Mỹ đã ngụy tạo tin tức tình báo về “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”

Thứ Năm, 01/12/2005, 13:09

Nhà báo Scott Shane của tờ The New York Times vừa công bố những nghiên cứu mới nhất của các nhà sử học về cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" - cái cớ của việc Mỹ can thiệp sâu hơn vào chiến tranh Việt Nam. ANTG xin giới thiệu bài báo này với độc giả.

Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) đã giấu giếm những phát hiện của một nhà sử học vào năm 2001 về việc chính cơ quan này đã cố tình bóp méo những tin tức tình báo để biện minh cho việc can thiệp vào Việt Nam của chính quyền Hoa Kỳ.

Nhà sử học chuyên nghiên cứu về NSA, ông Robert J. Hanyok, kết luận rằng, các thông tin nghe trộm đã bị NSA - Cơ quan chuyên tiến hành việc nghe trộm và phá khóa mật mã - thay đổi, dẫn đến việc thông tin sai sự thật về cái gọi là “Việt Nam tấn công tàu khu trục Mỹ vào ngày 4/8/1964”. Tổng thống Mỹ, Lyndon B. Johnson, sau đó đã sử dụng những nguồn tin này để thuyết phục Hạ viện chấp nhận sự can thiệp ồ ạt của lực lượng quân sự Mỹ vào Việt Nam.

Ông Hanyok tìm thấy những lỗi trong bản dịch cùng nhiều tài liệu tình báo khác chứng tỏ một số nhân viên tình báo trung cấp đã sửa đổi các tin tức tình báo.

Những phát hiện của ông Hanyok đã được đăng tải 5 năm trước đây trong một chuyên san nội bộ nhưng từ năm 2002, ông Hanyok và các sử gia chính phủ khác tiếp tục yêu cầu công bố rộng rãi những phát hiện này. Nhưng những cố gắng của họ bị các cơ quan chức năng tại Mỹ cự tuyệt vì họ sợ phát hiện này có thể làm dân chúng nghi ngờ về lý do của cuộc chiến Iraq vốn cũng bắt đầu bằng những thông tin tình báo chắp vá về việc Iraq đang sản xuất các loại vũ khí giết người hàng loạt như bom hạt nhân hay bom hóa học.

Matthew M. Aid, một sử gia độc lập, người đã bỏ nhiều công sức phỏng vấn các cựu sĩ quan NSA và CIA về những phát hiện của Hanyok, cho biết, ông quyết định công bố những phát hiện của Hanyok cho công chúng Mỹ. Sử gia Aid - người đang viết cuốn lịch sử cho NSA - nói thêm: “Đáng ra, người dân có quyền được biết những tài liệu có giá trị như thế này từ lâu rồi”. Một sĩ quan tình báo giấu tên cũng xác nhận những phát hiện của ông Hanyok.

Nhiều tờ báo điện tử ở Mỹ đưa lại bài báo của S.Shane.

Đầu tiên, Hanyok cho rằng việc dịch sai tài liệu của Bắc Việt chỉ là một lỗi vô ý. Nhưng sau vài tháng điều tra tại NSA, ông này lại kết luận những nhân viên tình báo trung cấp đã cố tình sử dụng những bản dịch sai này để làm cái cớ cho việc leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam. Sử gia Aid ví von: “Thay vì sửa lỗi, các nhân viên tình báo lại đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 10 năm”.

Khi được hỏi về những nghiên cứu của ông Hanyok, người phát ngôn của NSA, ông Don Weber, nói rằng, cơ quan này đã có ý định công bố những bài báo của Hanyok vào cuối tháng 11/2001. “Nhưng việc công bố này bị trì hoãn vì NSA muốn công bố không chỉ bài báo của Hanyok mà cả những tài liệu gốc nhằm giúp công chúng thẩm định phát hiện của Hanyok một cách rõ ràng hơn”.

Trợ lý của tướng Michael V. Hayden, người vừa mới rời chức Giám đốc NSA để làm Phó giám đốc thường trực Cơ quan Tình báo quốc gia, thì từ chối trả lời câu hỏi của các nhà báo về tính xác thực của những phát hiện này mà “kính chuyển” về phát ngôn viên của NSA trả lời.

Nhiều sử gia tin rằng, chẳng cần “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Johnson cũng có thể tìm ra cớ khác để biện minh cho sự leo thang chiến tranh chống miền Bắc Việt Nam.

“Cuộc tấn công của Bắc Việt vào 2 tàu khu trục Maddox và C. Turner Joy” không chỉ có ý nghĩa lịch sử. Sau khi nhận được những báo cáo của cơ quan tình báo về “cuộc tấn công” này, Johnson đã trả đũa bằng việc ném bom hàng loạt vị trí tại Bắc Việt Nam và cũng sử dụng “sự kiện” này để thuyết phục Quốc hội thông qua “Nghị quyết về sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vào ngày 7/8/1964. Nghị quyết này cho phép Tổng thống Mỹ “tiến hành các biện pháp cần thiết kể cả sử dụng vũ lực” để bảo vệ miền Nam Việt Nam và các nước láng giềng. Dựa vào đó, Tổng thống Johnson và Nixon đã tiến hành leo thang chiến tranh gây ra tổn thất không nhỏ cho cả 2 phía: 58.226 lính Mỹ và hơn 1 triệu người Việt Nam bị chết.

Còn nhiều chi tiết về những phân tích của Hanyok, được đăng tải trên bản tin hàng quý của NSA, vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhưng nó có liên quan đến sự trái ngược nhau giữa tài liệu của các sĩ quan tình báo và những thông tin từ các trạm nghe trộm của NSA tại Phú Bài (Nam Việt Nam) và San Miguel tại Philippines. Ví dụ, như việc dịch một số cụm từ. Cụm từ “chúng ta đã hy sinh 2 đồng chí” mà NSA nghe trộm được từ Bắc Việt, được dịch thành “chúng ta mất 2 tàu chiến”. Cụm từ này được coi như báo cáo về thương vong của quân đội Bắc Việt Nam trong “trận chiến ngày 4/8”. Sĩ quan tình báo giấu tên kể trên, cho biết: Nhiều tài liệu nghe trộm gốc từ Bắc Việt Nam cũng đã biến mất khỏi hồ sơ lưu của NSA. Rõ ràng, các tài liệu tình báo đã bị bóp méo có chủ ý.

Tiến sĩ Prados, Cơ quan Lưu trữ An ninh quốc gia, tỏ ra thích thú với những phát hiện của Hanyok. “Nếu những phát hiện này đúng, nó bổ sung thêm một chương tồi tệ về sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam"

Nam Anh (trích dịch)
.
.