Naum Eitingon - Vị tướng tình báo Xôviết nổi tiếng

Thứ Ba, 29/06/2010, 09:30

Naum Eitingon được đánh giá là một trong những vị tướng tài hoa của làng tình báo Xôviết với vô số những chiến công hiển hách. Ông được biết đến lần đầu tiên trong vai trò của người trực tiếp điều hành chiến dịch "Con vịt" nổi tiếng tiêu diệt tên phản bội Troski. Nhưng tài năng của Eitingon được đồng nghiệp.

Bắt đầu con đường cách mạng

Naum Eitingon sinh ngày 6/12/1899 tại thành phố Mogilev trong gia đình một thư ký làm việc cho nhà máy giấy ở địa phương. Cha mất khi chưa đầy 13 tuổi, Eitingon được gia đình gửi đến học tại Trường trung cấp Thương mại Mogilev, cũng là nơi cậu được làm quen với những sách báo lưu hành bí mật của phong trào cách mạng khi đó.

Eitingon đón mừng cuộc Cách mạng tháng Mười với tâm trạng hồ hởi chung của những thanh niên nghèo khi đó. Chàng thanh niên trẻ này đã hăng hái tham gia vào các hoạt động cách mạng, trong đó có cả những cuộc chiến chống lại các phần tử phú nông nổi dậy chống phá.

Tháng 10/1919, Eitingon gia nhập đảng Bolsevich. Chỉ một năm sau, Eitingon được chính thức hoạt động cho Cơ quan Phản gián quân sự, bắt đầu cuộc đời phục vụ trong hàng ngũ các cơ quan an ninh quốc gia. Từ thời điểm này, Eitingon đã tham gia vào một loạt các chiến công, phá vỡ nhiều tổ chức phản cách mạng, còn bị thương nặng trong một chiến dịch hồi cuối năm 1921. 

Sứ mạng tại nước ngoài 

Sau khi ra viện một thời gian, Eitingon được cử đi học khoa Phương Đông của Học viện Quân sự Hồng quân, là nơi các điệp viên tương lai được đào tạo về quân sự, chuyên môn và cả ngoại ngữ. Tốt nghiệp hai năm sau đó, Eitingon được bổ nhiệm làm Chỉ huy phó bộ phận tình báo Xôviết tại Thượng Hải (Trung Quốc), dưới quyền chỉ huy của điệp viên nhiều kinh nghiệm Yakov Minsker.

Rất nhanh chóng trưởng thành qua nhiều cương vị công tác tại các thành phố khác nhau của Trung Quốc, Eitingon đã tuyển mộ được nhiều nguồn tin quan trọng giúp nắm rõ âm mưu của các thành phần Bạch vệ lưu vong. Mạng lưới của Eitingon còn hoạt động rất hiệu quả chống lại các cơ quan mật vụ Nhật Bản, lúc đó đang rắp tâm chuẩn bị chiếm đóng Mãn Châu.

Khi toàn bộ mạng lưới tình báo Xôviết phải rút vào hoạt động bí mật vì sự đàn áp của chính quyền Tưởng Giới Thạch, Eitingon được chuyển sang hoạt động tại Stambul (Thổ Nhĩ Kỳ), trước khi được triệu hồi về Moskva vào năm 1930 vì những khai báo của một kẻ đào tẩu. Trở về Moskva, Eitingon trở thành chỉ huy phó một bộ phận đặc biệt của cơ quan an ninh, chuyên trách việc cài cắm điệp viên vào các cơ sở chiến lược, chuẩn bị các chiến dịch phá hoại hậu phương quân địch trong thời kỳ chiến tranh.

Với nhiệm vụ này, Eitingon lại có mặt ở Mỹ để trực tiếp chỉ đạo việc tuyển mộ các kiều dân Trung Quốc và Nhật Bản tại đây. Một trong số những nguồn tin được ông tuyển mộ tại đây có họa sĩ Yotoku Miagi, người về sau đã góp mặt trong nhóm điệp báo của Richard Zorge.  

Khi Arthur Artuzov chính thức lên lãnh đạo Ban Tình báo nước ngoài, tài năng của Eitingon đã được chính thức thừa nhận - ông được bổ nhiệm làm chỉ huy bộ phận tình báo bí mật khi mới ở tuổi 33. Cũng trong thời gian này, Eitingon làm quen với Pavel Sudoplatov, về sau trở thành chỉ huy trực tiếp của ông. Vì hoạt động xuất sắc trong việc gây dựng các mạng lưới tình báo bí mật, Eitingon từ đầu năm 1936 đã được phong quân hàm thiếu tá an ninh quốc gia, tương đương với hàm đại tá trong quân đội khi đó.

Khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra vào năm 1936, Eitingon được cử sang làm Chỉ huy phó của NKVD tại đây. Dưới sự lãnh đạo của Chỉ huy trưởng Alexander Orlov và Eitingon, các điệp viên NKVD đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và cải tổ các cơ quan tình báo của chính quyền cách mạng, giúp họ đối đầu có hiệu quả trong cuộc chiến chống lại mật vụ Đức, Italia, Pháp và Anh.

Các chiến sĩ an ninh Xôviết còn bảo vệ hiệu quả các thủ lĩnh Đảng Cộng sản Tây Ban Nha trước âm mưu ám sát của bè lũ Franco. Cũng nhờ những chiến công xuất sắc tại Tây Ban Nha, Eitingon đã được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ.

Những chiến dịch để đời

Một chiến công hàng đầu của Eitingon chính là việc trực tiếp chỉ đạo thành công chiến dịch "Con vịt" vào năm 1940 tiêu diệt tên phản bội lưu vong Troski, qua đó phá tan phong trào phản cách mạng của hắn gây dựng ở nước ngoài nhằm chống phá Nhà nước Xôviết. Tuy nhiên, tài năng lãnh đạo điều hành của Eitingon được thể hiện rõ nhất trong những chiến dịch "Tu viện" và "Berezino" hồi Chiến tranh thế giới thứ hai. Chỉ bắt đầu từ việc gây dựng được một điệp viên giả hiệu hoạt động cho quân Đức, Eitingon đã "phát triển" hạt nhân này thành cả một “lực lượng phản động chống phá chính quyền Xôviết”, qua đó thu nhận nhiều thông tin quan trọng, cung cấp thông tin giả và bắt giữ nhiều điệp viên khác được tung vào để hỗ trợ lực lượng này.

Chỉ tính riêng từ tháng 9/1944 đến 5/1945, các chiến sĩ phản gián dưới sự lãnh đạo của Eitingon đã bắt giữ được 22 điệp viên phát xít, thu 13 điện đàm, 255 kiện hàng chứa vũ khí, đạn dược, quân dụng, thuốc men và cả tiền bạc v.v... được phát xít Đức thả dù xuống để "nuôi dưỡng" lực lượng này. Tính ra, chỉ với hai chiến dịch phản gián kéo dài gần như suốt thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, Eitingon cùng các chiến sĩ của mình đã vô hiệu hóa phần lớn những nỗ lực của tình báo Đức phát xít nhằm xâm nhập và gây bất ổn cho hậu phương của Hồng quân.

Sau khi về hưu, Eitingon chuyển sang hoạt động trong vai trò một phiên dịch viên và một biên tập viên của Nhà xuất bản Quan hệ quốc tế. Vị tướng kỳ cựu của tình báo Xôviết qua đời vào ngày 3/5/1981

Thái Quân (tổng hợp)
.
.