Trung Quốc nhưng lại không mấy mặn mà với đồng minh Mỹ.

"Cho đến ngày nay, Mỹ vẫn từ chối bán máy bay Global Hawk, viện lý do Quy định kiểm soát công nghệ tên lửa, trong đó có cấm cả việc bán các máy bay do thám không người lái" - tờ Chosun Ilbo ngày 28/9/2011 viết.

Tuy nhiên, nội dung các bức điện ngoại giao do trang WikiLeaks tiết lộ lại cung cấp một câu chuyện khác, theo chiều hướng ngược lại. Chính Mỹ đã dùng áp lực ngoại giao để ép Hàn Quốc mua máy bay Global Hawk với giá cao nhưng không thành. Chuyện là, từ năm 2006, sau khi bị Mỹ từ chối bán 4 máy bay Global Hawk, Hàn Quốc quyết định tự mình sản xuất lấy và giao hợp đồng cho Công ty Korea Aerospace Industries Ltd hợp tác với một công ty quốc phòng ngoại quốc (không rõ danh tính) thực hiện.

Theo WikiLeaks, Mỹ bắt đầu thúc đẩy việc bán máy bay Global Hawk cho Hàn Quốc từ năm 2007, và Đại sứ quán Mỹ tại Seoul đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực bán máy bay Global Hawk. Lý do khiến Washington từ chỗ từ chối đi đến cố ép bán Global Hawk cho Hàn Quốc là do sức mạnh vận động hành lang của Hãng quốc phòng Northrop Grumman - nhà sản xuất Global Hawk - đã tác động lên các nhà hoạch định chính sách ở Washington.

Một bức điện ngoại giao ngày

3/12/2007 được đóng dấu "lưu hành nội bộ" do Đại sứ Mỹ tại Seoul khi đó là Alexander Vershbow viết mở đầu như sau: "Theo đánh giá, việc Hàn Quốc mua máy bay Global Hawk là điều hết sức cần thiết cho lợi ích của Mỹ và sự duy trì quan hệ Mỹ - Hàn trong những năm tiếp theo". Trái ngược với thông tin trên báo chí, nội dung bức điện cũng tiết lộ thái độ tin cậy của Mỹ và NATO đối với đồng minh Hàn Quốc.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2008, Tổng thống Lee Myung-bak cũng không mặn mà lắm với dự án mua sắm Global Hawk. Một bức điện đề ngày 25/3/2008 đã ghi nhận điều này. Bức điện cũng ghi lại việc Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc khi đó là Lee Sang-hee đã có cuộc họp căng thẳng với Tổng thống Lee vào ngày 12/3/2008.

Tại cuộc họp đó, một trợ lý của Tổng thống Lee đã nói thẳng với Bộ trưởng Quốc phòng rằng "sẽ có cắt giảm ngân sách" và Bộ phải vạch kế hoạch cho phù hợp. Vị trợ lý này nói thêm, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) sẽ "không tiếp tục chi cho các món đồ chơi của Bộ Quốc phòng". Trước tình hình này, Đại sứ Vershbow đã tham mưu cho Ngoại trưởng Mỹ (Condoleezza Rice) trực tiếp thảo luận với Ngoại trưởng Hàn Quốc (khi đó là Yu Myung-hwan) nhằm tìm cách vớt vát hợp đồng.

Những bức điện ngoại giao từ tháng 4/2008 trở đi cho thấy các quan chức ngoại giao và Quốc phòng Mỹ đã vận động quyết liệt để cố ép Hàn Quốc mua máy bay không người lái Global Hawk.

Bức điện ngày 28/4/2008 ghi nhận việc Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Sedney đã có những cuộc họp vận động hậu trường giới chức quốc phòng Hàn Quốc.

Bức điện ngày 30/5/2008 còn ghi nhận việc Đại sứ Mỹ tại Seoul lọc ra danh sách các thành viên chính phủ của Tổng thống Lee phản đối việc mua máy bay Global Hawk, trong đó đặc biệt chú ý đến Cố vấn an ninh Quốc gia Kim Byung-kook.

Các bức điện ngoại giao từ ngày 24/9 đến 15/10/2009 cũng cho thấy Đại sứ quán Mỹ tại Seoul đã nhấn mạnh tầm quan trọng phải gây sức ép để bán cho được Global Hawk, khi Bộ trưởng Quốc phòng (khi đó) Robert Gates và Thứ trưởng James Steinberg đến thăm Seoul.

Năm 2011, các cuộc thương lượng vẫn tiếp tục kéo dài. Tháng 6/2011, phái đoàn đàm phán Hàn Quốc đã đến Mỹ thương thảo với Tập đoàn Northrop Grumman và giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo tờ Stars and Stripes (ngày 12/9/2011), Mỹ đã thêm vào điều kiện là Hàn Quốc phải vận hành các máy bay do thám RQ-4 Global Hawk gần khu phi quân sự. Tuy nhiên, giá bán quá cao (940 tỉ won) đã khiến Seoul nản lòng và tính đến chuyện hủy bỏ việc mua bán

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.