Mỹ đã từng giúp Iran thực hiện chương trình hạt nhân

Thứ Tư, 25/10/2006, 08:30

Ngay tại trung tâm thủ đô Tehran hiện tồn tại một trong những cơ sở hạt nhân quan trọng nhất của Iran. Đó là nơi các nhà khoa học đang tiến hành những thí nghiệm quan trọng trong khuôn khổ chương trình hạt nhân của nước này. Không ai có thể ngờ tác giả chính của công trình đặc biệt thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới này lại chính là nước Mỹ.

Quay trở lại với quá khứ hồi những năm 60 của thế kỷ trước, Mỹ không chỉ cung cấp cho Iran một lò phản ứng hạt nhân trong khuôn khổ cái gọi là “chiến lược thời chiến tranh  lạnh”, mà còn gửi tới đây uranium làm giàu để phục vụ hoạt động của lò phản ứng này. Số nguyên liệu đặc biệt này hiện vẫn ở tại Iran, và theo như đánh giá của phương Tây, nó rất có thể đang được sử dụng cho mục đích sản xuất vũ khí hạt nhân. Vào đúng thời điểm Mỹ và nhiều nước phương Tây đang đối đầu quyết liệt với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, kết quả điều tra của báo chí về cơ sở trên đã giúp làm rõ thực tế, Washington đã dính dáng tới việc hình thành tiềm năng hạt nhân của Tehran như thế nào.

Mặc dù cho tới bây giờ, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) -  chịu trách nhiệm giám sát chính về hạt nhân của LHQ - vẫn chưa tìm ra bằng chứng cho thấy Iran đang chế tạo bom hạt nhân, nhưng các đại diện của tổ chức này đều cảnh báo: Iran thường xuyên tìm cách che giấu quy mô hoạt động hạt nhân của mình với các thanh sát viên. Các dữ liệu của IAEA cũng cho thấy, một phần của công việc bí mật này đang được tiến hành tại chính lò phản ứng do Mỹ cung cấp. Tại đây đảm trách các thử nghiệm liên quan tới uranium, nguyên liệu chính để có thể giúp chế tạo vũ khí hạt nhân. Dù thường xuyên nêu ra những hoạt động của Iran trong chương trình hạt nhân, nhưng các quan chức Mỹ luôn lảng tránh nói về một thực tế rõ ràng rằng, một phần của chương trình này đang được tiến hành tại chính lò phản ứng có xuất xứ ở Mỹ.

Washington đã “hào phóng” giúp đỡ Tehran lò phản ứng trên vào giai đoạn họ đang nỗ lực ủng hộ quốc vương trị vì khi đó để chống lại Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Nhưng khi ngai vàng tại đây bị lật đổ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, sự tồn tại của lò phản ứng này lại là lời nhắc nhở cho người Mỹ thấy, một đồng minh về địa - chính trị hôm nay rất có thể sẽ trở thành kẻ thù vào ngày mai.

Từ đó tới nay, “di tích” này của Mỹ đã trải qua rất nhiều thay đổi. Sau một trục trặc nghiêm trọng vào năm 2001 do hậu quả của một thời gian dài kiểm soát và điều hành kém, lò phản ứng này đã được củng cố lại đáng kể. Cụ thể theo như nhà bác học Morteza Gharib của Iran tiết lộ với tờ Chicago Tribune, việc điều hành trung tâm này đã được cải thiện cơ bản từ 3 năm nay. Do đó, khả năng “vượt rào” khỏi chương trình hạt nhân hòa bình của Tehran là điều hoàn toàn có thể thực hiện tại lò phản ứng này.

Còn một vấn đề nữa liên quan đến lò phản ứng này đang khiến mọi người phải e ngại. Đó chính là lượng nguyên liệu lớn khoảng 10 pound (1 pound = 450 gram) uranium làm giàu được Mỹ cung cấp từ những năm 60, hiện được coi là số nguyên liệu quý giá nhất để có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân. Dù số nguyên liệu này theo đánh giá chỉ bằng 1/5 số lượng có thể để chế tạo được bom hạt nhân, nhưng theo các chuyên gia, Tehran hoàn toàn có thể kiếm thêm từ những nguồn nguyên liệu khác.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Linton Brooks - Giám đốc Cơ quan An toàn hạt nhân quốc gia, một cơ quan trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ - cho biết, Mỹ đang rất muốn thu hồi lại số nguyên liệu trên, nhưng ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là phải bắt buộc Iran ngừng ngay các nỗ lực làm giàu uranium. Cho dù Brooks tỏ ra không chú ý đặc biệt tới lò phản ứng tại Tehran nói trên, nhưng theo nhiều chuyên gia, đây là một trung tâm rất quan trọng đối với chương trình hạt nhân của Iran. Thậm chí họ còn khẳng định, trong trường hợp tấn công bằng quân sự, đây sẽ là một trong những mục tiêu hàng đầu của Mỹ.

“Đầu tiên lò phản ứng trên có thể được dùng để nâng cao trình độ và đào tạo các kỹ sư chuyên ngành hạt nhân - Giáo sư Paul Rogers từ Trường đại học Tổng hợp Bradford của Anh nhận xét - Đó là lý do mà cơ sở trên đang có một ý nghĩa rất quan trọng”. Trong mấy năm gần đây, các thanh sát viên của IAEA đã vài lần tới kiểm tra lò phản ứng này tại Tehran.

Trên thực tế, lò phản ứng trên chỉ là một mắt xích trong hệ thống các cơ sở hạt nhân khá quy mô của Iran. Từ nhiều năm qua, Tehran đã nhận được nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ trong lĩnh vực hạt nhân từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả của Nga và cả từ “thị trường chợ đen” của nhà bác học Pakistan A.Q.Khan. Trung Quốc cũng đã cung cấp cho Iran một số lò phản ứng của mình.

Có điều là lò phản ứng trên đang gây không ít khó khăn về mặt ngoại giao đối với Washington. Từ năm 2004, John Bolton (khi đó là quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách việc giám sát trang bị vũ khí) đã tuyên bố trước Quốc hội rằng, Iran đang nỗ lực đẩy mạnh chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của mình nhờ sợ giúp đỡ của một số nước như Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Với cương vị hiện giờ là Đại sứ Mỹ tại LHQ, ông Bolton cũng “nhắc nhở” các nước đã cung cấp những công nghệ trên cho Iran cần phải “thận trọng hơn”. Kèm theo đó là lời đe dọa “trừng phạt về kinh tế” đối với những công ty nước ngoài đã giúp đỡ Tehran trong chương trình hạt nhân. Bolton đã tảng lờ không nhắc tới sự giúp đỡ của chính Mỹ đối với Tehran. Nhưng chính thực tế này đã khiến những nỗ lực của Mỹ nhằm vận động áp đặt những biện pháp trừng phạt kiên quyết hơn với Iran hầu như không đạt được kết quả đáng kể nào. Chẳng hạn Mỹ đã từng kêu gọi Nga cần có quan điểm cương quyết hơn về vấn đề hạt nhân của Iran, đồng thời phê phán Moskva trong việc giúp đỡ Tehran xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Tuy nhiên, Nga đã nêu rõ, chẳng nhẽ Washington không cảm thấy “cắn rứt lương tâm” khi đã cung cấp cho Iran cả một lò phản ứng hạt nhân cũng như nguyên liệu uranium làm giàu vào thời điểm họ cho là “có lợi về mặt chính trị”?

Linh Nga (theo Chicago Tribune)
.
.