Mỹ với việc giám sát, kiểm soát mua bán nhiên liệu hạt nhân

Thứ Hai, 11/12/2006, 08:30
Việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã thành công trong vụ thử hạt nhân và Iran từng bước đẩy mạnh chương trình nghiên cứu, phát triển hạt nhân đã thực sự làm Mỹ lo ngại và cảm thấy sự cấp thiết phải tăng cường giám sát, kiểm soát việc mua bán và chuyển giao nhiên liệu hạt nhân hiện nay.

Xây dựng kho dữ liệu hạt nhân trên phạm vi toàn cầu

Vừa qua, Văn phòng theo dõi, giám sát hạt nhân nội địa của Cục An ninh nội địa Mỹ đã tuyên bố thành lập kho dữ liệu để lưu trữ các thông tin liên quan đến các loại nhiên liệu hạt nhân ở tất cả các khu vực trên thế giới. Khi ở nơi nào đó trên thế giới tiến hành thử các vụ hạt nhân hay chuyển giao nhiên liệu hạt nhân, ngay lập tức nước Mỹ sẽ nhanh chóng xác định được nguồn gốc của nguyên liệu hạt nhân đó, để có biện pháp ứng phó tương ứng.

Thực tế, mục đích của Mỹ không chỉ đơn giản như vậy, một khi kho dữ liệu này được vận hành, Mỹ sẽ nắm chắc và kiểm soát chặt chẽ việc nghiên cứu, phát triển các chương trình hạt nhân của tất cả các nước trên thế giới, từ đó tạo ra lợi thế cho nước Mỹ so với các nước khác trong lĩnh vực phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, do chương trình này đòi hỏi chi phí lớn nên Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng, Cục Điều tra liên bang và chính quyền các bang của Mỹ đều có trách nhiệm tham gia xây dựng kho dữ liệu thông tin này.

Không những vậy, để thu thập thông tin cần thiết, Mỹ không những triển khai hợp tác với các nước khác trên thế giới có khả năng và năng lực phát triển hạt nhân, mà còn chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ bí mật phái điệp viên đến các nước đối địch để tìm kiếm những thông tin cần thiết phục vụ kho dữ liệu này.

Nghiên cứu, chế tạo thiết bị mới để theo dõi, giám sát

Cùng việc sử dụng các vệ tinh gián điệp và máy bay trinh sát để theo dõi, giám sát các cơ sở hạt nhân của các nước, Mỹ còn đẩy mạnh việc nghiên cứu, chế tạo các thiết bị công nghệ cao để giám sát, kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân mới trên thế giới.

Hiện nay, Cục An ninh nội địa Mỹ đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo ra hai loại thiết bị dò tìm nhiên liệu hạt nhân kiểu mới và đang thử nghiệm tại trường thử vũ khí hạt nhân bang Nevada. Trong đó, có một loại đặt tại các cửa khẩu, hải cảng và các ngã tư trên tuyến đường cao tốc, có thể theo dõi, dò tìm chính xác các thiết bị liên quan đến hạt nhân hoặc chất phóng xạ. Một thiết bị khác đặt trên ôtô, có thể phân tích nhanh chóng các thành phần hóa chất trong không khí, một khi phát hiện ra các chất phóng xạ với mức độ vượt quá hàm lượng trong không khí, nó lập tức phát tín hiệu cảnh báo.

Hợp tác bảo đảm an toàn hạt nhân ở nga

Cùng với biện pháp tăng cường bảo vệ trong lãnh thổ, Mỹ cũng rất quan tâm đến sự bảo đảm an toàn của các loại tên lửa hạt nhân chiến lược và các cơ sở hạt nhân của Nga.

Ngày 24/10/2006, Cục Quản lý an ninh hạt nhân quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công khai tuyên bố rằng, Mỹ đã hoàn thành việc triển khai công tác bảo đảm an toàn cho hơn 50 cơ sở hạt nhân của Hải quân Nga trước thời hạn 2 năm. Theo đó, Mỹ sẽ giám sát và kiểm soát về an ninh bên ngoài đối với các kho hạt nhân và các cơ sở có các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Hải quân Nga. Biện pháp cụ thể là Mỹ triển khai lắp đặt thiết bị giám sát và kiểm soát người ra vào, hệ thống tăng cường phòng hộ khi các tình huống xảy ra.

Mục đích của Mỹ là không để các phần tử khủng bố có cơ hội tiếp cận và sở hữu các loại nhiên liệu hạt nhân tại những nơi này. Mỹ cho rằng việc nâng cấp toàn diện hệ thống bảo đảm an ninh tại các cơ sở hạt nhân của Hải quân Nga, sẽ nâng cao rất nhiều khả năng phòng chống và ngăn chặn các phần tử khủng bố tiếp cận với các loại nhiên liệu hạt nhân.

Hiện nay, Cục Quản lý an ninh hạt nhân quốc gia của Mỹ đang tiến hành hợp tác với lực lượng bộ đội tên lửa chiến lược của Nga để triển khai kế hoạch này và dự kiến đến cuối năm 2007 sẽ hoàn thành công tác nâng cấp hệ thống bảo đảm an ninh cho 25 cơ sở hạt nhân của Nga.

Ngoài Nga, Mỹ cũng triển khai việc hợp tác tương tự với Cazacstan để tăng cường quản lý các lò phản ứng hạt nhân - VVRK ở nước này. Tại Nam Á, Mỹ tích cực đẩy mạnh việc giúp Ấn Độ có được năng lực hạt nhân dân dụng, nhằm đổi lại việc Ấn Độ cho phép Cơ quan Năng lượng quốc tế đưa người đến kiểm tra các cơ sở hạt nhân dân dụng của Ấn Độ.

Mỹ còn đầu tư khoảng 50 triệu USD để hỗ trợ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế xây dựng kho dữ liệu về nhiên liệu làm giàu uranium, cũng như tiến hành các chương trình tuyên truyền, giáo dục liên quan đến an ninh hạt nhân tại một số nước liên quan.

Tiến hành diễn tập chống các cuộc tập kích hạt nhân

Mỹ cũng đang tích cực chuẩn bị cho cuộc diễn tập phòng chống tấn công bằng hạt nhân, dự kiến tiến hành vào tháng 12/2006. Nội dung nhằm tập dượt khả năng phản ứng và phòng thủ của Mỹ trước các cuộc tấn công hạt nhân giả định từ nước ngoài. Tình huống giả định được đặt ra là: một số đặc vụ của nước đối tượng tác chiến cải trang thành các nhân viên hải quan của một nước đồng minh với Mỹ, điều khiển một tàu hàng được ngụy trang và trên tàu chở các trang bị hạt nhân, trọng lượng khoảng 1.000 tấn, sau khi đến khu vực bờ biển phía tây nước Mỹ, các đặc vụ bất ngờ cho tàu phát nổ và hàng vạn người Mỹ bị chết. Ngay lập tức, các lực lượng quân đội, an ninh của Mỹ đã có các biện pháp ứng phó kịp thời

Thanh Trung (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.