Nạn buôn lậu chất làm lạnh HCFC-22 vào đất Mỹ

Thứ Sáu, 28/09/2012, 14:40

Theo Nghị định thư Montreal có hiệu lực từ năm 2009, chất làm lạnh HCFC 22 phải được loại bỏ dần khỏi các thiết bị công nghiệp trên thế giới, bởi vì nó là hóa chất gây tổn hại cho tầng ozone đồng thời góp phần làm trái đất nóng lên. Riêng Mỹ cũng có quy định chặt chẽ về số lượng HCFC-22 được nhập khẩu hay bán ở nước này. Nhưng theo nhận định của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), châu Á-Thái Bình Dương đang là khu vực sản xuất một lượng lớn HCFC-22 và được bán với giá rẻ, từ đó chất làm lạnh trở thành mặt hàng sinh lợi cho bọn buôn lậu quốc tế.

Carlos Garcia, Phó chủ tịch Công ty cung cấp phụ tùng thiết bị điều hòa không khí Marcone ở Mỹ, bị phát hiện mua bán số lượng hóa chất làm lạnh HCFC-22 trị giá 500.000 USD từ năm 2009, vi phạm Nghị định thư Montreal. HCFC-22 - được Carlos Garcia mua từ Trung Quốc cho Marcone - được sử dụng phổ biến trong các thiết bị điều hòa không khí (máy lạnh) từ Miami (Mỹ) đến Mumbai (ấn Độ) và từ Bogota (Colombia) đến Bắc Kinh. Sau vụ mua bán hóa chất gây tổn hại tầng ozone này Carlos Garcia bị tuyên án 13 tháng tù giam trong một nhà tù liên bang Mỹ vào ngày 26/6/2012.

Vụ án Carlos Garcia được coi là vụ buôn lậu chất HCFC-22 lớn nhất được phát hiện ở Mỹ. Nhưng theo Halvart Koeppen, quan chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) chịu trách nhiệm điều tra những vụ buôn bán trái phép chất HCFC-22, vụ án chỉ cho thấy "phần nổi của tảng băng". Koeppen cũng cho biết trong hai năm qua, hải quan châu Âu đã bắt giữ được nhiều chuyến hàng buôn lậu HCFC-22 vào Phần Lan, Slovenia và Ba Lan. Những máy lạnh mới sản xuất có chứa HCFC-22 bị cấm bán ở Mỹ từ năm 2010, nhưng số lượng lớn hóa chất này vẫn còn cần thiết để phục vụ cho những chiếc máy lạnh cũ.

Ngành công nghiệp máy lạnh trên thế giới cần HCFC-22 cũng như kỹ nghệ ôtô dựa vào xăng dầu. Nhưng, dầu mỏ ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, còn HCFC-22 đang trở nên dư thừa và có giá rẻ. Trong khi đó, giá HCFC-22 cung cấp hợp pháp đang tăng cao tại Mỹ và khắp châu Âu do chính quyền các quốc gia phát triển cố gắng tuân thủ Nghị định thư Montreal về việc giảm dần sự sử dụng hóa chất gây suy yếu tầng ozone. ở Mỹ, Cục Bảo vệ môi trường (EPA) yêu cầu các công ty phải có giấy phép mới được sản xuất, bán hay mua một số lượng đặc biệt HCFC-22, và số vụ "phê chuẩn" cũng giảm dần theo từng năm.

Chính sự giảm sút mạnh nguồn cung chất làm lạnh đã dẫn đến việc đẩy giá HCFC-22 tăng cao ở Mỹ và hóa chất này trở thành món hàng buôn lậu sinh lợi. Với sáng kiến giảm nguồn cung và kích thích tăng giá chất làm lạnh như thế, chính quyền Mỹ hy vọng các nhà sản xuất tập trung đầu tư vào những chất thay thế khác thân thiện với môi trường hơn và người tiêu dùng sẽ không sử dụng máy lạnh cũ nữa. Nhưng thật ra sáng kiến này đã không có được hiệu quả như mong muốn, nhất là trong giai đoạn kinh tế suy thoái khi mà người dân càng bám riết các thiết bị cũ hơn là sắm mới.

