NSA lại “bé cái nhầm” khi theo dõi một “mục tiêu khủng bố”

Thứ Sáu, 26/08/2016, 08:00
Một công dân New Zealand gốc Fiji từng làm việc trong cơ quan nhà nước ở New Zealand bỗng dưng trở thành nghi can có liên quan một âm mưu khủng bố ở nước ngoài và sau đó trở thành mục tiêu điều tra, theo dõi sát của các cơ quan an ninh New Zealand, Australia và đặc biệt là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), cuộc sống bị đảo lộn, sự nghiệp tiêu tan. Cuối cùng, Chính phủ New Zealand thừa nhận "nhầm đối tượng", nhưng không đả động gì đến chuyện bồi thường thiệt hại.

Mối thâm giao với Tổng Tham mưu trưởng quân đội nổi loạn

Nạn nhân của chương trình theo dõi kỳ quặc này là Ony Fullman, một cựu nhân viên ngành thuế và là nhà hoạt động dân chủ. Năm 2012, Fullman bị NSA theo dõi bằng hệ thống nghe lén toàn cầu PRISM (được cựu điệp viên NSA Edward Snowden tiết lộ cuối năm 2013). Mới đây, trong chương trình ngày 14-8-2016, Đài Truyền hình quốc gia New Zealand phối hợp với báo điện tử The Intercept đã công bố hồ sơ về cuộc điều tra nhầm mục tiêu này.

Ony Fullman sinh năm 1965 tại Fiji và di cư sang New Zealand năm 21 tuổi. Ông được nhập quốc tịch New Zealand và hơn 20 năm qua làm việc trong ngành thuế ở Auckland và thủ đô Wellington. Ngoài thời gian làm việc hành chính, Fullman làm thêm ở vị trí giám khảo và trọng tài thi đấu môn võ judo. Từ năm 2001-2003, Fullman theo học chương trình sau đại học, lấy 2 bằng thạc sĩ chuyên ngành quản trị hành chính công và hệ thống thông tin.

Mọi chuyện rắc rối đến với Fullman có lẽ bắt nguồn từ chuyến quay trở về Fiji vào năm 2009 vì được đề nghị một công việc là Giám đốc Cơ quan Quản lý nước Fiji (FWA). Chuyến đi này đã tạo ra một chuyển biến bất ngờ và kịch tính trong cuộc đời Fullman. Một phần của câu chuyện có liên quan đến người bạn cũ của ông. Ở Fiji, Fullman sinh ra và lớn lên ở thị trấn Levuka. Trong thập niên 60 thế kỷ XX, mẹ của Fullman làm thư ký cho ông Kamisese Mara, một chính trị gia giàu ảnh hưởng, người sau đó làm Thủ tướng Fiji từ năm 1970 đến 1992.

Hình ảnh của Ratu Tevita Mara trong một video vận động "Dân chủ là số một" của nhóm FMFD.

Ông Kamisese có một con trai cùng trang lứa với Fullman, tên là Ratu Tevita Maram cả hai rất thân nhau. Khi Fullman rời Fiji sang New Zealand, hai người vẫn giữ liên lạc qua điện thoại và e-mail. Khi Fullman trở về Fiji để nhận việc làm ở FWA, Mara đã là Tổng tham mưu trưởng quân đội Fiji.

Cục diện chính trị Fiji thời điểm đó hết sức bất ổn, và Mara là trung tâm của một trong những mối căng thẳng chính trị đó. Trong khoảng thời gian từ năm 1987 đến năm 2006, Fiji đã trải qua 3 cuộc đảo chính, nguyên nhân chính là vấn đề chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Cuộc đảo chính lần cuối cùng do quân đội tiến hành xảy ra vào năm 2006 đã giúp ông Frank Bainimarama lên nắm quyền, thiết lập một chế độ độc tài chuyên chế.

