Mỹ từng thảo luận với Iran trước và sau khi đưa quân vào Iraq

Thứ Tư, 23/03/2016, 16:00
Theo một tiết lộ mới nhất của cựu Đại dứ Mỹ tại Iraq Zalmay Khalilzad trong quyển hồi ký nhan đề “Ngài Đại sứ” (The Envoy) cho biết, ngay trước khi đưa quân vào chiếm đóng tại Iraq tháng 3-2003, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề nghị và tiến hành các cuộc đối thoại bí mật về tương lai Iraq và về việc Iran sẽ không bắn vào máy bay Mỹ nếu lỡ xâm phạm không phận.

Theo quyển sách, trước khi tiến hành cuộc chiến xâm lược Iraq, Nhà Trắng đã cho phép Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp xúc với các quan chức ngoại giao Iran để đưa ra một số đề nghị nhằm bảo đảm cho cuộc chiến tại Iraq diễn ra suôn sẻ, đồng thời định hình chính thể Iraq sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ.

Các cuộc gặp thảo luận bí mật giữa ông Zalmay Khalilzad với các quan chức ngoại giao Iran do ông Mohammad Javad Zarif, khi đó là Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc dẫn đầu diễn ra tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ. Các cuộc gặp đã diễn ra nhiều lần, cho đến sau khi Mỹ đánh chiếm được Baghdad vào tháng 4-2003.

Tuy nhiên, giữa Mỹ và Iran còn khác biệt lớn về quan điểm đối với việc định hình chính phủ tương lai của Iraq, và cũng vì Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush vẫn giữ thái độ thù địch với Iran. Tháng 5-2003, chính quyền W. Bush dừng các cuộc đối thoại sau khi cáo buộc Iran chứa chấp các thủ lĩnh khủng bố Al-Qaeda bị quy trách nhiệm trong một vụ tấn công ở Riyadh, Saudi Arabia, làm chết 8 người Mỹ.

Ông Zalmay Khalilzad (trái) trao đổi với Thủ tướng Iraq Ibrahim Jaafari trước khi ông này mất chức.

Ryan Crocker, một cựu đại sứ của Mỹ tại nhiều nước ở Nam Á và Trung Đông, trong đó có Iraq, cho rằng, giữa Mỹ và Iran từng có những cuộc tham vấn chính trị rất hiệu quả về Afghanistan sau sự kiện 11-9-2001, nhưng đối với vấn đề tương lai Iraq thì chiều hướng đi ngược lại. Nguyên nhân chủ yếu được cho là thái độ thù địch của Tổng thống W. Bush đối với Iran.

Ông W. Bush đã gọi Iran là “trục của quỷ” trong Thông điệp Liên bang tuyên bố vào tháng 1-2002, và hành động đó đã mặc định rằng, sẽ khó có một cuộc đối thoại nghiêm túc và các cuộc thảo luận nếu có cũng chẳng đi đến đâu – ông Crocker nói.

Các cuộc gặp bí mật Mỹ-Iran do chính ông Khalilzad khởi xướng vài tháng trước khi xảy ra cuộc chiến xâm lược Iraq tháng 3-2003 và được Nhà Trắng bật đèn xanh. Đại diện phía Iran trong cuộc tiếp xúc đầu tiên là Đại sứ Javad Zarif; phía Mỹ do ông Khalilzad dẫn đầu, đi kèm còn có ông Crocker. Khalilzad khi đó đang là Đại sứ lưu động cho những người Iraq tự do.

Tại cuộc gặp, ông Khalilzad nói với ông Javad Zarif rằng, chính quyền W. Bush muốn thiết lập một chính phủ dân chủ ở Baghdad và chính phủ này sẽ chung sống hòa bình với các nước láng giềng. Đồng thời, thông tin này cũng ngầm ý nói rằng, Mỹ không có ý định mở rộng chiến dịch quân sự vào lãnh thổ Iran.

Tuy nhiên, ông Javad Zarif có ý tưởng riêng về chính phủ tương lai ở Iraq. Ông bày tỏ ý muốn chính quyền phải nhanh chóng chuyển vào tay những người Iraq lưu vong. Javad Zarif lập luận rằng, các định chế an ninh của Iraq cần phải được xây dựng lại từ số không, yêu cầu loại trừ các thành viên đảng Baath của ông Hussein và phản đối việc quân đội Mỹ chiếm đóng Iraq.

Cách tiếp cận của ông Javad Zarif trái ngược hoàn toàn với chiến lược ông Khalilzad đưa ra để hình thành chính phủ Iraq trong đó bao gồm cả những người Iraq đối lập ở lại Iraq sống dưới chế độ ông Hussein chứ không chỉ có các lãnh đạo lưu vong. Ông Khalilzad cũng không chọn phương án thanh trừng hàng loạt cựu thành viên đảng Baath.

