Mỹ theo dõi Liên Xô thử bom hạt nhân như thế nào?

Thứ Sáu, 12/01/2007, 15:00

Tháng 7/1947, Straus, Ủy viên của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Mỹ, tìm đến Tư lệnh Hải quân Forrestal, người sắp trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, đưa ra đề xuất yêu cầu quân đội tiến hành theo dõi việc nghiên cứu bom nguyên tử của Liên Xô.

Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Liên Xô đẩy nhanh việc bí mật nghiên cứu bom nguyên tử. Theo tiết lộ của tạp chí Discovery and Science của Mỹ gần đây, Liên Xô đã bí mật thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của mình vào ngày 29/8/1949, phải tới mấy ngày sau, máy bay trinh sát gián điệp của Mỹ mới phát hiện sự việc này.

Năm 1946, Thượng viện và Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc xin ra khỏi hải quân, trở thành Ủy viên của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Mỹ của Thiếu tướng Straus. Ông ta ra sức thúc ép Hải quân Mỹ tiến hành những thí nghiệm đánh giá về mức độ ảnh hưởng của các vụ nổ bom nguyên tử đối với tàu chiến. Tại đảo san hô Bikyni tây Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ tiến hành hàng loạt vụ thử bom nguyên tử khiến cho tên tuổi của Straus nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân.

Sau khi lên nắm quyền, Straus hết sức quan tâm đến tình hình nghiên cứu bom nguyên tử của Liên Xô, đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ trong chiến tranh lạnh. Thế nhưng, Liên Xô đã áp dụng những biện pháp bảo mật nghiêm ngặt nhất khiến Hải quân Mỹ không hề có bất cứ biện pháp gì để có thể tiến hành theo dõi việc nghiên cứu bom hạt nhân của Liên Xô.

Straus đã phát hiện ra điều này, sau khi Hải quân Mỹ thử nghiệm bom nguyên tử, có thể đo được lớp bụi phóng xạ ở cách khu vực thử nghiệm hàng nghìn kilômét. Ông ta cho rằng, Mỹ có thể sử dụng phương pháp tương tự để theo dõi việc thử bom nguyên tử của Liên Xô. Thế nhưng, đây lại là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, bởi lẽ người Mỹ không thể biết được đích xác thời gian cụ thể mà Liên Xô sẽ tiến hành thử nghiệm bom nguyên tử.

Tháng 7/1947, Straus tìm đến Tư lệnh Hải quân Forrestal, người sắp trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, đưa ra đề xuất yêu cầu quân đội tiến hành theo dõi việc nghiên cứu bom nguyên tử của Liên Xô. Ngày 16/9, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Eisenhower chính thức ra lệnh, tiến hành giám sát trên không đối với tất cả những vụ thử bom nguyên tử ở mọi nơi trên toàn thế giới do Không quân phụ trách, hành động này mang tên “Con quạ bất tử trung thành”.

Đây là những chuyến bay đặc biệt của Không quân Mỹ, khi đó Không quân Mỹ không có máy bay trinh sát từ xa hiện đại như hiện nay, họ buộc phải dùng máy bay ném bom chiến đấu WB-29, cải tiến làm phương tiện tiến hành trinh sát từ xa. Để che đậy hành động này, đến cuối năm 1948, trong 3 trung đội máy bay trinh sát khí tượng WB-29, chỉ có máy bay WB-29 thuộc Trung đội 375 là được trang bị các thiết bị đo đạc đặc biệt, có thể đo được hàm lượng bức xạ trong không khí sau khi vụ nổ hạt nhân được tiến hành.

Quân đội Mỹ cho rằng, sau khi Liên Xô nghiên cứu thành công bom nguyên tử, thông thường họ sẽ chọn khu vực Trung Á cách xa lãnh thổ Mỹ để tiến hành thử nghiệm. Do vậy, Không quân Mỹ quyết định, máy bay WB-29 sẽ được bố trí tại Alaska, nơi gần với khu vực Viễn Đông của Liên Xô nhất, nhiệm vụ của những máy bay này là hàng ngày tiến hành trinh sát, thu thập các mẫu dạng phân tử trong không khí trên không phận khu vực Viễn Đông của Liên Xô.

