Mỹ: Hướng đạo sinh giữa sóng gió bê bối

Thứ Ba, 29/12/2020, 13:27
Thông tin Đoàn Hướng đạo Mỹ (ĐHĐ) đột ngột nộp đơn phá sản lên toà án đã khiến cho công chúng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Nhưng lý do “làm thanh lý tài sản để có đủ nguồn lực tài chính bồi thường cho các gia đình nạn nhân xâm hại tình dục” càng làm cho mọi người chuyển từ trạng thái sững sờ lúc ban đầu sang hãi hùng.

Tại sao một trong những tổ chức đoàn thể lớn mạnh và lâu đời nhất nước Mỹ lại có thể để cho hơn 82.000 vụ quấy rối tình dục xảy ra trong vòng 50 năm trở lại đây? Đây là một câu chuyện buồn không những vì nỗi đau khổ khiến cho trẻ em phải hứng chịu, mà còn vì sự thờ ơ, háo danh và tham lam vô độ của người lớn.

Lật lại lịch sử

Đoàn hướng đạo sinh (HĐS) được thành lập vào năm 1910 thuộc thế kỷ trước với tôn chỉ mục đích mang đầy tính nhân văn: giáo dục trẻ em nước Mỹ những kiến thức, kỹ năng và đức tính để lớn lên các em trở thành những công dân tốt, có ích cho quốc gia. Xã hội tin tưởng và đặt vai trò HĐS ngang hàng với trường học, và tổ chức này đã thật sự trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của đa số thanh thiếu niên nước Mỹ.

Đoàn Hướng đạo, một trong những biểu tượng của nước Mỹ, đang chao đảo vì hằng loạt vụ scandal xâm hại tình dục.

Nhưng đằng sau lịch sử kéo dài 110 năm đầy vẻ vang đấy lại là một mặt tối ít người có thể ngờ tới. Ngay từ những ngày đầu thành lập, HĐS đã phải đối mặt với vấn đề xâm hại tình dục. Một số tài liệu nội bộ còn lại từ năm 1930 đã  thể hiện sự bất lực của ban lãnh đạo HĐS trong việc ngăn chặn những đối tượng ấu dâm trở thành đội trưởng các đội hướng đạo. Các đối tượng này lợi dụng sự tin tuởng của cha mẹ và những khoảng thời gian dài trẻ em phải xa gia đình để tiến hành xâm hại tình dục các em.

Vào mùa hè năm 1977, cha mẹ cậu bé Frank Spinelli cho con trai mình gia nhập đội hướng đạo số 85. Cả hai người đều là dân nhập cư Ý cho nên họ rất mong muốn con trai mình nhờ thông qua HĐS mà hoà nhập được vào môi trường Mỹ hoàn toàn mới mẻ. Đội trưởng kiêm tuyển chọn viên cho đội hướng đạo số 85 là Bill Fox, một sỹ quan cảnh sát New York 30 tuổi. Ngay từ lần đầu gặp mặt, Bill đã tỏ ra rất thích Frank. Ông ta thường xuyên dẫn cậu bé đi chơi, đồng thời trở thành một người bạn của mẹ Frank.

Một lúc nọ, Frank đã có những hồi tưởng thế này: “Bill thường xuyên nói với tôi những câu chuyện về sex, nhưng lúc đấy tôi còn nhỏ quá nên không biết gì cả… Một ngày nọ Bill bảo tôi xin phép cha mẹ để được ngủ lại tại nhà ông ấy. Mẹ tôi đồng ý và không những thế, bà còn “vô tư” lái xe chở tôi đến nhà Bill. Sau đó Bill dẫn tôi lên phòng ngủ và bảo tôi cởi hết quần áo của mình ra. Ông ta cũng cởi hết quần áo trên người xuống. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một người trần truồng trong đời…”.

Trong ba năm ở HĐS, Frank đã bị Bill Fox hãm hiếp hơn 100 lần. Cậu bé không thể nào lấy đủ dũng khí để tiết lộ mọi sự thật với gia đình. Những nỗi uất ức chất chứa trong lòng khiến Frank mắc phải một loạt các vấn đề tâm lý, và có lần cậu suýt nữa tự tử. Phải mất một thời gian dài sau này Frank mới lấy lại được sức khoẻ tâm thần. Tuy vậy, với việc cùng với 60.000 bị hại khác đâm đơn kiện HĐS, Frank đang phải từng ngày đối mặt với bóng ma của quá khứ.

Cuộc đấu tranh không khoan nhượng

Lý do các nạn nhân như Frank viết trong đơn kiện HĐS là thái độ thờ ơ và che giấu của tổ chức này đối với những trường hợp xâm hại tình dục. Thay vì đưa các đối tượng dâm ô ra trước pháp luật, HĐS lại chỉ sa thải họ và giữ kín bất kỳ thông tin nào liên quan đến vụ án. Vậy nên mới xảy ra các trường hợp kẻ ấu dâm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật sau hơn hàng chục năm, đi từ đội hướng đạo này sang đội khác để tìm kiếm nạn nhân mới.

