Nga: Tranh cãi về bổn phận điệp viên Platon Obukhov

Thứ Ba, 12/07/2011, 23:45

Tòa án Moskva vừa ra phán quyết bác bỏ chế độ chữa trị có cưỡng chế đối với Platon Obukhov, một cựu nhân viên ngoại giao từng bị xét xử vì tội phản bội tổ quốc và hoạt động cho tình báo nước ngoài.

Đây là quyết định dựa trên một kết luận mới nhất của các bác sĩ  đối với Platon Obukhov, trước đó được chữa trị trong chế độ giám sát nghiêm ngặt với lý do mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt. Như vậy, với việc được cho là có khả năng chịu trách nhiệm, Obukhov sẽ phải chính thức ngồi tù để trả giá cho hành vi hoạt động gián điệp của mình.

Nguy hiểm chỉ sau Penkovski

Tối ngày 11/4/1996, sau một phiên liên lạc theo định kỳ, các nhân viên Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ tại trận nhân viên Bộ Ngoại giao Platon Obukhov (28 tuổi) vì tội danh hoạt động gián điệp cho tình báo Anh.

Từ kết quả của vụ bắt giữ này, Cơ quan phát ngôn của FSB vào đầu tháng 5/1996 đã đưa ra thông báo chính thức khẳng định, các nhân viên phản gián Nga đã kịp thời ngăn chặn được một chiến dịch tình báo quy mô lớn của nước ngoài. Kèm theo đó, phía Nga đưa ra một danh sách có tới 14 điệp viên của Cơ quan Tình báo Anh MI-6 đã tham gia liên lạc với nhân viên Bộ Ngoại giao Platon Obukhov.

Một vụ bê bối ngoại giao lớn giữa Nga và Anh đã xảy ra, sau khi Obukhov chấp nhận hợp tác điều tra và cung cấp đầy đủ các bằng chứng chống lại các liên lạc viên người Anh của mình. Cũng nhờ sự thành khẩn của Obukhov, phản gián Nga đã thành công trong việc bóc gỡ gần như toàn bộ mạng lưới tình báo của MI-6 tại Nga. Kết quả là Moskva và London thi nhau lần lượt trục xuất 4 nhân viên ngoại giao tại đại sứ quán mỗi nước "vì những hoạt động không phù hợp với quy chế ngoại giao". Chưa kể có tới 9 nhân viên khác của Đại sứ quán Anh bị tuyên bố tước bỏ quyền miễn trừ ngoại giao.

Trong cuốn sách "The Big Breach" (Lỗ hổng lớn) của mình, cựu điệp viên tình báo Anh Richard Tomlinson đã mô tả về việc, các nhân viên mật vụ Anh đã làm việc với điệp viên Masterwork (mật danh của Obukhov) như thế nào, về việc ai đã ra quyết định tuyển mộ Obukhov. Tất cả mọi chi tiết về vụ Obukhov đều được Tomlinson mô tả chẳng khác gì như một cuốn tiểu thuyết tình báo thực sự: những cuộc gặp bí mật, những phiên liên lạc bí mật, chuyện tiền bạc gửi tại các tài khoản của ngân hàng phương Tây v.v…

Platon Obukhov sinh ra trong một gia đình danh giá trong ngành ngoại giao. Cha anh ta trong những năm 80 từng là một thành viên tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán Xô-Mỹ về Hiệp ước START-2. Trong giai đoạn 1990-1991, ông này cũng từng là thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, sau đó được bổ nhiệm làm đại sứ CHLB Nga tại Đan Mạch.

Bản thân Platon Obukhov có thể nói là một nhân vật rất có tài năng. Anh ta từng học tập tại Trường đào tạo đặc biệt số 67 về tiếng Anh chuyên sâu. Sau khi tốt nghiệp Viện Quan hệ quốc tế Moskva, anh ta đã có một loạt các chuyến công tác ở nước ngoài như Nauy, Thụy Điển, Thụy Sĩ; tiếp đó làm việc tại Cục Mỹ và Canada của Bộ Ngoại giao Nga.

