New Zealand: Dự án giám sát công dân hàng loạt

Thứ Ba, 07/10/2014, 18:25

Dự án giám sát công dân hàng loạt mang tên gọi "Speargun" (Xiên đâm cá) nằm trong hồ sơ mật Cục An ninh Truyền thông Chính phủ (GCSB) - Cơ quan tình báo của New Zealand - từ tháng 3/2012. Vào đầu năm 2013, một tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho biết giai đoạn đầu của dự án đã hoàn thành và lưu ý giai đoạn thứ hai bắt đầu vào cuối năm này sau khi một luật mới về gián điệp điện tử được thông qua vào tháng 8 cùng năm. Tuy nhiên, giới chức chính quyền New Zealand nhấn mạnh không hề có chương trình giám sát hàng loạt mang tên Speargun và nó cũng không hề được cấp phép hoạt động.

Theo các tài liệu mật do Edward Snowden cung cấp, chính quyền New Zealand bí mật khai thác luật giám sát Internet mới được ban hành để khởi xướng một chương trình thu thập siêu dữ liệu được thiết kế mới nhằm đánh cắp thông tin giao tiếp điện tử của công dân nước này. Chương trình giám sát này mâu thuẫn với những gì mà Thủ tướng John Key tuyên bố như là một luật mới được soạn thảo nhằm hạn chế hoạt động tình báo gián điệp hàng loạt công dân New Zealand.

Snowden tố cáo Thủ tướng Key đã lừa dối người dân về vai trò của GCSB khi tuyên bố: "Không có và không bao giờ có bất cứ chương trình giám sát hàng loạt nào". Snowden nhấn mạnh trên thực tế GCSB trực tiếp dính líu đến chương trình thu thập mọi giao tiếp liên lạc cá nhân gửi qua các mạng Internet, vệ tinh, radio và điện thoại di động.

Thậm chí, Snowden còn cho biết trạm tình báo Waihopai của GCSB - đối tác tin cậy của NSA trong liên minh tình báo Five Eyes bao gồm 5 quốc gia: Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand - giúp cho chương trình Xkeyscore của NSA thu thập thông tin giao tiếp của hàng triệu người New Zealand và cá nhân Thủ tướng Key cũng được "thông báo về việc này".

Căn cứ gián điệp tín hiệu Waihop.

Trong chương trình "Speargun", trang thiết bị bí mật được xây dựng để khai thác hệ thống cáp ngầm dưới biển chính của New Zealand chuyển tải tuyệt đại đa số lượng dữ liệu giao tiếp Internet giữa nước này và phần còn lại của thế giới và hoạt động thu thập thông tin hàng loạt này chứng tỏ sự bành trướng các hoạt động gián điệp bí mật của GCSB trong suốt nhiều thập niên.

Hoạt động thu thập dữ liệu qua khai thác cáp ngầm thuộc giai đoạn 2 của chương trình Speargun nhằm bổ sung cho giai đoạn 1. Trong giai đoạn 2 của Speargun, GCSB đánh cắp một lượng khổng lồ dữ liệu trong thời gian thực; bao gồm ngày giờ, người gửi và nhận email, các cuộc gọi điện thoại di động v.v… Kỹ thuật đánh chặn tín hiệu của GCSB được Snowden giải thích là tương tự với kỹ thuật của NSA.

Sau những tiết lộ của Snowden về Speargun, người phát ngôn của GCSB chỉ  phát biểu: "Chúng tôi không bình luận vấn đề". Dưới sức ép của dư luận, cuối cùng Thủ tướng John Key buộc phải thừa nhận rằng GCSB có chương trình giám sát hàng loạt công dân New Zealand nhưng nó đã được hủy bỏ giữa chừng!

Đồng thời, John Key cũng cam kết cho giải mật một số tài liệu để minh chứng cho tuyên bố của ông. Tuy nhiên, các tài liệu do Snowden tiết lộ cho thấy điều ngược lại: chương trình Speargun vẫn tiếp tục diễn ra trong bí mật và một tài liệu tuyệt mật năm 2012 của NSA còn ghi nhận "Dự án Speargun vẫn đang tiến triển".

Người dân New Zealand biểu tình rầm rộ chống chương trình giám sát công dân của GCSB.

Chương trình giám sát công dân hàng loạt của GCSB bị phơi bày ra ánh sáng một phần do cơ quan tình báo dính líu vào vụ gián điệp bất hợp pháp triệu phú Internet Kim Dotcom - người thành lập trang web nổi tiếng Megauplod. com. Kim Dotcom là người Đức gốc Phần Lan và được coi là chính khách New Zealand sau khi thành lập đảng Internet (Internet Party) ở nước này. Ông Kim Dotcom - nổi tiếng tại Đức trong thập niên 90 thế kỷ trước trong vai trò hacker và nhà kinh doanh Internet - bị buộc vài tội danh ở Đức và nhận án tù treo vào năm 1994.

Tháng 1/2012, Dotcom lại bị Cảnh sát New Zealand bắt giam sau khi ông bị chính quyền Mỹ buộc tội đánh cắp bản quyền sản phẩm giải trí trên Internet thu lợi hàng triệu USD. Cuộc tranh cãi xung quanh vụ bắt giữ Dotcom và nỗ lực dẫn độ ông về Mỹ đã gây rắc rối cho chính quyền của Thủ tướng John Key suốt 2 năm qua. Sau vụ bê bối gián điệp Kim Dotcom, Phó giám đốc GCSB buộc phải từ chức. Nhưng, chính quyền Thủ tướng John Key từ chối truy tố những cá nhân ra lệnh gián điệp bất hợp pháp mà thay vào đó là đề xuất một luật mới về hoạt động gián điệp điện tử trong nước! Luật mới nhanh chóng gây ra cuộc tranh cãi căng thẳng và dẫn đến chiến dịch chống lại nó.

Để xoa dịu công chúng, Thủ tướng John Key và một vài quan chức khác trong Chính phủ New Zealand liên tục nhấn mạnh rằng mục đích thật sự của luật mới là cung cấp sự giám sát và làm sáng tỏ hoạt động giám sát trong nước. John Key thẳng thừng bác bỏ cáo buộc cho rằng luật mới cho phép GCSB thu thập siêu dữ liệu hàng loạt đối với người dân trong nước.

Thậm chí trước sự chỉ trích mạnh mẽ của các chuyên gia pháp lý, Thủ tướng John Key hứa sẽ từ chức nếu phát hiện thấy GCSB tiến hành hoạt động gián điệp hàng loạt công dân New Zealand!

Duy Ân (tổng hợp)
.
.