Bốn đối tượng bị tố cáo đã xâm hại tình dục các Hướng đạo sinh.

Như trong vụ việc của Frank Spinelli, Bill Fox sau khi bị chi hội hướng đạo New York sa thải mới chuyển đến Miami, bang Florida và tham gia đoàn hướng đạo ở đó. “Ngựa theo đường cũ”, tại cơ sở mới, hắn ta tiếp tục xâm hại tình dục các bé trai trong vòng 30 năm tiếp theo và chỉ mới bị bắt vào năm 2011. Trước toà, Frank không hề phủ nhận những tội danh bị cáo buộc. Y bị kết án 35 năm tù giam, nhưng qua đời chỉ sau một năm bóc lịch trong tù.

Công chúng Mỹ chỉ thật sự biết đến những vụ xâm hại tình dục xảy ra trong HĐS vào khoảng đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước khi mà cậu bé Kerry Lewis đã dũng cảm đứng lên tố cáo. Và HĐS theo lệnh của toà án đã buộc phải công bố bản danh sách bí mật có tên những kẻ dâm ô mà họ ghi lại từ năm 1965 đến 1985. Bản danh sách có tất cả 1.200 cái tên. Ông Jonathan Mones, luật sư đại diện cho Kerry Lewis nhiều năm về trước, trả lời báo chí như sau: “Các nạn nhân bị xâm hại tình dục đều có chung một câu hỏi cháy bỏng: Vì sao HĐS lại giữ bí mật những vụ tấn công xảy ra ngay trong hàng ngũ của mình?”.

Theo thời gian, bản danh sách của HĐS tiếp tục được nối dài thêm. Tổ chức này gần đây lại một lần nữa phải đưa ra ánh sáng bản danh sách theo lệnh của toà án. Theo một chuyên gia thống kê, có tổng cộng khoảng 7.800 kẻ mắc chứng ấu dâm được HĐS ghi lại. Những kẻ này đã tấn công 12.254 bé trai trong khoảng thời gian từ 1944 đến 1966 của thế kỷ trước. Và, một số không nhỏ những kẻ tội phạm hiện đang giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền địa phương, trường học, nhà thờ,…

“Những kẻ hãm hiếp trẻ em không những thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật và dư luận, chúng còn có khả năng làm méo mó luật pháp và dư luận để che giấu tội ác của mình!” - Luật sư Jonathan Mones đã đưa ra lời cảnh báo.

Câu chuyện của Adam Steed là một minh họa rõ nét cho lời cảnh báo này. Cậu bé Adam bị đội trưởng đội hướng đạo của mình là Brad Stowell hãm hiếp vào năm 1997. Tên Brad này khi đó là một cha sứ giáo phái “nhà thờ của những vị thánh cuối ngày”  - tín đồ hay được gọi tắt là người Mormon. Lúc đầu Adam báo cáo vụ việc lên ban lãnh đạo HĐS vùng nhưng không nhận được bất kỳ sự phản hồi nào. Cậu bé sau đó phải gọi điện cho cảnh sát. Trong khi bị cảnh sát phỏng vấn, Brad Stowell khai đã tấn công tình dục 24 trẻ em trai và hãm hiếp 2 em.

Nếu như ở các quốc gia phương Tây khác, Brad Stowell có thể dễ dàng bị kết án hơn 30 năm. Nhưng trớ trêu thay, toà án Mỹ lại chỉ bắt y ở tù 150 ngày, tương đương một  tuần cho mỗi nạn nhân của hắn ta. Kỳ lạ hơn nữa, tuy đây là một vụ án dân sự, hồ sơ vụ án lưu trong cơ sở dữ liệu toà án đã bị xoá, khiến cho công chúng không thể nào kiểm tra làm rõ thông tin vụ việc. Phải đến khi phóng viên Peter Zuckerman đăng một bài điều tra trên tờ báo địa phương thì mọi người mới thông tỏ sự việc. Cả hạt Idaho Falls nơi nạn nhân và kẻ thủ ác cùng sống đã bị chấn động mạnh. Vậy mà thay vì đối mặt với sự thật, lại có những đối tượng tìm cách che giấu vụ việc và bôi xấu những người liên quan.

Không lâu sau khi bài báo do Peter Zuckerman viết được đăng, đài truyền hình địa phương bắt đầu phát sóng một quảng cáo tấn công vào danh dự và đạo đức nghề nghiệp của người phóng viên. Quảng cáo này buộc tội Peter tung tin giả để làm hại danh tiếng HĐS vì anh là người đồng tính, mà HĐS từ trước đến giờ giữ thái độ chống người đồng tính. Kẻ đứng đằng sau quảng cáo thất thiệt này là tỷ phú Frank VanderSloot, người giàu có nhất trong vùng.

