NSA sắp phải chấm dứt hoạt động nghe lén

Thứ Năm, 04/06/2015, 21:50
Cuối cùng, dự luật cải cách hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), còn gọi là Đạo luật Tự do Mỹ (USA Freedom Act - USAFA) đã không thể thông qua Thượng viện Mỹ. Mặc dù vậy, hoạt động nghe lén, thu thập dữ liệu liên lạc cá nhân với số lượng lớn của NSA vẫn phải chấm dứt do Đạo luật Yêu nước, với Chương 215 cho phép NSA nghe lén, thu thập trộm dữ liệu liên lạc viễn thông phục vụ chống khủng bố, cũng sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 6/2015.

Dự luật Đạo luật Tự do Mỹ (USAFA) là một dự luật cải cách hoạt động do thám của NSA thời kỳ hậu 11/9, gồm 2 phiên bản, phiên bản Hạ viện được Hạ nghị sĩ Jim Sensenbrenner giới thiệu vào tháng 1/2014, và phiên bản Thượng viện do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy giới thiệu nhằm thay thế cho Đạo luật Yêu nước sắp hết hiệu lực.

Trong dự luật USAFA phiên bản Hạ viện có một điều khoản gia hạn Đạo luật Yêu nước đến năm 2017. Thượng nghị sĩ Mitch McConell - thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện là người ủng hộ nhiệt tình việc thông qua dự luật này.

Ngày 19/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua USAFA với tỉ lệ 338 phiếu thuận, 88 phiếu chống. Những người vận động cho việc chấm dứt hoạt động nghe lén của NSA tràn đầy hy vọng USAFA sẽ được Thượng viện thông qua.

Việc thông qua dự luật vào thời điểm hiện nay đang tạo nên sự quan tâm đặc biệt không chỉ trong giới chính khách mà còn cả trong nhân dân Mỹ. Nhà Trắng đã bày tỏ sự đồng tình ủng hộ đối với dự luật, ra tuyên bố rằng nếu dự luật USAFA được Thượng viện thông qua và chuyển đến tay Tổng thống Barack Obama thì chắc chắn Tổng thống sẽ ký ban hành nó ngay lập tức.

Tuy nhiên, với 57 phiếu thuận, 42 phiếu chống tại cuộc bỏ phiếu hôm 22/5, Thượng viện đã không thể thông qua được dự luật, do không đạt đủ 60 phiếu đồng ý theo luật định. Sự chia rẽ sâu sắc giữa 2 phái ủng hộ và chống cải cách NSA là lý do chính khiến cho dự luật USAFA bị ách lại.

Rand Paul, một trong những TNS phản đối hoạt động nghe lén của NSA quyết liệt nhất.

Từ khi Đạo luật Yêu nước được ban hành sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, NSA đã vận dụng Chương 215 như một cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động nghe lén công dân Mỹ và cả người nước ngoài, trong đó có lãnh đạo một số quốc gia, như các tài liệu mật đã tiết lộ. Hoạt động nghe lén trên phạm vi rộng lớn của NSA đã diễn ra trong vòng bí mật trong thời gian dài cho đến khi bị Edward Snowden, cựu điệp viên của NSA, tiết lộ vào tháng 6/2013.

Trong gần 2 năm qua, dư luận Mỹ cũng như trên khắp thế giới đã bất bình, phẫn nộ về hoạt động nghe lén của NSA. Chính phủ Mỹ cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng trước công luận về các hoạt động nghe lén của NSA, nhất là việc thu thập đại trà các dữ liệu đặc tả cuộc gọi điện thoại của tất cả công dân Mỹ. Những hoạt động đó đã làm thay đổi đáng kể quan hệ giữa Mỹ với một số nước đồng minh ở châu Âu, đặc biệt là Đức, làm sứt mẻ lòng tin giữa các đồng minh.

Ngày 7/5 vừa qua, một tòa án cấp cao của Mỹ đã ra phán quyết hoạt động nghe lén của NSA là bất hợp pháp. Cơ sở của tuyên bố này là kết quả điều tra của Hội đồng Giám sát Quyền riêng tư và các quyền tự do công dân (PCLOB) của Tổng thống Obama cho thấy việc thu thập các dữ liệu điện thoại đã không thể ngăn được các vụ tấn công khủng bố và không có nhiều giá trị trong cuộc chiến chống khủng bố trên diện rộng. Phán quyết của tòa án cộng với việc Chương 215 hết hiệu lực đang khiến cho tương lai hoạt động do thám của NSA sẽ gặp nhiều khó khăn.

Dư luận công chúng Mỹ và giới hoạt động vì quyền tự do công dân Mỹ, dẫn đầu là Liên đoàn các quyền tự do công dân (ACLU) muốn chấm dứt hoàn toàn hoạt động nghe lén của NSA.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đang tìm cách để Đạo luật Yêu nước tiếp tục được gia hạn áp dụng nhằm kéo dài hoạt động nghe lén của NSA.

Tuy nhiên, ông McConnell đang vấp phải sự phản đối của thủ lĩnh phe đa số Hạ viện Kevin McCarthy và một bộ phận nghị sĩ, trong đó bên cạnh đa số nghị sĩ Hạ viện còn có các thượng nghị sĩ có quan điểm chống hoạt động nghe lén của NSA quyết liệt như Marco Rubio của bang Florida, Rand Paul của bang Kentucky và Ted Cruz của bang Texas.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện Mỹ, nhiệt tình ủng hộ dự luật USAFA.

Cả Rubio, Paul và Cruz đều mạnh mẽ lên tiếng khuyến cáo Thượng viện nên thông qua dự luật USAFA để chấm dứt hoạt động nghe lén đại trà của NSA đồng thời để việc cải cách NSA diễn ra sớm hơn.

Cho đến nay, đại đa số dân chúng Mỹ vẫn phản đối hoạt động thu thập dữ liệu liên lạc viễn thông của NSA. Vấn đề được quan tâm hàng đầu là các dữ liệu cá nhân được thu thập và quản lý thiếu chặt chẽ có thể tạo điều kiện cho việc lạm dụng, thậm chí sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.

Với việc USAFA không được Quốc hội thông qua, và sắp tới là Đạo luật Yêu nước hết hiệu lực vào ngày 1/6/2015, Nhà Trắng đang phải gấp rút cân nhắc chiến lược mới cho hoạt động tình báo trong khi cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu vẫn đang ngày càng có những diễn biến phức tạp mới.

Tổng thống Barack Obama đang lo lắng liệu Quốc hội có kịp thông qua một dự luật để bảo đảm duy trì hoạt động tình báo chống khủng bố hay không.

Hiện tại, Thượng viện Mỹ đang chia rẽ sâu sắc quanh vấn đề chấm dứt chương trình nghe lén đại trà của NSA, do đó việc thảo luận gia hạn Đạo luật Yêu nước hay thông qua luật cải cách USAFA đều khó khăn như nhau.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.