Mỹ: Truy tố hai cha con nhà Nicholson vì hoạt động gián điệp

Thứ Sáu, 06/02/2009, 15:00
Các nhà chức trách Mỹ vừa bắt giữ một thanh niên 24 tuổi có tên Nathaniel James Nicholson vì bị nghi ngờ hoạt động gián điệp cho Nga. Vụ việc này có lẽ không thu hút được quá nhiều sự chú ý nếu như không có một chi tiết thú vị: Nathaniel chính là con trai của Harold James Nicholson, một cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương (CIA) đang phải ngồi tù vì tội cộng tác với tình báo Nga hồi giữa những năm 90 thế kỷ trước.

Cơ quan Phản gián Mỹ nghi ngờ rằng, chính Harold ngay trong tù đã tiếp tục chỉ đạo con mình tìm cách tiếp xúc với người Nga. Nếu sự thực đúng như cáo buộc trên, đây sẽ là một trường hợp chưa có tiền lệ trong lịch sử của các cơ quan mật vụ thế giới...

"Tôi tin đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, có một nhân vật hai lần bị buộc tội vì hoạt động gián điệp. Harold Nicholson khi đang ngồi tù vẫn có thể tiếp tục cộng tác với tình báo Nga nhờ sự giúp đỡ của gia đình mình" - David Miller, quan chức hàng đầu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tại bang Oregon đã bình luận về vụ việc trên như vậy. Thực ra, đây có thể coi là trường hợp độc nhất vô nhị không chỉ đối với nước Mỹ, mà còn đối với toàn bộ lịch sử của hoạt động tình báo thế giới.

Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước Harold Nicholson 58 tuổi, đã trở thành nhân vật trung tâm của một trong những vụ bê bối gián điệp ầm ĩ nhất tại Mỹ. Nicholson khi đó từng là một nhân viên của CIA. Trong suốt 15 năm làm việc cho cơ quan này, ông ta đã tham gia nhiều sứ mạng tại Philippines, Thái Lan, Nhật, và vào năm 1990 còn là điệp viên tại Bucharest (Rumani). Năm 1992, Harold được cử tới Kuala-Lumper (Malaysia) với cương vị phó chỉ huy bộ phận tình báo của CIA tại đây để tìm cách tuyển mộ một nhân viên của Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR). Tuy nhiên, mọi chuyện trên thực tế lại diễn ra ngược lại với kịch bản từ trước: Harold đồng ý cộng tác với tình báo Nga.

Sau khi trở về Mỹ vào năm 1994, Harold Nicholson đảm nhận vị trí huấn luyện nghiệp vụ tại "The Farm", một trại đào tạo của CIA ở Williamsburg (bang West Virginia), làm việc trực tiếp với các điệp viên trẻ tuổi của Mỹ. Nhờ đó, Harold có thể biết được rất nhiều thông tin về những nhân viên trẻ của CIA đang được đào tạo chuẩn bị cho hoạt động tình báo. Đến năm 1995, Harold bắt đầu bị nghi ngờ vì không qua được thủ tục kiểm tra trên máy phát hiện nói dối, trước khi bị bắt vào năm 1997 vì cáo buộc hoạt động gián điệp. Trong thời gian cộng tác với SVR, Harold đã kịp cung cấp cho phía Nga toàn bộ thông tin về mạng lưới tình báo của CIA tại Moskva để kiếm được khoảng hơn 300 ngàn USD tiền thưởng. Vì những tổn thất lớn gây cho nước Mỹ, Nicholson đã phải nhận bản án 23 năm tù. Cuộc đời của Harold Nicholson về sau còn trở thành đề tài cho bộ phim nổi tiếng "The Recruit" của Hollywood với ngôi sao Al Pacino trong vai chính.

Dù đã phải vào tù, Harold vẫn quyết định khôi phục lại liên lạc với SVR nhằm kiếm thêm tiền từ một số thông tin còn chưa kịp chuyển giao. Ban đầu, ông này định thông qua những người bạn tù để liên lạc với các đại diện của Nga. Khi không thành công, Harold quyết định lôi kéo cậu con trai Nathaniel của mình - người thường xuyên vào tù thăm nuôi cha - vào sứ mạng nhạy cảm này. Được biết là Nathaniel Nicholson trước đó từng là lính nhảy dù phục vụ trong quân đội Mỹ, trước khi tham gia học kỹ sư cơ khí tại Lane Community College.

Mật vụ Mỹ khẳng định, trong một lần gặp gỡ, Harold đã trao cho con trai số điện thoại để bắt liên lạc với các đại diện của tình báo Nga. Thế là theo nhiệm vụ của bố giao,  Nathaniel đã tìm cách liên hệ với SVR, nhiều lần gặp gỡ trực tiếp với các đại diện của Nga tại San-Francisco, Mexico, Lima (Peru) và tại cả đảo Sip vào tháng 12/2008. Nathaniel Nicholson cũng bắt đầu bị nghi ngờ từ một năm trước đây, khi FBI bắt đầu tổ chức theo dõi, thậm chí còn sao chép lại được cuốn sổ tay của anh ta có ghi lại các cuộc tiếp xúc với các nhà ngoại giao Nga cùng những mật mã được sử dụng.

Vì những hoạt động trên, cậu con trai của cựu điệp viên hoạt động cho Nga cũng nhận được hơn 35 ngàn USD tiền thưởng. Toàn bộ số tiền trên được cậu ta trao cho ông bà nội, lúc này đã ngoài 90 tuổi, cất giữ. Điều tra cho thấy, Nathaniel dường như còn xin người Nga được cả "lương hưu" dành cho cha mình, người có dự định sau khi được trả tự do sẽ sang Nga để sinh sống. SVR còn quan tâm đến những chi tiết có thể cho biết CIA bằng cách nào đã lần ra được Nicholson cha. 

Như vậy là cho tới khi hai cha con nhà Nicholson cùng bị bắt, sứ mạng tình báo của Harold Nicholson phải sau 12 năm ngồi tù mới thực sự chấm dứt. "Những lời buộc tội trên đã nhắc nhở về mối đe dọa thường xuyên từ phía các cơ quan tình báo nước ngoài" - Matthew Olsen, quan chức đại diện Cơ quan công tố Mỹ đã bình luận như trên về vụ của gia đình nhà Nicholson.

Theo đại diện Bộ Tư pháp Mỹ, cha con nhà Nicholson sắp tới sẽ phải đối đầu với một loạt cáo buộc liên quan tới các tội danh gian lận, hoạt động gián điệp cho nước ngoài và cả rửa tiền. Nếu bị tòa án thừa nhận tất cả những tội danh trên, cha con nhà Nicholson rất có thể sẽ phải đương đầu với bản án tối đa lên tới 100 năm tù

Thái quân (tổng hợp)
.
.