Mỹ: Đưa người máy vũ trang đến chiến trường Iraq và Afghannistan

Thứ Sáu, 16/11/2007, 10:45
Theo báo chí Mỹ, thời gian qua, để nâng cao hệ số an toàn, giảm bớt thương vong cho binh sĩ và tiết kiệm kinh phí, đồng thời tạo khả năng có thể giảm dần quân Mỹ đóng ở Iraq và Afghanistan, cùng với việc bố trí lực lượng "lính khuyển", Trung đội máy bay không người lái tiến công "Thợ gặt", Lầu Năm Góc còn bố trí hàng nghìn người máy vũ trang làm nhiệm vụ quân sự mặt đất. Lực lượng này trở thành kẻ sát nhân lạnh lùng và nguy hiểm.

Người máy tác chiến mặt đất

Cho đến nay, Lầu Năm Góc đã bố trí trên chiến trường Iraq và Afghanistan khoảng 5.000 người máy (chủ yếu ở Iraq) gồm các kiểu: Người máy “móng vuốt quỷ”, người máy “ngửi bom” có tên là Feydo, và người máy “thanh kiếm”.

Người máy “móng vuốt quỷ” được đưa sang Afghanistan từ năm 2002, tuy nổi tiếng về công năng gỡ mìn, nhưng qua thực tế chiến trường đã bộc lộ nhiều nhược điểm.

Loại người máy quân sự thứ hai là để “ngửi bom” Feydo có thể nhạy cảm “ngửi” phát hiện “bom” bên đường, trên ôtô... Người máy Feydo này có hai cánh tay thao tác dài tới 2m, có thể thò vào bên trong các loại xe ôtô và luồn xuống dưới gầm xe để “ngửi” kiểm tra, phát hiện có bom hay không.

Trên người máy Feydo có bảng hiển thị hệ số nguy hiểm mục tiêu, đây cũng là loại người máy phát hiện “xe bom”, mục tiêu chứa chất nổ và vũ khí có hiệu quả, góp phần giảm thiểu đáng kể thương vong cho binh lính Mỹ.

Gần đây, Lầu Năm Góc lại đưa tin: họ đã thành công nghiên cứu chế tạo loại người máy vũ trang kiểu mới nhất – người máy “thanh kiếm”, đóng vai trò trinh sát, phát hiện và tiến công mục tiêu, là “tay bắn tỉa” và “bắn súng máy toàn năng”...

Hiện nay, người máy “thanh kiếm” đang trang bị thử nghiệm cho Lục quân Mỹ tại chiến trường Iraq và nó cũng đang được giới quân sự các nước đặc biệt chú ý.

Tên đầy đủ của người máy “thanh kiếm” là “Hệ thống đặc biệt để quan sát, trinh sát, phát hiện và tiến công”; về đẳng cấp, người máy “thanh kiếm” hơn hẳn các loại người máy hiện có.

Người máy “thanh kiếm” cao 0,9m, tốc độ di chuyển tối đa 9km/giờ, được trang bị súng bộ binh hệ M16 và súng phóng lựu; Người máy “thanh kiếm” luôn được nạp sẵn 200 viên đạn có thể bắn với tốc độ 1.000 phát/phút, độ chính xác bắn trúng rất cao, cường độ hỏa lực đủ áp chế ngang tầm với súng máy hạng nặng.

Mỗi người máy “thanh kiếm” còn được trang bị máy chụp ảnh, kính nhìn đêm, thiết bị trinh sát quang học và ngắm chuẩn... khiến nó có sức phòng vệ và sinh tồn mạnh, có thể thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chi viện hỏa lực cự ly gần, phát huy tác dụng trong mọi điều kiện thời tiết, và khi cần thiết còn có thể thực hiện nhiệm vụ tình báo trinh sát.

Người máy “thanh kiếm” có thể nhẹ nhàng dịch chuyển vượt qua cầu thang, các ụ đất đá, hàng rào dây thép gai, đi trên cát, trên đất tuyết và vượt qua sông suối.

