Mỹ: Vụ bê bối “xào nấu” báo cáo tình báo

Thứ Sáu, 18/09/2015, 10:00
Tổng thanh tra của Lầu Năm Góc đang tiến hành cuộc điều tra đối với Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) để làm rõ các cáo buộc cơ quan này đã bóp méo, chỉnh sửa các báo cáo tình báo về cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) theo hướng “tô hồng”, khiến cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định không đúng về chiến lược chống IS.

Theo tờ New York Times của Mỹ số ra ngày 25/8, cuộc điều tra bắt đầu được tiến hành sau khi một nhà phân tích tình báo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) tố giác với cơ quan chức năng rằng, anh ta đang nắm trong tay bằng chứng về việc các quan chức ở CENTCOM - cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát chiến dịch oanh kích IS - đã chỉnh sửa, "chế biến lại" các kết luận đánh giá tình báo trước khi chuyển đến cho các nhà hoạch định chính sách, kể cả Tổng thống Barack Obama.

Lời tố giác không nêu chi tiết các hoạt động "xào" báo cáo tình báo nêu trên, chẳng hạn như ai đã thực hiện việc "xào" và việc đó xảy ra từ lúc nào. Chủ yếu cuộc điều tra nhắm vào Steven Grove, người đứng đầu bộ phận tình báo của CENTCOM, và cấp phó là Greg Ryckman. Hai ông này là những người chịu trách nhiệm chính đối với các báo cáo tình báo trước khi gửi cho Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Cách xử sự của Grove và Ryckman, đặc biệt là việc Ryckman "chỉnh sửa nội dung" kết luận báo cáo theo hướng tích cực hơn, tươi sáng hơn, đã gây nên làn sóng bất bình trong các nhà phân tích tình báo của CENTCOM.

Mỹ có nhiều cơ quan khác nhau cung cấp báo cáo đánh giá tình báo. Thông thường thì các cơ quan có nhận xét góp ý cho bản dự thảo báo cáo lẫn nhau, và việc các cơ quan có quan điểm khác nhau là chuyện bình thường. Điều không bình thường chính là việc cơ quan Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ điều tra sai phạm trong báo cáo tình báo, bởi nó thuộc phạm vi thẩm quyền của Tổng thanh tra tình báo.

Theo luật của Mỹ, khi phát hiện có sai phạm thì các nhà phân tích tình báo phải báo cáo vụ việc cho Tổng thanh tra của cộng đồng tình báo Mỹ. Nếu có bằng chứng chắc chắn về sai phạm thì anh ta phải trực tiếp giải trình vụ việc trước các Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện. Điều này đã được thực hiện trong khoảng thời gian trước khi Tổng thanh tra Lầu Năm Góc mở cuộc điều tra.

Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper đang bị nghi có liên quan trong vụ "xào nấu" báo cáo tình báo.

Hơn một năm qua, chiến dịch ném bom  và các mục tiêu của IS do Mỹ cầm đầu liên quân đã đạt được một số kết quả tích cực, giúp quân đội Iraq lấy lại một phần lãnh thổ quốc gia bị IS chiếm đóng, nhưng các thành phố quan trọng như Mosul và Ramadi vẫn còn nằm trong tay IS. Còn ở Syria, chiến dịch triển khai chậm, hầu như chưa lấy lại được phần lãnh thổ nào do IS chiếm đóng, thậm chí ngày càng mất nhiều thêm, do Mỹ hạn chế ném bom ở Syria.

Vụ bê bối bóp méo, làm sai sự thật tình báo đã khiến mọi người đặt nhiều câu hỏi về định hướng của Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Bởi Tổng thống Obama và những nhà hoạch định chính sách khác luôn dựa chủ yếu vào các báo cáo tình báo để hoạch định chính sách chống IS, vì vậy nếu báo cáo tình báo  bị "xào nấu", chỉnh sửa làm sai lệch các con số, dữ liệu so với thực tế, thì Tổng thống Obama có nguy cơ đưa ra các quyết định chính sách sai.

Sai phạm được cho là bắt nguồn từ việc các quan chức quân đội Mỹ có xu hướng tô hồng tình hình thực địa chống IS. Chẳng hạn, cuối tháng 7/2015, tướng John Allen, Đặc phái viên của Tổng thống Obama tham gia phối hợp với liên minh quốc tế chống IS, đã phát biểu trước Diễn đàn An ninh Aspen rằng đà tiến quân của IS đã "bị chặn đứng cả về mặt chiến lược, hoạt động lẫn chiến thuật". "IS đang thua" - ông Allen nói.

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng 8/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cũng đưa ra quan điểm "tin tưởng rằng chúng ta sẽ thành công trong việc đánh bại IS, và tin tưởng rằng chúng ta có một chiến lược đúng đắn". Tuy nhiên, trái với quan điểm đó, trong các báo cáo đánh giá tình báo gần đây, trong đó có báo cáo của DIA, đã phác họa một bức tranh xám xịt cho thấy IS đã "suy yếu" rất ít trong một năm qua. Báo cáo đã kết luận rằng chiến dịch không kích chẳng làm hao tổn mấy tay súng cốt cán nhất, và thay vì bị chặn bước tiến, IS đã ngày càng mở rộng sang Bắc Phi và Trung Á.

IS ngày càng mở rộng địa bàn lãnh thổ chứ không suy yếu như báo cáo.

Giới chuyên gia đã nhận định ngay từ đầu rằng, chiến dịch ném bom không có sự phối hợp hỗ trợ của lực lượng bộ binh và tình báo con người trên mặt đất thì khó mà xoay chuyển được tình thế, khó mà đánh bại được IS. Đây chính là cơ sở để phản bác các báo cáo tình báo được tô hồng.

Ngày 12/9, báo chí lại rộ lên chi tiết về những cuộc tiếp xúc riêng "rất khác thường" giữa Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) James Clapper với tướng Grove. Theo tờ The Guardian, ông Clapper hầu như ngày nào cũng có cuộc tiếp xúc với tướng Steven Grove. Người ta đặt câu hỏi: "Ông Clapper đã nói những gì với Grove?". Theo thông tin trên báo chí, ông Clapper đã hỏi tướng Grove về quan điểm của tướng Grove ra sao về tình hình cuộc chiến chống IS, đồng thời hỏi tướng Grove về quan điểm của CENTCOM.

Ông Clapper nắm giữ chức vụ cao hơn tướng Grove mấy bậc, do đó dư luận cho rằng việc ông đặt ra các câu hỏi như thế có thể tạo ra một áp lực lớn đối với người ở cấp bậc thấp hơn là Grove. Các chuyên gia nghi ngờ rằng, có khả năng ông Clapper đang có ý định "thao túng" thông tin tình báo.

Họ không nói thẳng là Clapper đã ra lệnh cho tướng Grove thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tình báo, nhưng thẳng thắn cảnh báo ông Clapper rằng động thái của ông có thể tạo ra một "hiệu ứng Cheney" - tác động lên Grove làm thay đổi nội dung báo cáo tình báo theo ý muốn chủ quan của mình, giống như Phó tổng thống Dick Cheney từng tác động lên CIA trước khi Mỹ đưa quân vào Iraq.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.