Mỹ: Xét xử cướp biển Somali

Thứ Sáu, 01/04/2011, 15:35

Tại Mỹ vừa hoàn tất một phiên tòa đặc biệt xét xử 5 công dân Somali với tội danh dám tấn công cướp một chiếc tàu hải quân của quốc gia này. Theo đó, tòa án tại Norfolk (bang Virginia) đã phán quyết một mức án hết sức nghiêm khắc - chung thân đối với tất cả các bị cáo, chưa kể mức 80 năm tù bổ sung, tất cả đều không được giảm án.

Sự kiện trên còn đi vào lịch sử với tư cách phiên tòa đầu tiên xét xử tội cướp biển tại Mỹ trong hai thế kỷ gần đây...

Có thể nói, 5 tên cướp biển Somali đã phải nhận bản án hết sức nghiêm khắc trên là do... quá cẩu thả nên chọn sai mục tiêu. Sự kiện dẫn tất cả những tên này tới nhà tù của Mỹ diễn ra hồi tháng 4/2010. Khi đó Mohammed Hassan Modin, Gabulov Abdullah Ali, Abdi Wali Dire, Abdi Mohammed Gurewardher và Abdi Mohammed Umar bắt đầu ra khơi trong một chuyến săn lùng những mục tiêu cướp bóc mới. Chẳng bao lâu, trước mắt chúng xuất hiện một con tàu lớn, trong đêm tối không nhìn rõ hình thù cũng như tên ghi bên hông tàu. Những tên cướp biển - chỉ trang bị súng tiểu liên Kalasnikov và súng phóng lựu - quyết định tấn công con tàu trên.

Áp sát con tàu bằng xuồng máy, những tên cướp vẫn áp dụng chiến thuật quen thuộc là vãi đạn vào mục tiêu nhằm làm cho thủy thủ đoàn phải khiếp sợ. Chúng không thể ngờ con tàu mục tiêu trên lại nhanh chóng bắn trả dồn dập. Sau khi chiếc xuồng bị đắm, những tên cướp cũng bị bắt giữ. Hóa ra, con tàu mà chúng tấn công định đánh cướp lại là chiến hạm có tên Nicholas của Hải quân Mỹ, đang nằm trong thành phần một liên minh chống cướp biển tuần tiễu tại khu vực Ấn Độ Dương.

Một tên cướp biển Somali bị áp giải ra tòa tại Norfolk.

Bắt được những tên cướp đầu tiên này, chiến hạm của Mỹ tiếp tục đuổi kịp con tàu mẹ của bọn cướp biển, đánh chìm nó và bắt giữ những tên còn lại. 5 tên cướp người Somali dám tấn công con tàu Mỹ bị áp giải tới căn cứ hải quân Norfolk tại Virginia, trước khi phải ra trình diện tòa án tại đây.

Trong phiên tòa, các bị cáo đều phủ nhận tội danh của mình. Bọn chúng đều nhất loạt khẳng định không cướp bóc cũng như không sát hại ai (dù trên thực tế là không kịp). Các luật sư tham gia bào chữa cũng quả quyết rằng, thân chủ của họ là những ngư dân lương thiện bị những tên cướp biển Somali cưỡng ép phải tấn công những con tàu đi ngang qua.

Dù thế nào, các bị cáo cũng bị tòa án phán quyết phạm tội "cướp biển" - một tội danh mà ngành tư pháp của Mỹ trong gần 200 năm qua đã không hề áp dụng. Cần nói thêm, lần xét xử duy nhất với tội danh cướp biển tại Mỹ đã diễn ra từ năm 1819 với bị cáo là tên cướp Thomas Smith. Sau sự kiện này, luật pháp Mỹ bổ sung thêm một điều khoản, theo đó kẻ bị phán quyết phạm tội cướp biển phải nhận bản án tù chung thân.

