NSA “nghe” được điện thoại trong quá khứ

Thứ Tư, 16/04/2014, 06:35

Một chương trình đặc biệt với một công cụ đặc biệt đã được Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA của Mỹ sử dụng để truy xuất và nghe lại hàng triệu cuộc điện thoại đã thực hiện trước đó vài tiếng đồng hồ, vài ngày, thậm chí cả tháng. Với chương trình độc nhất vô nhị này, NSA đã có thể thu thập và nghe lại toàn bộ các cuộc điện thoại của một số quốc gia.

Một phiên bản của “cỗ máy thời gian”

Một quản lý cấp cao chương trình giám sát của NSA đã so sánh chương trình do thám mới tiết lộ này như một cỗ máy thời gian có thể truy hồi và nghe lại giọng nói của bất kỳ cú điện thoại nào mà không cần biết trước người gọi là ai. Trong các chương trình nghe lén được công bố từ trước đến nay, chưa từng có chương trình nào có khả năng nghe lén 100% cả một mạng lưới điện thoại của một quốc gia như MYSTIC.

Khoan hãy bàn về tính pháp lý của chương trình (cả Hội đồng An ninh quốc gia và NSA đều cho rằng nước Mỹ "có quyền" sử dụng chương trình đặc biệt này để nghe lén điện thoại toàn cầu vì lý do an ninh quốc gia). Hãy xem NSA đã "nghe" các cuộc điện thoại quá khứ như thế nào để thấy được khả năng nghe lén khủng khiếp của tình báo Mỹ đối với thế giới.

Theo các tài liệu được Edward Snowden tiết lộ, kết hợp với phỏng vấn một số quan chức NSA, chương trình nghe lén này có tên gọi là MYSTIC, bắt đầu được NSA triển khai từ năm 2009. Công cụ đặc biệt được sử dụng trong MYSTIC là RETRO (viết tắt chữ "retrospective retrieval", có nghĩa là "truy xuất quá khứ"), được NSA xây dựng từ cách đây 3 năm.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và chương trình nghe lén MYSTIC.

Từ năm 2011, NSA đã triển khai chương trình MYSTIC để theo dõi các cuộc gọi điện thoại của một quốc gia, và quốc gia đầu tiên trên thế giới bị nghe lén từ năm đó (NSA đã yêu cầu báo chí Mỹ không nêu tên của quốc gia này). Và NSA không chỉ dừng lại ở việc nghe lén một quốc gia mà còn có tham vọng mở rộng phạm vi sử dụng MYSTIC để nghe lén nhiều quốc gia, tùy theo mục tiêu mà Chính phủ Mỹ đưa ra. Bản kế hoạch phân bổ ngân sách tình báo Mỹ năm 2013 đã nêu tên 5 quốc gia trong kế hoạch nghe lén điện thoại đại trà bằng chương trình MYSTIC. Đến tháng 10/2013, quốc gia thứ 6 đã lọt vào danh sách mục tiêu.

MYSTIC hoạt động như một hệ thống nghe lén, khi cài đặt vào mạng điện thoại quốc gia, nó có thể ghi lại mọi cuộc điện thoại đơn lẻ trên phạm vi quốc gia đó, rồi lưu trữ chúng lại trong bộ nhớ đệm có dung lượng hàng tỉ cuộc gọi trong khoảng thời gian 30 ngày.

Các chuyên gia phân tích sẽ lần lượt truy xuất lại các cuộc gọi đã được lưu vào bộ nhớ đệm để nghe và phân tích dữ liệu nhằm tìm kiếm những thông tin tình báo cần thiết. Nguyên tắc lưu trữ tự động của MYSTIC là những cuộc gọi mới, đến sau, sẽ được dồn vào bộ nhớ đệm, đẩy các cuộc gọi cũ nhất ra khỏi bộ nhớ, và cứ thế các cuộc gọi tuần tự từ mới nhất đến cũ hơn, cũ nhất rồi biến mất khỏi bộ nhớ.

Việc lưu trữ các cuộc gọi trong bộ nhớ đệm là một bước để truy hồi các cuộc gọi đã thực hiện trong quá khứ. Do bộ nhớ đệm không thể lưu trữ hết các cuộc gọi thu thập được, trong khi lưu lượng xử lý của các chuyên gia phân tích NSA chỉ là một phần rất nhỏ trong số các cuộc gọi đó, cho nên cứ mỗi tháng, các chuyên gia lại tuyển lựa các cuộc gọi mục tiêu, cắt chúng thành hàng triệu đoạn thoại ngắn rồi gửi đi xử lý để lưu trữ được lâu dài.

