Nền tảng của chủ nghĩa khủng bố mới

Thứ Năm, 31/08/2006, 08:00

Tháng 11/1995, bom xe nổ bên ngoài một căn cứ liên quân Arập Xêút – Mỹ ở Riyadh, nơi được sử dụng để huấn luyện lực lượng Cảnh vệ Quốc gia Arập Xêút. 5 người Mỹ và 2 quan chức Ấn Độ thiệt mạng. Chính phủ Arập Xêút bắt giữ được 4 thủ phạm, những người thú nhận đã được Bin Laden khuyến khích đánh bom. Họ đều nhanh chóng bị tử hình.

Mặc dù không có bằng chứng nào chứng tỏ Bin Laden đã ra lệnh tiến hành vụ tiến công đó, song sau đó tình báo Mỹ biết rằng từ một năm trước các nhà lãnh đạo Al-Qaeda đã quyết định tiến công các mục tiêu Mỹ ở Arập Xêút, và đã chuyển thuốc nổ tới bán đảo này để thực hiện mục đích. Về sau, một vài kẻ thân cận của Bin Laden đã thừa nhận vụ này. Sau đó, một số môn đồ của Bin Laden đã được tuyên dương công trạng.

Tháng 6/1996, một bom xe khổng lồ phát nổ tại tổ hợp chung cư Tháp Khobar ở Dhahran, Arập Xêút, nơi các nhân viên không lực Hoa Kỳ cư trú. 19 người Mỹ bị giết, 372 người khác bị thương. Vụ khủng bố về cơ bản, và có lẽ duy nhất, do du kích Hezbollah, một tổ chức được sự ủng hộ của Chính phủ Iran thực hiện. Mặc dù có bằng chứng rõ ràng về sự dính líu Iran, song cũng có dấu hiệu cho thấy Al-Qaeda đã đóng một vai trò nào đó, tuy chưa rõ.

Trong giai đoạn này, còn có những vụ tiến công đáng chú ý khác, mà trong đó khó xác định được sự dính líu của Bin Laden. Đó là vụ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới năm 1993, một âm mưu nhằm phá hoại những biểu tượng tại New York cũng trong năm 1993 và âm mưu không tặc năm 1995 ở Manila nhằm làm nổ tung hàng chục máy bay chở khách của Mỹ trên bầu trời Thái Bình Dương. Chi tiết về những âm mưu trên sẽ được giới thiệu ở phần sau.

Một kế hoạch khác cho thấy Bin Laden đã tìm kiếm khả năng giết người hàng  loạt. Một phụ tá về kinh doanh của Bin Laden đã nhận được tin một sĩ quan quân đội, người từng là thành viên của nội các chính quyền Sudan trước đây, dạm bán uranium đã làm giàu tới mức có thể dùng làm vũ khí. Sau một vài lần tiếp xúc qua trung gian, viên sĩ quan đưa ra mức giá 1,5 triệu USD, và tất nhiên mức giá này không làm Bin Laden nản lòng. Các đại diện Al-Qaeda yêu cầu kiểm tra uranium và được giới thiệu một bình hình trụ dài 3 feet (khoảng 1 mét – ND), và người ta tin rằng có thể đây là hàng thật. Al-Qaeda hiển nhiên đã mua bình uranium này, và sau đó phát hiện ra đó là hàng giả. Mặc dù vụ mua bán không thành, nó cũng chứng tỏ cái mà Bin Laden và các trợ thủ của ông ta hy vọng sẽ làm được. Một đại diện của Bin Laden giải thích nhiệm vụ của mình: “Dùng uranium sẽ dễ giết được nhiều người hơn”.

Bin Laden dường như muốn thâu tóm vào liên đoàn những phần tử khủng bố gần như từ mọi ngõ ngách của thế giới Hồi giáo. Quan điểm của Bin Laden phản ánh quan điểm Turabi, một thủ lĩnh Hồi giáo Sudan, người tổ chức một loạt cuộc họp dưới tên Hội nghị Hồi giáo và Arập Đại chúng trong thời gian Bin Laden tới nước này. Những phái đoàn Hồi giáo cực đoan bạo lực đã tới từ các băng nhóm có đại diện trong Tổ chức Quân đội Hồi giáo Shura. Còn có đại diện đến từ những nơi như Tổ chức Giải phóng Palestine, Hamas và Hezbollah.