Trong công tác ở Bộ Ngoại giao, Obukhov có thể phiên dịch hàng loạt thứ tiếng như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Nauy và Đan Mạch. Nhân viên ngoại giao này đồng thời cũng là dịch giả và tác giả của hàng chục cuốn sách thuộc nhiều thể loại như văn học, phiêu lưu mạo hiểm, lịch sử và khoa học.

Theo các tài liệu trình lên tòa án, Obukhov được người Anh tuyển mộ vào mùa hè năm 1995, trong thời gian một chuyến thực tập tại Geneve. Tình báo Anh đã duy trì được mối quan hệ cộng tác với Obukhov khoảng 10 tháng. Trong suốt thời gian này, Obukhov đã có tới 15 phiên liên lạc bằng thiết bị vô tuyến với các điệp viên Anh, trao cho họ hàng loạt tài liệu mật quan trọng về an ninh và khả năng quốc phòng của Nga. Đổi lại, người Anh đã chuyển vào tài khoản tại ngân hàng nước ngoài của nhà ngoại giao này tới 300.000USD. Tuy nhiên, Obukhov đã không có dịp hưởng thụ bất cứ một xu nào trong số này.

Trong phiên tòa xét xử, đại diện FSB là Thiếu tướng Nikolay Volobuev đã tuyên bố rằng: "Mức độ những tổn thất mà Obukhov gây ra cho nước Nga chỉ thua vụ tên gián điệp nổi tiếng Penkovski". Tuy nhiên, nếu như tên đại tá phản bội bị xử bắn thì Obukhov chỉ bị kết án 11 năm tù.

Bệnh nhân tâm thần phân liệt hay kẻ giả vờ?

Không biết có phải vì những tác động từ gia đình, bản án dành cho Obukhov cũng phải trải qua nhiều tình tiết khá ly kỳ. Đầu tiên là năm 1997, Tòa án Moskva thừa nhận tay gián điệp của Anh là một bệnh nhân tâm thần phân liệt. Nhờ đó thay vì phải vào tù, Obukhov được chuyển vào điều trị tại một bệnh viện tâm thần. Không may trong một lần kiểm tra nơi điều trị của Obukhov, các nhà chức trách phát hiện ra một bản viết tay chỉ dẫn cách… giả làm bệnh nhân tâm thần phân liệt.

Năm 1998, tòa án tiếp tục thừa nhận Obukhov là một kẻ mắc bệnh thoái hóa nhân cách, nhưng khẳng định anh ta hoàn toàn có khả năng chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Với kết luận này, Tòa án Moskva vào năm 2000 đã phán quyết Obukhov có tội danh hoạt động gián điệp phản bội tổ quốc với bản án 11 năm tù. Tuy nhiên tại Tòa án tối cao sau đó, các luật sư của anh ta đã thành công với quyết định hủy bỏ bản án.

Năm 2002, Tòa án Moskva một lần nữa lại thừa nhận Obukhov là bệnh nhân không có năng lực chịu trách nhiệm với chứng bệnh tâm thần phân liệt. Căn bệnh này có vẻ như chẳng ảnh hưởng gì tới khả năng sáng tác văn học của Obukhov. Trong tù, anh ta vẫn miệt mài viết tiểu thuyết về đề tài tình báo (đã có tổng cộng 13 cuốn, nhiều cuốn trong số này đã có được thành công không nhỏ tại phương Tây).

Từ nhà tù, Obukhov được chuyển tới bệnh viện tâm thần để điều trị cưỡng chế. Năm 2004, Obukhov được cho ra viện. Viện Kiểm sát không thể chấp nhận thực tế này nên đã nộp đơn kháng án lên Tòa án Moskva. Thế là Obukhov tiếp tục được tòa án phán quyết là có khả năng chịu trách nhiệm về hoạt động gián điệp của mình. Quyết định trên cũng nhận được sự ủng hộ của Tòa án tối cao. Giờ đây, Obukhov sẽ phải thực sự ngồi tù để trả giá cho hành động phản bội tổ quốc của mình

Thái Quân (tổng hợp)
.
.