Đó cũng là tội danh mà 5 tên cướp Somali đã phải nhận trong phiên xử cuối cùng của tòa án vào ngày 14/3/2011. Ngoài bản án chung thân, những tên cướp này còn phải nhận thêm mức hình phạt bổ sung 80 năm tù vì những cáo buộc không liên quan đến tội cướp biển. Chẳng hạn chúng bị cáo buộc tấn công sĩ quan Mỹ và vi phạm luật sở hữu vũ khí.

Trong thời gian tới, một số đồng bào của 5 bị cáo trên rất có thể sẽ phải ra đứng trước những phiên tòa tương tự. Chính tòa án tại Norfolk hiện cũng đang xem xét hồ sơ về vụ 5 công dân Somali khác bị bắt giữ sau khi tấn công bất thành con tàu đổ bộ có tên "Ashland" của Hải quân Mỹ. Số phận tương lai của những tên này xem ra có thể "khá khẩm hơn" - bất chấp yêu cầu của các công tố viên, những bị cáo trên đã tránh được tội danh cướp biển, nhờ đó có thể nhận một bản án nhẹ hơn. 

May mắn nhất trong những tên cướp biển Somali đã bị bắt giữ có lẽ là Abdiwali Muse. Tên này bị cáo buộc là tòng phạm trong số vụ tấn công chiếc tàu chở côngtenơ "Maersk Alabama" của Mỹ. Tháng 2/2011, tên này đã tỏ ra rất thành khẩn hợp tác điều tra, nhờ đó đã tránh được tội danh cướp biển nên chỉ phải nhận bản án "vỏn vẹn" có 34 năm tù.

Còn phải kể tới một phiên tòa đáng chú ý nữa trong thời gian sắp tới xét xử những kẻ đã chiếm chiếc thuyền buồm "Quest" của Mỹ. Đặc nhiệm của Hải quân Mỹ đã bắt giữ được 14 tên cướp biển (13 trong số đó là người Somali, tên còn lại là người Yemen), nhưng không thể cứu mạng được 4 công dân Mỹ trên chiếc thuyền này - tất cả đã bị sát hại trước khi chiến dịch giải cứu diễn ra. Tất cả những tên cướp trên cũng được áp giải tới Norfolk, nơi chúng phải đón nhận những tội danh cướp biển, bắt cóc và sở hữu vũ khí trái phép. Chỉ tính riêng với tội danh cướp biển, những tên cướp biển trên chắc chắn sẽ phải ngồi tù trong suốt phần đời còn lại của mình. 

Cho tới giờ, nạn cướp bóc dọc bờ biển Somali (cho dù đã kéo theo không ít hậu quả nghiêm trọng) về cơ bản vẫn chưa được trừng trị thích đáng. Phần lớn những tên cướp bị bắt giữ (nếu chúng không giết người) đã được trả tự do. Những tên buộc phải ra tòa cũng có thể "hài lòng" với những bản án ngắn hạn tại những nhà tù đầy đủ tiện nghi ở châu Âu. Những phiên tòa xét xử cướp biển đã và sắp diễn ra tại Norfolk cho thấy, Mỹ đã có thái độ kiên quyết hơn trong cuộc chiến chống nạn cướp biển. Bản án nghiêm khắc vừa rồi cũng được coi là lời cảnh báo đối với những kẻ còn tiếp tục đi theo con đường này.

"Phán quyết ngày hôm nay là một thông điệp rõ ràng đối với những kẻ còn muốn làm cướp biển: những vụ tấn công có vũ trang vào các con tàu của Mỹ sẽ đem đến cho chúng hậu quả nghiêm trọng" - công tố viên Neil MacBride từ bang Virginia phát biểu tại phiên tòa. Quan chức này cũng không quên bày tỏ sự lo ngại về quy mô nạn cướp biển tại Ấn Độ Dương.

Theo dữ liệu của ông này có được, những tên cướp biển Somali đang nắm trong tay từ 650 đến 800 con tin, và tổng số thiệt hại do  hoạt động của chúng gây ra mỗi năm đã lên tới 12 tỉ USD

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.