Mỹ: Tuyển mộ điệp viên từ các trường đại học

Thứ Hai, 04/08/2014, 18:25

Tháng 7/2005, một nhóm sinh viên được chọn lọc để tham gia chương trình hè kéo dài 1 tuần gọi là "Spy Camp" (Trại hè điệp viên) tổ chức ở khu vực Washington DC. Nội dung chương trình bao gồm: chuyến du hành tìm hiểu trụ sở chính của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Langley bang Virginia, một bài tập "mô phỏng tình báo" và cuộc tham quan International Spy Museum (Nhà Bảo tàng gián điệp quốc tế) được xây dựng với kinh phí lên tới 35 triệu USD.

Theo trang web của Spy Museum, khách tham quan được lựa chọn 3 trò chơi điệp viên trong đó các đội tranh tài "từ phá mật mã cho đến thể hiện những chiêu trò đánh lừa… Mỗi đội sẽ được trang bị một túi đựng các bí quyết giúp xử lý những tình huống thách thức" có thể tìm thấy trong nhà bảo tàng. Bề ngoài, chương trình có vẻ như trò chơi vui nhộn thông thường, nhưng đối với một số người, "Spy Camp" chứa đựng dụng ý khác.

Chương trình Spy Camp được phối hợp thực hiện bởi Đại học Trinity Washington - trường có số lượng nữ sinh viên đông đảo - và Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) nhằm mục đích tạo ra một "Trung tâm học thuật ưu tú của cộng đồng tình báo" hay IC Center.

Theo DNI, mục đích của chương trình IC Center là tìm kiếm những điệp viên tương lai cho CIA, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) cũng như hàng chục tổ chức khác lập thành "cộng đồng tình báo" Mỹ.

Ý  tưởng thành lập các chương trình IC Center trên khắp nước Mỹ xuất hiện từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc. Đồng thời, Quốc hội Mỹ cũng thông qua Luật Cải cách tình báo và Ngăn ngừa khủng bố.

Tại Hạ viện trước khi thông qua luật, bà Jane Harman - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện tuyên bố: "Chúng ta không còn có thể trông cậy vào một cộng đồng tình báo mà phần đông thành viên là nam giới và người da trắng để giám sát cũng như thâm nhập các tổ chức khủng bố. Chúng ta cần các điệp viên trông giống như các mục tiêu, các sĩ quan CIA nói được các thổ ngữ mà bọn khủng bố sử dụng, và đặc vụ FBI nói chuyện được với những phụ nữ Hồi giáo bị nam giới đe dọa". Qua đó, các nhà thiết kế chương trình hướng đến các sinh viên thuộc tầng lớp người thiểu số Mỹ gốc Phi hay Latinh để tuyển mộ các điệp viên có khả năng "giám sát và tiếp cận" mục tiêu.

Khuôn viên Đại học Trinity Washington.

Từ năm 2005, IC Center của Đại học Trinity Washington thành lập sự kiện Spy Camp và kể từ đó chương trình được thực hiện vào dịp hè mỗi năm. Năm 2006, DNI mở rộng IC Center (trong đó bao gồm Spy Camp) và hiện nay đã có tổng cộng 21 trường đại học trên khắp nước Mỹ có chương trình như thế. Điều đáng nói là phần lớn các trường đại học này có số lượng đông đảo sinh viên thuộc cộng đồng người thiểu số đáp ứng yêu cầu trọng tâm của các nhà thiết kế IC Center. Hàng chục triệu USD được đầu tư vào các IC Center, với một số trung tâm nhận được các khoản trợ cấp tư nhân lên đến 750.000 USD!

Theo tờ Washington Post, DNI còn có kế hoạch mở rộng chương trình đến với 20 trường đại học khác ở Mỹ vào năm 2015. Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ bơm những khoản tiền khổng lồ vào những chương trình đặc biệt phục vụ cho lợi ích của họ. Năm 1958, Luật Giáo dục Quốc phòng (NDEA) đã dẫn đến sự thành lập hàng chục chương trình nghiên cứu ngôn ngữ và các khu vực tập trung vào các mục tiêu nước Nga, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Tuy nhiên, các chương trình còn mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các lĩnh vực như khoa học xã hội.

Dường như các chương trình của DNI đã có kết quả tốt. Nhiều sinh viên đã bày tỏ ý muốn trở thành điệp viên hay gia nhập hàng ngũ của FBI. Các chuyên gia phân tích cho rằng sinh viên muốn gia nhập cộng đồng tình báo để được đi đây đi đó, trải nghiệm những thách thức và  phục vụ đất nước. Ban quản lý các trường đại học đánh giá cao các IC Center vì nhiều lý do khác - như là nhận được tiền tài trợ đồng thời giúp sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhưng, một số người cũng nhấn mạnh vai trò của các điệp viên có kiến thức đầy đủ về văn hóa và sắc tộc của các nước khác để có thể hoạt động dễ dàng hơn trong môi trường hải ngoại.

Giáo sư David Padgett thuộc Đại học Norfolk phát biểu với tờ Diverse Online: "Chúng ta đã nhìn thấy lỗ hổng. Để có được nhân lực đa dạng trong lĩnh vực tình báo, các tổ chức của chúng ta phải có nhân viên thuộc tầng lớp người thiểu số phục vụ".

Nhà kinh tế học Dennis Soden và Giám đốc Viện Chính sách và Kinh tế Đại học Texas tại El Paso - nơi được tài trợ thành lập IC Center - cho biết trong cộng đồng tình báo Mỹ trước đây, đại đa số nhân viên là người da trắng nên khó hoạt động trong các môi trường người da màu.

Hiện nay, gần như các trường đại học Mỹ nhận được tài trợ thành lập IC Center đều sáng tạo thêm nhiều chương trình ngoại khóa mở rộng hấp dẫn. Ví dụ, Đại học Norfolk với bài huấn luyện yêu cầu sinh viên sử dụng thiết bị định vị toàn cầu GPS để xác định vị trí của 10 "vũ khí hủy diệt hàng loạt" mô phỏng giấu trong thành phố. Tên gọi "Spy Camp" cũng được thay đổi ở nhiều nơi thành "Nghiên cứu tình báo mùa hè".

Ngoài ra, các cơ quan như CIA, Bộ An ninh Nội địa (DHS), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) cũng lập các trang web gọi là "Kids' Page" dành cho những trẻ em đam mê nghề điệp viên

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.