Tranh cãi giữa Tổng thống và cộng đồng tình báo Mỹ

Thứ Ba, 19/02/2019, 15:50
Tổng thống Donald Trump mới đây đã công khai chỉ trích, đồng thời gọi các cơ quan mật vụ Mỹ là “ngây thơ” trong việc đánh giá những mối đe dọa toàn cầu nhằm vào nước Mỹ. Cụ thể theo ý kiến của ông Trump, các cơ quan mật vụ đã không được đào tạo đến nơi đến chốn tại trường học, nên họ cần phải… quay trở lại đó.

Phát biểu trên đã gây ra những phản ứng khá quyết liệt từ một số nghị sĩ hàng đầu của cả hai đảng, cũng như của cựu giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), những người đã nhận xét rằng, tổng thống có “thói quen nguy hiểm bôi nhọ các cơ quan mật vụ chỉ vì lợi ích của riêng mình”.

Nguyên nhân của cuộc xung đột mới giữa Tổng thống Mỹ và các cơ quan mật vụ bắt nguồn từ bản báo cáo hàng năm về các mối đe dọa toàn cầu đối với nước Mỹ, do giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) và cộng đồng tình báo mới phối hợp soạn thảo và đệ trình lên. Gần như tất cả những kết luận cơ bản của bản báo cáo trên thực tế lại gần như trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố gần đây của tổng thống về chính sách đối ngoại, cũng như hàng loạt vấn đề khác.

Trụ sở DNI từ trên cao.

Chẳng hạn như trong phần báo cáo về các mối đe dọa toàn cầu, tổ chức khủng bố “Nhà nước hồi giáo” (IS) được đánh giá là vẫn còn hàng ngàn chiến binh trên lãnh thổ Syria và Iraq. Còn ông Donald Trump ngay từ giữa tháng 12-2018 vừa rồi đã tuyên bố, IS đã bị đánh bại và đó cũng là lý do khiến Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Syria.

Phần tiếp theo trong báo cáo khẳng định, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chưa chắc đã từ bỏ các tài nguyên, hệ thống cung cấp và tiềm năng sản xuất vũ khí hạt nhân của mình”. Trước đó, ông Trump trong cuộc gặp hồi tháng 6-2018 với ông Kim Jong-un đã tuyên bố rằng, họ đã thỏa thuận xong về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trước khi cả hai cùng bắt tay để thể hiện quyết tâm về thỏa thuận trên.

Liên quan đến vấn đề Iran, các tác giả của bản báo cáo đánh giá rằng, quốc gia trên “hiện tại không còn nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân, rằng họ đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, được ký kết từ thời ông Barack Obama”. Nhận định trên cũng trái ngược với quyết định của ông Trump vào tháng 5 năm ngoái nhằm xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, triển khai những biện pháp cấm vận mới cùng với cáo buộc quốc gia này vẫn đang bí mật làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Báo cáo của DNI còn chỉ ra mối đe dọa tiềm tàng đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 từ phía nước Nga – đối thủ được đánh giá rất có thể sẽ can thiệp vào Mỹ thông qua các mạng xã hội, lợi dụng “các vấn đề xã hội và chủng tộc, làm xói mòn lòng tin với chính quyền và chỉ trích các chính trị gia có quan điểm chống Nga”. Trong khi bản thân ông Trump đã vài lần chỉ trích những cáo buộc về âm mưu của Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 do các cơ quan mật vụ Mỹ đưa ra.

Chưa hết, đương kim Tổng thống Mỹ và các cơ quan mật vụ còn bất đồng về một vấn đề khác không liên quan gì tới chính sách đối ngoại. Như khẳng định của các tác giả bản báo cáo, tình trạng xuống cấp của môi trường sinh thái cùng với thay đổi khí hậu đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh của nước Mỹ, do có thể gây ra “nhiều bất đồng về tài nguyên thiên nhiên, các khó khăn về kinh tế và tình trạng bất bình trong xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo”. Tổng thống Donald Trump lại thường xuyên gọi vấn đề ấm lên trên toàn cầu chỉ là chuyện bịa đặt.

Sau khi tìm hiểu các kết luận của bản báo cáo, ông Trump đã ngay lập tức đưa ra những lời bình luận theo phong cách vốn có của mình trên Twitter: “Mối quan hệ Mỹ-Triều hiện nay đang tốt hơn bao giờ hết. Không còn bất cứ cuộc thử nghiệm nào, chúng ta đã nhận lại được hài cốt (của hai quân nhân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên trước đây), còn các con tin cũng được trả tự do. Khả năng phi hạt nhân hóa đang rất rõ ràng. Thời gian sẽ chứng minh mọi điều với Triều Tiên, nhưng cần nhớ là trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ của chính phủ tiền nhiệm, mối quan hệ giữa hai nước thật kinh khủng, luôn xảy ra những rắc rối nghiêm trọng. Còn giờ đây mọi chuyện lại hoàn toàn khác”. 

Nhưng các kết luận trong báo cáo về Iran đã khiến cho tổng thống Mỹ nổi xung thực sự, nói chung không còn những lời “khách sáo” như khi nói về CHDCND Triều Tiên nữa.

Những phát biểu công khai của ông Donald Trump trên mạng ngay lập tức gây ra một làn sóng phản ứng khá mạnh mẽ từ phía các chính trị gia. Nhiều nghị sĩ quốc hội của cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều đứng về phía cộng đồng tình báo để chỉ trích tổng thống. Như thượng nghị sĩ phe Dân chủ Mark Warner từ bang Virginia cũng công khai phản đối trên Twitter: “Tổng thống có một thói quen nguy hiểm là bôi nhọ các cơ quan mật vụ chỉ vì lợi ích riêng của mình. Trong khi mọi người thậm chí phải mạo hiểm mạng sống để khai thác được những thông tin tình báo trên, ông ấy lại lấy quẳng toẹt chúng lên trang Twitter của mình”.

Thủ lĩnh phe đa số của đảng Dân chủ tại Hạ viện là Steny Hoyer trong bài trả lời phỏng vấn của HillTV đã nhấn mạnh, tổng thống “đang phủ nhận gần như tất cả mọi vấn đề gay cấn về an ninh quốc gia”. “Thật đáng buồn. Đây là điều tồi tệ cho đất nước và cho cả các đồng minh của chúng ta, vì họ nghĩ rằng không còn có thể dựa vào chúng ta được nữa. Còn người đứng đầu Ủy ban tình báo của Hạ viện – nghị sĩ phe Dân chủ Adam Schiff – cũng công khai bênh vực và ủng hộ cộng đồng tình báo. Ông này chỉ trích tổng thống với nhận định, “mối nguy cơ thực tế lại nằm ở chỗ, Nhà Trắng không chịu nghe theo những báo cáo này”.

Thượng nghị sĩ phe Cộng hòa John Toon khi trả lời phỏng vấn hãng tin CNN lại có ý kiến chỉ trích khi cho rằng, Tổng thống cần bớt bày tỏ chính kiến trên Twitter, đặc biệt khi “có liên quan đến những vấn đề quan trọng của an ninh quốc gia”. Phản ứng nặng nề nhất có lẽ xuất phát từ cựu giám đốc CIA John Brennan, người từng nắm giữ cương vị này dưới thời ông Barack Obama.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.