Nga: Xây dựng hệ thống căn cứ quân sự chiến lược ở Bắc Cực

Thứ Năm, 05/11/2015, 08:10
Một mặt tham gia hiệu quả vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, đe dọa thanh thế của Mỹ tại khu vực Trung Đông, mặt khác, Nga cũng đang ráo riết mở rộng các căn cứ quân sự chiến lược ở Bắc Cực, khẳng định chủ quyền và vị thế mới ở khu vực giàu vàng đen này.


Bộ chỉ huy hỗn hợp

Hôm 20/10, Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên thông tin cụ thể về các chương trình, kế hoạch mà chính quyền Moscow đang thực hiện ở Bắc Cực. Theo đó, Nga đã cho xây dựng các căn cứ quân sự khổng lồ với diện tích lên tới 140.000m² và có thể đón tiếp hàng trăm binh sĩ, cũng như lưu trữ đủ năng lượng và thực phẩm để họ hoạt động trong vòng 18 tháng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay, một đơn vị quân đội Nga sẽ đóng quân thường trực tại Bắc Cực vào năm 2018. Khẳng định công nghệ quân sự hiện đại là điểm thiết yếu để bảo vệ các vùng biên giới ở Bắc Cực, ông Sergei Shoigu cho biết, ngoài mục tiêu mở rộng hoạt động quân sự, Nga cũng đang cho xây Nhà máy khí hóa lỏng Yamal LNG cùng với Tập đoàn năng lượng Total của Pháp. Đây sẽ là cơ sở sản xuất khí đốt và sau đó, vận chuyển tới thị trường châu Âu và châu Á.

Riêng về căn cứ được xây dựng trên một hòn đảo lớn tại Alexandra Land, một phần của quần đảo Franz Josef Land ở 80o vĩ Bắc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tiết lộ rằng đã hoàn thành được 98%. Theo tin từ Hãng Moscow Defense Brief, căn cứ này được gọi dưới cái tên "Lá ba thùy Bắc Cực" với 3 điểm nhô ra như chiếc lá ba thùy, được sơn màu trắng, xanh, đỏ theo màu quốc kỳ Nga. Hành lang trải dài căn cứ này được thiết kế khá hiện đại giúp các binh sĩ có thể thoải mái di chuyển trong khi nhiệt độ xuống tới -47ºC.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không ít lần thị sát ở Bắc Cực.

Bên cạnh căn cứ ở Alexandra Land, Nga còn có căn cứ Sredniy, Rogachevo, Cape Schmidt, Wrangel và Kotelny. Đây đều là những căn cứ không quân cũ, được chính quyền Moscow xây dựng lại hoặc nâng cấp để có thể chứa thêm nhiều máy bay tiêm kích, máy bay ném bom chiến lược và các máy bay khác. Ngoài ra, Nga còn cho xây dựng thêm 10 trạm radar phòng không nhằm phòng thủ trước máy bay ném bom của đối phương.

Hãng Moscow Defense Brief dẫn lời một quan chức quốc phòng Nga cho hay, các kế hoạch này đều được triển khai theo đúng yêu cầu mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề ra trong "Chiến lược xoay trục lên Bắc Cực" được công bố từ tháng 4/2014. Đến năm 2020, sau khi hoàn thiện 6 căn cứ nói trên, Nga sẽ tiếp tục từng bước nâng cấp nốt 6 căn cứ còn lại được sử dụng từ hồi Chiến tranh thế giới thứ 2.

Hãng Sputnik cho hay, mỗi căn cứ quân sự được xây mới hay nâng cấp đều tiêu tốn của Nga tới cả trăm triệu USD. Chẳng hạn như căn cứ quân sự Nagurskoye ở phía tây bắc quần đảo Franz Josef Land của vùng Arkhangelsk đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc cải thiện cơ sở hạ tầng gồm tòa nhà chỉ huy, khu sinh hoạt cho 150 cán bộ, nhà kho nhiên liệu, 9.000m đường và một sân bay mới. Chi phí cho việc xây dựng lên tới 125 triệu USD…

Từ nhiều năm nay, Nga luôn muốn quân sự hóa vùng Bắc Cực. Nó là một phần của chiến lược lớn nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu mỏ và các tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa gần hơn. Chính vì thế mà song song với việc đầu tư xây dựng các căn cứ quân sự, chính quyền Moscow còn tuyên bố thành lập một cơ quan chỉ huy quân đội ở Bắc Cực với nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới Bắc Cực của Nga trước việc NATO đang hiện diện thường xuyên tại khu vực này.

