Mỹ từng áp dụng chiến tranh địa - vật lý tại Việt Nam

Thứ Sáu, 14/04/2006, 08:00

Đây là một công trình khoa học của Mỹ với mục đích đảo lộn, phá hủy môi trường ở Đông Dương. Song ít ai được biết đó là loại “chiến tranh khí tượng” được che đậy dưới từ ngữ huyễn hoặc “người đồng bào trung gian” (Intermediary compatriot), chương trình mở mắt (pop eye), công trình sông Nill xanh (Blue Nile)...

Khi Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, các nhà khoa học chân chính trên thế giới rất quan tâm theo dõi hành vi vô nhân đạo của Mỹ, đã nhạy cảm lên án Mỹ lợi dụng tiến bộ khoa học vào mục đích nhơ bẩn. Nhà trí thức Huỳnh Hữu Nghiệp, Phó chủ tịch Liên đoàn Trí thức Việt Nam ở Paris viết lại thư ngỏ đăng trên tạp chí La Recherche (Nghiên cứu) chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thời đó rằng, có phải công trình sông Nill xanh nhằm phá hoại môi trường sống của hai nước Việt Nam và Lào? Tất nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ không trả lời.

Ông Nghiệp lại vạch rõ điều phát hiện: Cơ quan Khoa học quốc gia Mỹ đỡ đầu việc nghiên cứu “biến đổi thời tiết” từ năm 1958 với ý đồ phục vụ hoạt động quân sự. Lại biết trong hồ sơ của Quốc hội Hoa Kỳ có tham luận của Thượng nghị sĩ Claiborne Pell viết về sự thí nghiệm làm “mưa chiến lược” ở Đông Dương có khả năng làm tan vỡ cơ cấu kinh tế và xã hội của một nước nhỏ, có tác dụng chặn đứng mọi hoạt động chống đối. Nhóm nghiên cứu “Khoa học về Việt NamChicago kết luận, việc biến đổi thời tiết thực chất là “chiến tranh địa - vật lý”.

Các nhà trí thức thông qua các dữ kiện đáng tin cậy, vạch rõ: “Stephen John Walker Luksarin, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu chương trình khoa học tiên tiến Hoa Kỳ đã gửi Thượng viện bản đánh giá kết quả “chiến dịch mở mắt” từ cuối tháng 3/1967 ở Trường Sơn... Các vuông đất bằng và thung lũng đều biến thành hồ nước mênh mông, hầu như mọi công trình giao thông, hầm trú ẩn đều sụt lở, cầu cống bị lũ cường cuốn đi, vận tải bị đình trệ kéo dài từng đợt hai, ba tháng buộc binh đoàn tiếp tế của Hà Nội phải chỉ thị các đơn vị trên đường “mòn” sử dụng từ 1/3 đến nửa lực lượng chống lũ, sơ tán gấp mọi cơ sở hậu cần kỹ thuật lên sườn núi. Số còn lại tập trung vào giữ cầu đường. Sau lũ lụt phải dồn sức khẩn cấp khôi phục giao thông, trận địa phòng không, bảo dưỡng xe pháo...

Theo số liệu tình báo, công sức lao động của quân đội miền Bắc Việt Nam đưa vào đối phó với lũ lụt khá lớn, khoảng 40% nhân lực làm suốt 6 tháng, với 6.876.900 ngày công. Mỗi ngày công không phải chỉ 8 giờ mà kéo dài 12 đến 14 giờ. Sau mỗi đợt lũ, khối lượng đất đá san lấp khoảng 920.415 m3 bằng 1,5 lần khối lượng do bom phá (số liệu tổng kết năm 1971 của Đoàn 559). Nhưng thiệt hại đáng kể nhất là cản trở hơn 60% thời gian vận tải tiếp tế chiến trường...”.

Thượng nghị viện Mỹ xem kết quả, chấp nhận các công trình “thay đổi thời tiết”, cho phép ứng dụng phổ biến ở Đông Dương. Ủy ban Tài chính Thượng viện thông qua ngân sách đề tài này là 5 triệu USD (1970-1971).

Thượng nghị sĩ Pell xác nhận: Các hoạt động của không quân làm biến đổi thời tiết đã có tác dụng thực tế đối với miền Bắc Việt Nam trong mùa lạnh 1971 và có người tiếc “Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội gia tăng lượng mưa lũ tạo nên cuộc sống trôi nổi cho cư dân ven các sông lớn, để hạ gục hẳn tiềm năng chi viện của Bắc Việt...”. McDonald gợi ý: “...Tuy nhiên, mưa lũ vẫn chưa thể ngăn chặn hẳn sự tiếp tế để cô lập hoàn toàn miền Nam. Vì đối phương có tài thích nghi đến kỳ lạ (!). Nói không ngoa, họ đã tiến gần đến “bậc thánh” về mặt này. Nhất là thời tiết mùa khô, Trường Sơn chỉ có sương mù ẩm ở nhiệt độ 32F (nhiệt độ nước đá đang tan) thì phải phun hóa chất sodium và calcium chloride với khối lượng vô cùng lớn, mới có thể gây mưa... Song hiệu quả không tương xứng. Nhưng chỉ khi tạo ra được sóng thần quét sạch mọi thứ tàng trữ của họ ở dải đất hẹp từ Vĩnh Linh, Quảng Bình ra Nghệ An, nơi họ dùng làm vị trí tập kết trước khi vượt lên Tây Trường Sơn, mới “thật sự trói chặt chân tay họ”.

Các chuyên viên khoa học Mỹ lại lao vào nghiên cứu các thử nghiệm, tạo ra một loạt vụ nổ định kỳ, làm cho khối nước rộng 100 km2, sâu 100m xê dịch đi 100m sẽ sinh công mêgatôn. Sự giải tỏa năng lượng này tạo nên những cột sóng đổ ập lên bờ, đẩy mọi vật tung lên sườn núi, hoặc cuốn xuống đáy biển. Chỗ “tuyệt vời” của sự hủy diệt đó là “không để lại dấu ấn người tạo ra nó”. Đối phương không sao biết được, chỉ còn cách oán trừ... Cũng chẳng thể truy tìm được chứng tích trái ngược Công ước quốc tế...

Quả thật là những năm chiến tranh (1965-1973), các lực lượng Đoàn 559 không hề biết Mỹ đã tăng sức phá hủy của lũ lụt ở Trường Sơn. Mãi đến 1974, khi được những thông tin kỹ thuật nói rõ, tờ Navy Times (5/6/1974), tiết lộ từ năm 1967 đến 1972, Không quân Hoa Kỳ đã tiến hành 2.062 phi vụ làm mưa nhân tạo trên đường mòn Trường Sơn, tiêu tốn 21,6 triệu USD... Tuy gây được sức cản nặng nề cho kế hoạch tiếp tế của Hà Nội, song vẫn không có tín hiệu ngăn chặn được họ (!).

Tháng 1/1973, Mỹ buộc phải cam kết rút hết lực lượng quân sự khỏi Đông Dương, thì các hoạt động “chiến tranh địa - vật lý” cũng chấm dứt

Nguyễn Việt Phương
.
.