Mỹ đã dùng "siêu bom" “Tasson” trong chiến tranh Triều Tiên

Thứ Tư, 09/04/2008, 14:30
Trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (Korean War 15/6/1950 - 27/7/1953), nhằm ngăn chặn bước tiến và chi viện chiến trường của Liên quân Triều - Trung, Mỹ đã huy động loại "Pháo đài bay" B-29 nhiều lần tập trung ném bom các cặp cầu trọng yếu tại Bắc Triều Tiên, nhưng hiệu quả rất kém. Bởi vậy, Không quân Mỹ đã bí mật dùng loại "siêu bom" nặng tới trên 5 tấn, tiến hành tập kích đối phương nhưng đều bị thất bại thảm hại, để lại vết nhơ khó gột trong lịch sử của mình.

Bom thông thường khó lòng phá sập cầu

Cao điểm nhất là ngày 16/8/1950, Không quân Mỹ huy động tới 98 chiếc máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-29 đánh phá ác liệt các mục tiêu mặt đất trên chiến trường Triều Tiên.

Nhưng máy bay B-29 mang bom thông thường đánh phá mục tiêu cố định nhỏ hẹp kiểu cầu cống rất khó trúng. Bởi B-29 khi rải bom phải bay rất cao, với loại bom thông thường dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như bị hướng gió làm rơi chệch mục tiêu cầu khá xa.

Khi máy bay tiến hành chiến thuật “rải thảm”, thì xác suất trúng mục tiêu cũng rất thấp, mà bay thấp lại sợ lưới lửa phòng không mặt đất và máy bay tiêm kích đánh trận MiG-15 của đối phương.

Qua thống kê rút kinh nghiệm, không quân Mỹ phát hiện, mỗi “quệt” bình quân chỉ “quẳng” được có 4 quả bom thông thường, nếu may mắn thì chỉ 1 quả rơi trúng hoặc gần cầu. Vì vậy, Không quân Mỹ bắt đầu nghĩ tới việc sử dụng loại vũ khí thông thường kiểu mới để đánh phá cầu cống.

Bom dẫn hướng 450kg cũng không ăn thua

Mùa thu năm 1950, Không quân Mỹ bắt đầu dùng máy bay B-29 "cõng" theo loại bom điều khiển dẫn hướng tới mục tiêu có trọng lượng tới 450kg mang tên “Lasson” lao đi đánh phá.

Cánh đuôi của bom “Lasson” có thể hoạt động, khi đang rơi tự do trong không trung, nhận được chỉ lệnh sóng vô tuyến điện từ trên máy bay B-29 các cánh đuôi này sẽ mở khép như cánh cửa, điều khiển bom chuyển hướng, rơi trúng mục tiêu. Nhưng loại bom “Lasson” “đẻ thiếu tháng” này tồn tại quá nhiều thiếu sót về mặt kỹ thuật, nên hiệu quả tác chiến làm Mỹ thất vọng. Không quân Mỹ sơ kết trong giai đoạn không kích thứ nhất.

“Pháo đài bay” B-29 đã ném tổng cộng 487 quả bom dẫn hướng “Lasson” thì có tới 156 quả rơi chệch mục tiêu cả trăm mét, hiệu suất phá hủy của số bom “trúng mục tiêu” cũng rất thấp, chỉ đánh sập được vài cây cầu quan trọng, còn phần lớn chỉ là “phá hỏng đáng kể”.

Không quân Mỹ buộc phải cử một số chuyên gia tới chiến trường xem xét, nghiên cứu giải quyết vấn đề. Sau đó, tuy tính năng tìm mục tiêu của “Lasson” có được cải thiện đáng kể, nhưng qua đợt thực nghiệm trong giai đoạn không kích lần 2 cho hiệu quả cũng không cao, chỉ đánh sập và “phá hỏng nghiêm trọng” được 15 cây cầu, tính ra cứ quẳng 10 quả bom “Lasson” mới phá hỏng được 1 cây cầu.

“Siêu bom" cùng chung thất bại

Tháng 12/1950, “Pháo đài bay” B-29 của Không quân Mỹ bắt đầu bí mật lắp loại bom khổng lồ biệt danh “Tasson” và nó cũng là loại bom có trọng lượng lớn nhất được dùng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

“Tasson” được cải tiến từ loại bom tấn rơi tự do với biệt danh “Thằng cao kều” do Không quân Anh dùng trong Thế chiến II và được lắp đặt hệ thống tiếp nhận chỉ lệnh vô tuyến điện từ trên máy bay để lái cho bom rơi trúng mục tiêu, mang ký hiệu VB-13, dài toàn bộ 6,4m, đường kính chỗ lớn nhất gần 1m, nặng 5,4 tấn là loại bom dẫn hướng lớn nhất của Mỹ thời đó.

Máy bay ném bom chiến lược B-29 có lắp 4 động cơ tua-bin, trọng lượng cất cánh lớn nhất là 54 tấn, bán kính tác chiến là hơn 5.200km, nhưng trọng tải chỉ có khoảng 9 tấn, mỗi chiếc B-29 chỉ có thể "cõng" 1 quả bom dẫn hướng “Tasson”. Khi đang "cõng" bom trên đường bay tới mục tiêu, B-29 cơ động rất nặng nề, ì ạch, nên rất dễ bị MiG-15 tiến công bắn rơi.

Mở màn chiến dịch không kích mới. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, biên đội “Pháo đài bay” B-29 đã  ném tổng cộng 10 quả “Tasson” nhưng chỉ có 1 quả rơi về phía mục tiêu, nghĩa là tỉ lệ ném trúng đạt... 10%!

Ngày 29/3/1951, 3 chiếc B-29 của Đại đội bay số 19 Không quân Mỹ qua mấy tháng tập luyện ráo riết lại một lần nữa "cõng" bom “Tasson” vượt quãng đường dài từ căn cứ không quân Guam tới chiến trường Triều Tiên. Theo kế hoạch lần này, 3 quả siêu bom “Tasson” dành riêng để đánh sập hoàn toàn cây cầu huyết mạch bắc qua sông Áp Lục nối giữa Trung Quốc với Triều Tiên.

3 chiếc “Pháo đài bay” B-29 ung dung bay về phía mục tiêu ở độ cao tuyệt đối an toàn, nhưng mới được nửa quãng đường bỗng một chiếc bị “trục trặc máy móc” đành phải vội quay về căn cứ; khi bay được 2/3 quãng đường, một chiếc nữa bị “trục trặc kỹ thuật” phải quay về, nhưng giữa chừng không thể bay tiếp đành phải hạ cánh khẩn cấp xuống mặt biển.

Tuy nhiên, khi hạ cánh đã vấp phải xung lực quá lớn khiến chiếc B-29 nổ tung cùng trái “siêu bom”, cả phi hành đoàn tan xác cùng chiếc máy bay, chìm xuống đáy Thái Bình Dương.

Chiếc B-29 thứ 3 đành lầm lũi bay về phía mục tiêu đã định. Thấy tọa độ mục tiêu xuất hiện trên màn hình, phi công vội bấm nút nhả bom rồi quay đầu bỏ chạy, kết quả là bom rơi nổ cách cầu cả trăm mét!

Thất bại quá cay đắng, nên tới mùa hè năm 1951, Không quân Mỹ lẳng lặng chấm dứt kế hoạch dùng “siêu bom” “Tasson”

Bùi Hữu Cường (sưu tầm)
.
.