Dần dà, Mara không hài lòng với cách lãnh đạo của ông Bainimarama, và vào tháng 5-2011, một cuộc tranh chấp nghiêm trọng đã xảy ra giữa Mara với chính quyền của Bainimarama. Mara bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ, bị buộc tội xúi giục nổi loạn và bị đưa ra tòa nhưng rồi Mara được tại ngoại có bảo lãnh chờ xét xử. Vì lo sợ sẽ bị Bainimarama cho ở tù mọt gông, Mara quyết định bỏ trốn khỏi Fiji, sang lánh nạn tại nước cộng hòa Tonga, cũng ở trong vùng Nam Thái Bình Dương.

Sau khi Mara bỏ trốn, Fullman bị quân đội Fiji gọi đến thẩm vấn vì bị nghi ngờ có liên quan. Họ đã phát hiện dữ liệu ghi lại các cuộc gọi điện thoại giữa Fullman và Mara không lâu trước khi Mara chuồn khỏi Fiji. Trước nguy cơ bị buộc tội giúp Mara trốn thoát, Fullman quyết định rời khỏi Fiji.

Trở thành mục tiêu của tình báo

Đến đầu năm 2012, Fullman sang Sydney, Australia sống cùng chị gái và gia đình. Tại Sydney, Fullman cùng với Mara và một số người Fiji khác tham gia một nhóm vận động xã hội có tên gọi là Phong trào Fiji vì Tự do và Dân chủ (FMFD) hoạt động chống chính quyền của ông Bainimarama.

Đầu tháng 7-2012, Fullman và Mara sang New Zealand, tổ chức các cuộc gặp với những người ủng hộ nhóm FMFD ở thành phố Auckland. Các cuộc gặp này đã gây chú ý cho tình báo New Zealand. Hậu quả là Fullman trở thành mục tiêu theo dõi của tình báo New Zealand.

Ony Fullman (trái) và Ratu Tevita Mara tại Fiji năm 2005.

Cục Tình báo An ninh New Zealand (SIS) đã mở một cuộc điều tra, theo dõi nhóm của Fullman. Các cuộc điện thoại của nhóm đều bị cài máy nghe lén. Bắt được các cuộc gọi nghe lén, cơ quan SIS tin rằng họ đã nghe được những người trong nhóm đó bàn bạc để lập một âm mưu dùng bạo lực lật đổ ông Bainimarama. Các quan chức an ninh SIS rất phấn khích, nghĩ rằng phen này "đã tóm được bọn khủng bố đích thực ở New Zealand".

Nằm cách Fiji đến 3 giờ bay (trên 5.000 km), nhưng New Zealand theo dõi rất sát sao tình hình chính trị tại đảo quốc nhỏ bé gồm 333 hòn đảo này. Từng là đối tác thương mại và du lịch của nhau, nhưng từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự năm 2006, quan hệ giữa hai nước đã trở nên xấu đi. Chính phủ New Zealand đã bày tỏ sự phản đối việc ông Bainimarama lên nắm quyền thông qua đảo chính và áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Fiji, kêu gọi "phục hồi dân chủ". Tuy nhiên, từ giữa năm 2012, quan hệ căng thẳng đó bỗng dưng có dấu hiệu khôi phục.

Giới chức chính phủ New Zealand đã công khai bàn đến chuyện dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Fiji. Điều này được giới nghiên cứu lý giải là do Wellington lo ngại nếu cứ gây căng thẳng mãi thì Fiji cuối cùng sẽ đi theo Trung Quốc. Thế là, chuyện cũ bỏ qua, hai bên làm lành.

Đó là lý do khiến nhóm của Fullman trở thành mục tiêu săn lùng của cơ quan chức năng New Zealand. Ngày 17-7-2012, không đầy một tuần sau khi Fullman từ New Zealand quay trở lại Australia, một toán hơn chục đặc vụ an ninh Australia và thám tử, cảnh sát ập đến nhà chị gái Fullman ở Sydney lục soát để tìm vũ khí và các bằng chứng cho một âm mưu nào đó.