Cơ quan chỉ huy này được đặt tại vùng Arkhangelsk, bao gồm Hạm đội phương Bắc, 2 lữ đoàn Bộ binh Cơ giới Bắc Cực và các đơn vị không quân cùng phòng không với những loại vũ khí nổi bật, như hệ thống tiêm kích đánh chặn Mig-31, trực thăng Mi-8 và hệ thống tiêm kích phòng không Pantsir-S1. Đặc biệt 2 lữ đoàn Bộ binh Cơ giới Bắc Cực đồn trú tại làng Alakurtti - sát biên giới với Phần Lan.

Tại thành phố quân sự mới này, tất cả các sĩ quan được cấp căn hộ, còn binh sĩ ở trong những doanh trại hiện đại. Phục vụ cho 2 lữ đoàn này có 10 sân bay mới, sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015. Đô đốc Vladimir Korolev, Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc cho biết, khi hoàn thiện, căn cứ của Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới sẽ gồm 14 đường băng, và 2 khu doanh trại này sẽ tiếp nhận 3.000 binh sĩ của Hạm đội, được biên chế 39 tàu chiến và 45 tàu ngầm.

Hãng Moscow Defense Brief thì cho hay, Lữ đoàn súng trường môtô độc lập số 200 tại Murmansk cùng 2 Lữ đoàn súng trường môtô Bắc Cực đặc biệt mới thành lập cũng sẽ được sáp nhập về Bộ chỉ huy này. Các lữ đoàn Bắc Cực đang phát triển một loạt các khí tài quân sự mới, bao gồm các xe bọc thép vận tải và chiến đấu mọi địa hình thuộc dòng xe Arktika… Đó là chưa kể đến việc Nga triển khai các loại máy bay không người lái cùng 6 tàu chiến, tàu ngầm tới khu vực Bắc Cực.

Cuộc chạy đua Bắc Cực

Với những bước phát triển như vũ bão của Nga ở Bắc Cực, Mỹ đang lo sốt vó. Chính quyền Washington cũng nhanh chóng công bố những kế hoạch mới ở Bắc Cực. Cụ thể, năm 2013, Nhà Trắng lần đầu tiên công bố "Chiến lược quốc gia khu vực Bắc Cực".

Nga đã nhiều lần tổ chức tập trận ở Bắc Cực.

Đến tháng 2/2014, Washington lại công bố "Lộ trình Bắc Cực của Hải quân Mỹ (giai đoạn 2014 - 2030)" nhằm tiến hành chuẩn bị cho hoạt động của Hải quân Mỹ ở khu vực Bắc Cực. Lộ trình này còn nhấn mạnh Hải quân Mỹ cần tiến hành hợp tác với các nước Bắc Cực khác. Đặc biệt, trong 14 tháng qua 16 cơ quan tình báo Mỹ đã được yêu cầu tập trung giao nhiệm vụ cho các chuyên gia phân tích làm việc toàn thời gian về Bắc Cực. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) gần đây còn triệu tập một ban chiến lược để tập hợp chuyên gia cùng ngồi lại chia sẻ những gì họ nắm được ở khu vực này.

Tờ Los Angeles Times cho hay, Cơ quan Tình báo Không gian địa lý quốc gia Mỹ (NGA) còn dành tới 2 năm để vẽ bản đồ và hải đồ mới ở các vùng biển, lãnh thổ tại Bắc Cực, đặc biệt là tại các vùng biển Bering, Chukchi và Beaufort.

Rồi Mỹ kết hợp với 3 quốc gia gồm Na Uy, Canada và Thụy Điển để bàn về việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm hải quân, không quân để giám sát và răn đe hoạt động của các nước ở khu vực Bắc Cực. Các cuộc tập trận cũng đã được triển khai nhằm thị uy trước Nga. Mỹ cũng giúp Canada tu bổ lại trạm nghe lén CFS Alert tại điểm cực bắc đảo Ellesmere, cách Bắc Cực khoảng 800 km và cùng Na Uy triển khai tàu do thám hiện đại Marjata để thu thập thông tin tình báo điện tử…

Châu Anh (tổng hợp)
.
.