Nam Sudan: Cuộc chia tay đẫm máu

Thứ Hai, 13/01/2014, 19:15

Xung đột tại Nam Sudan trong tuần lễ qua khiến hơn ngàn người chết và gây quan ngại trong cộng đồng thế giới. Xung đột vừa mang màu sắc bạo lực chính trị, lại vừa mang màu sắc xung đột sắc tộc. Ngọn nguồn được cho là do mâu thuẫn âm ỉ bấy lâu nay giữa Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar.

Theo Tổng thống Salva Kiir, bạo lực bùng phát khi các lực lượng ủng hộ cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu thực hiện một cuộc đảo chính bất thành. Nhưng các quan chức Nam Sudan thì bảo rằng, bạo lực nổ ra do các nhóm vệ sĩ sắc tộc Dinka và Nuer trong Dinh Tổng thống đánh nhau mà nguyên nhân lại xuất phát từ việc Phó Tổng thống Machar cùng một loạt quan chức khác bị cách chức vào tháng 7/2013.

Theo giới phân tích am hiểu Nam Sudan, đây là kết quả của những mâu thuẫn sắc tộc - chính trị âm ỉ trong nội bộ Chính phủ Nam Sudan từ sau khi quốc gia này ra đời cách đây hơn 2 năm, và hiện tại xung đột căng thẳng đang có nguy cơ biến thành cuộc nội chiến mới.

Tính đến ngày 26/12, có thêm Trung Quốc cùng với Mỹ, Ethiopia, Kenya, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon và Giáo hoàng Francis I lên tiếng kêu gọi các bên ở Nam Sudan ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt đổ máu. Ngày 25/12, lãnh đạo hai nước Ethiopia và Kenya đã đến Nam Sudan để thúc đẩy đàm phán.

Theo thống kê của Cơ quan đại diện LHQ ở Nam Sudan, số người chết có thể đã đạt con số 1.000, và LHQ đang chuẩn bị tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây.

Cốt lõi vấn đề gây xung đột tại Nam Sudan nằm ở những gút mắc trong quan hệ giữa Tổng thống Kiir và cựu Phó tổng thống Machar. Kiir và Machar là hai con người rất khác nhau, thuộc hai nhóm sắc tộc khác nhau (Kiir thuộc sắc tộc Dinka, còn Machar sắc tộc Nuer), mỗi người có bản năng chính trị khác nhau và con đường nắm quyền lực cũng khác nhau, nhưng hai người lại cùng nhau chèo lái con thuyền Nam Sudan.

Machar đã công khai yêu cầu ông Kiir phải rời khỏi ghế tổng thống. Còn Tổng thống Kiir thì chỉ trích phe của Machar âm mưu tạo phản, rồi thẳng tay cách chức Machar.

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar.

Mâu thuẫn giữa Tổng thống Kiir và cựu Phó tổng thống Machar đã phát sinh từ cách đây ít nhất là 20 năm, phản ánh con đường đi đến độc lập đầy chông gai cũng như tương lai chính trị và cuộc sống đầy bấp bênh của quốc gia non trẻ nhất thế giới này. Sắc tộc Dinka của ông Kiir là nhóm sắc tộc lớn nhất ở Nam Sudan, còn Nuer của ông Machar lớn thứ hai. Cả hai người cùng gia nhập đảng Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan (SPLM).

Ông Kiir năm nay 63 tuổi, đã từng là một chỉ huy du kích trong cuộc nội chiến Sudan lần thứ nhất trong thập niên 60 thế kỷ XX. Hiệp định hòa bình năm 1972 (chấm dứt nội chiến) đã cho phép lực lượng của Kiir gia nhập quân đội quốc gia Sudan, và Kiir được thăng hàm Trung tá.