Những khác biệt lớn đó, cộng với bất đồng quan điểm trong vấn đề “chống khủng bố” càng làm cho cơ hội đàm phán trở nên mong manh hơn. Khi phía Mỹ đặt vấn đề “khủng bố” lên bàn thảo luận vào tháng 5-2003, ông Zarif đã đưa ra yêu cầu phía Mỹ hãy trao cho Iran các lãnh đạo nhóm Mujahedeen Khalq, còn gọi là MEK, một nhóm lưu vong chống đối chính quyền Iran, được ông Hussein chứa chấp ở Iraq. Phía Mỹ đáp trả rằng Iran chứa chấp các quan chức Al-Qaeda, trong đó có con trai của Osama bin Laden.

Mohammad Javad Zarif, người trực tiếp đối thoại với ông Zalmay Khalilzad năm 2003.

Tình tiết đó đã được người Iran diễn giải rằng “có khả năng có một cuộc trao đổi trực tiếp - các lãnh đạo MEK đổi các lãnh đạo Al-Qaeda” - quyển sách của ông Khalilzad viết. Chính quyền W. Bush ngay lập tức bác bỏ khái niệm “trao đổi” đó, và sau đó đã chấm dứt tiến trình thảo luận bí mật vào cuối tháng 5-2003, sau khi đã cáo buộc các lãnh đạo Al-Qaeda trú ẩn tại Iran có liên quan vụ tấn công ở Riyadh.

Sau khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Iraq vào năm 2005, ông Khalilzad tiếp tục thúc đẩy việc mở lại kênh đàm phán bí mật này. Và đã có những chuyển động hậu trường hướng đến việc mở lại kênh đối thoại bí mật Mỹ-Iran. Các quan chức Iraq hồi đó, sau khi đến Iran và quay trở về đã thông tin với Đại sứ Khalilzad rằng người Iran “sẵn sàng nói chuyện”.

Ngoài ra, trong năm 2006 cũng có một dịp mà Mỹ và Iran đã có một số chính sách trùng khớp với nhau. Ông Khalilzad khẳng định trong quyển sách: “Cả hai nước đều kết luận rằng Thủ tướng Iraq Ibrahim al-Jaafari làm việc không hiệu quả, cần phải thay.” Ông Khalilzad viết tiếp rằng, Qassim Suleiman, chỉ huy lực lượng Quds của Iran, đã bí mật đến Baghdad để trao một thông điệp rằng “Jaafari phải ra đi”.

Khalilzad kể, trong một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia, ông đã cố thuyết phục Tổng thống W. Bush cho phép ông mở lại đối thoại với người Iran. Kế đến, Abdul Aziz al-Hakim, thủ lĩnh một đảng Shiite ở Iraq có quan hệ mật thiết với Tehran, đã đến Iran và thúc giục Đại giáo chủ Ali Khamenei nối lại các cuộc thảo luận. Vị lãnh tụ tối cao Iran đã đồng ý. Tehran đã thành lập đoàn đàm phán với thành phần bao gồm bộ ngoại giao và các cơ quan an ninh Iran để chuẩn bị cho cuộc nói chuyện tại Baghdad mà Iran xác định là sẽ tham dự.

Ông Khalilzad đã định là sẽ cùng phái đoàn Iran bàn sâu vấn đề Iraq, thay vì các vấn đề về chính sách đối ngoại chung. Tuy nhiên, ý định của Khalilzad chưa được thực hiện thì Washington đột ngột hủy bỏ cuộc đối thoại vào phút chót, không rõ vì lý do gì. Từ sự kiện này, Đại giáo chủ Khamenei và ông Hakim đồng loạt nói với Khalilzad: “Không thể tin tưởng người Mỹ được”.

Rốt cuộc thì chính quyền Mỹ cũng đồng ý cho Khalilzad mở cuộc nói chuyện với Iran về vấn đề Iraq, nhưng “phải hết sức thận trọng”. Vậy là Khalilzad, và sau này (năm 2007) người kế nhiệm là ông Crocker theo đuổi các cuộc đàm phán bí mật với Iran, nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nguyên nhân chủ yếu được giới phân tích lý giải là vì ông Khalilzad theo đuổi chính sách quá cứng rắn đối với người Iran. Trong khi hai bên tiến hành đàm phán, thì ngoài mặt trận Iraq, lực lượng Mỹ và liên quân vẫn tiến hành các cuộc bố ráp, đụng độ với mạng lưới bán quân sự do Iran hậu thuẫn, trong đó có việc quân Mỹ bắt giữ một sĩ quan lực lượng Quds vào tháng 12-2006, ba tháng trước khi ông Khalilzad mãn nhiệm kỳ Đại sứ tại Iraq.

An Tôn (tổng hợp)
.
.