Mỹ: Mở rộng những chiến dịch ám sát trên phạm vi toàn cầu

Thứ Ba, 21/08/2012, 23:25

Sau khi John Brennan - chuyên gia chống khủng bố hàng đầu của chính quyền Tổng thống Barack Obama công khai lên tiếng biện minh cho chương trình liên quan đến cái gọi là “Kill list” (danh sách tiêu diệt), những chiến dịch ám sát bí mật tiến hành trên khắp thế giới được tổng thống phê chuẩn của Mỹ trong hơn 50 năm qua dần dần được hé lộ. Các mục tiêu ám sát của Mỹ có mặt khắp nơi, từ Guatemala đến INdonesia trong quá khứ và cho đến tận ngày hôm nay.

Những biệt đội tử thần

Trường huấn luyện châu Mỹ (SOA) của quân đội Mỹ - được các nhà hoạt động hòa bình gọi là "Trường đào tạo những kẻ ám sát" - thành lập vào năm 1946, có mục đích đào tạo những kẻ giết người theo hợp đồng, đồng thời tổ chức những cuộc đảo chính lật đổ các chính quyền ở Peru, Panama, Argentina, Ecuador, Bolivia, Guatemala, El Salvador và Mexico. SOA đã huấn luyện tổng cộng hơn 61.000 sĩ quan tiến hành những cuộc tàn sát mở rộng khắp vùng Mỹ Latinh.

Vào các năm 1966 -1976, SOA đã huấn luyện hàng trăm sĩ quan Mỹ Latinh theo các phương pháp ám sát trong bí mật.

Vào các năm 1989 - 1991, SOA phân phát 700 cuốn cẩm nang ám sát có tựa đề “Project X” đến ít nhất 10 quốc gia Mỹ Latinh, bao gồm Bolivia, Colombia, Peru, Venezuela, Guatemala và Honduras.

`Năm 2001, SOA được đổi tên thành Viện Hợp tác an ninh Bán cầu Tây (WHISC), song mục đích của nó vẫn không thay đổi. Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng huấn luyện các nhóm ám sát chuyên nghiệp như là Halcones ở Mexico, Mano Blanca ở Guatemala và Escuadron de la Muerte ở Brazil.

Ở Nam Mỹ, vào các năm 1970 -1979, Chiến dịch Kền kền (Operation Condor) - tên mã cho chương trình thu thập, trao đổi và lưu trữ thông tin tình báo - được thiết lập với sự hợp tác của các cơ quan an ninh trong khu vực nhằm mục đích tiêu diệt những người cánh tả. Ở Trung Mỹ, tổng số nạn nhân bị CIA giết chết chỉ riêng dưới chính quyền Tổng thống Reagan đã vượt quá 150.000 người. CIA còn thành lập Ansesal và các mạng lưới khủng bố khác ở El Salvador, Guatemala (Ansegat) và Nicaragua (Ansenic). Các biệt đội tử thần của Honduras hoạt động mạnh trong thập niên 80, trong đó nổi tiếng nhất là Biệt đội 316 đã ám sát hàng trăm người bao gồm các giáo viên, chính khách và lãnh đạo công đoàn.

Biệt đội 316 được CIA huấn luyện và nuôi dưỡng, trong đó ít nhất 19 thành viên tốt nghiệp từ SOA. Ở Colombia, khoảng 20.000 người bị giết chết từ năm 1986 và nhiều chiến dịch hỗ trợ chống ma túy của Mỹ đã dẫn đến sự việc mà Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) gọi là "một trong những trận địa thảm sát tồi tệ nhất". Theo số liệu báo cáo của AI, từ năm 1966 - 1968 có khoảng 3.000 - 8.000 người bị các biệt đội tử thần giết chết tại Bolivia theo sự sắp đặt của CIA.

Cuốn sách "Liệu CIA có dính líu vào vụ ám sát JFK" của tác giả Kurt Nimmo.

Ở Ecuador, mỗi một trạm CIA đều có trong tay "lynx list", tức là bản danh sách (gồm từ 50 đến 500 tên) những nhà hoạt động cánh tả cần phải truy lùng bắt giữ. Trong các năm 1970 -1972, CIA giúp Uruguay thành lập Cơ quan Thông tin và tình báo (DII) để làm vỏ bọc hợp pháp cho các biệt đội tử thần cũng như tạo điều kiện cho các biệt đội của Brazil và Uruguay gặp nhau.

