Mỹ lo ngại về chính sách mới của Trung Quốc tại châu Phi

Thứ Ba, 05/07/2011, 03:55

Theo ý kiến của bà Hillary, chính quyền các nước tại lục địa Đen nên xác định động cơ từ các thỏa thuận của mình với nước ngoài không chỉ bắt nguồn từ quyền lợi vật chất của giới chức chính trị gia cao cấp, mà còn phải tính đến lợi ích của đông đảo người dân. Tất nhiên, công luận cũng thừa hiểu "nhà đầu tư không lành mạnh" mà Ngoại trưởng Mỹ muốn nhắc tới chính là Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới đây đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia châu Phi về mối đe dọa của “một hình thức mới”. Theo lời bà Hillary, châu Phi cần phải cảnh giác trước các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài không quan tâm đến việc cải thiện đời sống người dân châu Phi, mà chỉ nhăm nhe thu vén lợi nhuận béo bở từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dù không công khai “điểm mặt chỉ tên”, nhưng ai cũng hiểu rằng, đối tượng mà Ngoại trưởng Mỹ muốn nói ở đây chính là Trung Quốc…

Theo ý kiến của bà Hillary, chính quyền các nước tại lục địa Đen nên xác định động cơ từ các thỏa thuận của mình với nước ngoài không chỉ bắt nguồn từ quyền lợi vật chất của giới chức chính trị gia cao cấp, mà còn phải tính đến lợi ích của đông đảo người dân. Tất nhiên, công luận cũng thừa hiểu "nhà đầu tư không lành mạnh" mà Ngoại trưởng Mỹ muốn nhắc tới chính là Trung Quốc.

Trước đó, bà Hillary đã thường xuyên chỉ trích Trung Quốc vì những dự án đầu tư của họ vào các nước thuộc Thế giới thứ ba, trong đó có châu Phi. Chưa hết, bà Ngoại trưởng Mỹ còn kêu gọi các nước tại lục địa Đen nên lựa chọn các dự án kinh tế của Mỹ, vì chúng có điểm khác biệt với của Trung Quốc là "đem lại lợi ích cho tất cả mọi người". 


Cần nói thêm, phản ứng quan ngại của người Mỹ đối với "chính sách mới của Trung Quốc" đã được ghi nhận không phải lần đầu. Động thái tương tự cũng được ghi nhận vào tháng 2/2007, khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có chuyến công du 12 ngày tới 8 quốc gia châu Phi. Washington khi đó đã đánh giá đây là một hành động mang tính "thách thức và xâm hại".

Trên thực tế, ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi trong vài năm gần đây đã gia tăng rất mạnh mẽ. Nếu như trong giai đoạn 2008-2009, tổng sản lượng thương mại của Trung Quốc với các nước châu Phi chưa vượt qua ngưỡng 50 tỉ USD, thì đến năm 2010 đã tăng vọt lên hơn 130 tỉ USD. Chỉ riêng giá trị các dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã là 47,5 tỉ USD.


Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của lục địa Đen: các tài nguyên năng lượng (dầu mỏ, khí đốt và uranium), các mỏ kim loại màu và kim loại quý, kim cương, mangan, đất hiếm v.v… Tất nhiên, những mối quan tâm đầu tư của Trung Quốc cũng đang dần trải rộng hơn sang tất các các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân các nước châu Phi - các xí nghiệp chế biến, đường sắt, nông nghiệp và đánh bắt cá v.v…

Đối với phần lớn các quốc gia châu Phi hiện nay, Trung Quốc nếu như không phải là đối tác thương mại chính, thì chí ít cũng nằm trong danh sách các đối tác hàng đầu. Tất cả các nước đều nhận thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thị trường của mình.

Theo các số liệu thống kê vào năm 2010, Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa chính cho các nước như Angola, Ghana, Guinea, Ai Cập, Nigeria và Sudan. Còn đối với các quốc gia như Algeria, Zimbabwe, Congo, Niger, Tanzania và Ethiopia; Trung Quốc cũng là nhà cung cấp hàng hóa đứng thứ hai. Tại CHDC Congo, Zambia, Morocco và Nam Phi, Trung Quốc cũng đang là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ ba.

Lượng hàng hóa xuất khẩu của các nước châu Phi sang Trung Quốc cũng không ngừng tăng lên. Chẳng hạn Bắc Kinh đang kiểm soát hơn nửa số hàng xuất khẩu từ CHDC Congo và Sudan. Ngoài ra, người Trung Quốc cũng đang là bạn hàng số 1 về hàng xuất khẩu từ Angola, Zambia; thứ hai tại Congo (các chuyên gia cho rằng nếu tính các chỉ số của cả năm 2011, Trung Quốc đã qua mặt Pháp để nắm giữ vị trí số 1 tại quốc gia này).