Turabi tìm cách thuyết phục hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni tạm gác chia rẽ sang một bên để chống kẻ thù chung. Cuối năm 1991 hoặc 1992, những thảo luận tại Sudan giữa Al-Qaeda và phía Iran dẫn tới một thỏa thuận không chính thức về hợp tác trong bảo đảm cung cấp – thậm chí còn huấn luyện – cho những hoạt động chủ yếu nhằm chống Israel và Hoa Kỳ. Không lâu sau, các chiến binh và huấn luyện viên cao cấp của Al-Qaeda đã tới Iran để tham gia huấn luyện dùng thuốc nổ.

Mùa hè năm 1993, một đoàn tương tự đã tới thung lũng Bekaa ở Liban để huấn luyện kỹ hơn về thuốc nổ cũng như tình báo và an ninh. Theo báo cáo, Bin Laden tỏ ra đặc biệt quan tâm tới cách sử dụng dạng bom xe như kiểu quả bom đã diệt 241 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Liban năm 1983. Mối quan hệ giữa Al-Qaeda và Iran chứng tỏ rằng sự chia rẽ giữ hai dòng Sunni và Shiite không nhất thiết tạo ra một rào cản không thể vượt qua trong việc hợp tác khủng bố.

Bin  Laden cũng muốn thăm dò khả năng hợp tác với Iraq, mặc dù nhà độc tài Iraq Saddam Hussein chưa từng có một chiến lược Hồi giáo - để tạo cho mình cơ hội làm người bảo vệ đức tin chống bọn “Thập tự chinh” trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Thêm vào đó, Bin Laden thực tế đã tài trợ cho lực lượng Hồi giáo chống Saddam ở vùng người Kurd thuộc Iraq và tìm cách thu hút họ gia nhập quân đội Hồi giáo.

Để bảo vệ quan hệ riêng với Iraq, Turabi được biết đã thỏa thuận với Bin Laden ngừng hỗ trợ cho hoạt động chống Saddam. Tất nhiên Bin Laden đã tôn trọng cam kết này, ít nhất trong một thời gian, mặc dù vẫn tiếp tục trợ giúp một nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động trong lãnh thổ Iraq nhưng ngoài vùng kiểm soát của Baghdad.

Cuối những năm 90, các nhóm Hồi giáo cực đoan trên chịu thất bại nặng nề trước lực lượng người Kurd. Năm 2001, với sự giúp đỡ của Bin Laden, họ đã cải tổ thành một tổ chức gọi là Ansar al Islam. Có dấu hiệu cho thấy từ lúc này chế độ Iraq đã khoan dung hoặc thậm chí giúp Ansar al Islam chống lại kẻ thù chung là người Kurd.

Thông qua chính quyền Sudan làm trung gian, Bin Laden đã đích thân gặp một sĩ quan tình báo Iraq cao cấp tại Khartum vào khoảng cuối năm 1994 đầu 1995. Nghe nói Bin Laden đã đề nghị bố trí nơi lập trại huấn luyện và giúp mua sắm vũ khí, song không có bằng chứng rằng Iraq đã đáp ứng yêu cầu trên. Như mô tả dưới đây, những năm sau đó đã chứng kiến các nỗ lực tăng cường thiết lập liên hệ.

 

Sudan trở thành một "đất thánh" của khủng bố

 

Mãi đến năm 1998, Al-Qaeda mới tự tiến hành một chiến dịch khủng bố quan trọng, vì lẽ Bin Laden đã mất căn cứ tại Sudan. Kể từ khi chế độ Hồi giáo lên nắm quyền ở Khartum, Chính phủ Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã gây sức ép buộc Sudan phải ngừng cung cấp đất thánh cho các tổ chức khủng bố. Những chính phủ khác trong khu vực, chẳng hạn Ai Cập, Syria, Jordan và thậm chí Libya, mục tiêu của các nhóm khủng bố trên, cũng tăng sức ép với Sudan. Đồng thời, chính quyền Sudan bắt đầu thay đổi. Mặc dù Turabi từng là một lãnh tụ đầy quyền năng, song tướng Omar al Bashir, Tổng thống từ năm 1989, chưa bao giờ hoàn toàn bị khống chế. Bởi vậy, trước sức ép bên ngoài, những người theo Bashir bắt đầu thay thế những người ủng hộ Turabi.

