Mỹ: Lộ diện người thứ 2 rò rỉ thông tin mật

Thứ Ba, 11/11/2014, 12:10

Mới đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã xác định được danh tính của một nhân viên tình báo hợp đồng nghi ngờ là người rò rỉ thông tin mật thứ 2 chuyên tiết lộ các tài liệu nhạy cảm như danh sách theo dõi khủng bố của chính quyền Mỹ cho Glenn Greenwald - nhà báo có quan hệ chặt chẽ với "người thổi còi" Edward Snowden. FBI đã tiến hành lục soát nhà riêng của một người, đồng thời Cơ quan Công tố liên bang ở Bắc Virginia cũng mở cuộc điều tra tội phạm liên quan đến đối tượng này.

Vụ việc được công bố trên The Intercept - trang web điều tra với người đồng sáng lập là Glenn Greenwald - dưới tiêu đề "Hệ thống theo dõi phần tử khủng bố bí mật của Barack Obama qua những con số". Câu chuyện của Intercept tiết lộ: gần một nửa số người trong dữ liệu về khủng bố của chính quyền Tổng thống Obama hoàn toàn "không có liên quan gì đến khủng bố"!

Câu chuyện, của hai đồng tác giả Jeremy Scahill và Ryan Devereaux, được đăng kèm theo một tài liệu "có được từ một nguồn trong cộng đồng tình báo" cung cấp nhiều chi tiết về hệ thống liệt kê, theo dõi được thành lập từ tháng 8/2013, tức nhiều tháng sau khi Edward Snowden bay đến Hồng Kông và công khai mớ hồ sơ tuyệt mật của NSA.

Câu chuyện của The Intercept ngay lập tức gây ra nghi vấn về sự hiện diện của "một người rò rỉ thông tin thứ 2" trong cộng đồng tình báo Mỹ chuyên cung cấp tài liệu cho Greenwald và là cộng sự của người này.

Edward Snowden (trái) và nhà báo Glenn Greenwald trong một cảnh phim “Citizenfour”.

Trong cảnh cuối bộ phim tài liệu mới về Edward Snowden có tựa đề "Citizenfour" (khởi chiếu vào cuối tháng 10) - được thực hiện bởi nhà làm phim Laura Poitras, đồng sáng lập The Intercept cùng với Greenwald và Scahill - Greenwald kể với Snowden về một nguồn tố giác mới. Sau đó, Greenwald tiết lộ cho Snowden một số chi tiết bao gồm chương trình máy bay vũ trang tấn công không người lái (drone) của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và danh tính một số người Mỹ trong danh sách của khủng bố của chính quyền Obama. Snowden thốt lên: "Người này quá dũng cảm". Greenwald đáp lại: "Đó là nhờ động lực từ những gì anh đã làm".

Trong cuộc phỏng vấn của chương trình phát thanh "Democracy Now" (Dân chủ ngay lập tức), Jeremy Scahill - người cũng có mặt trong bộ phim tài liệu Citizenfour - cho biết nguồn rò rỉ mới được mô tả trong phim đã cung cấp cho ông một tài liệu "phác thảo quy định đưa người vào các danh sách theo dõi". Tuy nhiên, Scahill từ chối bình luận về việc này.

Poster phim tài liệu Citizenfour.

John Cook, biên tập The Intercept, mô tả những câu chuyện của trang web đã tiết lộ "thông tin cốt lõi" về sự vượt quá giới hạn của hệ thống theo dõi khủng bố của chính quyền Mỹ. Sự xuất hiện của người tố giác thứ 2 sau Snowden đã thúc đẩy Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia (NCTC) lập "báo cáo tội phạm" trình lên Bộ Tư pháp Mỹ. Một cơ sở dữ liệu khổng lồ gọi là TIDE chứa hơn 1 triệu danh tính cung cấp cơ sở cho hệ thống theo dõi khủng bố và đặt họ vào danh sách "cấm bay" mặc dù chưa đủ bằng chứng để kết tội họ có liên quan đến khủng bố.