Chương trình nghe lén không đối thủ

Điểm khác biệt lớn nhất làm cho MYSTIC trở thành chương trình độc nhất vô nhị chính là khả năng thu thập, ghi lại và lưu trữ, truy xuất giọng nói. Hầu hết các chương trình do thám đại trà được tiết lộ từ trước đến nay chủ yếu thu thập lý lịch dữ liệu (metadata), không thu thập nội dung giao dịch. Các cuộc gọi điện thoại thường được xem là loại dữ liệu thoáng qua, không thích hợp để xử lý, lưu trữ và tìm kiếm như dạng văn bản. Và công việc ghi lại cuộc gọi đã từng gặp trở ngại do khả năng hạn chế của NSA trong việc lưu trữ và truyền file dữ liệu giọng nói ở quy mô đại trà.

Ngay trong năm đầu triển khai, chương trình MYSTIC đã cho thấy khả năng thu thập dữ liệu của RETRO nhiều hơn băng thông rộng. Cho đến nay, MYSTIC đã trở thành chương trình nghe lén không có đối thủ ở Mỹ. Hơn thế, NSA còn đi trước các cơ quan khác một bước khá xa khi sử dụng công nghệ điện toán đám mây để thu thập và lưu trữ dữ liệu, với một cơ sở vật chất mới xây dựng ở bang Utah đủ lớn để sẵn sàng ứng phó với sự gia tăng khủng khiếp dữ liệu số do sự phát triển chóng mặt của mạng toàn cầu.

Trung tâm lưu trữ dữ liệu của NSA ở bang Utah, nơi đang lưu trữ dữ liệu giọng nói hàng tỉ cuộc gọi điện thoại trên thế giới.

Các lãnh đạo NSA tin rằng, giá trị độc nhất của công cụ RETRO chính là khi một nhà phân tích của NSA phát hiện một cái tên hay số điện thoại cần quan tâm. Với khả năng truy hồi cuộc gọi quá khứ trong 30 ngày, các nhà phân tích NSA có thể theo dõi và vẽ ra cả một đoạn lịch sử ngắn các hoạt động, các mối quan hệ và các kế hoạch hành động  của đối tượng mục tiêu. Các biên bản báo cáo nội bộ của NSA đều có ghi nhận việc RETRO có thể cung cấp chi tiết về tên họ, ngày tháng và địa điểm thực hiện cuộc gọi, kể cả một số trích đoạn thoại trong cuộc gọi.

Với việc chương trình MYSTIC được tiết lộ công khai, một lần nữa cho thấy hành động thực tế của Chính phủ Mỹ không hoàn toàn đi đôi với những gì đã được nói ra bằng lời, vì thế những lời cam kết mà Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đưa ra trước công chúng Mỹ và cộng đồng thế giới vào ngày 17/1/2014 rằng "nước Mỹ không do thám dân thường, dù là quốc tịch nào, không đe dọa đến an ninh quốc gia của chúng tôi, và chúng tôi xem xét đến quyền riêng tư của họ".

Thực tế, công cụ RETRO được thiết kế để "hút" tất cả các cuộc gọi trong một mạng điện thoại quốc gia, không phân biệt người gọi là ai, có phải là mục tiêu "khủng bố" đe dọa an ninh quốc gia Mỹ hay không. Điều này có nghĩa là, hoạt động nghe lén đại trà vẫn mặc nhiên tồn tại, cho dù Tổng thống Obama đã tuyên bố "hạn chế" sử dụng. Một khi dữ liệu cuộc gọi đã được MYSTIC ghi lại, NSA thường không bận tâm sàng lọc cuộc gọi nào cần thiết theo dõi mà gọi chung tất cả là "các liên lạc thu thập được từ hoạt động do thám ngẫu nhiên các mục tiêu tình báo thích hợp ở nước ngoài".

Hiện không chỉ có NSA mà một số cơ quan tình báo khác của Mỹ cũng đang tiếp cận và sử dụng công cụ này để phục vụ cho hoạt động nghe lén của riêng mình. Vì vậy, các chuyên gia quốc tế lo ngại rằng, trong tương lai gần, hầu như mọi cuộc gọi vẫn tiếp tục được “lưu trữ và xử lý” vì an ninh quốc gia Mỹ

Nguyên Khang (theo Washington Post)
.
.