NATO 70 năm: Đồng minh không đồng lòng

Thứ Ba, 09/04/2019, 11:20
Trong hai ngày 3 và 4 tháng 4, ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã họp tại Washington để kỷ niệm 70 năm ngày liên minh quân sự này ra đời. Mối đe dọa mang tên Nga và đóng góp quốc phòng là hai chủ đề chính tại hội nghị lần này.

70 năm qua, NATO đã từng nhiều lần không còn lý do để tồn tại nhưng rồi người ta lại nghĩ ra đủ lý do để duy trì nó với nhiều dụng ý khác nhau.

1. Với bao thăng trầm và bao giai đoạn thách thức mục đích tồn tại của NATO trong gần 7 thập niên qua, có lẽ không có thử thách nào làm lung lay liên minh này như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm từ khi nhậm chức cho đến nay. 

Đầu năm nay, tờ New York Times cho hay, ông Trump đã thảo luận riêng về việc rút khỏi NATO bởi ông không thấy nhu cầu cho một liên minh quân sự. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng ngày 2-4.

Sau khi ép các nước tăng đóng góp cho quốc phòng lên 2% GDP, chủ nhân Nhà Trắng đặt thêm điều kiện: NATO phải mua trang thiết bị quân sự của Mỹ. Bên cạnh việc gắn liền vế thương mại với quân sự, Nhà Trắng còn nhiều lần để ngỏ khả năng xét lại điều khoản 5 của Hiệp ước được ký kết tại Washington cách nay đúng 70 năm. Điều khoản này quy định bất kỳ một thành viên nào của NATO bị tấn công, thì coi như đó là một vụ tấn công vào một tập thể, do vậy, các thành viên khác được quyền hỗ trợ quốc gia bị nạn.

Những tính toán của Mỹ dẫn tới nhiều phản ứng khác nhau trong nội bộ NATO. Pháp đề xuất thành lập một lực lượng phòng thủ châu  Âu nhằm tăng cường tính “độc lập về mặt chiến lược” của châu lục này với Mỹ. Sáng kiến này của Paris tới nay vẫn vấp phải thái độ thận trọng, nếu không muốn nói là thụ động, của Chính phủ Đức.

Vào lúc mà hai cột trụ chính trong NATO là Mỹ và châu Âu có nhiều rạn nứt, một vết nứt mới lại mở ra ở sườn phía nam, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ. Washington và Ankara đang đọ sức với nhau trên ba hồ sơ. Thứ nhất, Tổng thống Erdogan vừa quyết định mua hệ thống phòng không của Nga S-400, trong lúc Mỹ trang bị chiến đấu cơ F-35 cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. 

Washington muốn Ankara từ bỏ ý định mua vũ khí của Nga và thay vào đó là tên lửa Patriot của Mỹ, nhưng ông Trump đã không thuyết phục được người đồng nhiệm Erdogan. Washington vừa quyết định hoãn việc giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, tránh để bí mật quốc phòng Mỹ lọt vào tay Nga. 

Bất đồng sâu rộng thứ nhì là tới nay Washington vẫn không thỏa mãn đòi hỏi của Ankara muốn Mỹ trục xuất nhà đối lập Fetullah Gulen, kẻ thù không đội trời chung của Tổng thống Erdogan. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi nhân vật này là kẻ chủ mưu cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7-2016. Cái gai thứ ba trong quan hệ Mỹ - Thổ liên quan đến số phận của cộng đồng Kurdistan tại Syria. Tổng thống Erdogan sở dĩ xích lại gần với Nga và đã thay đổi hẳn thái độ trên hồ sơ Syria chính là nhằm mở rộng ảnh hưởng của của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Bất chấp những rạn nứt sâu sắc trên, cuối cùng người ta cũng “nặn” ra được đủ thứ lý do để duy trì tổ chức này. Bên cạnh nhiều lý do khác mà ít ai nói ra, lý do chính luôn được lãnh đạo NATO và truyền thông phương Tây tuyên truyền là vì các nước thành viên đều cảm thấy rằng mối đe dọa, tuy giảm hẳn so với thời Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn hiện hữu. Liên Xô trước đây, và Nga bây giờ, vẫn luôn là một cảm giác bất an đối với họ.

Trong diễn văn đọc tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ ở Washington ngày 3-4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Quốc hội Mỹ về mối đe dọa đặt ra bởi “một nước Nga hung hăng hơn” đối với liên minh NATO, trong đó có việc vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). 

Qua ngày 4-4, phát ngôn viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Nga là chủ đề thảo luận tại cuộc họp cấp ngoại trưởng NATO. Đây là mối đe dọa đối với liên minh và Hoa Kỳ. Tất cả các khía cạnh của nguy cơ đe dọa Nga đã được thảo luận, kể cả các hành động ở eo biển Kerch và sự sáp nhập Crimea, sự chiếm đóng Gruzia”.

