NR - Bộ phận tình báo bí mật của CIA

Thứ Năm, 28/11/2013, 17:30

Hoạt động ngầm là đặc tính của Đơn vị Nguồn Quốc gia (NR) - một bộ phận bí mật được thành lập năm 1991 và ít được biết đến thuộc Ban Bí mật Quốc gia (NCS) của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Một trong những nhiệm vụ chính của CIA là gửi điệp viên ra nước ngoài để tuyển mộ tân binh, đặc biệt sau ngày 11/9/2001, săn lùng những phần tử khủng bố để máy bay vũ trang không người lái (drone) tiêu diệt đồng thời cũng hợp tác với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong các chiến dịch nghe lén các sứ mạng ngoại giao trên đất Mỹ. Nhưng, NR là bộ phận hoạt động trong nước của CIA với nhiệm vụ chính là thu thập thông tin về những người Mỹ du hành đến những quốc gia mà NR quan tâm - đặc biệt là Nga và Trung Quốc hay mục tiêu "rắn" như CHDCND Triều Tiên - và dụ dỗ những người nước ngoài ở Mỹ (giới chức công ty, nhà khoa học và sinh viên) làm gián điệp khi họ trở về quê nhà.

Đối với nhân viên của CIA, hoạt động bí mật ở hải ngoại thường sống trong các môi trường đầy bất trắc; nhưng nhân viên NR không phải đối mặt với nguy cơ và stress cho nên bộ phận này được ví như là "nơi trú ẩn yên lành" của thế giới gián điệp.

Sau ngày 11/9/2001, khi Giám đốc CIA lúc đó là George Tenet tăng cường gửi điệp viên ra khắp thế giới để săn lùng các phần tử khủng bố thì nhân lực của NR cũng bắt đầu gia tăng theo. Thế nhưng, họ chỉ hoạt động trong nước Mỹ. NR có đến hàng trăm sĩ quan tình thế (cách gọi của CIA đối với những sĩ quan có nhiệm vụ tuyển mộ và quản lý người mới). Năm 2000, cựu sĩ quan CIA có biệt danh Ishmael Jones cho biết, "hơn 90%" các bộ phận bí mật của NR sống và làm việc "hoàn toàn bên trong nước Mỹ".

Biểu đồ cho thấy cơ cấu tổ chức của CIA.

Theo tiết lộ của Jones, CIA nhắm vào những người nước ngoài như Trung Quốc, Nga, Pakistan, Arập Xêút du hành đến Mỹ để tuyển mộ hơn là tìm kiếm tân binh ngay tại các quốc gia của họ vì lo ngại bị phát hiện. Ngoài ra, còn một vấn đề khác là khi đưa một số lượng lớn điệp viên đến các Đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài để hoạt động ngầm đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của Bộ Ngoại giao nước này đồng thời sự gia tăng nhân lực như thế sẽ khiến cảnh sát nước sở tại chú ý.

Ngày nay, NR có mạng lưới cơ sở tại hơn chục thành phố ở Mỹ - con số đã giảm bớt khoảng 3 lần so với 2 thập niên trước đây do tình trạng cắt giảm ngân sách hoạt động. Các cơ sở NR thường đặt tại những khu vực tập trung đông đảo người nước ngoài - giới chức, sĩ quan quân đội, nhà khoa học và sinh viên - lưu trú cũng như những người Mỹ thường bay ra nước ngoài để làm ăn. Đó là những thành phố lớn như New York, Boston, Washington, Los Angeles, San Francisco, Chicago, Detroit (nơi có cộng đồng lớn người Arập sinh sống) và Denver (trung tâm hoạt động tình báo và quân đội Mỹ và là nơi được CIA chọn để làm cơ sở chính cho NR vào năm 2005).

Bên trong trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia.

NR được coi là môi trường thích hợp cho những sĩ quan CIA không có năng lực - hay không thích - học ngoại ngữ và hoạt động gián điệp ở các quốc gia thù địch với Mỹ. Các hoạt động của NR cũng thường gây khó chịu cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI. Có nguồn tin cho biết, FBI ghét cay ghét đắng các hoạt động tuyển mộ người trong nước của CIA.

Theo tờ Washington Post vào năm 2005, FBI và CIA thường xuyên "xung khắc dữ dội" với nhau mỗi khi có những cuộc thương lượng hợp tác hoạt động. Thậm chí, FBI còn yêu cầu chính quyền nên kiểm soát và phê chuẩn các hoạt động trong nước của CIA.

Một cựu sĩ quan cao cấp CIA cho biết: "Có nhiều vấn đề giữa NR và FBI. Đằng sau mối quan hệ trực tiếp thuận lợi giữa 2 cơ quan là sự đối đầu về môi trường hoạt động. Đặc vụ FBI luôn tỏ ra ghen tị, còn NR nói chung không coi trọng mối quan hệ đôi bên. Giới chức NR thường hay nói dối với FBI về các chiến dịch mà họ đang tiến hành, và ngược lại FBI cũng vậy".

Ở New York City, nhân viên NR cùng làm việc với FBI và Sở Cảnh sát New York (NYPD) về các chiến dịch chống khủng bố cũng như giám sát Wall Street, đặc biệt âm thầm kiểm soát ngoại tệ trong hệ thống tài chính toàn cầu. NR cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty Mỹ sẵn sàng làm bình phong cho hoạt động của CIA ở nước  ngoài. Nhờ sự giúp đỡ của các công ty này mà NR có được danh sách các doanh nhân thường ra nước ngoài công tác.

Người ta cho rằng, quan hệ giữa NR và NYPD có phần êm thấm hơn so với FBI có lẽ bởi vì David Cohen - Trưởng ban Tình báo của NYPD - có một thời gian lãnh đạo NR. Các giới chức chính quyền Mỹ cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin với CIA về những chuyến ra nước ngoài của họ.

CIA cũng muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với giới chức Mỹ - đặc biệt là những nhân vật hàng đầu ở Wall Street - bởi vì họ có thể tác động đến Quốc hội về vấn đề ngân sách dành cho cơ quan tình báo. Theo tiết lộ của Tạp chí Newsweek, một trùm bất động sản ở New York có "mối quan hệ hết sức thân mật" với CIA

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.