Người máy “thanh kiếm” sử dụng nguồn điện ắcquy có thể di chuyển liên tục nhiều giờ trên chiến trường, nhân viên điều khiển dẫn dắt người máy có thể ở cự ly xa 800m. Khi phát hiện thấy mục tiêu, “thanh kiếm” sẽ nổ súng bắn tiêu diệt.

Đương nhiên, người máy “thanh kiếm” cũng tồn tại những thiếu sót rõ rệt: Do điều khiển ở xa trên 800m, nên có thể phán đoán sai, hành động thiếu chính xác. Hơn nữa, do tốc độ di chuyển thấp, chậm hơn so với người nên “thanh kiếm” hạn chế đến khả năng thực hiện trinh sát hoặc tiến công.

Giá thành người máy không bằng 1/10 chi phí cho binh sĩ

Sự ra đời của một số kiểu “lính người máy” là giải pháp bước đầu của Mỹ với tham vọng bảo toàn sinh mạng và trạng thái tinh thần cho binh sĩ Mỹ thông qua ứng dụng thành quả kỹ thuật cao.

Người phát ngôn của Cục Thiết kế nghiên cứu cao cấp, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố: “Mục đích nghiên cứu chế tạo chủ yếu của hạng mục hệ thống chiến đấu tương lai là chế tạo lượng lớn người máy chiến đấu thay con người.

“Lính người máy” hiện nay bước đầu có thể thực hiện nhiệm vụ phòng hộ, tìm kiếm mục tiêu, hội báo chỉ huy tiến công tiêu diệt mục tiêu”.

Theo quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, một lữ đoàn quân Mỹ trong tương lai, tối thiểu sẽ có 151 "lính người máy".

Một hạng mục nghiên cứu về hiệu quả ứng dụng kỹ thuật cao trong quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho thấy: hiện nay, chi phí cho những năm phục vụ của một binh sĩ trung bình khoảng 4 triệu USD và có xu hướng ngày càng tăng.

Nhưng chi phí cho một “lính người máy” không đến 1/10 của người lính thực thụ. George Scheman, nhà khoa học Mỹ, chuyên gia về lĩnh vực trang bị vũ khí của Liên Hiệp Quốc cho biết, cho dù giá chế tạo binh sĩ người máy là rất đắt (một người máy “ngửi mùi” Feydo giá 160 nghìn USD, người máy vũ trang “thanh kiếm” giá 200 nghìn USD) nhưng theo Lầu Năm Góc tính toán thì chi phí này vẫn thấp hơn nhiều so với sử dụng phương thức tuyển binh sĩ phục vụ hợp đồng.

Hơn nữa, rõ ràng còn được lợi hơn về chi phí huấn luyện, trả lương, tiền chính sách, tiền hưu trí và các phúc lợi khác..., đặc biệt là còn giảm được tình trạng quân nhân bị thương vong và dẫn đến khủng hoảng tinh thần cũng như áp lực lớn của dư luận xã hội (cho dù "lính người máy" có bị phá hủy cũng chỉ là sắt thép).

John Payke, Tổng giám đốc An ninh mạng toàn cầu, Mỹ cho biết: "Thời gian qua, nếu không có sự giúp đỡ của "lính người máy" thì tỉ lệ thương vong của binh sĩ Mỹ trên chiến trường Iraq và Afghanistan sẽ tăng gấp nhiều lần”.

Chính vì "lính người máy" phát hiện bom, mìn kịp thời mà tính mạng nhiều binh sĩ Mỹ được bảo toàn; người máy trở thành “chiến hữu” vì mạng sống của quân Mỹ ở Iraq. Được biết, chính vì lập được chiến công xuất sắc mà không ít "lính người máy" được thưởng huân chương, thậm chí một số được phong quân hàm thượng sĩ.

Chuyên gia phân tích Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, việc sử dụng người máy vũ trang thay thế binh sĩ đánh trận cũng tức là thực hiện người máy hóa quân đội, là giải pháp xây dựng quân đội ít tốn kém, nguy hiểm thấp, hiệu suất cao, đây cũng là sự lựa chọn cho thực thi chiến đấu tương lai của quân đội Mỹ

Nguyễn Mau (theo Quân sự hiện đại)
.
.