Đại biểu tham dự thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập NATO tại Washington.

Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga sẽ không bao giờ tấn công bất kỳ quốc gia nào trong NATO. Theo Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov, NATO nhận thức rõ về việc Moscow không có kế hoạch tấn công bất cứ ai, nhưng họ chỉ đơn giản là sử dụng cái cớ để triển khai nhiều thiết bị kỹ thuật quân sự và quân lính gần biên giới Nga.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, đài RT của Nga có bài tư liệu nói về sự khao khát xóa nhòa hiềm khích giữa Liên Xô trước đây và Nga ngày nay với các nước phương Tây, đồng thời lật tẩy những trò lừa dối của NATO với người dân Nga.

2. Vào ngày 31-3-1954, Liên Xô đã thực hiện một nỗ lực gia nhập NATO. Một bản đề nghị chính thức yêu cầu tư cách thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã được gửi tới Chính phủ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Pháp. Trang tin tức Gazeta.ru cho rằng nếu phê chuẩn đơn đề nghị của Liên Xô, các cường quốc phương Tây sẽ đặt mục tiêu hòa bình lên trên hết và không định hướng rõ ràng trong việc chống lại Liên Xô. 

“Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ không còn là một nhóm quân sự khép kín nếu mở rộng cho cả các nước châu Âu khác (trong đó có Liên Xô) gia nhập. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tăng cường hòa bình chung, đồng thời vẫn tạo ra một hệ thống an ninh tập thể hiệu quả ở châu Âu”, bản đề nghị của Liên Xô viết.

Các nước phương Tây khi đó đã kiên quyết từ chối đề nghị của Liên Xô. Chính phủ của các cường quốc phương Tây không tin Moscow, cho rằng đó là một âm mưu. Họ cho rằng ý định thực sự của Liên Xô là, trước tiên, đánh bật Hoa Kỳ khỏi châu Âu và sau đó là tiêu diệt NATO từ bên trong. Tuy nhiên họ vẫn xem xét đơn gia nhập của Liên Xô. 

Để bắt đầu các cuộc thảo luận về vấn đề này, Liên Xô đã được yêu cầu rời khỏi Đức và Áo, từ bỏ các căn cứ quân sự ở Viễn Đông và ký một thỏa thuận giải trừ quân bị. Không cần phải nói, phương Tây cũng đã nhận thức được bản chất phi thực tế của các điều kiện như vậy. 

Chính phủ Liên Xô rõ ràng đã bị xúc phạm bởi sự từ chối của NATO. Thông cáo chính thức được ban hành vào thời điểm đó bày tỏ sự hối tiếc về quan điểm của Washington, London và Paris, những nước ngoài miệng thì nói, họ nguyện “góp phần làm giảm căng thẳng trong quan hệ quốc tế”, nhưng thực chất lại làm “một cái gì đó khác” trong thực tế.

Năm 1955, tư cách thành viên của NATO đã được cấp cho Cộng hòa Liên bang Đức, điều này đã làm lộ rõ định hướng của Liên minh quân sự này.

Cũng nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, tờ báo Mỹ National Interest có bài: “Các nước NATO đã lừa dối ông Gorbachev như thế nào?”. Năm 1990, các nước phương Tây hứa với nhà lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev sẽ không mở rộng NATO sang phía Đông, nhưng sau đó đã phá vỡ lời hứa đó, National Interest cho biết.

Theo tác giả của bài báo, sau sự biến mất của “mối đe dọa Liên Xô”, NATO đã không còn lý do để tồn tại, chính vì thế vào năm 1993, Washington đã kêu gọi thay đổi hướng đi của NATO hoặc giải thể tổ chức này. Những lời đe dọa đã có tác dụng mạnh mẽ với những thành viên còn lại, họ lo lắng cho số phận của NATO và sau đó Liên minh này đã xâm chiếm vùng Balkan dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ. 

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đọc diễn văn tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 3-4.

Kế đến, sự biến đổi NATO đã xảy ra vào năm 1994, theo National Interest, khi Liên minh này khởi xướng chương trình Đối tác vì Hòa bình để hợp tác với các nước không phải là thành viên. Ngay lập tức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary và hầu hết các nước Đông Âu bắt đầu xếp hàng xin gia nhập NATO, vì Hoa Kỳ hứa viện trợ quân sự cho họ chống lại “mối đe dọa của Nga”, tờ báo Mỹ phân tích.

