Mỹ đã “tạo điều kiện” cho chương trình vũ khí hạt nhân của Iran như thế nào?

Thứ Hai, 16/01/2006, 09:23

Trong cuốn sách “State of War: The Secret History of the CIA and the Bush Administration", phóng viên James Risen của tờ New York Times đã kể về một chiến dịch bí mật có mật danh "Merlin" liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà chính quyền Bill Clinton trước đây và George Bush hiện nay đang tìm mọi cách giấu giếm.

Câu hỏi xuyên suốt mà tác giả đặt ra trong cuốn sách là: Vì sao George Bush bỗng nhiên lại lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran, trong khi chỉ mới 6 năm trước, các điệp viên CIA đã trao cho Tehran cả một kế hoạch chế tạo bom nguyên tử?...

James Risen là 1 phóng viên chuyên tập trung vào những đề tài liên quan đến việc vạch trần các âm mưu gián điệp hay những chủ đề thời sự nóng hổi. Trọng tâm trong các bài viết của ông chủ yếu nhằm vào các cơ quan mật vụ Mỹ như CIA và NSA. Theo đánh giá của Risen trong cuốn sách mới này, cuộc khủng hoảng hiện nay trong quan hệ giữa WashingtonTehran là nguyên nhân của một loạt những dự tính sai lầm về kỹ thuật ngớ ngẩn của CIA.

Tất cả bắt đầu từ khi Cục Tình báo trung ương Mỹ bị mất cả một số lượng điệp viên lớn tại Iran. Nguyên nhân là một điệp viên hai mang tại đây đã tiết lộ rất nhiều thông tin về mạng lưới tình báo của Mỹ tại vùng Cận Đông. Tehran tất nhiên không bỏ lỡ cơ hội quý khiến cho một loạt các điệp viên CIA bị bắt giữ, số phận của họ cho tới giờ vẫn chưa được rõ. Hậu quả khiến CIA gần như mất hết mọi nguồn tin tại Iran.

Đó là lý do khiến Giám đốc CIA Porter Goss trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vào đầu năm 2005 đã không thể khẳng định những tuyên bố của tổng thống Mỹ về việc Iran đang nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân. CIA vào thời điểm đó hầu như không nắm được thông tin nào về những kế hoạch của Tehran. Nhưng khi quốc gia này được ông Bush liệt kê vào “trục ác quỷ”, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan mật vụ Mỹ là phải làm rõ câu hỏi: Liệu Iran có đang nghiên cứu về vũ khí hạt nhân và hiện họ đang ở giai đoạn nào?

Đó là lý do khiến chiến dịch mật “Merlin” được tổ chức trong bối cảnh thiếu trầm trọng các thông tin liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Kết quả là chiến dịch đã hoàn toàn thất bại, trong khi theo các chuyên gia đánh giá, nó còn giúp “đơn giản hóa” quá trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Tehran. Washington lại phải hứng quả đắng từ chính trò chơi “mèo vờn chuột” do mình khởi xướng.

Theo kế hoạch của chiến dịch do CIA soạn thảo, người Mỹ dự định sẽ làm cho các nhà khoa học Iran bị “lạc đường” bằng cách trao cho họ những sơ đồ và bản vẽ đã cố chỉnh sửa sai đi, xác định theo phản ứng của Tehran để biết nước này đã ở giai đoạn nào của việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Với mục đích này, một nhân viên của CIA đã được giao nhiệu vụ trao những tài liệu “đã chỉnh sửa” cho phía Iran. Kẻ được lựa chọn là một điệp viên gốc Nga đã di cư tới Mỹ và được CIA tuyển mộ.

Điều trớ trêu là điệp viên là một kỹ sư nguyên tử học. Chính vì vậy mà khi được tiếp cận với công việc trên, anh ta đã không mấy khó khăn để làm rõ những sai sót có tính toán trong các bản vẽ dành cho người Iran. Trong khi bản thân CIA lại không hề chú ý tới chi tiết có ý nghĩa này. Nhiệm vụ chính của điệp viên là bằng mọi cách phải trao những tài liệu đã chuẩn bị kỹ lưỡng trên cho các đại diện của Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở Vienn hay bất kỳ một quan chức cao cấp nào của nước này. Tuy nhiên khi sang đến Vienna, điệp viên này đã mở phong bì ra và đặt vào đó một lá thư riêng của mình với đề xuất hợp tác: anh ta có thể giúp chỉ ra những “sai sót” đã cố tình được cài trong các bản vẽ.

Sau khi thấy quan chức đại diện của Iran được trao tài liệu đã vội vàng hoãn lịch trình làm việc của mình để bay về Tehran, CIA đã vội vã tổ chức ăn mừng. Trong khi trên thực tế, chiến dịch này không những đã thất bại, mà còn mang tính phản tác dụng. Giới lãnh đạo tình báo đã không lường trước được khả năng của Tehran. Iran sau một thời gian dài nghiên cứu về vũ khí hạt nhân (theo đánh giá là ít nhất 20 năm) đã có được một đội ngũ các nhà khoa học có đủ kinh nghiệm và trình độ để “tiêu hóa” câu đố của CIA. Họ không gặp quá nhiều khó khăn để tìm ra sai sót trong những bản vẽ đã được cố tình sửa đổi và biến chúng thành những tài liệu có ích thực sự. Người Iran đã tự làm được điều này mà không cần có sự giúp đỡ của điệp viên CIA định chơi trò hai mặt ở trên.

Theo khẳng định của tác giả cuốn sách dựa trên tiết lộ của nhiều cựu điệp viên CIA, “trò chơi” trong chiến dịch Merlin không phải là lần đầu người Mỹ mới đem ra áp dụng. Cái mẹo trao cho đối phương những bản vẽ chế tạo đã chỉnh sửa được áp dụng từ thời Chiến tranh lạnh, theo nhiều kịch bản khác nhau. Vấn đề là phải biết tính toán và soạn thảo một cách hết sức chi tiết để tránh nguy cơ “gậy ông đập lưng ông”. Trong trường hợp ngược lại, những sai lầm này có thể dẫn tới những hậu quả không thể bù đắp

Hồng Sơn(Theo Pravda)
.
.