Năm 1991, thế giới từng thoát khỏi một thảm họa hạt nhân

Chủ Nhật, 14/09/2014, 15:20

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Hội Các sĩ quan, một tổ chức xã hội của Nga, đã gửi tới Tổng thống V. Putin một đề nghị đặc biệt - phong tặng danh hiệu Anh hùng Nga cho thuyền trưởng tàu ngầm hạt nhân TK-17 Arkhangelsk, người cách đây 23 năm đã không để xảy ra một thảm họa hạt nhân.

"Ngày 27/9/1991, trong thời gian tập trận, tên lửa tập luyện trên tàu ngầm hạt nhân TK-17 tại biển Beloe (Biển Trắng) đã phát nổ và gây cháy trong hầm chứa. Vụ nổ đã làm bay nóc hầm, bộ phận chiến đấu của tên lửa bị rơi xuống biển. Trong khi vụ việc xảy ra, thủy thủ đoàn không bị tổn thất, còn con tàu buộc phải đưa vào xưởng để sửa chữa" - trong thông báo chính thức về sự kiện của 23 năm trước chỉ nêu vắn tắt như vậy.

Đây là sự cố cuối cùng trên hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô. Sau sự việc này, Liên Xô sụp đổ và nhiều năm trôi qua, nó đã đi vào quên lãng. Ngày nay, công luận cần biết được rõ ràng những gì đã xảy ra trên con tàu hạt nhân ngày đó.

Theo Albert Butorin - Ủy viên Xôviết Tối cao Nga, người được Chủ tịch Ruslan Khasbulatov giao nhiệm vụ điều tra sự cố, thế giới khi đó đã đứng bên bờ vực của một thảm họa hạt nhân và chỉ có lòng dũng cảm, sự tận tâm của người thuyền trưởng của con tàu mới ngăn chặn được.  

Tàu ngầm lớp Typhoon của Liên Xô.

Tàu ngầm hạt nhân hạng nặng TK-17 được đóng tại Nhà máy cơ khí phương Bắc ở Severodvinsk, Arkhangelsk và được chuyển giao cho lực lượng Hải quân vào ngày 15/12/1987. TK -17 là một trong 6 chiếc tàu ngầm lớp Typhoon (Cuồng phong) thuộc Dự án 941 Akula (Cá mập) do Liên Xô sản xuất. Đây là những chiếc tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới. Tàu ngầm lớp Typhoon có trọng tải tối đa 26.000 tấn, trọng tải choán nước khi lặn lên đến 48.000 tấn và 25.000 tấn khi nổi. Tàu có chiều dài 175m, có thể lặn sâu dài ngày, vũ khí chính của con tàu này là 20 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nguyên liệu rắn, 6 ống phóng ngư lôi và các bệ phóng tên lửa khác...

Tại bến tàu ở Severodvinsk, TK -17 bị nạn đã được bảo vệ bí mật tuyệt đối, ngay cả thị trưởng thành phố khi đó cũng không được lên boong tàu. Phó đô đốc Poroshin cùng Đặc phái viên của Xôviết Tối cao Butorin đã vào từng khoang của tàu TK-17, trao đổi với các thành viên thủy thủ đoàn, xem xét các thiệt hại.  

Thuyền trưởng tàu TK-17 Igor Grishkov đã hoàn toàn kiệt sức vào những ngày đó. Theo báo cáo của Igor Grishkov, vào ngày 27/9/1991, tại khu vực tập trận ở biển Trắng, một quả tên lửa huấn luyện đã phát nổ ngay trong hầm chứa khi vừa được nhấn nút phóng, nắp hầm bị hất tung ra rất xa và rơi xuống biển. Tàu nổi lên và khi nhìn thấy quả cầu lửa trên boong, Grishkov đã hết sức bình tĩnh cho tàu lặn ngay xuống để dùng nước biển dập lửa. Sau đó ông lại cho tàu nổi lên.

Với những thao tác này, Grishkov đã cứu được con tàu ngầm nguyên tử có vũ khí hạt nhân không bị nổ và tránh được thảm họa khủng khiếp. Albert Butorin khẳng định: "Khi đó tôi đã đề nghị tặng Igor Grishkov danh hiệu Anh hùng Liên Xô, nhưng lực lượng Hải quân và ban lãnh đạo đất nước đã chọn cách im lặng để đảm bảo bí mật xung quanh những hậu quả khủng khiếp của một thảm họa có thể đã xảy ra…". 

Chuẩn đô đốc Vitaly Fedorin, người đã có mặt trên một con tàu tiếp tế vào thời điểm xảy ra sự cố, cho biết: "Tôi đã nhìn thấy tất cả những gì đã xảy ra từ phía bên cạnh. Khi chuẩn bị phóng tên lửa luyện tập, có tiếng nổ ở hầm chứa tên lửa đạn đạo. Nắp hầm bay mất, lớp phủ bằng cao su của vỏ  tàu bị cháy. Thuyền trưởng I. Grishkov đã hành động rất chuyên nghiệp. Ông ấy đã nhanh chóng cho con tàu khổng lồ lặn xuống tới độ sâu sử dụng kính tiềm vọng. Bằng cách đó, ông ấy đã dập được lửa, làm sạch hết phần nguyên liệu rắn của tên lửa ở vỏ tàu. Rất may, không ai trong thủy thủ đoàn bị thương".

TK-17 có 20 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Chuẩn đô đốc Boris Popov - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự, cựu chiến binh lực lượng tàu ngầm của Hải quân Nga nhớ lại rằng, những tiếng nổ liên tiếp ở hầm chứa tên lửa đã làm con tàu rung chuyển và nghiêng hẳn về phía mũi và mạn phải. Thuyền trưởng đã có quyết định đúng đắn là cho tàu nổi lên mặt nước và cho hất bỏ ngay tất cả các thùng chứa khỏi mạn phải, nhờ vậy tàu đã không còn bị nghiêng.

Vào tháng 2/2004, thực hiện chương trình tập trận quy mô lớn, tàu ngầm Novomoskovsk (K-407) của Hạm đội Phương Bắc có nhiệm vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng, việc phóng đã thất bại, tên lửa bị nổ sau khi ra khỏi hầm chứa.

Có một điều đặc biệt ở lần này, cách không xa tàu Novomoskovsk, Tổng thống Nga Putin lúc đó đang có mặt trên bong tàu TK-17 (sau khi sửa chữa, TK17 tiếp tục tham gia vào đội hình của Hải quân Nga) để theo dõi cuộc tập trận và chính mắt ông chứng kiến toàn bộ quá trình tên lửa trên tàu Novomoskovsk bị nổ. Lực lượng Hải quân đã thất bại khi muốn "trình diễn" một loạt phóng tên lửa tuyệt đẹp trước sự chứng kiến của Tư lệnh tối cao, còn báo chí thế giới đã bị qua mặt vì chỉ được biết đến bức ảnh nổi tiếng của Tổng thống Putin khi ông đội mũ của thủy thủ tàu ngầm đứng trên boong tàu TK-17 Arkhangelsk.

Vào ngày 29/4/2004, với lý do thiếu đạn dược, tàu TK-17 đã bị đưa vào diện dự bị và neo tại Severodvinsk. Dù đã nghỉ hưu nhưng chiến công của thuyền trưởng I. Grishkov là không thể phủ nhận khi đã không để một thảm họa hạt nhân xảy ra

Hoàng Tuất (theo Pravda)
.
.