Nga: Ngăn chặn nguy cơ bị đánh cắp các bí mật quốc phòng

Thứ Tư, 17/08/2005, 07:34

Các quan chức hàng đầu trong Hiệp hội Công nghiệp quốc phòng Nga đang rất lo ngại về một nguy cơ liên quan đến việc cổ phần hóa và chuyển đổi các xí nghiệp chuyên sản xuất các vũ khí quốc phòng bí mật cho tư nhân.

Đích thân Tổng thống Vladimir Putin, khi phát biểu trong một hội nghị của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) hồi đầu năm 2004, đã nêu rõ về nguy cơ này, đồng thời chỉ ra yêu cầu quan trọng trong việc bảo vệ những phát minh và công nghệ quốc phòng trước những âm mưu hoạt động tình báo công nghiệp và các hình thức cạnh tranh không trung thực khác. Theo ông Putin, các thương gia trong nước mong muốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đều được hoan nghênh, nhưng họ phải là những người thực sự quan tâm đến quyền lợi quốc gia của Nga.

Việc cổ phần hóa và tư hữu hóa một số nhà máy công nghiệp quốc phòng của Nga trên thực tế đang gặp phải không ít khó khăn. Điển hình về hiện trạng này phải kể đến trường hợp của Tập đoàn Fazotron-NIIR, nơi sản xuất loại radar nổi tiếng “Fazotron” được trang bị trên 82% máy bay tiêm kích của Nga và 30% lượng máy bay tiêm kích trên khắp thế giới. Tập đoàn này trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công với mục đích “thôn tính không thân thiện” với việc sử dụng những “công nghệ bẩn”, từ các hành vi vi phạm hiến pháp cho tới những trò gian lận giả mạo.

Hoạt động cổ phần hóa, ngoài tác dụng tích cực là thu hút vốn để phát triển các xí nghiệp quốc phòng đã gặp nhiều khó khăn kể từ khi Liên Xô tan rã, nhưng cũng đem lại những “hiệu ứng phụ” hết sức phức tạp. Một tổng giám đốc mới, khi đã dùng đủ mọi thủ đoạn để giành quyền kiểm soát số cổ phần lớn nhất của xí nghiệp, thường chỉ hoạt động vì những quyền lợi cá nhân. Anh ta có thể thay đổi hoàn toàn hệ thống điều hành, chỉ định những người tin cẩn của mình vào các vị trí chủ chốt để đảm bảo cho mình có một quyền lực hàng đầu không ai có thể bác bỏ. Điều này tất nhiên là không đáp ứng được với quyền lợi kinh tế của tập thể các cổ đông, các công nhân lao động và điều quan trọng cuối cùng là quyền lợi an ninh của chính nước Nga.

Nhà máy quốc phòng mang tên Degtiarev (ZID) lại là một ví dụ khác. Đây là xí nghiệp hàng đầu (có gần 15 ngàn nhân viên) tại Nga trong lĩnh vực sản xuất các tổ hợp tên lửa phòng không xách tay, các loại pháo lắp trên máy bay, súng bộ binh và cả máy ly tâm để làm giàu uranium. Theo tuần báo “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” của Nga (số 25 ra ngày 13-7), giới lãnh đạo của ZID từ 3 năm qua luôn phải đấu tranh với các cổ đông lớn. Cụ thể là trong giai đoạn từ 2001 đến 2004, có tới 42,8% số vốn pháp định của ZID nằm trong tay Tập đoàn MDM.

Để giành được quyền sở hữu số cổ phần lớn nhất, ban lãnh đạo nhà máy đã chi tới 38,5 triệu USD để mua lại số cổ phiếu từ MDM. Tuy nhiên, vụ mua bán đã bị thất bại, sau khi Tập đoàn MDM thông qua tòa án áp dụng các bồi hoàn cho cả hai bên. Kết quả là cả hai bên thi nhau nộp đơn kiện cáo lên tòa án trong suốt một thời gian dài. ZID đã phải tổn thất thêm 600 triệu rúp nữa cho các chi phí tòa án. Đó là chưa kể một loạt các chỉ số sụt giảm về năng suất lao động, lợi nhuận và cả quy mô sản xuất. Khoản nợ tín dụng của họ đã lên tới 1,5 tỉ rúp (hơn 50 triệu USD).

Những trường hợp trên là dấu hiệu cảnh báo cho thấy, cần thiết phải có sự khôi phục nhanh chóng sự giám sát chặt chẽ của nhà nước đối với hoạt động của các công ty có tầm quan trọng chiến lược đối với nền công nghiệp quốc phòng Nga. Trong phiên họp mới đây của Ủy ban Các vấn đề công nghiệp quốc phòng của chính phủ, Thủ tướng Fradkov đã yêu cầu phải chú ý chặt chẽ hơn vào việc tuyển chọn cán bộ cho các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, cụ thể là các thủ tục phê chuẩn cán bộ khi bổ nhiệm lãnh đạo của các tổ chức công nghiệp quốc phòng.

Ông nói: “Chúng ta không thể tin tưởng giao số phận của các xí nghiệp quốc phòng cho những nhân vật không thực sự hoạt động trong lĩnh vực này”. Cũng theo lời Fradkov, đã đến lúc phải xem xét thành lập một hệ thống rà soát các ứng cử viên cho những cương vị lãnh đạo các xí nghiệp quốc phòng

Thái Quân (Theo Bình luận quân sự độc lập)
.
.