Nga: Bí mật quân sự trong lòng núi Yamantau

Thứ Ba, 27/10/2009, 16:50
Ở tận sâu thẳm của dãy Ural hùng vĩ thuộc vùng Beloretsk của nước Cộng hòa Bachkortostan thuộc Nga, sừng sững một ngọn núi có tên gọi Yamantau (Núi vô tích sự - theo thổ ngữ Bachkir địa phương) cao đến 1.640m và là núi cao nhất ở phía nam dãy Ural. Tại đây, vào năm 1993, lần đầu tiên, vệ tinh do thám của Mỹ đã ghi nhận bằng hình ảnh một tổ hợp quân sự bí mật được khẩn trương thi công sâu trong lòng núi Yamantau.

Theo tạp chí Global Security, đây là một tổ hợp quân sự ngầm khổng lồ có thể phòng chống và giáng trả mọi cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân (VKHN), vũ khí hóa học hay vũ khí sinh học dồn dập. Căn cứ ngầm bí mật này có diện tích bằng diện tích thủ đô Washington của nước Mỹ.

Tổ hợp quân sự bí mật xây dựng trong lòng núi Yamantau được thi công vào thập niên 70 dưới thời nhà lãnh đạo Leonid Brejnev và nằm trong kế hoạch xây dựng 200 căn cứ quân sự bí mật của Liên Xô được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh lạnh như  Trung tâm chỉ huy Sherapovo ở phía nam thủ đô Moksva, căn cứ ngầm Kovinsky tại dãy Ural...

Sau khi căn cứ Yamantau được vệ tinh do thám Mỹ phát hiện vào năm 1993, những quan chức có trách nhiệm trong chính phủ của Tổng thống Nga Boris Eltsine đã lên tiếng phủ nhận đó là một tổ hợp quân sự ngầm bí mật mà chỉ là một khu mỏ than đang được cải tạo thành nơi lưu giữ các kho tàng quý giá của nước Nga, các kho dự trữ lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, đó cũng có thể là nơi chôn lấp rác thải hạt nhân và có thể trở thành hầm ngầm kiên cố làm nơi trú ẩn cho giới lãnh đạo nước Nga một khi xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Một bài viết được đăng trên báo Nga Sovetskaya Rossiya vào tháng 10/1994 tiết lộ rằng, tại căn cứ ngầm bí mật này còn có cả một hệ thống đường sắt hoàn chỉnh, nhiều trục giao thông hiện đại, sân bay dành cho trực thăng, nhiều phòng ngầm rộng lớn được lắp đặt hệ thống lọc không khí để phòng tránh ô nhiễm phóng xạ, các chất độc hóa học một khi  xảy ra nhiều cuộc tấn công bằng VKHN, vũ khí hóa học hay vũ khí sinh học.

Tại đây còn có khu dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ để cho 60.000 người sử dụng trong nhiều tháng. Ngoài ra còn có một số thành phố vệ tinh được xây dựng chung quanh để làm nơi cư trú cho gần 30.000 công nhân tham gia xây dựng công trình ngầm này cùng gia đình của họ.

Thế nhưng, Mỹ vẫn nghi vấn liệu đây có phải là một căn cứ hạt nhân ngầm bí mật hay không? Lý do là công trình ngầm này được xây dựng gần một căn cứ hạt nhân quan trọng của Nga có tên gọi Tcheliabinsk-70. Vì vậy, căn cứ ngầm trong lòng núi Yamantau cũng có thể là một căn cứ hạt nhân bí mật làm nơi lưu giữ không chỉ một lượng lớn đầu đạn hạt nhân mà còn có cả tên lửa đạn đạo loại SS-23 mang đầu đạn hạt nhân cùng một sở chỉ huy hạt nhân ngầm.

Theo một báo cáo của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) gửi cho tướng Eugene Habinger, người đứng đầu Bộ Chỉ huy chiến thuật của quân đội Mỹ (STRATCOM) vào năm 1997 thì công trình ngầm trong lòng núi Yamantau là một dự án xây dựng căn cứ hạt nhân thuộc loại tầm cỡ thế giới, còn lớn hơn cả tổ hợp ngầm quân sự của Mỹ trong lòng núi Cheyenne, với hệ thống đường giao thông và đường sắt hoàn chỉnh, sân bay trực thăng cùng vô số phòng ngầm to lớn được đào sâu trong lòng núi. Công trình ngầm này được xây dựng kiên cố đến nỗi có thể chịu được 12 cuộc tấn công bằng VKHN liên tục vào một địa điểm.

