NSA lạm dụng quyền để nghe trộm người dân Mỹ

Chủ Nhật, 07/06/2009, 09:40
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, cơ quan được mệnh danh là "tai mắt" của nước Mỹ - Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) - tiếp tục là đối tượng của một vụ bê bối mới sau khi cố tình vi phạm luật pháp của nước Mỹ. Tiếp sau vụ rắc rối đối với CIA liên quan đến các hành vi tra tấn tù nhân tại nhà tù Guantanamo, sự kiện NSA lần này lại là một đòn đau nữa giáng vào các cơ quan mật vụ Mỹ.

Vượt quá quyền hạn

Vào thời điểm hiện tại, NSA được đánh giá là cơ quan mật vụ được trang bị kỹ thuật đầy đủ nhất, đồng thời cũng có biên chế lớn nhất của nước Mỹ. Cũng không phải là tình cờ khi ngân sách hàng năm của cơ quan này cũng vượt trội  so với hầu bao dành cho "anh cả" trong làng mật vụ, tức Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Trong vụ bê bối này, giới lãnh đạo NSA lại viện cớ cuộc chiến chống khủng bố, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghe trộm điện thoại cũng như do thám thư điện tử của các công dân Mỹ - một hành động vượt quá quyền hạn mà Quốc hội đã quy định cho họ cách đây không lâu.

Phía Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực nhằm trấn an công luận Mỹ về vụ bê bối mới này. Các quan chức tại đây đều khẳng định, họ đã và đang triển khai "các biện pháp tổng hợp và những bước đi cần thiết để khắc phục tình hình", đồng thời nhanh chóng đưa hoạt động của NSA "vào quỹ đạo phù hợp với khuôn khổ luật pháp".

"Bộ Tư pháp đang cố gắng đảm trách vai trò của một cơ quan giám sát có hiệu quả, sao cho các tổ chức đều hoạt động phù hợp một cách nghiêm ngặt nhất với luật pháp quốc gia, các chỉ thị và nguyên tắc, kể cả những tiêu chuẩn pháp lý nhằm bảo đảm quyền về bí mật riêng tư và những tự do công dân khác" - tuyên bố của Cơ quan pháp lý hàng đầu nước Mỹ đã cam kết như vậy. 

Chỉ vài giờ sau tuyên bố trên, giới lãnh đạo NSA đã vội vàng lên tiếng bào chữa và khẳng định: "Tất cả các hoạt động do thám, kể cả việc triển khai chương trình thu thập và phân tích dữ liệu đều đang và sẽ tiến hành phù hợp với luật pháp nước Mỹ và các chỉ thị cụ thể". Cũng theo họ, NSA đang hoạt động hoàn toàn trong khuôn khổ của Đạo luật "Giám sát hoạt động tình báo nước ngoài" (Foreign Intelligence Surveillance Act - FISA).

Dù NSA luôn tìm cách ngăn chặn thông tin về những hành động "vượt rào" của mình, nhưng họ cũng không thể tránh khỏi con mắt giám sát của báo chí. Dựa trên một số nguồn tin nặc danh, các phóng viên đã nắm được rất rõ rằng, chuyên gia hàng đầu về giám sát điện tử của Mỹ còn tận dụng nhiều chi tiết lập lờ trong đạo luật liên bang để tự cho mình có quyền nghe trộm điện thoại cũng như xem trộm thư điện tử của người dân Mỹ.

"Ngựa quen đường cũ"!

Nếu xét lại quá khứ, NSA đã có không ít lần dính líu tới những bê bối tương tự có liên quan đến quyền tự do của công dân. Sau vụ khủng bố 11/9, chính quyền tiền nhiệm George Bush đã không hề ngần ngại cho cơ quan này quyền không cần trát của tòa án vẫn có thể tự do nghe trộm điện thoại, thư điện tử và mọi kênh liên lạc khác của những đối tượng bị tình nghi khủng bố hay tiếp tay cho khủng bố. Quyết định vi phạm nghiêm trọng quyền tự do công dân trên được Nhà Trắng khi đó biện minh bằng việc bảo đảm quyền lợi an ninh quốc gia và của cả người dân.

Tuy nhiên, khi một loạt các chi tiết về hành vi theo dõi người dân Mỹ trên toàn cầu được tiết lộ vào năm 2005, một loạt các tổ chức nhân quyền tại Mỹ đã cùng lên tiếng phản đối quyết liệt, chưa kể không ít nghị sĩ cũng ủng hộ cho phong trào này. Đó là lý do khiến Quốc hội Mỹ vào năm ngoái đã thông qua một số điều khoản luật bổ sung với mục đích tăng cường vai trò giám sát đối với những hoạt động nhạy cảm kiểu trên của NSA.

Nội dung trong đó vạch rõ những đối tượng có thể nghe trộm, chưa kể một số dạng theo dõi khác chỉ được phép khi có "cơ sở xác đáng", hay chỉ được áp dụng với những người đang sống bên ngoài nước Mỹ. Những tiêu chuẩn pháp lý mới này còn liệt kê rõ trình tự nhận được giấy phép từ tòa án để có thể theo dõi qua đường điện tử đối với các công dân Mỹ bị nghi ngờ hoạt động khủng bố. 

Vào thời điểm hiện tại, NSA nếu không có phê chuẩn của tòa án chỉ có thể theo dõi các công dân nước ngoài và những tổ chức nằm ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Tuy nhiên, những người chỉ trích các tiêu chuẩn pháp lý mới trên vẫn nhấn mạnh, NSA dù sao vẫn được bảo lưu quyền không cần trát tòa án vẫn có thể theo dõi những công dân Mỹ có quan hệ với các đại diện từ nước ngoài. Cách đây không lâu, các phóng viên Mỹ còn biết được vụ NSA đã bí mật theo dõi trái phép một thượng nghị sĩ khi ông này đi công tác ở nước ngoài.

Giám đốc Phòng Pháp lý của Liên minh tự do công dân Mỹ (ACLU - American Civil Liberties Union) là Carolina Fridrikson đã tuyên bố rằng, các nhà lãnh đạo trong tổ chức của bà đã không ít lần cảnh báo các nghị sĩ rằng, việc thông qua các điều khoản bổ sung cho đạo luật FISA sẽ chỉ là hình thức cho những trò lạm dụng mới của các cơ quan mật vụ Mỹ.

Cũng theo bà Fridrikson, vụ bê bối lần này cần trở thành một bước ngoặt cho những hành động kiên quyết hơn nhằm ngăn chặn tất cả những hành động vi phạm quyền tự do riêng tư của cá nhân từ phía các cơ quan mật vụ Mỹ.

Báo chí Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Barack Obama vừa tổ chức một loạt những phiên họp kín để bàn bạc về vấn đề khai thác thông tin tình báo của các cơ quan mật vụ. Dù không thể biết rõ những đề xuất hay cả chỉ trích của Tổng thống đối với giới tình báo, nhưng theo các nhà quan sát, NSA từ sau sự kiện này chắc chắn sẽ phải tìm cách khôi phục lại uy tín của mình, chí ít là không còn tự do rình rập cuộc sống riêng tư của người dân như trước đây

Thái Quân (tổng hợp)
.
.