Mỹ bí mật mở rộng các chiến dịch chống khủng bố

Thứ Tư, 16/05/2012, 16:35

Lầu Năm Góc đang cố gắng thay đổi chiến thuật cũng như những sứ mạng ưu tiên sau một thập niên mệt mỏi vì những cuộc chiến tranh trên quy mô lớn của Mỹ. Theo các tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng, kế hoạch của Đô đốc William H. McRaven, lãnh đạo Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (SOC) nhằm trao thêm quyền hạn mới cho các đơn vị tác chiến đặc biệt có sự lựa chọn chống lại "những đe dọa mới phát sinh" trong thập niên tới.

Các lực lượng quân sự bí mật của nước Mỹ đã phát triển mạnh trong thập niên vừa qua khi Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo Mỹ tăng cường thêm nhiều sứ mạng phối hợp, bao gồm những chiến dịch drone (máy bay không người lái) và chống khủng bố. SOC - một tổ chức ít được biết đến đặt trụ sở ở Tampa, bang Florida - chịu trách nhiệm giám sát hơn 60.000 quân nhân và nhân viên dân sự.

Lực lượng của SOC bao gồm: Đơn vị lính mũ nồi xanh (AGB) phụ trách huấn luyện quân sự nước ngoài, đơn vị pháo binh hạng nhẹ Ranger, SEAL của hải quân, các phi đội drone và máy bay trực thăng chiến đấu cũng như các đơn vị chiến đấu tinh nhuệ khác của Lầu Năm Góc như Delta Force và DEVGRU - đơn vị đặc biệt của hải quân từng tiến hành cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden.

Quốc hội đã ra lệnh Lầu Năm Góc cắt giảm ngân sách, và Tổng thống Obama cũng đề nghị giảm quân số xuống còn 80.000 bộ binh và 20.000 lính thủy đánh bộ. Nhà Trắng cũng đề nghị chỉ tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc vào năm 2013 cho 2 khu vực hoạt động: tăng thêm lực lượng ở Tây Thái Bình Dương để đối phó với sức mạnh quân sự đang mạnh lên của Trung Quốc và mở rộng các chiến dịch bí mật.

Cũng giống như Đô đốc McRaven, Tổng thống Obama mong muốn sử dụng SEAL và các đơn vị tinh nhuệ khác, những chiếc drone Predator tấn công điều khiển từ xa và các chiến thuật đặc biệt khác khi cần thiết. Những kế hoạch phác thảo của Đô đốc McRaven cho thấy Lầu Năm Góc thực sự muốn mở rộng hoạt động bất chấp việc quan chức chính quyền Obama cho rằng mối đe dọa từ Al-Qaeda cũng như các nhóm khủng bố khác đã giảm đáng kể sau một thập niên bị Mỹ và đồng minh tấn công dồn dập.

Kế hoạch của McRaven không nêu rõ các chiến dịch bí mật sẽ được tăng cường ở đâu, song người ta cho rằng có thể đó là những vùng xa xôi ở Trung Đông; như là Yemen, một số vùng ở Bắc Phi trải dài từ Somalia đến Nigeria và Maghreb, kể cả phạm vi nhỏ hơn như một số khu vực ở châu Á và Mỹ Latinh. Nếu kế hoạch được phê chuẩn, McRaven sẽ được trao thêm nhiều quyền hạn mới cho phép di chuyển các chiến dịch bí mật một cách nhanh chóng từ quốc gia này đến quốc gia khác, tổ chức huấn luyện quân sự nước ngoài và duy trì sự có mặt thường xuyên tại một số vùng nóng trên thế giới, những nơi tồn tại các mạng lưới chiến binh và khủng bố được cho là đe dọa các lợi ích của Mỹ.

Biệt kích Afghanistan được quân đội Mỹ huấn luyện.

Trong thời gian qua, các đơn vị đặc biệt của SOC được triển khai tại ít nhất 71 quốc gia. Một số quan chức Lầu Năm Góc cũng như chuyên gia bên ngoài cảnh báo việc trao cho các binh sĩ bí mật của SOC thêm nhiều quyền hạn mới có thể dẫn đến sự lạm dụng như là tiến hành những cuộc đột kích đơn phương, hay tổ chức huấn luyện quân sự nước ngoài mà không được báo cáo với cấp chỉ huy quân sự, các nhà ngoại giao hay giới chức dân sự ở Lầu Năm Góc. Thậm chí một vị tướng 4 sao về hưu nhận định kế hoạch mở rộng của McRaven là "ý tưởng đáng sợ".

Trong khi đó, những sĩ quan phụ tá của McRaven cho biết các đơn vị tinh nhuệ sau khi được triển khai vẫn luôn nằm dưới sự kiểm soát hằng ngày của bộ phận chỉ huy khu vực trong Lầu Năm Góc, đồng thời lập luận rằng mục đích chính kế hoạch mở rộng của Đô đốc McRaven là thu thập thông tin tình báo và tạo thêm sức mạnh cho đồng minh để đánh bại các mạng lưới khủng bố ở nhiều vùng trên thế giới.

Kế hoạch chi tiết của McRaven hiện còn đang ở giai đoạn soạn thảo và dự kiến Đô đốc McRaven sẽ trình lên tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ (JCS) - và giới chức dân sự ở Lầu Năm Góc vào tháng 6 tới đây. Theo tiết lộ của Đại tá Dave Lapan, người phát ngôn của tướng Dempsey, chính Dempsey yêu cầu McRaven phát triển các đơn vị bí mật trong tương lai dựa theo những bài học từ thời chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Ngày 30/4 vừa qua, John Brennan - cố vấn chống khủng bố hàng đầu của Tổng thống Obama - cũng lên tiếng bảo vệ cho những chiến dịch drone mở rộng chống chiến binh ở Pakistan, Yemen và Somalia, cho rằng chính sự tăng cường sử dụng máy bay tấn công không người lái đã cứu nước Mỹ khỏi nguy cơ khủng bố mặc dù gây ra một vài thiệt hại về thường dân không mong muốn.

Trong thời gian qua, sự dựa dẫm vào chiến dịch drone của Mỹ đã làm bùng phát nhiều cuộc tranh cãi dữ dội trong nước cũng như ngoài nước. Ví dụ, Pakistan đã giận dữ buộc tội những chiếc drone phóng tên lửa của Mỹ đã giết chết hay làm bị thương hàng trăm dân thường trong 3 năm qua. Trong bài diễn văn ở Trung tâm quốc tế các học giả Woodrow Wilson (WWICS), Brennan tuyên bố những thiệt hại nhân mạng tại Pakistan do drone gây ra là "cực hiếm" và đã được điều tra đến nơi đến chốn.

Trước đây, giới chức chính quyền Obama không công khai thừa nhận chương trình drone bí mật của CIA tiến hành ở miền Bắc Pakistan từ năm 2009, cũng như một vài chiến dịch drone diễn ra ở Yemen và Somalia. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng sử dụng những chiếc drone vũ trang tên lửa nhắm vào một số mục tiêu ở Iraq, Afghanistan và Libya.

Tổng thống Obama chỉ công khai thừa nhận chương trình drone bí mật vào ngày 30/1/2012. Trong bài diễn văn của mình, Brennan không nói đến quyền hạn mở rộng đối với những chiến dịch drone ở Yemen, mà chỉ mô tả Al-Qaeda ở Bán đảo Arập - một nhóm đặt căn cứ ở Yemen - là "phân nhánh nguy hiểm nhất của Al-Qaeda"

Diên San (tổng hợp)
.
.