Mỹ từng bí mật bán vũ khí cho Iran?

Thứ Hai, 11/12/2006, 08:30

Ngày 2/11, Iran bắt đầu tiến hành cuộc tập trận liên quân quy mô lớn. Khi Iran đang tiến hành biểu dương lực lượng, thì người Mỹ lại tỏ ra vô cùng lo lắng, bởi họ phát hiện ra rằng trong cuộc tập trận có không ít vũ khí do Mỹ chế tạo.

Điều này vô tình khiến nhiều người nhớ lại vụ buôn bán vũ khí bí mật giữa Mỹ và Iran 20 năm trước. Vì chuyện này suýt nữa Tổng thống Reagan bị "hạ bệ".

Khủng hoảng con tin, Mỹ nhờ Iran giúp sức

Năm 1985, trong cuộc nội chiến ở Liban xảy ra vụ bắt cóc gây chấn động thế giới. 7 công dân Mỹ đã rơi vào tay Tổ chức dân binh Liban do Iran giúp đỡ. Do Chính phủ Mỹ trước đó đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran nên buộc phải “hạ mình”, thông qua trung gian để tìm hiểu động thái của Iran đồng thời ngỏ ý nhờ nước này can dự.

Lúc này, tình hình trong nước của Iran dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ tinh thần Khomeini cũng không ổn định. Vì đi theo chính sách ngoại giao “không cần phương Tây, cũng chẳng cần phương Đông”, nên trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq,  Iran thiếu hụt rất nhiều vũ khí quân dụng.

Trước tình thế cấp bách, Khomeini đã đưa ra một tín hiệu đáng mừng cho người Mỹ. Cuối tháng 7/1985, hàng loạt Đại sứ Iran ở châu Âu bị triệu hồi về nước để nhận sự chỉ đạo của Khomeini.  Chỉ thị mới của Khomeini là tìm cách tiếp cận với Mỹ để tạo nguồn cung cấp vũ khí phục vụ cuộc chiến giữa Iraq - Iran.

Sau đó, Iran quyết định thông qua Israel để truyền đạt thông tin. Mặc dù lúc này, trong con mắt của Khomeini, Israel vẫn là kẻ thù không đội trời chung, thế nhưng trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh Iran - Iraq, với mục đích chung là chống lại chính quyền Saddam Hussein, hai nước luôn có những cuộc buôn bán vũ khí bí mật với nhau.

Cuộc giao dịch bí mật

Để có được nguồn cung cấp vũ khí phục vụ cho cuộc chiến, Iran có đề nghị sẽ tìm cách giải quyết vụ khủng hoảng con tin cho Mỹ, ngược lại Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Iran. Rất nhanh, Tổng thống Reagan đã nhận được một lời bảo đảm từ Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Israel - Kimkinary: Một nhóm người Iran thuộc phái ôn hòa có ảnh hưởng chính trị rất lớn đã thông báo với Israel rằng, hiện nay bệnh tình của Khomeini đang rất tồi tệ, có thể cuộc sống của ông ta chỉ còn được tính bằng giờ.

Sau khi Khomeini chết, lãnh đạo của phái ôn hòa có thể sẽ lên nắm quyền và muốn nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ, trước mắt, họ sẽ sẵn sàng thuyết phục đảng Alla của Liban thả tự do cho 7 công dân Mỹ bị bắt cóc. Do thái độ của những người này khá chân thật nên người Mỹ không một chút nghi ngờ.

Tổng thống Reagan lập tức cho gọi trợ lý Các vấn đề an ninh quốc gia McFarlane, Cục trưởng Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) - Casey đến Nhà Trắng để bàn bạc. Họ cho rằng, việc tiến hành tiếp xúc với Iran không những có thể giải thoát được con tin, hơn nữa lại có thể mở ra được cánh cửa trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này. Do vấn đề khá quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của các con tin và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, nên được giữ kín tuyệt đối.