Ở Nicaragua, Mỹ cung cấp nguồn tài chính bất hợp pháp cho lực lượng Contra phản cách mạng lật đổ chính phủ nước này, thậm chí Tình báo Hải quân Mỹ còn lập bản danh sách những cá nhân cần được thủ tiêu khi Contra xâm nhập Nicaragua.

Ở Chile, từ 1970 - 1973, CIA bí mật tiến hành những chiến dịch lật đổ Tổng thống Allende và lập danh sách gồm 20.000 người cần tiêu diệt. Còn tại Haiti, biệt đội tử thần được CIA tài trợ và huấn luyện liên quan đến những vụ ám sát ít nhất 3.000 người. Trong hơn 30 năm, quân đội Mỹ và CIA đã giúp tổ chức, huấn luyện và tài trợ cho hoạt động của biệt đội tử thần ở El Salvador, và từ năm 1980 -1993 có ít nhất 63.000 công dân nước này bị giết chết. Đầu năm 1954, sau khi chính quyền dân chủ Jacobo Arbenz của Guatemala bị CIA lật đổ, Đại sứ Mỹ đã trao cho chính quyền mới của Armas bản danh sách những người chống đối cần tiêu diệt...

Ở Indonesia, từ năm 1965- 1966, Đại sứ quán Mỹ và CIA đã cung cấp cho quân đội chính quyền Suharto nước này danh sách những chiến binh PKI (đảng Cộng sản Indonesia) dẫn đến "một trong những vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất thế kỷ XX" - ước tính số người chết lên đến 1 triệu!

Ở Thái Lan, năm 1976, chính quyền quân sự nước này sử dụng các lực lượng được CIA huấn luyện để trấn áp phong trào biểu tình của sinh viên học sinh trong nước, hai biệt đội cánh hữu chống khủng bố bị nghi ngờ dính líu đến những vụ ám sát được CIA sắp đặt.

Ở Iran, CIA tiến hành một cuộc đảo chính trao quyền lực vào tay quốc vương và giúp thành lập đơn vị cảnh sát mật gọi là SAVAK để trao đổi thông tin tình báo với CIA, đồng thời lập danh sách ám sát những thành viên của đảng Cộng sản Tudeh. Nhiều năm sau, vào năm 1983, CIA trao cho chính quyền Khomeni bản danh sách những điệp viên KGB của Liên Xô hoạt động ở Iran dẫn đến việc hành hình 200 nghi can và triệt hạ đảng Tudeh.

Iran buộc tội CIA đứng đằng sau vụ ám sát nhà khoa học Mostafa Ahmadi Roshan.

Năm 2001, trước khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9, chính quyền Tổng thống George W. Bush đã phái một đơn vị đặc nhiệm của quân đội Mỹ đến Philippines để giúp huấn luyện các lực lượng chống khủng bố chống lại các phần tử Hồi giáo ly khai bên trong các nhóm như Abu Sayyaf.

Tháng 2/2012, một cuộc tấn công của máy bay vũ trang không người lái (drone) nhằm vào Abu Sayyaf và các nhóm ly khai khác giết chết 15 người - đây được coi là lần đầu tiên drone sát thủ được sử dụng ở khu vực Đông Nam Á.

Tên một đối tượng được đưa vào “danh sách” tiêu diệt ra sao?

Ngày 17/9/2001, Tổng thống George W. Bush đã ký một sắc lệnh bí mật cho phép CIA thành lập những đơn vị bán quân sự phục vụ chương trình săn tìm, bắt giữ, giam cầm hay giết chết được thiết kế nhằm tiêu diệt những phần tử khủng bố ở khắp nơi trên toàn cầu. Số lượng drone trong kho vũ khí của Mỹ tăng từ 60 đến hơn 6.000 chiếc trong vòng 10 năm và ngân sách dành cho vũ khí chết người này cũng tăng từ 350 triệu USD lên 4,1 tỉ USD!

Trong cuộc chiến drone, các cơ quan an ninh Mỹ sở hữu ít nhất 3 "kill list" riêng biệt - bao gồm tên tuổi và chi tiết về nhân thân của nhiều người cũng như các phần tử khủng bố. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) giữ một bản và danh sách được xem xét lại trong mỗi cuộc họp hàng tuần có sự tham dự của tổng thống và phó tổng thống Mỹ. CIA giữ một bản khác nhưng không có sự nhập dữ liệu từ NSC hay Bộ Quốc phòng Mỹ. Bản thứ 3 thuộc về quân đội Mỹ và Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt phối hợp (JSOC).

