Mỹ: Sử dụng “quân khuyển” để ngược đãi tù nhân

Thứ Hai, 27/03/2006, 08:11

Không chỉ Trung sĩ Michael J. Smith - huấn luyện viên "quân khuyển", bị kết tội ngược đãi tù binh tại Trại giam Abu Ghraib - phải ra trước vành móng ngựa. Ngay cả thượng cấp của anh ta cũng phải đối mặt với những câu thẩm vấn hóc búa chưa từng có từ trước tới nay.

Phiên tòa quân sự xét xử Trung sĩ Michael J. Smith, bắt đầu tiến hành trong tuần này tại căn cứ Fort Meade (bang Maryland, Mỹ), được ví như  một câu chuyện “chó cắn người” với những ngụ ý rất ngộ nghĩnh. Các công tố viên nói rằng Trung sĩ Michael J. Smith, 24 tuổi, người huấn luyện chó phục vụ cho quân đội (quân khuyển) tại căn cứ Ft. Lauderdale (bang Florida, Mỹ), đã hành hạ, khủng bố tinh thần và gây khiếp sợ các tù binh tại trại tù Abu Ghraib khét tiếng của Iraq. Bản cáo trạng kết án Smith về 11 điểm buộc tội bao gồm ngược đãi (5), bạo hành (4), thông đồng (2), bê trễ nhiệm vụ (1), và kết luận cuối cùng là có hành vi khiếm nhã với tù binh Iraq.

Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Smith sử dụng con chó chăn cừu đen gốc Bỉ tên Marco tại Abu Ghraib trong khoảng thời gian cuối năm 2003 đầu 2004. Cùng thời điểm đó, 7 hạ sĩ quan Mỹ khác cũng nhận án phạt vì phạm tội hành hạ tù binh Iraq. Cho dù vụ bê bối Abu Ghraib không còn nổi bật trên các trang nhất báo chí thế giới, nhưng phiên xử Smith lại khuấy động sự chú ý của dư luận quốc tế vì những đặc trưng nổi bật của nó.

Trong phiên xử Smith, luật sư biện hộ cho bị cáo đưa ra những tường trình do Đại tá quân đội Thomas Pappas, một sĩ quan tình báo quân sự cao cấp tại Abu Ghraib, thực hiện. Đại tá Pappas cho biết ông nhận lệnh từ Trung tướng Geoffrey Miller, một Tư lệnh tại Guantanamo, cũng là người lập ra cái gọi là luật thẩm vấn tại Abu Ghraib. Theo Pappas, Miller phê chuẩn việc sử dụng chó để khai thác thông tin từ các tù binh.

1 cảnh ngược đãi tù binh.

Trong một tường trình trước tòa vào ngày 25/1 sau khi được ban đặc ân miễn xử tội, Đại tá Pappas nói rằng cá nhân ông cho phép sử dụng chó trong khai thác thông tin ở một số tù binh, và việc ấy diễn ra chỉ ít ngày trước khi mấy bức ảnh phơi bày sự thật về chuyện ngược đãi tù binh Iraq được công bố, trong đó có bức ảnh chụp Smith dùng chó hù dọa một tù binh run sợ (cũng được đưa ra trong phiên tòa này làm bằng chứng). Tù binh trên bức ảnh đó, được nhận diện là mục tiêu tình báo cao giá, bị thẩm tra rất nhiều lần.

Công bố của Đại tá Pappas dường như trái ngược hẳn với những tài liệu do Trung tướng Miller công bố thay cho Ủy ban các Lực lượng Vũ trang thuộc Thượng viện (SASC), theo đó Miller chỉ cho phép sử dụng chó trong phạm vi an ninh mà thôi, chứ không dùng trong thẩm tra các tù binh. Bản thân Đại tá Pappas sẽ được triệu tập ra làm chứng trước phiên tòa của Smith (có thể kéo dài đến 2 tuần), nhưng Trung tướng Miller từ tháng trước đã sử dụng quyền miễn bị luận tội của mình và tuyên bố ông sẽ không xuất hiện trước tòa.

Chính sự tương phản lộ liễu giữa 2 sĩ quan chỉ huy cao cấp trong quân đội Mỹ đã khiến các nhà làm luật ở Quốc hội Mỹ “nóng mặt”. Ngày 14/3 vừa qua, Thượng nghị sĩ John Warner, Chủ tịch SASC, loan báo tại một phiên đối chất rằng ông hy vọng sẽ mời Trung tướng Miller ra đối chứng trước Ủy ban của ông vào một ngày không xác định.

Để tạo điều kiện cho Trung tướng Miller không thể trốn tránh trách nhiệm ra điều trần trước Ủy ban SASC, cả Chủ tịch Warner và Carl Levin (Nghị sĩ Dân chủ số 1 bang Michigan) mới đây tranh thủ yêu cầu quân đội Mỹ tạm hoãn kế hoạch cho phép Miller về nghỉ hưu. Còn về phần Đại tá Pappas, quân đội đã nêu hình thức kỷ luật khiển trách và phạt ông tội bê trễ nhiệm vụ hồi tháng 5/2005 về những tù binh bị ngược đãi ở Abu Ghraib.

Sau khi xong phiên tòa của Smith, đến lượt Trung sĩ Santos Cardona (đồng nghiệp với Smith ở Abu Ghraib) tiếp tục bị xét xử với những tội danh tương tự liên quan đến quân khuyển. Trung sĩ Cardona phủ nhận các tội danh áp đặt cho anh và hy vọng sẽ tranh luận trước tòa như Smith vậy! Trong vụ bê bối Abu Ghraib, cho đến nay chỉ có các hạ sĩ quan nhận các mức án tù giam, chua xót nhất có lẽ là Charles Graner  với mức án hơn 10 năm tù

Lệ Thiện (theo Time Online)
.
.