Họ tịch thu máy vi tính, điện thoại và giấy tờ trong căn nhà của chị gái Fullman, tịch thu cả hộ chiếu của ông theo yêu cầu của cơ quan chức năng New Zealand. Cùng thời gian đó, một toán tình báo SIS và cảnh sát New Zealand cũng ập vào lục soát căn hộ cũ của Fullman ở khu Karori, ngoại ô Wellington và nhà ở của vài người Fiji khác ủng hộ phong trào FMFD ở Auckland, lấy đi máy vi tính và các vật dụng khác.

Cùng ngày xảy ra các cuộc lục soát nơi ở của Fullman và những người Fiji ở New Zealand, Bộ trưởng Nội vụ New Zealand Chris Tremain đã ký thông báo hủy hộ chiếu của Fullman. Thông báo nói rằng, việc hủy hộ chiếu có cơ sở là các bằng chứng bí mật do tình báo SIS cung cấp, và ông Bộ trưởng "có lý do để tin rằng Fullman dính líu vào việc lập kế hoạch hành động bạo lực nhằm thay đổi chính phủ ở nước ngoài, nhằm tham gia hỗ trợ một hành động khủng bố ở nước ngoài".

Fullman hoàn toàn bất ngờ trước cáo buộc của Bộ trưởng Nội vụ New Zealand. Và ông cũng hoàn toàn không hề hay biết mình đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan do thám hùng mạnh nhất thế giới: Đó là NSA.

Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8-2012, tình báo New Zealand đã yêu cầu NSA hỗ trợ thu thập các dữ liệu thông tin liên lạc qua e-mail và Facebook của Fullman và Mara, kể cả liên lạc từ địa chỉ e-mail mang tên người dùng "democfiji" mà Fullman thường sử dụng để tổ chức các sự kiện cho nhóm  FMFD, với khẩu hiệu là "Dân chủ là số một".

Các tài liệu mật của NSA do Snowden tiết lộ cho thấy cơ quan này đã lập một "danh sách ưu tiên" ghi tên hai người Fiji là mục tiêu theo dõi, kèm theo địa chỉ gmail và số tài khoản Facebook  của Fullman. Tài liệu thể hiện NSA đã bắt đầu can thiệp đọc trộm các thư điện tử của Mara từ ngày 9-7-2012 và bắt đầu do thám Fullman từ ngày 3-8-2012. NSA cũng thu thập các thông tin, dữ liệu tin nhắn, thư điện tử cũ của Mara và Fullman từ tháng 5-2012.

Để thực hiện việc do thám điện tử, NSA đã sử dụng chương trình do thám bí mật mang tên PRISM (đã bị Snowden phanh phui từ cuối năm 2013), với sự hợp tác xử lý của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Apple, Microsoft, Yahoo. Các tài liệu mật của NSA cho biết có đến 190 trang dữ liệu nghe lén, đọc trộm các liên lạc qua e-mail và Facebook của Fullman và Mara, trong chương trình theo dõi mang mật danh US-984XN.

Tài liệu mật đã minh chứng cơ sở pháp lý do việc NSA tiến hành chương trình nghe lén Fullman và Mara là không nhất quán. Hầu hết e-mail và tin nhắn Facebook của Fullman được xác định là mục tiêu "chính phủ nước ngoài", còn những thứ khác, như thông tin tài khoản ngân hàng và các hình ảnh trên Facebook lại được phân loại là "chống khủng bố".

Các dấu chỉ tài liệu mật đóng trên các tài liệu - chẳng hạn như "REL TO USA/NZ" - cho thấy rõ dữ liệu thu thập được từ hoạt động nghe lén sẽ được NSA chuyển cho cơ quan tình báo tín hiệu Cục An ninh Chính phủ (GCSB) của New Zealand. Và trong một số tài liệu dữ liệu theo dõi Fullman được NSA ghi chuyển thẳng cho GCSB - thành viên hệ thống nghe lén "Năm con mắt" toàn cầu.