Năm 1983, Kiir lại tham gia vào cuộc nội chiến thứ hai và thành lập ra Quân đội Giải phóng Sudan (SPLA) chiến đấu chống lại chính phủ ở Khartoum ròng rã suốt hơn 20 năm. Suốt quãng đường "bạo loạn và nội chiến" ấy, Kiir chung vai sát cánh với John Garang, người cùng nhóm sắc tộc Dinka. Người này đã thiệt mạng trong một tai nạn máy bay năm 2005, không lâu sau khi được bổ nhiệm làm Phó tổng thống. Garang chính là người góp công lớn cho việc chấm dứt cuộc nội chiến lần thứ hai.

Sau cái chết của Garang, Kiir bắt đầu nổi lên như một nhà hoạt động chính trị khéo léo. Kiir luôn theo dõi sát và luôn tìm cách bảo đảm rằng Khartoum giữ đúng với những điều ký kết trong hiệp định đình chiến để dẫn đến sự ra đời nhà nước mới: Nam Sudan. Kiir khác biệt so với các chính khách khác trong hàng ngũ SPLM, ông luôn tìm kiếm nền độc lập cho Nam Sudan thay vì chung sống với Khartoum và xảy ra nội chiến liên miên.

Những người biết Kiir mô tả ông là một người bình dị, chân thật. Cũng có người cho rằng ông là người không màng đến quyền lãnh đạo đất nước mà chủ yếu là do được "đẩy lên" làm Tổng thống. "Ông ấy chính là một người tạo nên sự đồng thuận" - nhận xét của Luka Biong Deng Koul, một chuyên gia về Nam Sudan tại Đại học Harvard. Trong khi Machar có bằng cấp, học vị cao, thì Kiir không được học tới nơi tới chốn do phần lớn thời trai trẻ đã đi làm du kích, cầm súng chiến đấu.

Ngược lại với Kiir, Machar, 61 tuổi, là người có học hành tử tế.... Machar là một trong số ít sinh viên Nam Sudan được vào học ở Đại học Khartoum, ông học chuyên ngành kỹ thuật và tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ quy hoạch kiến trúc tại Scotland năm 1984. Sau đó, Machar mới gia nhập SPLM và SPLA. Nhờ học vị tiến sĩ nên mới gia nhập đảng, Machar đã có địa vị cao. Machar cưới vợ, bà Emma McCune, và cuộc sống vợ chồng họ trong nội chiến Sudan đã trở thành đề tài trong cuốn sách "Emma's War" (Cuộc chiến của Emma). Năm 1993, bà Emma qua đời trong một tai nạn xe hơi, khi đó bà 28 tuổi.

Trước đó, năm 1991, do những mâu thuẫn nội bộ với Kiir và Garang, Machar ly khai khỏi đảng SPLM và lập ra một chi phái của SPLM bao gồm người của sắc tộc Nuer. Cuối năm đó, Machar bị cáo buộc gây ra vụ thảm sát ở thành phố Bor, tỉnh Jongley, với hàng trăm người sắc tộc Dinka bị giết. Những năm sau đó, Machar chuyển sang hợp tác với chính quyền Khartoum và trở thành "công cụ" để Khartoum lợi dụng làm suy yếu Garang, Kiir và SPLM. Machar đã ký một hòa ước với Khartoum vào năm 1997, chính thức tách khỏi SPLM.

Đến năm 2002, Machar đột ngột thay đổi, quay trở lại làm lành với Garang và Kiir, và tái gia nhập SPLM. Khi Garang qua đời, Kiir bổ nhiệm Machar làm Phó tổng thống nhằm lấy lòng người dân thuộc sắc tộc Nuer. Tuy nhiên, đến nửa đầu năm 2013, Machar lại gây sự với Kiir, công khai chỉ trích các chính sách điều hành đất nước của Kiir.

Mâu thuẫn ngày càng sâu sắc khiến Kiir phải sa thải Machar và một số quan chức cùng phe cánh với ông này vào tháng 7/2013. Và đó chính là giọt nước tràn ly

An Châu (tổng hợp)
.
.