Mỹ: Lo ngại gián điệp điện tử từ linh kiện nhập ngoại

Thứ Năm, 08/09/2011, 18:30

Một phòng thí nghiệm siêu máy tính của Mỹ có phần tham gia trong chương trình nghiên cứu quân sự bí mật nước này nhận định một hợp đồng mới đây bao gồm linh kiện do Trung Quốc sản xuất đã khiến Quốc hội Mỹ càng thêm lo lắng về khả năng gián điệp điện tử tiềm tàng.

Mối lo ngại xuất phát từ một hợp đồng đạt được vào mùa hè năm nay giữa một công ty công nghệ máy tính và Trung tâm Quốc gia Công nghệ máy tính trực thuộc Đại học Tennessee - hệ thống máy tính của Trung tâm mô phỏng một số chuyến bay thử nghiệm cho máy bay quân sự, tàu vũ trụ và tàu chiến thế hệ kế tiếp của quân đội Mỹ. Hệ thống máy tính của Trung tâm sử dụng phần mềm của Công ty an ninh máy tính Mỹ Symantec, trong khi công ty này liên doanh với Huawei Technologies - Công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc được giới quan chức Washington cho là có quan hệ chặt chẽ với quân đội nước này.

Huawei và Symantec thành lập liên doanh từ năm 2008, với Huawei sở hữu 51% cổ phiếu của doanh nghiệp. Ngày 9/8/2011, 4 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và 1 thành viên Ủy ban chọn lọc thông tin tình báo thường xuyên của Quốc hội gửi đến Lầu Năm Góc và Bộ Năng lượng một bức thư có nội dung thúc giục hai nơi này nên cân nhắc hợp đồng có nguy cơ tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.

Đề nghị của các nhà lập pháp nêu bật mối căng thẳng giữa cộng đồng tình báo và các công ty công nghệ cao đối với vấn đề những server máy tính, microchip và phần mềm được thiết kế hay sản xuất tại hải ngoại có thể giúp cho tình báo nước ngoài lặng lẽ xâm nhập vào những hệ thống thông tin nhạy cảm.

Trong bức thư mà 5 nhà lập pháp gửi đến cho Leon E.Panetta ở Bộ Quốc phòng, Steven Chu ở Bộ Năng lượng và nữ Chủ tịch Mary Schapiro ở Ủy ban An ninh và Hối đoái có đoạn viết: "Căn cứ vào quan hệ được cho là chặt chẽ của Huawei với chính quyền Trung Quốc và quân đội cũng như cộng đồng tình báo nước này; lịch sử của Huawei dính líu đến tham nhũng và vi phạm quyền sở hữu tình báo cũng như khả năng công ty làm gián điệp cho chính quyền nước ngoài, thì Huawei không thể là đối tác thích hợp cho những trung tâm nghiên cứu khoa học cao cấp của Mỹ - nhất là khi số đơn vị này làm việc về những dự án then chốt hay bí mật cho chính quyền Mỹ".

Nhóm nhà lập pháp nói trên bao gồm Jon Kyl, Jim DeMint, Tom Coburn, James M. Inhofe và Sue Wilkins Myrick (Chủ tịch Tiểu ban tình báo Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát phản gián hải ngoại). William Plummer, Phó chủ tịch ngoại vụ ở Huawei, trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng mối lo ngại mà nhóm nhà lập pháp bày tỏ đã không đúng chỗ. Plummer phát biểu: "Bức thư này đánh dấu sự khởi đầu của việc kích thích mối lo sợ về Trung Quốc và vu khống Huawei là người thụ ủy của nước này".

Huawei Technologies được thành lập năm 1988 bởi Ren Zhengfei, cựu kỹ sư làm việc cho quân đội Trung Quốc. Cộng đồng tình báo Mỹ nghi ngờ công ty có khả năng tìm cách cài microchip nghe lén vào mạng máy tính và thiết bị thông tin của Mỹ nhằm cung cấp cho chính quyền Trung Quốc hệ thống giống như một trạm nghe lén bên trong cấu trúc viễn thông của Mỹ.