Để nghi trang và cũng để bảo vệ, Chính phủ Nga đã cho xây dựng hai thành phố vệ tinh Beloretsk-15 và Beloretsk-16 chung quanh công trình và đến năm 1995 đã hoàn thành việc xây dựng một thành phố thứ ba là Meijgorié ngay trên công trình ngầm. Hai thành phố Beloretsk-15 và 16 là nơi lưu trú của gần 30.000 công nhân tham gia thi công công trình cùng 10.000 binh lính làm nhiệm vụ bảo vệ.

Ảnh chụp bởi vệ tinh tình báo Mỹ về việc thi công tổ hợp quân sự ngầm tại núi Yamantau.

Điểm đặc biệt là cả 3 thành phố này đều đóng cửa với những người hiếu kỳ, du khách người Nga và người nước ngoài. Chỉ những người có giấy phép đặc biệt mới được vào các thành phố. Mọi cố gắng để thu thập thông tin, hình ảnh liên quan đến công trình ngầm  và của cả 3 thành phố Beloretsk-15, 16 và Meijgorié đều bị ngăn chặn, trường hợp cố tình vi phạm đều bị bắt giữ.

Cũng theo DIA, thành phố Meijgorié là nơi đặt sở chỉ huy việc thi công công trình ngầm trong lòng núi Yamantau. Cho đến cuối thập niên 90, Chính phủ Nga đã chi gần 6 tỉ USD cho việc thi công tổ hợp quân sự ngầm bí mật này. Công trình này được giữ bí mật hoàn toàn đến nỗi các điệp viên Liên Xô trước đây và Nga sau này đào thoát sang các quốc gia phương Tây khi được hỏi về sự tồn tại của một tổ hợp quân sự ngầm bí mật trong lòng núi Yamantau đều khai báo là không hề biết.

Ngay cả Đại tá tình báo Liên Xô Oleg Gordievsky đào thoát vào năm 1985 cũng chỉ biết là tại Nga đang xây dựng một công trình ngầm bí mật làm nơi trú ẩn cho các nhà lãnh đạo một khi xảy ra tấn công bằng VKHN nhưng lại khẳng định là không biết công trình ngầm này được xây dựng ở đâu.

Mỹ đã nhiều lần gây áp lực đối với chính phủ của Tổng thống Boris Eltsin, lấy cớ là Quốc hội Mỹ muốn biết là Nga có còn xây dựng các căn cứ quân sự cùng các kho VKHN hay không để thông qua các khoản chi ngân sách lên đến nhiều tỉ USD  nhằm giúp Nga giải giáp VKHN theo như quy định của Hiệp ước START III.

Thế nhưng mọi cố gắng của Mỹ đều gặp thất bại khi Chính phủ Nga đã 12 lần đưa ra những giải thích khác nhau và có khi còn mâu thuẫn với nhau như khẳng định đó chỉ là một công trình khai khoáng mỏ mà trong lòng dãy Ural còn ẩn chứa vô số nguồn khoáng sản dồi dào... Không bằng lòng với những giải thích của Chính phủ Nga, Mỹ tìm mọi cách để tiếp cận với công trình ngầm trong lòng núi Yamantau nhưng đều gặp thất bại.

Năm 1996, Mike Mansfield, Tùy viên quân sự của Sứ quán Mỹ ở thủ đô Moksva đã bị buộc phải quay về lại thủ đô Moksva khi tìm cách thâm nhập thành phố Meijgorié để thu thập thông tin về công trình ngầm. Đến năm 1997, Mỹ lại thay đổi sách lược khác là cử nhiều phái đoàn Quốc hội Mỹ đến Nga để trao đổi nhiệm vụ nhưng thực chất là để thăm dò, tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia quân sự, sĩ quan cao cấp của quân đội Nga để có thể ít nhiều làm sáng tỏ công trình ngầm bí mật trong lòng núi Yamantau nhưng chỉ gặp những cái lắc đầu hoặc trả lời là không hề biết đến sự tồn tại của công trình ngầm này.

Nghị sĩ Quốc hội Mỹ Curt Weldon đã kể với báo The New York Time rằng, vào năm 1996, trong một lần công tác đến Nga, ông đã trực tiếp hỏi về sự tồn tại của công trình ngầm này với Andrei Kokoskine, Thứ trưởng Quốc phòng Nga nhưng tướng Kokoskine khẳng định đó chỉ là một công trình công cộng! Khi nghị sĩ Weldon yêu cầu được đến núi Yamantau để xem xét hư thực thì tướng Kokoskine trả lời là thẩm quyền cho phép hay không thuộc về Tổng thống Eltsine. Sau đó ông Weldon đã ba lần viết thư đề nghị Tổng thống Eltsine cho phép mình đến tham quan công trình tại núi Yamantau nhưng đều không được phúc đáp.

Cho đến nay, sự thật về công trình ngầm trong lòng núi Yamantau vẫn còn là một bí mật cho dù Mỹ đã nhiều lần cố gắng khám phá

Văn Hòa (theo Global Security)
.
.