Sự xuất hiện của Trung Quốc tại châu Phi thật ra đã được ghi nhận từ giữa những năm 1950, khi Bắc Kinh bắt đầu nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng lên các nước Thế giới thứ ba với Liên Xô. Nhưng vào thời kỳ Chiến tranh lạnh khi đó, những thành công của Trung Quốc tại châu Phi là khá khiêm tốn, do những tiềm lực vật chất có hạn.

Tuy nhiên, Trung Quốc từ giai đoạn này đã lợi dụng được xu hướng chống chế độ thực dân phương Tây tại lục địa Đen để đặt những nền tảng vững chắc cho quá trình gia tăng đà ảnh hưởng sau này. Bắc Kinh còn là người hậu thuẫn cho không ít phong trào kháng chiến theo đường lối cực đoan tại châu Phi, điển hình là trường hợp Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe. Nhiều vụ đầu tư chính trị kiểu này giờ đây đã bắt đầu có được thành quả.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không ngại mạo hiểm khi đầu tư vào các quốc gia bất ổn tại châu Phi, nơi thường xuyên xảy ra những cuộc xung đột vũ trang hay nội chiến. Những khoản đầu tư nhỏ này rất có thể sẽ đem lại những nguồn lợi lớn trong tương lai. 

Theo đánh giá, Trung Quốc trong một triển vọng không xa sẽ trở thành người kiểm soát chính các nguồn lợi tài nguyên của châu Phi. Đối với phương Tây, điều này sẽ thực sự trở thành thảm họa, một khi họ bị mất nguồn nguyên liệu giá rẻ phục vụ cho nền kinh tế. Không chỉ có Mỹ, nhiều nước phương Tây cũng cảnh báo về việc, châu Phi đang đối đầu với "một chính sách mới của Trung Quốc" có hình thức cướp bóc tinh xảo hơn so với các chế độ thực dân thời quá khứ.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ông chủ và thợ thuyền Trung Quốc tại châu Phi.

Phía Bắc Kinh trước những cáo buộc trên cũng thanh minh rằng, ngoài việc thu lợi nhuận từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, các công ty Trung Quốc cũng đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của các nước châu Phi, xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó tạo ra nhiều việc làm, giúp giải quyết nhiều vấn đề xã hội nan giải. Dù thế nào, chính sách của Trung Quốc trong khu vực về cơ bản vẫn tập trung vào chiến lược "mở rộng không gian tài nguyên sống còn" của mình.

Một trong những nguyên nhân thành công quan trọng của Bắc Kinh chính là đã kịp thời thu hút được những lợi ích từ việc toàn cầu hóa và phân chia lao động, giúp họ vượt lên được một khoảng cách đáng kể so với các quốc gia đang phát triển khác.

Nếu như trong mắt của nhiều người dân châu Phi, phương Tây vẫn chủ yếu được nhìn nhận như những kẻ đại diện cho chủ nghĩa thực dân cũ thù địch, thì Trung Quốc lại nổi lên nhờ tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc. Bắc Kinh cũng tỏ ra hào phóng trong việc đón tiếp và đào tạo các chuyên gia từ các quốc gia châu Phi, hy vọng họ sẽ trở thành những người theo chính sách thân Trung Quốc sau này.

Bước nhảy vọt về ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi bắt đầu được ghi nhận từ 10 năm trước đây. Từ năm 2000, Bắc Kinh đứng ra tổ chức và tài trợ cho một diễn đàn thường xuyên "Trung Quốc - Châu Phi", làm cơ sở để họ thâm nhập nhanh chóng vào lục địa Đen. Tại diễn đàn này, Bắc Kinh thường xuyên đưa ra những đề xuất mà người châu Phi khó có thể từ chối.

Ví dụ điển hình của chính sách này là trường hợp của Sudan: Trung Quốc xóa hết nợ, cung cấp những khoản tín dụng hấp dẫn, hỗ trợ nhân đạo, giúp giảm bớt đáng kể các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Sudan sau vấn đề Darfur. Mới 5 năm trước, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn hứa hẹn với các nước châu Phi về khoản tín dụng hấp dẫn 5 tỉ USD, thành lập tại đây 5 khu vực kinh tế tự do, xây dựng 160 cơ sở nhân đạo, miễn thuế cho 440 mặt hàng nhập khẩu từ châu Phi, cũng như xóa nợ cho hơn một nửa quốc gia tại châu lục này.

Theo giới quan sát, chính sách bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc dù sao cũng gặp phải những khó khăn đáng kể. Có thể kể tới những cuộc cách mạng trong thế giới Arập dẫn đến sự ra đi bắt buộc của các đồng minh Mubarak và Ben Ali, cũng như những tổn thất đáng kể về tài chính của Trung Quốc tại Libya. Chưa kể Mỹ và phương Tây đã nhận thức rõ hơn về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi và đã có những chính sách ngăn cản hay cạnh tranh thích hợp.

Những sự kiện trên đã bắt buộc Bắc Kinh phải hiệu chỉnh lại các kế hoạch của mình theo hướng thận trọng hơn khi ký kết các hợp đồng lớn với giới chính khách châu Phi

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.