Mỹ: Sự thật phũ phàng của nền kinh tế phụ thuộc chiến tranh

Thứ Năm, 06/02/2014, 21:35

Tháng 1/1961, Tổng thống Mỹ Dwight D Eisenhower đã dùng lời từ biệt của ông để cảnh báo về những gì mà ông xem là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ: Sự kết hợp phức tạp giữa công nghiệp - quân sự bao gồm nhà thầu quân sự và vận động hành lang sẽ khiến cho chiến tranh xảy ra triền miên.

Eisenhower nói: “Một cơ sở quân sự rộng lớn và một nền công nghiệp vũ khí khổng lồ đã nổi lên để trở thành lực lượng giấu mặt trong nền chính trị Mỹ” và người dân Mỹ không phải ai cũng thấu hiểu “hàm ý” nghiêm trọng của nó. Hơn 50 năm sau, người Mỹ đã thấy rõ, trong khi chiến tranh dai dẳng tạo nên tổn thất vĩnh viễn cho nhiều gia đình, ngân sách quốc phòng Mỹ luôn được mở rộng, sự kết hợp phức tạp quân sự - công nghiệp mới được một kẻ thù cực kỳ mơ hồ và giấu mặt thúc đẩy: bọn khủng bố.

Cựu Tổng thống Mỹ George W Bush và các cố vấn của ông luôn gọi nỗ lực chống khủng bố là một "cuộc chiến". Đây là nỗ lực được các nhà lãnh đạo Mỹ như cựu Phó tổng thống Dick Cheney phối hợp thực hiện, chứ không phải của một số người có quyền lực miệng bô bô hùng biện nhưng sáo rỗng. Đó không chỉ là một cuộc chiến tối đa hóa sức mạnh cố hữu của tổng thống mà còn tối đa hóa ngân sách quốc phòng và an ninh nội địa Mỹ.

Liên minh mới nêu trên của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhà vận động hành lang  vượt qua "lằn ranh" mà Eisenhower đã từng cảnh báo người Mỹ: "Ngăn ngừa việc mua lại ảnh hưởng tùy tiện nhờ sự kết hợp phức tạp quân sự - công nghiệp. Trớ trêu thay, điều đó đã có một số ngày hoàng kim nhất dưới thời Tổng thống Barack Obama, người đã mở rộng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, sau được Quốc hội phê chuẩn, ông Obama đã tuyên bố đó là một cuộc chiến thật sự.

Trong khi chỉ có một vài nhà chính trị sẵn sàng thừa nhận điều đó, thì người Mỹ không chỉ phải chịu đựng chiến tranh mà dường như họ luôn bị chiến tranh bám riết - chí ít đối với một số người. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có gần 75% người Mỹ thất vọng đối với những cuộc chiến như thế, họ hầu hết xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động phổ thông. Những người dân này không cần đến chiến tranh. Nhưng trớ trêu thay, họ phải trả giá cho chiến tranh.

Nếu còn sống, Eisenhower có lẽ sẽ choáng váng về độ lớn của lực lượng lao động công nghiệp và chính phủ luôn duy trì chiến tranh và hoạt động chống khủng bố. Ngân sách quốc phòng và an ninh quốc nội bây giờ có thể hỗ trợ cho hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Hàng trăm tỉ USD mỗi năm vẫn chảy đều đặn từ ngân sách công để đổ vào các cơ quan an ninh - quốc phòng và nhà thầu quân sự -những người luôn miệng nói bảo vệ nước Mỹ, nhưng họ lại làm giàu nhờ chiến tranh.

Trên khắp nước Mỹ, nền kinh tế dựa vào chiến tranh có thể thấy rõ trong nền công nghiệp bao gồm mọi thành phần từ Cơ quan An ninh nội địa đến hội đồng tư vấn chống khủng bố cho đến sân bay do thành phần kinh tế tư nhân điều hành để phục vụ khách du lịch.

Gần đây, "quỹ đen" của chương trình tình báo mật tính riêng đã đạt dến 52,6 tỉ USD trong năm 2013. Đó chỉ là khoản tiền tính riêng cho chương trình bí mật, chẳng hạn như nghe lén, chứ ngân sách dành cho tình báo và phản gián còn lớn hơn nhiều. Mỹ có 16 cơ quan gián điệp sử dụng 107.035 nhân viên. Khoản tiền này được rút từ túi hơn 1 triệu lao động cho quân đội và cơ quan thực thi pháp luật nội địa Mỹ.

Cốt lõi của sự phức tạp đang được mở rộng này là một trục ảnh hưởng từ các tập đoàn kinh tế, nhà vận động hành lang và cơ quan nhà nước Mỹ đã tạo ra một nền công nghiệp khổng lồ "hút dưỡng chất" từ cuộc chiến chống khủng bố. Trong 8 năm qua, hàng ngàn tỉ USD đã chảy vào các cơ quan quân sự và an ninh nội địa Mỹ. Khi chính quyền Mỹ bắt đầu khai hỏa một cuộc chiến, chẳng hạn như ở Libya, thì đó là cơ may cho các công ty được giao nhiều hợp đồng để sản xuất vũ khí cho đến các bữa ăn sẵn.

Chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu cuộc chiến Libya, chính quyền Mỹ đã tiêu tốn khoảng 550 triệu USD. Số tiền đó bao gồm 340 triệu USD cho đạn dược, chủ yếu là tên lửa hành trình có thể tháo, lắp cơ động. Các đảng viên đảng Dân chủ không chỉ nhiệt tình ủng hộ cuộc tấn công Libya, mà họ còn để xuất một ủy quyền vĩnh viễn cho tổng thống để tấn công các mục tiêu được cho là có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố - một cuộc chiến chống khủng bố không ngừng.

Cơ quan An ninh nội địa Mỹ thậm chí còn cung cấp một tỉ suất lợi nhuận ổn định hơn. Theo Morgan Keegan, một tập đoàn quản lý tài chính và vốn đầu tư thì việc đầu tư vào các doanh nghiệp an ninh quốc gia có thể làm kinh tế Mỹ tăng trưởng thường niên 12% trong năm 2013 so với sự tăng trưởng của các thành phần kinh tế khác.

Hiện có hàng ngàn nhà vận động hành lang ở Washington để đảm bảo ngân sách dành cho chiến tranh và an ninh nội địa không ngừng được mở rộng. Một ví dụ điển hình: cựu Thư ký An ninh nội địa Mỹ-Micheal Cheroff đã thúc đẩy việc mua các máy quét toàn thân để sử dụng ở sân bay (thực tế rất ít khi phải sử dụng đến), vì động thái này, ông đã bị chỉ trích nặng nề.

Khi Cheroff trả lời hàng chục cuộc phỏng vấn để thuyết phục công chúng rằng máy móc rất cần thiết để chống lại các mối đe dọa khủng bố, nhiều người Mỹ đã không biết rằng nhà sản xuất loại máy quét đó là Tập đoàn Rapiscan - một đối tác làm ăn lâu năm với Tập đoàn Cheroff, cơ quan tư vấn kiêm an ninh mang lại nhiều lợi nhuận của ông.

Thư ký An ninh nội địa Mỹ - bà Jenet Napolitano.

Mỹ đã cắt giảm ngân sách các chương trình dành cho môi trường và xã hội hàng tỉ USD chuyển sang ngân sách chiến tranh để tiếp tục đáp ứng cái gọi là "những mối đe dọa mới. Với sự hậu thuẫn của một đội quân vận động hành lang và doanh nghiệp, các thành viên nội các Chính phủ Mỹ chẳng hạn như Thư ký An ninh nội địa - bà Jenet Napolitano sẽ luôn chiếm thế thượng phong ở Washington.

Khi người dân phàn nàn về chương trình giám sát con cái họ của tập đoàn TSA thì bà Napolitano đã cãi chày, cãi cối rằng: nếu dân Mỹ không muốn con, cháu mình bị theo dõi thì họ nên sử dụng máy dò toàn thân đã từng được người tiền nhiệm của bà là ông Cheroff rao bán.

Không chỉ các cơ quan quốc phòng và an ninh nội địa được hưởng lợi nhờ chiến tranh mà Bộ Tư pháp Mỹ cũng vớ bẫm. Một hệ thống chống khủng bố khổng lồ đã được tạo ra, sử dụng hàng chục ngàn nhân viên với hàng tỉ USD để tìm kiếm những kẻ khủng bố ngay ở nước Mỹ.

Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã tính đến mọi thứ từ các trường hợp nhập cảnh đơn thuần cho đến sử dụng thẻ tín dụng giả đều bị nghi dính dáng đến khủng bố để lục soát người dân và điều này chưa từng xảy ra kể từ chiến tranh Việt Nam. Xin lấy ví dụ, Bộ Tư pháp Mỹ từng tuyên bố đã phá vỡ một mạng lưới khủng bố lớn trong chiến dịch được mệnh danh "đốn sạch gỗ tuyết tùng", đã khiến nhiều người dân Liban bị kết án hoặc chết oan vì bị cáo buộc cung cấp tài chính cho bọn  khủng bố.

Kinh tế phụ thuộc vào chiến tranh của Mỹ là do chính trị nước này "ăn nhờ" chiến tranh. Thậm chí ngay cả khi các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy hầu hết nhân dân Mỹ kịch liệt phản đối tiếp tục dùng những đồng tiền mồ hôi, xương máu của họ để "nuôi" các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan thì sự kết hợp phức tạp quân sự - công nghiệp vẫn dễ dàng mọc lên như "nấm sau mưa" nhờ sự hỗ trợ ở cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Đó là minh chứng cho sức ảnh hưởng của liên minh này: hàng trăm tỉ USD đang được "đốt" ở chiến trường Afghanistan và Iraq trong khi đó Quốc hội Mỹ đang có kế hoạch cắt giảm hàng tỉ USD từ các chương trình xã hội cốt lõi, bao gồm cắt giảm ngân sách y tế dẫn đến việc thiếu hụt tài chính chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hàng ngàn binh sĩ Mỹ đã phải đổ máu, tại các chiến trường để "nuôi" các cuộc chiến đem lại lợi ích cho chính quyền và các doanh nghiệp quốc phòng.

Chiến tranh có thể là địa ngục đối với một số người (chẳng hạn lính Mỹ hay người dân ở Trung Đông), nhưng lại là thiên đường dành cho một số người khác (Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, các công ty sản xuất vũ khí), đó là sự thật phũ phàng về nền kinh tế phụ thuộc chiến tranh của Mỹ

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.