Mỹ: Kêu gọi hạn chế hoạt động nghe lén của NSA

Thứ Hai, 13/01/2014, 15:10

Vụ việc Edward Snowden tiết lộ các tài liệu về chương trình nghe lén bí mật của NSA có tác động rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, trong đó các công ty công nghệ cao cung cấp dịch vụ thư điện tử và Internet hàng đầu thế giới đang bị ảnh hưởng nặng bởi người dùng đang mất dần niềm tin vào độ tin cậy của dịch vụ bảo mật do những thông tin, dữ liệu riêng tư bị NSA đánh cắp.

Chính những công ty này đã phát động một chiến dịch kêu gọi khống chế tầm hoạt động của NSA, và đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều chính khách, tổ chức ở Mỹ.

Cần nhìn nhận một thực tế là trong công tác phòng chống tội phạm, các cơ quan điều tra đã làm việc này như một cách để bí mật theo dõi đối tượng tình nghi phạm tội nhằm ngăn chặn tội ác, hoặc để theo dõi và bắt đối tượng phạm tội. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là trong giai đoạn sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, việc nghe lén các giao dịch trên mạng viễn thông là cách thức hiệu quả nhất để ngăn chặn các âm mưu khủng bố mới của Al-Qaeda, đồng thời để giúp các cơ quan an ninh nhiều nước truy tìm và triệt xóa các hang ổ khủng bố chi nhánh của Al-Qaeda ở châu Âu, Mỹ,…

Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 19/12, Tổng thống nga Vladimir Putin cũng đã khẳng định: Chương trình giám sát của NSA là công cụ rất tốt phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố, nhưng nó phải được kiểm soát bằng những quy định luật pháp chứ không thể "thả rông" như hiện nay. Và đó cũng là ý kiến của nhiều lãnh đạo các quốc gia trên thế giới từng bị NSA nghe lén điện thoại như Edward Snowden tiết lộ.

Việc kiểm soát hoạt động nghe lén của NSA như ý kiến của lãnh đạo nhiều nước cũng đang là đề tài tranh cãi tại Mỹ. Đầu tiên là việc các công ty công nghệ cao hàng đầu ở Thung lũng Silicon như Yahoo, Google, Microsoft,... phát động chiến dịch hạn chế các hoạt động nghe lén của NSA. Thung lũng Silicon đã đưa ra một số kiến nghị mà họ cho là cần thiết phải thực hiện nhằm ngăn chặn việc khai thác thông tin, dữ liệu cá nhân người dùng Internet.

Thứ nhất, Chính phủ Mỹ cần phải xây dựng chế độ mã hóa nhằm giới hạn khả năng NSA cưỡng ép các nhà cung cấp dịch vụ cho phép họ thu thập dữ liệu người dùng làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của khách hàng, khiến khách hàng mất niềm tin vào nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, việc nghe lén chỉ nên khu biệt ở một số đối tượng nhất định, tránh việc nghe lén giao dịch Internet quy mô lớn như hiện nay.

Thứ hai, hoạt động thu thập dữ liệu dưới mọi hình thức của các cơ quan tình báo cần phải đặt trong khung pháp lý cụ thể, phải được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ. Cần phải có tòa án độc lập và mang tính chất phản biện để xem xét các trường hợp tranh tụng liên quan vấn đề này.

Thứ ba, Chính phủ Mỹ cần công khai, minh bạch về các quyền hạn nghe lén, giám sát và các chương trình nghe lén, giám sát, quy mô cũng cần được công khai hóa; cho phép các công ty được công bố số lượng và tính chất các yêu cầu thu thập thông tin của các cơ quan chính phủ về thông tin cá nhân người dùng. Và cuối cùng là, để tránh tình trạng luật pháp chồng chéo, cần phải có một khung nguyên tắc kiểm soát các yêu cầu thu thập dữ liệu theo đúng quy trình.

Ngày 18/12, một nhóm đặc trách của Nhà Trắng (Nhóm Xem xét tình báo và các công nghệ truyền thông) có nhiệm vụ xem xét về chương trình nghe lén của NSA đã có báo cáo dày 300 trang, đưa ra 46 đề xuất cải cách đối với các hoạt động của NSA, trong đó có những đề xuất hạn chế hoạt động giám sát, nghe lén, thay đổi quy trình làm việc nhằm cải thiện các hoạt động tình báo nhạy cảm, và đặc biệt là chọn một "dân thường" làm người đứng đầu cơ quan NSA. Tuy nhiên, điều này đã bị Nhà Trắng bác bỏ.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người phản đối gay gắt chương trình nghe lén của NSA.

Trước đó, ngày 16/12, Thẩm phán liên bang Richard Leon kết luận rằng, cho dù việc nghe lén điện thoại và Internet là hợp hiến và nhằm mục đích chống khủng bố, nhưng thực tế thời gian qua chưa có bằng chứng nào chứng minh các hoạt động đó ngăn chặn được các cuộc tấn công khủng bố.

Trên Đồi Capitol, cuộc tranh luận cũng diễn ra khá gay gắt. Thượng nghị sĩ Ron Wyden (đảng Dân chủ) chỉ trích gay gắt rằng "việc Chính phủ Mỹ kiểm soát thời lượng cuộc gọi, gọi cho ai và gọi vào lúc nào,… hoàn toàn không giúp phát hiện thông tin mà bọn khủng bố trao đổi với nhau, do đó không thể ngăn chặn các cuộc tấn công".

Bên cạnh đó, có những tiếng nói quyết liệt bênh vực cho quyền lợi người dân Mỹ đòi Quốc hội thông qua luật pháp quy định chặt chẽ hoạt động do thám trong nội bộ nước Mỹ, hạn chế bớt các chương trình nghe lén, đọc trộm, nhưng vấn đề đã không được quan tâm đầy đủ và đã bị xếp xó. Một nhóm khá đông nghị sĩ lưỡng đảng ở Hạ viện đang ủng hộ một dự luật nhằm cấm NSA thu thập hàng trăm triệu dữ liệu cuộc gọi điện thoại mỗi ngày từ các công ty điện thoại ở Mỹ. Tuy nhiên, các lãnh đạo trong Quốc hội, vì quan tâm nhiều đến lợi ích của việc theo dõi, giám sát  khủng bố, nên thiên về ủng hộ những thay đổi khiêm tốn hơn, chế tài nhẹ nhàng hơn đối với các chương trình nghe lén của NSA.

Cả hai vị chủ tịch ủy ban Tình báo Thượng và Hạ viện đều đề nghị giảm bớt việc kiểm soát của tòa án và Quốc hội đối với NSA. Vì thế, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề kiểm soát, hạn chế hoạt động nghe lén của NSA sẽ còn kéo dài

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.