Công ty Marcone ở St. Louis liên quan đến mạng lưới buôn lậu chất làm lạnh.

Công ty hóa chất khổng lồ DuPont đánh giá nhu cầu HCFC-22 ở Mỹ có thể vượt cung và đạt đến 10 tấn hàng mỗi năm trong vòng 3 năm tới. Do đó, theo các chuyên gia, số lượng thiếu hụt sẽ được bù lại thông qua con đường buôn lậu! Nạn buôn lậu chất HCFC-22 sẽ khó ngăn chặn được bởi vì những bình khí sẽ dễ dàng vận chuyển nếu chúng được dán nhãn sai lệch với sự thật. Trong khi đó, việc kiểm tra tốn nhiều thời gian, đòi hỏi những thiết bị test đắt tiền mà nhân viên biên giới lại phải ưu tiên nhắm vào các mục tiêu đặc biệt như súng và ma túy.

Trong thập niên 90 thế kỷ trước, khi thế giới mở chiến dịch loại bỏ sử dụng chất gây suy yếu mạnh tầng ozone gọi là CFC-12, buôn lậu cũng là một vấn đề hóc búa. Nhưng 20 năm sau, thách thức càng to lớn hơn do trung tâm công nghiệp chất làm lạnh di chuyển sang châu á, nơi mà sự sản xuất và tiêu thụ các hóa chất gây hại cho môi trường và "lá chắn" ozone bảo vệ hành tinh như HCFC khó được giám sát hơn. Đặc biệt là Trung Quốc, nước sản xuất, tiêu thụ và cung cấp HCFC lớn nhất thế giới. Theo số liệu báo cáo của UNEP, Trung Quốc sản xuất hơn 70% số lượng máy lạnh trên thế giới, và hơn một nửa số lượng HCFC-22 cung cấp cho thế giới đến từ quốc gia này. Hơn nữa, bọn buôn lậu dễ dàng cất giấu chất làm lạnh trong những kiện hàng hợp pháp. 

Cuộc điều tra căng thẳng kéo dài 2 năm - kết hợp nghe lén điện tử và sử dụng người đưa tin mật - đã vạch trần một mạng lưới buôn lậu trị giá hàng triệu USD và những con đường buôn lậu chất làm lạnh trải dài từ các nhà máy ở các quốc gia đang phát triển - nhiều nhất là ở Trung Quốc - đến Cộng hòa Dominican, Wales, Mexico và các địa điểm khác trước khi kết thúc trên đất Mỹ.

Theo hồ sơ điều tra, HCFC-22 của Trung Quốc sản xuất được giấu cẩn thận trong 3 container hàng hóa hợp pháp chở trên chiếc tàu nhỏ đi qua Ireland và Cộng hòa Dominican trước khi đến Miami để cung cấp cho Công ty Marcone. Carlos Garcia chịu trách nhiệm cung cấp số giấy tờ giả cần thiết cho những người trung gian ở Cộng hòa Dominican để dễ dàng đưa hàng vào Mỹ.

Một lượng chất HCFC-22 khác được chuyển lậu qua Harp Internation, công ty sản xuất hóa chất hàng đầu của Wales. Một lô hàng HCFC-22 buôn lậu khác đi theo con đường ngoằn ngoèo hơn - sản xuất tại Mỹ và xuất khẩu sang Mexico, cuối cùng quay trở về Miami để đi sâu vào đất Mỹ! Do Mexico chưa có quy định hạn chế HCFC-22 cho nên giá của chất làm lạnh ở đây rẻ hơn ở Mỹ rất nhiều. Bọn buôn lậu lợi dụng sự chênh lệch giá này để mua HCFC-22 tại Mexico (nhập khẩu từ Công ty DuPont) rồi vận chuyển qua vùng Caribe để đến Miami bán lại với giá cao.

Ngoài Carlos Garcia của Công ty Marcone còn có vài tay buôn lậu chất làm lạnh khác bị bắt giữ và kết án, bao gồm một cặp vợ chồng ở Florida và một người quốc tịch Ireland đang sống ở Mỹ

Duy Ân (tổng hợp)
.
.