Do không phận duyên hải lại rơi đúng vào khu vực mà dải gió Đông từ đại lục Âu - Á bay qua, nên chỉ cần Liên Xô tiến hành thử nghiệm bom nguyên tử trên mặt đất ở khu vực Trung Á, thì lớp bụi có hàm lượng bức xạ sẽ được gió thổi tới không phận Viễn Đông cách đó hàng nghìn kilômét.

Một tháng trước khi Liên Xô tiến hành vụ nổ thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên, Mỹ đã vô cùng hoảng hốt khi phát hiện ra rằng, mức bức xạ trong không khí cao hơn rất nhiều lần so với mức bình thường. Thế nhưng, các nhà khoa học nước này đã nhanh chóng xác định được nguyên nhân là do những nhân tố tự nhiên như núi lửa trên đường bay của máy bay trinh sát Mỹ gây ra.

Khoảng 7h ngày 29/8/1949, tại Semipalatinsk, Kazakhstan của Liên Xô vang lên một tiếng nổ rung trời. Liên Xô đã thí nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của mình. Liên Xô áp dụng những biện pháp bảo mật nghiêm ngặt nhất, nhằm hạn chế tối đa thông tin lọt ra ngoài. Do lớp bụi bức xạ ở Semipalatinsk phải mất mấy ngày qua gió và mây mới bay tới khu vực Viễn Đông Liên Xô, bởi vậy quân Mỹ ở Alaska không có cách nào để biết được việc Liên Xô thử nghiệm bom nguyên tử.

Thế nhưng, ngày 3/9, sau khi quay lại khu căn cứ quân sự Mỹ ở Alaska từ không phận gần bán đảo Kamchatka Viễn Đông Liên Xô như thường lệ của một chiếc WB-29, các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra lớp giấy thấm thu được sau 3 giờ bay ở độ cao hơn 6.000m.

Họ hoảng hốt phát hiện ra rằng, mức bức xạ cao gấp 4 lần tiêu chuẩn cảnh báo mà các nhà khoa học Mỹ đặt ra. Họ nhanh chóng loại trừ những nhân tố tự nhiên, do đó tấm giấy thấm này được đưa về Mỹ để kiểm tra kỹ càng hơn, đồng thời, quân đội Mỹ cũng được lệnh tăng cường trinh sát trên không phận khu vực Viễn Đông Liên Xô.

Hai ngày sau, kết quả kiểm tra lớp giấy thấm đã cho thấy, mức bức xạ đã vượt qua mức báo động 20 lần. Do Liên Xô không công khai việc thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên của mình, nên quân đội Mỹ phải hành động vô cùng thận trọng. Sau khi nhận được thông tin về kết quả kiểm tra mức bức xạ ở khu vực Viễn Đông Liên Xô, quân đội Mỹ còn thông qua việc kiểm tra nước mưa của Hải quân và thông tin tình báo của quân đội Anh, họ mới dám đưa ra kết luận cuối cùng rằng Liên Xô đã tiến hành thử nghiệm bom nguyên tử, sức công phá của nó tương đương với quả bom nguyên tử đầu tiên được Mỹ thử nghiệm vào tháng 7/1945.

Một số chuyên gia thông qua những dấu hiệu khác nhau đã đưa ra phán đoán rằng, Liên Xô tiến hành thí nghiệm vào khoảng 8h sáng ngày 29/8/1949, chỉ lệch với thời gian thực của vụ thử nghiệm 1 tiếng đồng hồ.

Ngày 20/9, sau nhiều thực nghiệm tỉ mỉ, quân đội Mỹ đã báo cáo thông tin về việc Liên Xô tiến hành thử nghiệm bom nguyên tử lên Tổng thống Truman. Ngày 23/9, Tổng thống Mỹ Truman đã công bố trước công chúng Mỹ rằng: “Chúng ta có chứng cứ cho thấy, trong những tuần gần đây, Liên Xô đã tiến hành thí nghiệm bom nguyên tử đầu tiên”

Vũ Anh Tiến (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.