Vụ mưu sát không thành Tổng thống Ai Cập, Hosni Mubarak ở Ethiopia vào tháng 6/1995 dường như là một bước ngoặt quan trọng. Các thủ phạm, người của nhóm Hồi giáo Ai Cập, đã được Bin Laden cho trú chân ở Sudan và giúp đỡ. Khi Sudan từ chối không giao 3 nghi can liên quan đến vụ mưu sát, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án việc này và cuối cùng, vào tháng 4/1996 đã cấm vận Khartum.

Một tín hiệu rõ ràng đối với Bin Laden là thời của ông ta tại Sudan chỉ còn tính bằng ngày, khi chính quyền cho Bin Laden hay rằng nước này có ý định nhượng bộ trước yêu cầu của Libya ngừng cung cấp nơi trú ẩn cho kẻ thù của họ. Bin Laden buộc phải thông báo cho những người Libya, từng là một bộ phận của Quân đội Hồi giáo của ông ta rằng ông ta không thể tiếp tục bảo vệ họ được nữa và họ phải rời đất nước này. Bị xúc phạm, một số thành viên người Libya của Al-Qaeda và tổ chức quân đội Hồi giáo Shura đã cắt đứt mọi quan hệ với Bin Laden.--PageBreak--

Bin Laden cũng bắt đầu đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về tài chính. Sức ép quốc tế đối với Sudan, cùng với những trì trệ của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đồng tiền của Sudan. Một số công ty của Bin Laden không còn vốn để hoạt động. Khi chính quyền Sudan ít sốt sắng hơn thì chi phí cho hoạt động kinh doanh theo thông lệ ắt phải tăng. Việc Arập Xêút gây sức ép với gia đình Bin Laden cũng có thể làm mất đi một phần tài sản của Bin Laden. Dù sao, Bin Laden cũng nhận thấy cần phải cắt giảm chi tiêu và kiểm soát tài sản của mình kỹ càng hơn. Bin Laden bổ nhiệm một quản lý tài chính mới, kẻ bị các trợ thủ của ông ta coi là rất bủn xỉn.

Vấn đề tài chính cũng gây khó khăn cho Bin Laden trên các phương diện khác. Jamal Ahmed Fadl, một người Arập sinh ở Sudan, từng có thời gian sống ở Mỹ và được chiêu mộ để tham dự cuộc chiến tranh Afghanistan qua thánh đường Farouq ở Brooklyn. Fadl gia nhập Al-Qaeda và tuyên thệ trung thành với Bin Laden, được giao làm nhân viên kinh doanh.

Sau đó, Bin Laden phát hiện ra rằng Jamal Ahmed al Fadl đã biển thủ 110.000 USD và yêu cầu bồi thường. Fadl phẫn uất vì chỉ được hưởng mức lương 500 USD/tháng trong khi một số người Ai Cập trong tổ chức Al-Qaeda có mức lương tới 1.100 USD/tháng. Fadl phản thùng và trở thành người cung cấp tin quan trọng cho Hoa Kỳ. Cũng bị thẩm vấn trong một phiên tòa ở Mỹ về Al-Qaeda còn có L'Houssaine Kherchtou, người đã cắt đứt quan hệ với Bin Laden do ông ta tuyên bố không đủ khả năng trợ cấp khi vợ anh ta cần đi cắt dạ con.

Tháng 2/1996, các quan chức Sudan đã bắt đầu tiếp cận với các quan chức Hoa Kỳ và một số nước khác, đặt câu hỏi họ phải làm gì để có thể chấm dứt sức ép từ bên ngoài. Trong các cuộc gặp bí mật với phía Arập Xêút, Sudan đề nghị trục xuất Bin Laden về Arập Xêút và yêu cầu Arập Xêút xá tội cho Bin Laden. Các quan chức Mỹ nhanh chóng nắm được các cuộc bàn luận bí mật trên, tất nhiên vào tháng 3. Phía Arập Xêút muốn Bin Laden bị trục xuất khỏi Sudan. Tuy nhiên, họ đã tước quyền công dân của Bin Laden và không thể chấp nhận sự hiện diện của ông ta ở nước này. Còn Bin Laden cũng cảm thấy không còn an toàn ở Sudan, nơi ít nhất một lần ông ta đã thoát khỏi một vụ ám sát mà ông ta tin rằng có bàn tay của chính quyền Ai Cập hoặc Arập Xêút, hoặc cả hai. Dù sao, vào ngày 19/5/1996, Bin Laden rời Sudan – trong vị thế rất yếu kém, mặc dù tham vọng và năng lực tổ chức không hề thay đổi. Bin Laden quay trở lại Afghanistan.