Qua sự giúp đỡ và hòa giải của Israel, phía Iran lập tức đưa ra điều kiện đầu tiên đó là “đổi con tin lấy việc mua vũ khí”, yêu cầu Mỹ cung cấp loại tên lửa chống tăng vác vai có thể xuyên thủng vỏ bọc thép dày cho họ. Do luật pháp Mỹ cấm buôn bán vũ khí cho Iran, nên McFarlane đã đưa ra một phương án bí mật: Đầu tiên Iran gửi tiền vào một tài khoản ở Ngân hàng Thụy Sĩ, sau đó phía Israel sẽ cung cấp tên lửa trong kho dự trữ của nước này cho Iran. Cuối cùng, Mỹ sẽ tiến hành bổ sung cho Israel số vũ khí mà nước này đã dùng để cung cấp cho Iran.

Sau khi Iran nhận được vũ khí phải tiến hành việc thương thuyết để phóng thích các con tin người Mỹ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Để kế hoạch không xảy ra sơ suất, Cơ quan Tình báo hải ngoại của Israel đã tổ chức một mạng lưới buôn bán vũ khí, còn McFarlane chỉ định cho Trung tá North thuộc Ủy ban An ninh quốc gia đổi tên thành William Goodland, sau đó cài vào mạng lưới buôn bán này để trực tiếp thực hiện kế hoạch.

Ngày 14/9/1985, sau khi khoản tiền 5 triệu USD của Chính phủ Iran được gửi vào tài khoản ở Ngân hàng Thụy Sĩ, thì một chiếc chuyên cơ của Israel chở 508 quả tên lửa vác vai, đã hạ cánh xuống sân bay của Iran. Giữ lời hứa, ngay sau khi nhận được số vũ khí trên, Chính phủ Iran bắt đầu tiến hành thuyết phục phía Liban về vấn đề trao trả tự do cho các con tin.

Đúng một ngày sau, giáo chủ Benjamin Vailer - con tin người Mỹ đầu tiên đã được trả tự do sau khi bị đảng Alla bắt cóc 7 tháng. Vụ giao dịch “đổi con tin lấy việc mua vũ khí” đã kết thúc tốt đẹp. Chính phủ Mỹ thở phào nhẹ nhõm. Ngay ngày hôm đó, Tổng thống Reagan gọi điện cảm ơn Thủ tướng Israel.--PageBreak--

Mỹ kiếm lời bao nhiêu qua vụ buôn bán bí mật?

Qua vụ giao dịch bí mật này, McFarlane đã thu được nhiều thuận lợi. Ông ta muốn nhân cơ hội này để mở quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran. Tháng 5/1986, McFarlane cùng với 4 trợ thủ khác với tấm hộ chiếu Ireland giả, bí mật đến Tehran. Ông ta còn mang theo một bức thư và món quà mà Tổng thống Reagan gửi cho nhà lãnh đạo Iran. Cái gọi là “thư” chính là một quyển “Kinh thánh” do đích thân Tổng thống Reagan ký.

Tại trang mà Tổng thống Reagan ký, có viết: “Tất cả con chiên của các tôn giáo khác nhau đều chung sống hòa hảo”. Còn món quà chỉ mang tính tượng trưng: một khẩu súng và quả trứng làm thành hình chiếc chìa khóa. Khẩu súng có nghĩa Mỹ có thể cung cấp vũ khí cho Iran, còn quả trứng lại có nghĩa là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa quan hệ Mỹ - Iran.

McFarlane đã tiến hành cuộc hội đàm trong 5 ngày với các quan chức cấp cao của Iran. Ông ta đảm bảo Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và các trang thiết bị kèm theo, và ngỏ ý khi phái ôn hòa lên nắm quyền, Mỹ sẽ sẵn sàng nối lại quan hệ với Iran.