Năm 2008, Ủy ban Đầu tư hải ngoại của Bộ Tài chính Mỹ đã ngăn cản một đề xuất bán công ty phần mềm 3com cho Huawei, theo nguồn an ninh quốc gia. Năm 2010, các đại diện của Cơ quan An ninh quốc gia NSA cũng kêu gọi một số công ty viễn thông lớn như là AT & T và Sprint hủy hợp đồng cho phép đặt phần mềm và phần cứng của Huawei vào hệ thống tháp của mạng không dây quốc gia 4G.

John Toomer, Đại tá không quân mới về hưu sau thời gian giữ chức vụ phó giám đốc bộ phận chiến dịch thông tin và mạng, thừa nhận: "Theo như tôi biết thì ông chủ của Huawei có quan hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc. Từ lâu chúng ta đã lo sợ những con chip được cơ quan tình báo thao tác. Chúng ta đã tạo ra nguy cơ khi sử dụng chip do Huawei sản xuất".

Huawei Technologies tại cuộc triển lãm thiết bị không dây tổ chức ở Las Vegas năm 2011.

Đáp lại mối lo lắng nói trên, William Plummer phân tích: "Mối quan ngại về an ninh mạng là hiện thực, nó là vấn đề toàn cầu, không phân biệt ranh giới quốc gia và tác động đến toàn bộ mạng lưới cung cấp công nghệ, thông tin, giao tiếp. Nhưng sẽ không đúng nếu cho rằng thiết bị của nhà cung cấp này kém an ninh hơn nhà cung cấp khác".

Theo Sách trắng dành cho Ủy ban xem xét an ninh và kinh tế Mỹ - Trung của Quốc hội, quân đội Trung Quốc "bắt đầu sử dụng khả năng này để tăng cường  khai thác mạng máy tính trên quy mô lớn phục vụ cho mục đích thu thập thông tin tình báo chống Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới".

Trong trường hợp của Trung tâm Công nghệ máy tính của Đại học Tennessee, một công ty gọi là MPAK Technologies đã thắng thầu. MPAK chuyên môn về cấu trúc lưu trữ dữ liệu và công ty có một số hợp đồng nhạy cảm với FBI cũng như một vài cơ quan chính quyền Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn, người sáng lập MPAK và Giám đốc điều hành Michael Kornblum cho biết, cấu trúc lưu trữ dữ lilệu của ông không có nguy cơ bị tình báo nước ngoài thao tác. Dữ liệu được mã hóa và hệ thống lưu trữ không kết nối Internet. Kornblum cũng nói phần cứng của Huawei không lắp đặt trong ổ đĩa cứng, nơi dữ liệu được lưu trữ. Và cũng theo Kornblum, Huawei không sản xuất ổ đĩa cứng.

Mối lo ngại khác từ nhóm nhà lập pháp là Huawei nhận được trợ cấp của chính quyền Trung Quốc, giúp cho công ty có lợi thế cạnh tranh không công bằng với các công ty Mỹ như là Cisco Systems. Bức thư của nhóm nhà lập pháp cho rằng chính sách của Trung Quốc tạo điều kiện cho Huawei cung cấp với giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh khá nhiều.

Như Kornblum nói công ty của ông xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu cho siêu máy tính với giá "rẻ bất ngờ". Kornblum trình bày: "Không có gì bí ẩn trong chuyện Huawei cố gắng xâm nhập thị trường Mỹ. Công nghệ của Huawei là tuyệt hảo". Plummer cho biết công ty ông được vay 25 tỉ USD từ 28 ngân hàng trên thế giới, trong đó có Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Plummer nói thêm: "Chúng tôi đang làm ăn không khác bất cứ ai kinh doanh. Chúng tôi có khách hàng và chúng tôi có đối tác, các nhà cung cấp và đó là lý do doanh nghiệp của chúng tôi thành công"

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.