Một vai trò mới của NATO đã được dựng lên sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1996, khi Bill Clinton và đối thủ đảng Cộng hòa Bob Dole tuyên bố ủng hộ việc mở rộng liên minh. Trong những năm thập niên 1990, Nga không có mối đe dọa nào với NATO và không có gì cho thấy rằng sức mạnh của Nga có thể hồi sinh, bài báo viết. 

Tuy nhiên, khi đề xuất mở rộng NATO, Bill Clinton và các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ nghĩ rằng họ đã đưa ra lựa chọn lịch sử đúng đắn và mặt khác hy vọng quyên góp được nhiều tiền hơn cho chiến dịch tranh cử. Ngoài ra, các nhà sản xuất vũ khí cũng muốn mở rộng NATO để nhận được nhiều đơn đặt hàng mới.

Trong bài viết xuất bản ngày 30-3-2019, trang tin tức quốc phòng hàng tuần của Mỹ, Defense News nhận định: “Trong khi phương Tây không cố gắng tìm hiểu bản chất sự phản đối kịch liệt của Nga đối với việc mở rộng NATO, thì phía Moscow chưa bao giờ coi tổ chức này là độc lập và tin rằng Liên minh này chỉ là một công cụ thống trị thế giới của Mỹ”. 

Theo tờ báo, giới chính trị phương Tây dường như không biết rằng vấn đề NATO là trở ngại chính trong quan hệ Nga - phương Tây và rằng sẽ không có bất kỳ sự giảm căng thẳng nào nếu trở ngại này không được giải quyết. 

Defense News cho biết, ở Nga, NATO chưa bao giờ được coi là một tổ chức độc lập, mà là một phần của “cỗ máy chiến tranh của Mỹ và là công cụ thống trị thế giới của Mỹ”, và quan điểm này được chia sẻ không chỉ bởi gần như toàn bộ tầng lớp chính trị Nga, mà còn giữa các thành viên NATO ở Đông Âu, nơi tổ chức này được coi là một công cụ ảnh hưởng của Washington và là sự bảo đảm về quốc phòng.

Vì lý do này, Nga đã “hoàn toàn không tin” trước những cáo buộc của Mỹ rằng Kremlin và đặc biệt là Tổng thống Putin đang cố gắng “chia rẽ các đối tác của NATO”, tờ báo viết. “Nga tin tưởng sâu sắc rằng NATO không gì khác hơn là một công cụ trong chính sách quân sự của Mỹ và rằng Washington sẽ luôn có thể có bất kỳ quyết định nào được đưa ra bởi các cơ quan quản lý của NATO, bất kể các đối tác của họ ở Tây Âu sẽ nghĩ gì về quyết định này”, Defense News phân tích.

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov tố cáo NATO mượn cớ để triển khai quân sự gần biên giới Nga.

Khi được hỏi về tương lai Nga - NATO, Vladimir Bachishin, người đứng đầu trung tâm phân tích Comenius Analytica nói: “Quan hệ giữa NATO và Nga đã vài năm nay phát triển theo đúng lý thuyết về chu kỳ được nhà kinh tế học xuất sắc người Nga Nikolai Kondratyev vạch ra. Ông tin rằng các chu kỳ kinh tế đi kèm với căng thẳng và xung đột xã hội”. Theo lý thuyết này, với sự gia tăng căng thẳng trong kinh tế, mối quan hệ giữa các đối thủ chính trị trở nên gay gắt đến mức đóng băng. Sau đó, cuộc khủng hoảng kinh tế giảm dần và theo đó, quan hệ quốc tế cũng dần ấm lên.

“Tôi tin rằng trong tương lai gần, băng sẽ lại một lần nữa tan trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Mọi thứ phụ thuộc vào hành động của lãnh đạo các quốc gia hàng đầu, vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bầu không khí quốc tế”, ông Bachishin nhấn mạnh.

Ngày 4-4, Bộ ngoại giao Nga ra thông báo chúc NATO bớt lo lắng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh. “Chưa đầy sáu tháng sau hội nghị thượng đỉnh ở Lisbon, NATO bắt đầu cuộc phiêu lưu của Libya, chấm dứt hoàn toàn ảo tưởng về khả năng tuân thủ luật pháp quốc tế. Giờ đây, nhiệm vụ chính của liên minh là bảo vệ đồng minh Đông Âu trước mối đe dọa được gọi là Nga bằng cách trực tiếp bơm vào khu vực này vũ khí cũng như đẩy mạnh các cuộc tập trận, bao gồm cả việc xây dựng kịch bản phát triển lâu dài. Quả là phương pháp “an thần” kỳ lạ, đầu tiên là đe dọa mọi người, sau đó biến vùng này thành một thùng thuốc súng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zakharova nói trong cuộc họp báo tại Moscow.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.