Một tài liệu đánh dấu "Bí mật" và "Noforn", nghĩa là không thể chia sẻ với chính quyền nước ngoài. Tuy nhiên, những thông tin do "người tố giác thứ 2" tiết lộ có vẻ như ít nhạy cảm hơn so với hàng loạt tài liệu của NSA bị Edward Snowden cho công khai trước công chúng. Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, Bộ Tư pháp và quân đội Mỹ đã tiến hành truy tố 5 vụ làm rò rỉ thông tin mật gây nguy hại đến an ninh quốc gia - tức nhiều hơn gấp đôi các đời tổng thống trước đó gộp lại.

Tuy nhiên, những nỗ lực chống rò rỉ thông tin mật của chính quyền Obama cũng làm dấy lên cơn bão chỉ trích. Tháng 9/2013, một cựu đặc vụ FBI bị tuyên có tội sau khi tiết lộ chi tiết về âm mưu đánh bom của một phần tử Al-Qaeda cho Hãng thông tấn AP. Binh sĩ Chelsea Manning cũng bị kết án 35 năm tù hồi tháng 8/2013 do hành vi cung cấp cho trang web WikiLeaks các bộ hồ sơ mật - bao gồm các báo cáo trên mặt trận về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, tài liệu về tù nhân Guantanamo và hàng trăm ngàn điện thư Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuy FBI đã thực hiện lệnh khám xét nhà của nghi phạm, và các công tố viên liên bang ở Bắc Virginia bắt đầu mở cuộc điều tra hình sự về vấn đề này. Nhưng vụ việc cũng tạo ra những mối quan ngại trong cộng đồng tình báo: một số quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp do quá mệt mỏi với việc theo đuổi các trường hợp làm rò rỉ thông tin nhạy cảm nên bây giờ họ sẽ không mấy mặn mà để tham gia những vụ tố tụng hình sự liên quan đến các vụ tiết lộ thông tin trái phép cho truyền thông, báo chí lần này. Kể từ tháng 9/2013, khi một cựu nhân viên FBI bị kết tội làm lộ thông tin chi tiết về âm mưu đánh bom khủng bố của Al-Qaeda cho AP, Bộ Tư pháp Mỹ đã không phát hiện thêm các trường hợp tương tự.

Gần đây, Tổng chưởng lý Eric Holder tuy đã nói bóng gió về chuyện từ chức, nhưng vẫn công khai tuyên bố "chừng nào tôi còn làm tổng chưởng lý thì không một phóng viên nào làm việc này thoát được án tù" - ông nhắc đến trường hợp nhà báo James Risen của Thời báo New York, người có liên quan đến phiên tòa xét xử một cựu nhân viên CIA bị truy tố làm rò rỉ thông tin bí mật phá vỡ chương trình hạt nhân của Iran. Risen tuyên bố sẽ không bao giờ khai ra ai nói cho ông biết về nguồn tin đó.

Theo Joseph Marks của trang web Politico, trong vài tháng tới, Lầu Năm Góc có kế hoạch đòi hỏi các nhân viên hợp đồng được cấp phép truy cập thông tin mật phải chịu sự giám sát thường xuyên mỗi khi họ đăng nhập vào các mạng chính quyền - quy tắc chưa từng có trước đây nhằm chống lại sự rò rỉ thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.

Joseph Marks cho biết: "Thông tin về việc truy cập mạng chính quyền của nhân viên được kết hợp với các công cụ phân tích dữ liệu nhằm phát hiện sớm hành vi đáng ngờ".

Ngày 18/9 vừa qua, Giám đốc Tình báo Quốc gia  James Clapper phát biểu tại Washington DC. rằng, "Sự đánh cắp và làm rò rỉ các tài liệu NSA" là một yếu tố, được ông gọi là "trận bão", làm tổn hại khả năng thu thập thông tin vì mục đích bảo đảm an ninh quốc gia của cộng đồng tình báo Mỹ

Duy Ân (tổng hợp)
.
.