NEST - Sứ mạng chống khủng bố hạt nhân của Bộ Năng lượng Mỹ

Thứ Bảy, 14/07/2012, 22:35

Năm 1986, một nhóm khủng bố làm nổ tung một quả bom hạt nhân tự tạo (IND), dẫn đến sự tàn phá cả một khu vực rộng lớn ở thành phố Indianapolis. Nhưng sự thật đó là cuộc diễn tập huấn luyện do Biệt đội hỗ trợ khẩn cấp chống hạt nhân (NEST) của Bộ Năng lượng Mỹ tổ chức.

Tháng 5 vừa qua, Văn khố An ninh Quốc gia của Đại học George Washington tiết lộ các tài liệu giải mật về NEST cùng với chương trình diễn tập huấn luyện có tên gọi “MIGHTY DERRINGER”. NEST của Bộ Năng lượng Mỹ được thành lập theo lệnh của Tổng thống Gerald Ford vào khoảng cuối năm 1974 sang đầu năm 1975 nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân rất có khả năng xảy ra. NEST phản ứng chống khủng bố hạt nhân đầu tiên vào năm 1976.

Các tài liệu giải mật được Văn khố An ninh Quốc gia công bố trên Internet theo Luật Tự do thông tin (FOIA) cung cấp chi tiết về những nỗ lực của các cấp chính quyền, cộng đồng tình báo và quân đội Mỹ nhằm bảo vệ đất nước trước cuộc tấn công khủng bố bằng vũ khí hạt nhân. Tất cả gồm trên 60 tài liệu đề cập đến quyết định thành lập NEST cũng như hoạt động của tổ chức và MIGHTY DERRINGER, chương trình diễn tập triển khai vào cuối năm 1986 tập trung mạnh vào cuộc tấn công hạt nhân vào Indianapolis - thành phố có khoảng trên 800.000 dân ở miền Trung bang Indiana và cũng là thủ phủ của bang này. Cuộc diễn tập bí mật đã tiết lộ nhiều vấn đề nguy hiểm tiềm tàng và âm mưu khủng bố hạt nhân ngay trong lòng nước Mỹ có khả năng xảy ra vào bất cứ lúc nào.

Từ cuối năm 1974, kế hoạch thành lập NEST (trước năm 2012 được gọi là Biệt đội tìm kiếm khẩn cấp vũ khí hạt nhân và cũng viết tắt là NEST) đã có mặt trong tài liệu của tướng Ernest Graves (cố vấn quân sự của Ủy ban Năng lượng nguyên tử - AEC) và Mahlon Gates (Giám đốc Cục Chiến dịch Nevada - NOO, của AEC). NEST bao gồm các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật và kỹ sư  được tuyển chọn từ các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân ở Lawrence Livermore, Sandia và Los Alamos của AEC  cũng như từ các nhà thầu chính của ủy ban.

NEST hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Quản lý an toàn hạt nhân (NNSA) trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Nhiệm vụ chính của NEST là sẵn sàng ứng phó với bất kỳ sự cố phóng xạ nào xảy ra trong lòng nước Mỹ và trên toàn thế giới.

Sự ra đời của NEST

Thật ra, mối lo ngại về những cuộc tấn công hay sự cố hạt nhân trên đất Mỹ đã nảy sinh từ lâu. Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, giới quan chức Mỹ đã lo ngại về một số vấn đề nhạy cảm như là vũ khí hạt nhân được vận chuyển trái phép vào nước này, hay một chiếc máy bay chở quả bom hạt nhân rơi xuống mặt đất rồi gây nhiễm xạ cho nhiều khu vực xung quanh.

Thành phố Indianapolis trong cuộc diễn tập chống hạt nhân của NEST.

Theo cuốn sách "Xóa bỏ Ngày tận thế: Bên trong NEST - Biệt đội chống bom hạt nhân bí mật của Mỹ" của tác giả Jeffrey T. Richelson, vào cuối năm 1974, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhận được bức thư từ một phần tử tống tiền đòi 200.000 USD và đe dọa sẽ cho nổ một quả bom hạt nhân được giấu ở đâu đó trong thành phố Boston.

Một nhóm chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của AEC lập tức được huy động đến Boston, trong khi các thiết bị dò tìm phóng xạ được chuyển đến từ một sân bay khác. Lúc đó, đặc vụ FBI thuê vài chiếc xe tải chở máy móc dò tìm phóng xạ đi khắp thành phố Boston, nhưng họ lại quên không mang theo những dụng cụ cần thiết để lắp đặt các thiết bị này. Sự cố hóa ra chỉ là trò chơi khăm của một kẻ vô công rồi nghề nào đó mà thôi.