Sự đổi mới của Al-Qaeda tại Afghanistan (1996-1998)

Bin Laden bay trên một chiếc máy bay thuê từ Khartum tới Jalalabad, với một chặng dừng chân để tiếp nhiên liệu ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Bin Laden được các thành viên gia đình và vệ sĩ tháp tùng, cũng như các thành viên Al-Qaeda, nhưng trợ thủ gần gũi từ năm 1988, khi Al-Qaeda  được thành lập ở Afghanistan. Các chuyến bay sau đó chở đến thêm hàng chục chiến binh.

Mặc dù điểm đến Bin Laden là Afghanistan, song Pakistan mới là quốc gia giữ vai trò then chốt trong việc tạo cho Bin Laden khả năng dùng Afghanistan làm một căn cứ để từ đó phục hồi sự nghiệp đầy tham vọng cho cuộc chiến chống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Trong một phần tư thế kỷ, đầu tiên tồn tại như một quốc gia độc lập, tính dân tộc của Pakistan chính là xuất phát từ đạo Hồi, nhưng với nền chính trị phi tôn giáo. Quân đội đã và vẫn là thể chế mạnh nhất và được kính trọng nhất ở trong nước. Và quân đội đã và sẽ tiếp tục bận bịu với nước Ấn Độ đối địch, đặc biệt ở khu vực tranh chấp Kashmir

Từ những năm 70 trở lại đây, tôn giáo ngày càng trở thành một thế lực có sức mạnh trên chính trường Pakistan. Sau cuộc đảo chính 1977, các nhà lãnh đạo quân sự quay trở lại tìm sự ủng hộ của các nhóm Hồi giáo, và những người theo dòng Hồi giáo chính thống đã chiếm vị trí nổi bật. Nam Á có một hình thái Hồi giáo chính thống bản địa, đã được phát triển từ thế kỷ XIX tại một ngôi trường trong làng Deoband, Ấn Độ. Ảnh hưởng của trường phái Hồi giáo Wahhabi, được nuôi dưỡng bởi các tổ chức do Arập Xêút tài trợ, cũng lớn dần lên.

Nhà cầm quyền Pakistan nhận ra rằng đám thanh niên Afghanistan đầy nhiệt huyết là nguồn gốc của tình trạng bất an tiềm tàng trong nước nhưng đồng thời cũng đầy tiềm năng trong sử dụng ở nước ngoài. Những người tham gia phong trào Taliban, ủng hộ lối giải thích nhẫn tâm của luật Hồi giáo, có thể đem lại trật tự cho một đất nước Afghanistan hỗn loạn và biến nước này thành một đồng minh hợp tác.

Có thể khẳng định Bin Laden không thể trở lại Afghanistan nếu không được Pakistan chấp nhận. Lực lượng quân báo Pakistan có lẽ đã biết trước việc Bin Laden quay về Afghanistan và các sĩ quan có thể đã tạo điều kiện cho chuyến đi. Suốt thời gian ở Sudan, Bin Laden vẫn duy trì các nhà nghỉ và trại huấn luyện ở PakistanAfghanistan. Đó là một phần của một mạng lưới rộng lớn hơn được rất nhiều tổ chức khác nhau sử dụng để chiêu mộ và huấn luyện chiến binh cho các cuộc khởi nghĩa Hồi giáo tại Tajikistan, Kashmir và Chechnya.

Được biết, các sĩ quan quân báo Pakistan đã giới thiệu Bin Laden với các thủ lĩnh Taliban ở Kandahar, cơ sở quyền lực chính của họ, để hỗ trợ tái kiểm soát quyền lực tại các trại huấn luyện gần Khowst, hiển nhiên với hy vọng rằng vào lúc đó Bin Laden có thể mở rộng các trại huấn luyện và sẵn sàng dùng chúng để huấn luyện các chiến binh Kashmir.

Tuy nhiên, Bin Laden đang ở thế yếu nhất là kể từ những ngày đầu trong cuộc chiến chống Liên bang Xôviết. Chính phủ Sudan đã hủy bỏ đăng ký của các doanh nghiệp chủ yếu mà Bin Laden đã thành lập ở đó và đem một trong những doanh nghiệp này ra bán công khai. Theo một nghi phạm Al-Qaeda cao cấp bị bắt giữ thì Chính phủ Sudan đã trưng thu mọi thứ mà Bin Laden sở hữu tại đất nước này.

(Xem tiếp ANTG Thứ Bảy số 582 ra ngày 26/8/2006)

.
.