Mỹ cố tình châm ngòi cho cuộc chiến tôn giáo tại Balkan

Thứ Ba, 06/09/2011, 15:30

Công luận mới đây đã hết sức chú ý tới hai lời tố cáo công khai về trách nhiệm của Mỹ và NATO về các vụ thảm sát tại khu vực Balkan trong quá khứ. Thật ra từ trước đó, đã có không ít những lời cáo buộc về trò chơi “ném đá giấu tay” của Washington từ phía Serbia.

Tuy nhiên, những lời tố cáo lần này chắc chắn sẽ “nặng ký” hơn nếu như biết rằng, nó xuất phát từ hai nhân vật được cho là đồng minh cũ của người Mỹ - viên tướng người Anh Michael Rose (cựu Tư lệnh Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Bosnia và Herzegovina) và Emil Vlajki (Phó tổng thống của nước Cộng hòa Srpska -  một phần của Bosnia và Herzegovina, đại diện cho cộng đồng người Croatia tại nước này).

Trong một phát biểu cuối tháng 7 vừa qua, tướng Michael Rose đã thẳng thừng buộc tội Mỹ và NATO về vụ thảm sát tại Srebrenica. Theo lời ông này, thảm kịch trên xảy ra là do những âm mưu chống phá có hệ thống nhằm vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ trong thời kỳ cuộc xung đột Bosnia những năm 1992-1995.

Tướng Rose trên thực tế cũng là người phải chịu trách nhiệm một phần về những chỉ trích đối với sự bất lực của quân đội LHQ trong thời gian diễn ra cuộc chiến Bosnia. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông này, sau khi được triển khai tại Bosnia và Herzegovina, các lực lượng của LHQ chủ yếu đóng vai trò nhân đạo. Trong khi đó, NATO đứng đầu là Mỹ đã cố tình phá hoại một cách có hệ thống các nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí tại Nam Tư bằng cách vũ trang và huấn luyện cho lực lượng Hồi giáo tại Bosnia.

Theo viên tướng này, NATO đã cố tình làm cho phe Hồi giáo tin rằng, họ có thể dùng vũ lực để chiến thắng người Serbia, phá hủy lòng tin của các bên tham chiến vào sứ mạng gìn giữ hòa bình của LHQ. Khi mọi chuyện đã đi quá đà, NATO và Mỹ đã không thể có một tác động ngăn chặn đáng kể nào chỉ bằng các cuộc không kích. Chính điều này đã dẫn tới sự phá sản sứ mạng hòa bình của LHQ tại đây vào năm 1995, thúc đẩy tướng Ratko Mladic tấn công Srebrenisa.

Tướng Michael Rose cho rằng, nếu như NATO đưa quân vào Bosnia và Herzegovina theo lời kêu gọi của Tổng thống Alia Izetbegovic khi đó để ngăn chặn nguy cơ lan rộng xung đột từ Croatia, "sẽ không có bất cứ một cuộc chiến tranh hay vụ thảm sát nào xảy ra". "Vai trò quan trọng này đáng lý ra phải do NATO đảm trách, nhưng đáng tiếc hoạt động của họ chỉ giới hạn trong những vụ ném bom" - viên tướng Anh kết luận.

Về phần mình, tuyên bố của Phó tổng thống Srpska là Emil Vlajki còn gây được sự chú ý hơn với việc, ông này công khai yêu cầu Mỹ phải xin lỗi về những sự kiện tại Balkan, điển hình như việc Washington đã thuyết phục thủ lĩnh Alia Izetbegovic của cộng đồng Hồi giáo tại Bosnia từ chối tuân thủ các điều kiện của Hiệp ước Lisbon năm 1992 nhằm bảo đảm cho hòa bình tại Bosnia. 

Cũng theo ông Vlajki, chính Mỹ đã cố tình khởi xướng "một cuộc chiến đẫm máu, đưa chúng tôi quay trở về hình thức của một xã hội phong kiến đầy hận thù lẫn nhau". Chính người Mỹ đã vi phạm lệnh cấm vận của LHQ bằng cách đưa vũ khí vào Bosnia và Herzegovina trong thời gian chiến tranh bùng nổ, cho phép các tay súng mujaheedin nước ngoài xâm nhập vào Bosnia.

Ông Vlajki cũng buộc tội Mỹ đã cố tình châm ngòi cho thảm kịch tại Srebrenisa. Vlajki cho rằng, Mỹ trong trường hợp trên đã hành động vì những lợi ích riêng của mình: "Để triển khai ý tưởng của nhà chính trị học nổi tiếng Samuel Huntington, họ đã biến BosniaHerzegovina thành một chiến trường xung đột chủ chốt giữa hai nền văn minh: Hồi giáo và Cơ Đốc giáo". Mục đích sâu xa cuối cùng, theo  Vlajki, chính là để kéo dài tiến trình thống nhất cả châu Âu.

Những lời tố cáo mới nhất này không khỏi khiến giới quan sát nhớ lại một hội nghị quốc tế diễn ra vào năm 2009 nhân kỷ niệm 10 năm cuộc chiến của NATO chống lại Nam Tư cũ. Tại đây, người ta đã chú ý tới hai bản báo cáo, theo đó việc làm tan rã Nam Tư đã được phương Tây lập kế hoạch từ khá lâu, trước cả những sự kiện trong giai đoạn 1991-1999. Mối quan tâm đặc biệt được dành cho báo cáo của viên tướng Pháp Pierre Glava, trong đó kể về một cuộc họp bí mật tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu Pháp vào năm 1985, nơi các quốc gia hàng đầu của NATO đã cùng soạn thảo một kế hoạch tiêu diệt liên bang Nam Tư.

Không kém phần thú vị là một bản báo cáo khác của Michelle Chasudovski từ Canada, trong đó đưa ra nhiều bằng chứng khác về kế hoạch của phương Tây nhằm tiêu diệt Nam Tư. Nội dung báo cáo còn chỉ ra cả những biện pháp được triển khai tại Ngân hàng Thế giới (WC) kèm theo các giải pháp quân sự. Theo lời chủ nhân báo cáo, các ông trùm tài phiệt quốc tế đã lên kế hoạch tiêu diệt Nam Tư, do sự tồn tại của một nhà nước XHCN rộng lớn này là một mối đe dọa thực sự đối với châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung.

Trong mục tiêu chung này, tất nhiên Mỹ và các nước châu Âu cũng có một vài điểm khác biệt. Người Mỹ nhân dịp này cũng muốn đẩy châu Âu dính líu sâu hơn vào khu vực Balkan đầy phức tạp, với hy vọng có thể giảm bớt nhịp độ phát triển của các đối thủ cạnh tranh từ châu Âu.

Liên quan tới các sự kiện tại Srebrenisa, tác giả báo cáo cũng như Emil Vlajki, đã chỉ ra mục đích sâu xa của Mỹ - thúc đẩy cuộc đối đầu giữa Hồi giáo và Chính thống giáo. Các "biện pháp kỹ thuật" nhằm gây hằn thù giữa các cộng đồng cũng được nêu ra - đó là thuê các hãng quân sự tư nhân, đóng giả binh sĩ của các bên đối địch rồi gây ra một số tội ác nào đó, thúc đẩy các bên xung đột và tàn sát lẫn nhau.

Những thủ đoạn của phương Tây được áp dụng tại Nam Tư về cơ bản đã thành công, khiến liên bang rộng lớn này bị tan rã hoàn toàn. Nhiều nhà quan sát còn nhận định rằng, chiến thuật trên rất có thể đã, đang và sẽ được áp dụng tại Libya cùng Syria

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.