Người dân Idaho Falls bị quảng cáo kích động nên coi Peter như kẻ thù. Người phóng viên bắt đầu nhận được những lá thư; những  cuộc gọi nặc danh đe dọa anh và gia đình. Vì lo sợ cho mạng sống, Peter phải chuyển nhà đi nơi khác. Vậy nhưng Frank VanderSloot không bỏ qua cho anh. Sau một lần Peter lên truyền hình kể lại toàn bộ sự việc, trong đó có clip quảng cáo thất thiệt, Frank VanderSloot kiện anh ra toà vì tội vu khống. Một phóng viên như Peter không thể nào địch nổi với những luật sư chuyên nghiệp được vị tỷ phú thuê. Peter không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chịu thất bại trước toà. Tờ tạp chí điều tra Mother Jones nổi tiếng cũng bị Frank VanderSloot kiện. Và tuy toà soạn báo giành chiến thắng, họ vẫn phải chịu các khoản chi phí liên quan lên đến 2,5 triệu USD.

Hành động của tỷ phú Frank VanderSloot chỉ là một trong số nhiều trường hợp tiếng nói của nạn nhân của xâm hại tình dục bị tiền và quyền lực bịt miệng. Giáo phái “nhà thờ của những vị thánh cuối ngày” và nhiều tổ chức chính trị  -  xã hội khác có quan hệ chặt chẽ với HĐS. Họ coi HĐS như “tấm lưới” tìm kiếm các tín đồ, thành viên tương lai của mình. HĐS dính vào scandal, danh tiếng của họ cũng bị tổn hại, vậy nên mới có nhiều cá nhân; nhóm người ngoài HĐS tìm cách che giấu những tội ác từng xảy ra trong tổ chức này.

Chiến thắng của lẽ phải

Câu chuyện của phóng viên Peter Zuckerman cuối cùng cũng có một cái kết đẹp. Tỷ phú Frank VanderSloot cuối cùng cũng phải thừa nhận rằng nội bộ HĐS có vấn đề nghiêm trọng cần đến sự điều tra công khai từ các cơ quan lập pháp và giới báo chí. Còn Peter nhận được giải Livingston, giải thưởng cao quý nhất dành cho các phóng viên điều tra, nhờ vào loạt bài phóng sự của mình. Anh còn sử dụng bài phát biểu nhận giải để cảnh báo cho mọi người về chục nghìn nạn nhân khác giống như Adam Steed đang chờ cơ hội được nói hết ra những khổ đau mình phải chịu.

Nhiều người Mỹ đang đặt câu hỏi liệu có nên giải thể Đoàn Hướng đạo không.

Hiện có tổng cộng 60.000 nạn nhân và người thân nạn nhân đã đâm đơn kiện HĐS. Con số này hoàn toàn có khả năng lên cao hơn nữa, do chắc chắn có những nạn nhân đã đem nỗi đau của mình xuống mồ, và gia đình họ có thể mới chỉ phát hiện ra bí mật của người chết. Quy mô và hậu quả của vụ scandal này vượt quá trí tưởng tượng của con người, và nó hiện là vụ kiện tố cáo tội xâm hại tình dục có số lượng nạn nhân cao nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Những “dư chấn” từ vụ án vẫn còn đang rúng động trong công chúng Mỹ. Theo lời luật sư Jonathan Mones: “Thứ nhất, không bậc cha mẹ nào sẽ muốn gửi con mình đến HĐS nữa. Thứ hai, tất cả những giá trị mà HĐS đại diện đều đã bị phá nát vì hành vi che giấu tội phạm họ làm. Đến mức này chúng ta hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi về việc duy trì sự tồn tại của HĐS”.

Trái với nhầm tưởng của nhiều người, HĐS nộp đơn phá sản không có nghĩa ngân quỹ của họ không có đủ tiền để bồi thường cho các nạn nhân. HĐS hiện sở hữu số bất động sản trị giá 35,8 triệu USD, cổ phần tại nhiều doanh nghiệp. Cùng với đó là 65 bức tranh vô giá do cố danh họa Norman Rockwell hiến tặng, và hàng loạt các khoản mục tài sản khác. Lá đơn phá sản chỉ là bước “mở đường” cho HĐS thanh lý các tài sản nói trên để kiếm tiền bồi thường.

Tuy vậy, khả năng tài chính của HĐS cũng không khiến mọi người yên lòng. Những thành viên có liên quan đến “nhà thờ của những vị thánh cuối ngày” đã rời khỏi ĐHĐ để thành lập một tổ chức tương tự mang tên “Vanguard”. Có nhiều khả năng chúng ta đang chứng kiến những ngày cuối cùng của HĐS, một tổ chức mang tính biểu tượng đối với nước Mỹ. Chuyện này đã có thể không xảy ra nếu những người lớn ở vị trí lãnh đạo của HĐS thật lòng trong việc hỗ trợ, bảo vệ và làm lành trẻ em thay vì chỉ lo đến danh tiếng và công danh của mình.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.