Theo giới chức tình báo và quân đội Mỹ, có nhiều loại giấy phép khác nhau cấp cho các chiến dịch giết người này, tùy theo cơ quan liên quan và vị trí của mục tiêu. Một số mục tiêu ám sát thuộc quyền quyết định của cấp chỉ huy chiến thuật mà không cần sự phê chuẩn từ bên trên, trong khi một số mục tiêu khác không được giết chết nếu không có sự cho phép từ chỉ huy cao cấp của quân đội hoặc thậm chí sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ. Và một số mục tiêu khác nữa chỉ được phép tiêu diệt với sự phê chuẩn của tổng thống. Như ở Somalia - nơi không có chính quyền hiệu quả, sứ mạng ám sát được Nhà Trắng phê chuẩn phải được thực hiện dưới sự phối hợp của CIA và JSOC để xác định chính xác mục tiêu để không giết lầm người.

Còn ở Yemen - nơi chính quyền của Ali Abdulah Saleh cho phép CIA và JSOC hoạt động, sự phê chuẩn được ủy quyền cho bộ phận chỉ huy trong khu vực. Tuy nhiên ,đối với trường hợp Pakistan (nơi người dân chống đối mạnh mẽ những chiến dịch drone của Mỹ), vào tháng 8/2010, Giám đốc CIA Leon Panetta ra thông báo cá nhân ông sẽ phê chuẩn mọi cuộc tấn công bằng drone.

Patrice Lumuba (2/7/1925 – 17/1/1961), Thủ tướng hợp pháp đầu tiên của Cộng hòa Congo bị CIA ám sát cách đây hơn 50 năm.

Tiến trình đưa tên tuổi một cá nhân vào "kill list" của CIA diễn ra tại tổng hành dinh ở Langley. Tại đó, các chuyên gia phân tích và điệp viên của Trung tâm chống khủng bố (CIC) sẽ nghiền ngẫm các báo cáo đến từ những người đưa tin và các cơ quan tình báo nước ngoài, cũng như dữ liệu nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).

CIC cũng bỏ ra nhiều giờ để xem các hình ảnh video của CIA hay do các lực lượng đặc nhiệm quân đội Mỹ cung cấp; chúi mũi vào những hình ảnh vệ tinh và thu thập thông tin từ những chuyên gia quan sát thực địa. Và đôi lần trong tháng, một tập giấy niêm phong đóng dấu "tuyệt mật" của CIC được chuyển giao đến tổng cố vấn John Rizzo của CIA. John Rizzo có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ mật gồm từ 2 đến 5 trang, trong đó chứa đựng chi tiết về nhân thân của một đối tượng mà CIC muốn đưa vào "kill list" để tiêu diệt mà người này hoàn toàn không có cơ hội bào chữa hay nhận tội và đầu hàng! Thay vào đó, John Rizzo cũng như các luật sư ở CIC và lãnh đạo Cơ quan Mật vụ Quốc gia (NCS) sẽ hành động như là thẩm phán đối với những hồ sơ khủng bố như thế này.

CIC của CIA được chính Tổng thống George W. Bush cho quyền quyết định có nên đưa tên tuổi một cá nhân nào đó vào "kill list" hay không; và trách nhiệm này được mở rộng dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Việc đưa tên tuổi một cá nhân vào "kill list" của CIA không được đưa ra bàn cãi trước nhóm 8 thành viên đặc biệt của Quốc hội Mỹ, được gọi là "Bộ 8 người" - bao gồm các lãnh đạo đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Thượng viện và Hạ viện cũng như chủ tịch và phó chủ tịch của các ủy ban tình báo Thượng viện và Hạ viện. CIA cũng không tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ cho chương trình hay để tiêu diệt một cá nhân nằm trong "kill list".

Các quan chức tình báo nằm trong tiến trình chọn lọc "kill list" của CIA cho biết không bao giờ có hơn 2 hoặc 3 cá nhân được đưa một lúc vào danh sách ám sát. Để "đề cử" một đối tượng nào đó vào "kill list", các chuyên gia phân tích của CIC phải nghiên cứu thật kỹ càng các báo cáo tình báo mà họ có trong tay về cá nhân này.

Mỗi tên tuổi trong "kill list" cũng được các luật sư của CIA xem xét lại vào mỗi 6 tháng, và cũng có một số đối tượng được đưa ra khỏi danh sách ám sát do thông tin về người này đã cũ. Yêu cầu quan trọng là đối tượng trong "kill list" phải được chứng minh là mối đe dọa cho nước Mỹ

Duy Ân - Thục Miên (tổng hợp)
.
.