Sau khi McFarlane về nước không lâu, 4 chiếc máy bay vận tải quân sự bí mật đến Iran mang theo 1.000 quả tên lửa vác vai và không biết bao nhiêu tên lửa phòng không, tiếp sau đó con tin người Mỹ thứ hai được trao trả tự do. Số vũ khí đến từ Mỹ này đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong các cuộc giao chiến giữa quân đội Iran với quân đội Iraq. Bộ binh của họ không cần phải dùng “chiến thuật tên lửa người” để nghênh chiến với xe tăng Iraq mà chỉ cần đứng ở một khoảng cách thích hợp, ngắm chính xác và bóp cò là có thể tiêu diệt được, dần dần giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Theo thống kê sau đó, Mỹ đã bán cho Iran một số vũ khí với giá lên đến 30 triệu USD, trong khi giá thực sự chỉ khoảng 20 triệu, trong số đó ngoài các trang thiết bị như máy bay chiến đấu, xe tăng, radar, có khoảng 2.000 quả tên lửa chống tăng vác vai và 235 quả tên lửa phòng không Hawke. Qua đó, Mỹ đã kiếm lời được 18 triệu USD.

Vụ bê bối “Water Gate” thứ 2 của Mỹ

Mùa thu năm 1986, cuộc đấu đá trong nội bộ Chính phủ Iran lên đến đỉnh điểm. Ngày 27/10, chủ biên của tờ Clipper Magazine thân với phái Shiits-Shabury có cuộc phỏng vấn với Khashim - Chánh văn phòng Phong trào giải phóng Islam của Iran, người này đã vô tình tiết lộ cho Shabury một thông tin gây sửng sốt: Mỹ đang ngấm ngầm buôn bán vũ khí cho Iran thông qua Israel, thậm chí Khashim còn tiết lộ cả chân tướng chuyến thăm Tehran của  McFarlane. Shabury lập tức ý thức được rằng, thông tin này sẽ là một thông tin “để đời” trong sự nghiệp báo chí của mình và cũng là “phần thưởng” lớn nhất trong đời mình.

Ngày 4/11/1986, ngay trong ngày kỷ niệm 7 năm Đại sứ quán Mỹ tại Tehran bị chiếm đóng, tờ Clipper Magazine vốn chỉ là một tờ báo không có tiếng tăm gì bỗng chốc trở thành một tờ báo ăn khách nhất ở Belarus với 25.000 bản đã bán hết veo khi thông tin về việc Mỹ bí mật bán vũ khí cho Iran được đăng tải.

Thông tin này đã gây chấn động toàn thế giới, Chính phủ của Khomeini tỏ ra hết sức khó xử khi trước đó họ luôn rêu rao “không bao giờ quan hệ với chính quyền Reagan”. Uy tín của Tổng thống Reagan ở Mỹ cũng giảm sút rõ rệt.

Giới báo chí Mỹ gọi vụ này là vụ bê bối “Water Gate thứ 2” của Chính phủ Mỹ sau vụ Tổng thống Nixon có dính líu. Ngay sau đó, Chính phủ Iran, đứng đầu là lãnh tụ Khomeini đã vô cùng tức giận và tìm cách thủ tiêu kẻ đã dám tiết lộ bí mật quốc gia - Khashim với tội danh phản quốc, giết người và bắt cóc.

Để điều tra rõ chân tướng sự việc, Lưỡng viện Mỹ đã thành lập một Ủy ban điều tra đặc biệt. Mặc dù sau đó, Tổng thống Reagan vẫn được tại vị, thế nhưng uy tín của ông tại chính trường Mỹ đã giảm sút trầm trọng. Trợ lý Các vấn đề an ninh quốc gia buộc phải từ chức. Cục trưởng Cục Tình báo trung ương Mỹ Casey cũng phải “treo ấn từ quan”. Còn Trung tá North bị kết án 3 năm tù. Khi nghe Tòa án Liên bang tuyên án, North đã ngậm ngùi than rằng: “Tôi chỉ là con tốt bị người ta sử dụng trên bàn cờ mà thôi”

Anh Tiến (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.