Mỹ: Vai trò của Giám đốc tình báo Quốc gia

Thứ Tư, 22/04/2009, 21:25

Như thường lệ vào đầu tháng 4 này, Tổng thanh tra thuộc Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (ODNI – Office of the Director of National Intelligence) lại đệ trình lên Quốc hội Mỹ bản báo cáo về tình hình trong cộng đồng tình báo nước này.

Những nội dung trong bản báo cáo năm nay cũng như vài năm trước về ODNI vẫn cho thấy, “ông vua tình báo Mỹ” và các cơ quan mật vụ khác cho tới giờ vẫn chưa học được cách chia sẻ thông tin với nhau, trong khi bản thân ODNI vẫn đang tự trói mình bởi cung cách hành động đầy tính quan liêu…

Chiếc ghế giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ được phê chuẩn trong bối cảnh đỉnh điểm của “cuộc chiến chống khủng bố” bắt đầu ngay sau vụ khủng bố 11/9/2001. Trước đó, Giám đốc CIA vẫn mặc nhiên được nhìn nhận là người đứng đầu cộng đồng tình báo Mỹ. Với quyết định khi đó, chính quyền Bush hy vọng, vị trí đặc biệt của “ông vua tình báo” do họ dựng lên có thể xóa bỏ được tình trạng đối đầu ngấm ngầm giữa các cơ quan tình báo, phối hợp hoạt động của họ và xây dựng một chính sách tình báo quốc gia thống nhất.

Đề xuất về chiếc ghế mới này lần đầu được nhắc đến trong báo cáo kết luận của Ủy ban đặc biệt Điều tra về khủng bố tại Washington và New York, vốn được thành lập với nhiệm vụ làm rõ những thất bại trong lĩnh vực tình báo trước thời điểm diễn ra vụ 11/9. Vị trí giám đốc Tình báo quốc gia về sau đã được đưa vào đạo luật về cải cách tình báo và ngăn ngừa khủng bố, chính thức có hiệu lực từ năm 2004.

Theo quyết định mới này, dưới sự bảo trợ của “ông vua tình báo” sẽ có tổng cộng 16 cơ quan mật vụ Mỹ. Ngoài CIA là cơ quan độc lập, tất cả những cơ quan còn lại đều nằm trong thành phần các bộ của chính phủ liên bang. “Ông vua” đầu tiên chính là nhà ngoại giao John Negroponte được Tổng thống Bush bổ nhiệm vào tháng 2/2005 và được Thượng viện phê chuẩn vào tháng 4/2005. Thay thế Negroponte sau đó là Phó đô đốc về hưu Mike McConnell, được bổ nhiệm từ đầu năm 2007.

Trong suốt quá trình hoạt động kể từ khi được thành lập, ODNI đã không ít lần phải hứng chịu những chỉ trích từ phía các nhà làm luật, những người cho rằng dù bộ máy của “ông vua” vẫn phình ra đều đều, nhưng sự phối hợp như mong đợi trong nội bộ cộng đồng tình báo Mỹ vẫn chưa thể có. Những hạn chế trên có thể thấy rõ trong bản báo cáo do McConnell chuẩn bị ngay từ tháng 11/2008 và mới được đệ trình lên Quốc hội. Cho đến lúc này, chiếc ghế nóng trên vị trí lãnh đạo cộng đồng tình báo Mỹ tiếp tục đổi chủ, sau khi Tổng thống Barack Obama thay thế  McConnell bằng vị đô đốc đã về hưu Dennis Blair.

“Ở một khía cạnh nào đó, việc thành lập ra ODNI tương tự như việc sáp nhập các tập đoàn kinh tế. Trên thực tế đã có rất nhiều và rất nhiều những vụ sáp nhập đã diễn ra không thành công” – đó là phát biểu của Tổng thanh tra  Edward Maguire khi nói về những hạn chế của ODNI trước Ủy ban Hạ viện về tình báo. Tại Mỹ, các văn phòng tổng thanh tra chính là các bộ phận giám sát tồn tại ở tất cả các bộ và cơ quan cấp liên bang, và ODNI cũng không phải là một ngoại lệ.

Maguire và các nhân viên của ông có nhiệm vụ phân tích hoạt động của ODNI, thu thập những ý kiến phàn nàn của các đại diện trong cộng đồng tình báo, thậm chí thăm dò ý kiến các nhân viên của “ông vua”. Bản báo cáo với tên gọi “Những khó khăn nghiêm trọng nhất của việc điều hành cộng đồng tình báo” được đánh giá là báo cáo chi tiết đầu tiên phê phán hoạt động của ODNI “từ trong nội bộ”. Giờ đây người ta mới biết rằng, thậm chí nhiều nhân viên của ODNI cũng không hiểu rõ vai trò của cơ quan mình và không thể diễn đạt đầy đủ những nhiệm vụ của nó.

Trong bối cảnh như vậy thì chẳng có gì ngạc nhiên khi những cuộc đối đầu nội bộ giữa các cơ quan mật vụ, cũng như truyền thống bảo vệ “khu vực ảnh hưởng” của riêng mình vẫn còn tồn tại trong cộng đồng tình báo. Ngoài ra, những quan chức hay nhân viên không muốn hợp tác với các đồng nghiệp từ những cơ quan tình báo khác vẫn chẳng bị khiển trách hay kỷ luật gì.

Một mối nguy khác được vạch ra trong báo cáo là khả năng điều hành kém cỏi đối với ngân sách tình báo, vốn đã tăng lên rất nhanh kể từ khi bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố. Các số liệu báo cáo cho thấy, các cơ quan mật vụ đều không thể báo cáo chi tiết về các khoản chi tiêu ngân sách của mình, một nguyên nhân khiến các nhân viên ODNI cũng gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành. Hậu quả là họ tham gia điều hành ngân sách chủ yếu theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” mà chẳng có kế hoạch hay định hướng rõ nét nào.

Về phần mình, đa phần các thành viên trong cộng đồng tình báo dần có cảm tưởng cho rằng, ODNI đơn giản chỉ là một “tầng lớp quan liêu bổ sung mới” làm phức tạp thêm hoạt động của họ.

Tân Giám đốc tình báo quốc gia đã tuyên bố, đang lập kế hoạch cho những thay đổi căn bản dựa trên những điểm yếu đã được nhắc tới trong bản báo cáo vừa qua. Ông Dennis Blair cũng có ý nói rằng, sẽ tập trung thời gian nhiều hơn cho việc lãnh đạo cộng đồng tình báo, đồng thời giảm bớt chức năng cố vấn cho tổng thống, dù trên danh nghĩa “ông vua tình báo” vẫn là một cố vấn chủ chốt của người đứng đầu đất nước. Người tiền nhiệm Mike McConnell của ông Blair trước đây đã không ít lần phàn nàn rằng, việc phải tập trung cho những bản báo cáo hàng ngày trình lên Nhà Trắng đã khiến ông ta không có đủ thời gian thực thi những nhiệm vụ chính của mình. Nhu cầu “giảm tải” cho “ông vua tình báo” cũng được tổng thanh tra Maguire nhắc tới trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội.

Cũng theo nhân vật này thông báo, tình hình kể từ tháng 11 đã có một vài thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, chẳng hạn như ODNI đã xây dựng được những nguyên tắc mới trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo. Dù sao, khả năng tồn tại hay không của chiếc ghế giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ vẫn đang là một câu hỏi lớn cần có thời gian để tìm ra đáp án

Thái Quân (tổng hợp)
.
.