Tuy nhiên, không lâu sau sự cố đáng sợ, dù thật hay đánh lừa này, Tổng thống Gerald Ford cũng quyết định cho thành lập NEST với sứ mạng là điều tra việc sử dụng trái phép các vật liệu hạt nhân bên trong nước Mỹ, bao gồm cả những mối đe dọa tấn công khủng bố có sử dụng các vật liệu hạt nhân đặc biệt.

Theo Tập san thông tin của các nhà khoa học hạt nhân (BAS), NEST có khả năng triển khai khẩn cấp 600 chuyên gia đến hiện trường nhưng trên thực tế tổ chức chỉ huy động tối đa không quá 45 người. NEST được trang bị đầy đủ các thiết bị (cân nặng đến 150 tấn) và có được sự hỗ trợ của một đội máy bay gồm 4 máy bay trực thăng và 3 máy bay nhỏ. Khi một phản ứng trên không được triển khai, Cục Hàng không liên bang (FAA, trực thuộc Bộ Vận tải Mỹ) sẽ cấp phép ngay cho những chuyến bay của NEST với ưu tiên kiểm soát cao nhất bên trong Hệ thống không gian quốc gia (NAS), được thiết kế với tín hiệu "FLYNET".

Từ năm 1975, NEST đã cảnh báo 125 vụ đe dọa khủng bố hạt nhân ở Mỹ và phản ứng khẩn cấp đối với 30 vụ. Từ thập niên 70, NEST đã có khả năng phân biệt rõ ràng giữa phóng xạ tự nhiên và phóng xạ do con người tạo ra (bao gồm cả phóng xạ trong y khoa). Ví dụ trường hợp một người đàn ông mắc bệnh gọi là bướu cổ lộ nhãn (loạn tuyến giáp gây lồi mắt - Graves's Disease) đang được xạ trị bất ngờ gây báo động trong hệ thống tàu điện ngầm thành phố New York. Sau khi được khám xét cẩn thận, người đàn ông được thả ra. Kể từ khi thành lập, các thiết bị dò phóng xạ của NEST liên tục được cải tiến và hiện nay có thể xử lý đối với bất cứ yếu tố hạt nhân nào.

Chiếc trực thăng hỗ trợ mang thiết bị dò hạt nhân của NEST.

Một trong những phản ứng đầu tiên của NEST diễn ra ở thành phố Spokane miền Đông bang Washington, vào ngày 23/11/1976. Một nhóm tự xưng là "Days of Omega" (tạm dịch: "Thời đại của sự kết thúc") phát đi thông điệp tống tiền đe dọa cho nổ tung những thùng chứa nước nhiễm plutonium được giấu trong khắp thành phố nếu chính quyền không nộp 500.000 USD (tương đương 2 triệu USD thời điểm hiện tại). Giới quan chức đoán chừng những thùng nước nguy hiểm này được bọn chúng đánh cắp từ Hanford Site, cách Spokane hơn 240km về phía tây nam. Ngay lập tức, nhóm chuyên gia của NEST bay từ Los Vegas đến Spokane và bắt đầu lùng sục chất phóng xạ nhưng họ không tìm thấy gì cả.

Trong vài ngày, sự cố được cho là trò đánh lừa, và NEST đề nghị FBI không cần phải tiến hành điều tra vụ việc. Cuối cùng cũng chẳng có ai trong nhóm "Days of Omega" lộ diện. Để tránh hoảng loạn trong dân chúng, chính quyền chỉ tiết lộ sự việc vài năm sau đó. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là NEST còn thiếu kinh nghiệm và cần tổ chức nhiều cuộc diễn tập huấn luyện hơn nữa. Đó là lý do chương trình MIGHTY DERRINGER ra đời vào năm 1986.

Chương trình bí mật "MIGHTY DERRINGER"

Theo các tài liệu được Văn khố an ninh quốc gia công bố, vào đầu tháng 12/1986, theo kịch bản của chương trình MIGHTY DERRINGER, các chuyên gia của NEST thực hiện cuộc kiểm tra ở thành phố Indianapolis để tìm kiếm IND, với sự hỗ trợ của lực lượng Delta Force. Cuộc truy tìm này được tiến hành sau khi một báo cáo tình báo cho biết có một IND được bọn khủng bố vận chuyển trái phép vào thành phố. Nhưng không may là cuối cùng quả bom hạt nhân tự tạo đã phát nổ tàn phá một khu vực rộng lớn trong khu thương mại sầm uất của Indianapolis. Đây là một trong nhiều cuộc diễn tập thử nghiệm được thiết kế với mục đích dự đoán và ngăn chặn kịp thời thảm họa tấn công hạt nhân của bọn khủng bố nhằm vào một thành phố lớn của Mỹ.

Lính đặc nhiệm JSOC tham gia hỗ trợ NEST.

Vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2012, các thành viên của NEST cũng tiến hành kiểm tra Sân vận động Lucas Oil cũng như những khu vực xung quanh thành phố Indianapolis để dò tìm những thiết bị nổ tự chế (IED) nhằm bảo đảm an ninh cho Giải vô địch Siêu Cúp bóng bầu dục  của Liên đoàn bóng bầu dục quốc gia (NLF) - sắp diễn ra. Nhưng lần này là chiến dịch an ninh thực thụ. Rất may là họ không phát hiện được gì cả.

Sự tồn tại của chương trình MIGHTY DERRINGER đã được nhắc đến trước đây, nhưng các tài liệu do Văn khố an ninh quốc gia Đại học George Washington công bố cung cấp nhiều chi tiết hơn về kịch bản, kết quả và những đánh giá hiệu quả sau đó từ các tổ chức phối hợp. Chương trình diễn tập MIGHTY DERRINGER bao gồm những kịch bản phản ứng chống hạt nhân - từ sự đánh giá ban đầu về mối đe dọa đến những biện pháp khắc phục "hậu quả" sau khi quả bom nổ tung.

Các tài liệu cũng tiết lộ mọi chi tiết về phản ứng của NEST - thu thập thông tin tình báo, đánh giá về kỹ thuật và hành vi, truy tìm, phân tích sức mạnh của bọn khủng bố, thu giữ thiết bị nổ và vận chuyển trong an toàn, hạn chế sự tổn hại và xử lý hậu quả của vụ nổ hạt nhân. Ngoài ra, các tài liệu cũng cho biết các vấn đề khác của phản ứng chống khủng bố hạt nhân - như là an ninh, chỉ huy và kiểm soát, thông tin liên lạc, tổ chức hậu cần, đo mức độ phóng xạ và ngăn chặn, dự báo thời tiết, thông tin cho công chúng và giải trình với giới quan chức địa phương về sự cố hạt nhân.

Theo các tài liệu giải mật của Bộ Năng lượng Mỹ được công bố, NEST nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan và tổ chức - như là Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, và nhà thầu EG & G, Bộ Ngoại giao, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), FBI, JSOC, Delta Force, đơn vị chống chất nổ (EOD) từ Lục quân và Hải quân, Trung tâm Liên bang đánh giá và giám sát phóng xạ (FRMAC), Cục Bảo vệ môi trường (EPA) và Cục Ứng cứu khẩn cấp (FEMA).

NEST hiện nay

Các tài liệu giải mật cũng trình bày chi tiết về sự đánh giá tích cực đối với chương trình MIGHTY DERRINGER của hai chuyên gia Vic Berkinklau ở AEC và L.J. Wolfson ở Trung tâm kỹ thuật chống chất nổ (EODTC) của Hải quân Mỹ. William Chambers, chuyên gia của NEST, đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng giữa Đội giải cứu con tin (HRT) của FBI, NEST và chuyên gia EOD. Hiện nay, NEST vẫn tiếp tục tiến hành nhiều cuộc diễn tập khác để đánh giá khả năng phản ứng nhanh trước sự hiện diện của thiết bị hạt nhân khủng bố và hiệu quả của sự phối hợp giữa NEST và các tổ chức an ninh khác của Mỹ (bao gồm các đơn vị quân sự đặc biệt như Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt phối hợp (JSOC) và Delta Force).

Hiện nay, NEST  và các tổ chức chống khủng bố hạt nhân khác của Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập quy mô đáng kể - đặc biệt sau ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, MIGHTY DERRINGER (mặc dù còn có những điểm yếu) nhưng vẫn được coi là một trong những chương trình diễn tập chống khủng bố hạt nhân nổi tiếng nhất. Mặc dù Bộ Năng lượng Mỹ cố gắng giữ kín nhiều bí mật của MIGHTY DERRINGER, song nhiều tài liệu ghi chép về chương trình diễn tập này lưu giữ trong Thư viện Tổng thống Ronald Reagan cuối cùng được giải mật và tiết lộ vai trò của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) trong cuộc chiến chống khủng bố hạt nhân.

Trong những năm gần đây, người ta cho rằng NEST đã tiến hành nhiều chiến dịch tìm kiếm vũ khí hạt nhân theo lệnh của chính quyền. Theo một chuyên gia hạt nhân của Mỹ, vào tháng 1/2002, chính quyền của Tổng thống George W. Bush bí mật ra lệnh cho NEST phối hợp với FBI tiến hành những cuộc tìm kiếm bom hạt nhân tự tạo hay còn gọi là "bom bẩn" ở Washington D.C. và các thành phố lớn khác trên khắp nước Mỹ. Nhiều chuyên gia nhận định những cuộc tìm kiếm như thế là bất hợp pháp bởi vì chúng được thực hiện mà không có bất cứ mối đe dọa đặc biệt nào và cũng  không có sự cảnh báo nào được phát ra từ chính quyền

Thục Miên - An An (tổng hợp)
.
.