Mỹ từng bị ICRC phát hiện tra tấn dã man tù nhân Guantanamo

Thứ Bảy, 04/04/2009, 15:15
Theo tài liệu được giấu kín từ năm 2007, Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ (ICRC) từng ghi nhận những thủ đoạn tra tấn tàn bạo về thể xác lẫn tinh thần tù nhân ở các nhà tù Mỹ. Những kiểu ngược đãi đối với nghi can như vậy là bị cấm bởi Hiệp định Geneve.

Phát hiện này dựa trên cuộc điều tra của các quan chức ICRC được tiếp xúc với những tù nhân "cao giá" của CIA sau khi họ bị chuyển tới nhà tù ở Guantanamo (Cuba) năm 2006. 14 tù nhân, trước đó bị biệt giam trong các nhà tù của Mỹ ở nước ngoài, đã miêu tả giống hệt nhau về việc bị đối xử tồi tệ, bao gồm đánh đập, không cho ngủ, bị giam trong phòng nhiệt độ cao và một số trường hợp bị ngộp nước đến ngất.

Được biết, có ít nhất 5 bản sao báo cáo này tới tay các quan chức cấp cao Nhà Trắng và CIA hồi năm 2007, nhưng bị chặn đưa ra trước công chúng vì nguyên tắc của ICRC là bảo vệ chính sách trung lập của tổ chức này khỏi các xung đột. Tuy nhiên, một bản sao báo cáo này lọt vào tay của Mark Danner, vị giáo sư báo chí công bố nhiều đoạn trong báo cáo này trên cuốn New York Review of Books (sẽ ấn hành ngày 9/4/2009).

Bằng việc sử dụng chính lời của tù nhân, báo cáo này tái hiện hình ảnh thương tâm về tình trạng tại các nhà tù bí mật, nơi tù nhân gọi đó là lằn ranh giữa sống và chết. Trong quá trình tra hỏi, nghi can khủng  bố thường xuyên bị đánh đập, bị giội nước lạnh và đập đầu vào tường. Giữa những lần tra khảo, họ bị lột hết quần áo, bị hành hạ bằng thứ âm nhạc đinh tai nhức óc, nhốt vào phòng lạnh và thiếu ngủ nghiêm trọng.

Một số tù nhân còn cho biết bị buộc phải đứng suốt nhiều ngày với tay bị xích lên phía trên và chỉ đeo mỗi cái tã. Báo cáo trích lời một nghi can khủng bố tên Walid bin Attash: "Tra khảo bắt đầu bằng việc họ tròng thòng lọng vào cổ rồi đập đầu tôi vào tường trong phòng tra khảo. Tiếp tới, tôi bị quấn trong tấm nhựa rồi họ đổ nước lạnh lên người tôi. Sau đó mới bắt đầu cuộc tra hỏi".

Cựu Tổng thống George W. Bush thừa nhận việc sử dụng các thủ đoạn tra khảo tàn bạo đối với tù nhân Al-Qaeda bị CIA giam giữ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, nhưng ông Bush cho là hợp với luật pháp Mỹ và quốc tế.

Cựu Giám đốc CIA Michael V. Hayden đã thừa nhận hồi năm ngoái rằng cơ quan này có sử dụng những hình thức tra khảo đó, kể cả việc dìm 3 tù nhân bị bắt trước năm 2003. Tổng thống Obama đã cấm các hình thức tra tấn ngay sau lễ nhậm chức của ông ngày 20/1/2009. Nhưng ông Obama tỏ ra miễn cưỡng chỉ đạo điều tra về các chính sách của CIA.

Bản báo cáo cũng đưa ra hình ảnh minh chứng việc tra tấn đối với Zayn al-Abidin Muhammed Hussein - thường được biết với tên Abu Zubaida, người Palestine gốc Arập được cho là thủ lĩnh cao cấp đầu tiên của Al-Qaeda bị bắt sau vụ 11/9. Abu Zubaida bị thương nặng trong cuộc truy bắt hồi tháng 3/2002 tại nơi trú ẩn ở Faisalabad (Pakistan) và được chăm sóc y tế do CIA dàn xếp.

Theo báo cáo, sau khi hồi phục, Abu Zubaida mô tả là bị còng tay chân vào ghế suốt 2-3 tuần trong phòng lạnh với loại nhạc đinh tai nhức óc. Abu Zubaida cho biết bị thẩm vấn 3 giờ mỗi ngày và khi ngất đi thì họ tạt nước vào mặt cho tỉnh lại.

Ngoài ra, Abu Zubaida còn bị quấn khăn vào cổ và bị đập vào vách gỗ trong xà lim. Sau các trận đòn, Abu Zubaida bị tống vào hộp gỗ trông như quan tài làm cho người phải co rúm lại trong tình trạng không ánh sáng và thiếu không khí.

Sau khi, được lôi ra khỏi cái hộp đó, Abu Zubaida bị trói vào chiếc giường giống như trong bệnh viện và bị làm ngộp nước. Các thẩm vấn dùng vải đen trùm lên mặt anh ta rồi đổ nước lên làm cho ngộp thở. Thủ đoạn tra tấn này tiếp diễn nhiều lần.

Tại một phiên tòa liên bang (Mỹ), luật sư của Abu Zubaida cho biết anh ta bị 175 vết thương do bị hành hạ quá mức - đặc biệt là ở vùng đầu, hậu quả từ những đòn tra tấn của thẩm vấn viên CIA và tăng thêm do tình trạng bị cách ly trong thời gian dài.

Geneve Mantri, một chuyên gia chống khủng bố thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: "Các báo cáo này xuất phát từ nguồn đáng tin cậy. Rõ ràng là các quan chức cấp cao đã được cảnh báo từ rất sớm rằng những tù nhân kia bị đối xử theo kiểu hành hạ. Câu chuyện này tiết lộ nhiều điều sâu xa hơn chúng ta mong đợi, càng phát hiện nhiều chi tiết thì càng làm chấn động công chúng"

Nhất Đăng (tổng hợp)
.
.