Mặc dù luật không cho phép theo dõi công dân New Zealand, nhưng cơ quan tình báo tín hiệu GCSB của New Zealand vẫn hợp tác với NSA để theo dõi Fullman. Một báo cáo "động trời" của Chính phủ New Zealand công bố năm 2013 cũng nêu tên Fullman là một trong 88 người New Zealand bị GCSB và NSA phối hợp theo dõi kể từ năm 2003 đến năm 2012.

Tuy nhiên, kết quả chương trình do thám điện tử của NSA đã không tìm được bằng chứng nào cho thấy có một âm mưu đảo chính do nhóm của Fullman vạch ra. Các dữ liệu đọc trộm, thu thập được từ Facebook chỉ là những thông tin cá nhân và những câu tán gẫu kiểu… Facebook.

Các thông tin cá nhân trong tài khoản ngân hàng của Fullman chỉ ghi nhận các sinh hoạt hàng ngày của Fullman, như đi mua sắm, đi uống cà phê, mua thuốc uống,… Trong đó cũng có nhiều liên lạc chứa nội dung thông tin nhóm vận động dân chủ của Fullman và cả những thông tin về những lạm dụng quyền hành của quân đội Fiji.

Rất nhiều mẩu chuyện tán gẫu linh tinh đã được tìm thấy. NSA sớm nhận thấy không hề có bằng chứng nào chứng minh cho những cáo buộc của các cơ quan an ninh New Zealand đối với Fullman và nhóm FMFD. Chương trình theo dõi thưa dần rồi chấm dứt.

Ngày 16-4-2013, Bộ trưởng Nội vụ New Zealand Tremain lại viết cho Fullman một bức thư. Trái ngược với bản thông báo mà ông đã đưa ra vài tháng trước, trong bức thư này Tremain nói rằng, dựa theo lời cố vấn từ SIS, nhận thấy "không có mối đe dọa an ninh nào" từ phía Fullman. Ngay sau đó, lệnh hủy hộ chiếu đối với Fullman cũng được gỡ bỏ mà "không cần phải làm đơn xin hay đóng phí làm mới".

Theo The Intercept, sự thay đổi quan điểm 180 độ này được cho là kết quả của hành động pháp lý của Fullman trước đó hai tháng: Ông đã nhờ luật sư kiện Chính phủ New Zealand ra Tòa án Cấp cao ở Wellington. Tuy nhiên, Chính phủ New Zealand chỉ rút lại các biện pháp chế tài đã áp dụng với Fullman mà không nhắc đến việc bồi thường cho ông do những ảnh hưởng kéo dài của cuộc điều tra, theo dõi để lại.

Khi báo chí hỏi Fullman ông có bao giờ nghe nói đến hoặc trực tiếp tham gia vào một "âm mưu" nào nhằm lật đổ hay ám sát ông Bainimarama hay không, Fullman trả lời "Làm gì có", và giải thích rằng, những câu nói đại loại như "Tôi sẽ về Fiji và lấy dao đâm ông ta chết", hay như "Liệu chúng ta có thể thuê máy bay không người lái của Mỹ bay đến Fiji để xóa sổ bọn vô lại này không",… chỉ là những lời nói cho hả giận, một kiểu "chém gió" cho đỡ tức thôi.

Trên thực tế, các thành viên phong trào FMFD đều muốn thay đổi tình trạng "sai trái" hiện tại của quốc gia, muốn trở lại với thời kỳ trước khi ông Bainimarama lên nắm quyền, nhưng bản thân họ lại không muốn có bạo lực. Thế nhưng, một khi các hoạt động của họ đã bị các cơ quan tình báo New Zealand chú ý và nghi ngờ, những lời nói như thế đã dễ dàng biến thành "căn cứ" cho hoạt động theo dõi bằng mọi phương tiện hiện đại nhất.

Nguyên Khang (theo The Intercept)
.
.