Nga sẽ mở lại căn cứ tình báo ở Cuba

Thứ Ba, 12/08/2014, 18:15

Một trong những thỏa thuận đã ký kết trong chuyến thăm Cuba của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào giữa tháng 7 vừa qua là việc Cuba cho phép Nga mở lại căn cứ tình báo tín hiệu Lourdes - một trong những cơ sở tình báo ở nước ngoài đã từng đóng vai trò quan trọng giúp Liên Xô giành nhiều lợi thế trong cuộc đối đầu với Mỹ trong Chiến tranh lạnh.

Căn cứ tình báo Lourdes được xây dựng từ năm 1962 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1964. Nằm ở vị trí phía nam thủ đô La Habana của Cuba, cách đảo Key West, bang Florida của Mỹ 160 km, Lourdes từng là nỗi ám ảnh đối với Washington. Đây được xem là căn cứ tình báo ở nước ngoài lớn nhất của Liên Xô, do Cục Tình báo Hải ngoại (FIS) hoạt động bên ngoài lãnh thổ Liên Xô (sau này là Nga) trực tiếp quản lý. Các tài liệu đưa ra các con số khác nhau về nhân sự làm việc tại Lourdes.

Tờ The Guardian của Anh dẫn lại tờ báo Russia Today của Nga cho biết, vào thời cao điểm Chiến tranh lạnh, nhân sự của Lourdes lên đến 3.000 người, bao gồm các kỹ thuật viên, kỹ sư và điệp viên đến từ các cơ quan tình báo KGB, GRU của Liên Xô, DGI của Cuba, các cơ quan tình báo của các nước Đông Âu (có tài liệu đưa ra con số 1.500 người). Để duy trì hoạt động căn cứ Lourdes, Liên Xô đã phải trả cho Cuba 200 triệu USD/năm.

Năm 2001, Nga đã chính thức đóng cửa căn cứ Lourdes và bàn giao lại cho Cuba quản lý. Một nguồn tin nói rằng, Cuba đã cho sửa sang lại cơ sở vật chất tại căn cứ Lourdes và sử dụng làm Trường đại học Công nghệ Thông tin. Tuy nhiên, vào năm 2003, Đài VOA của Mỹ “thông tin rộng rãi” rằng, Cuba đã sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật ở Lourdes để chèn phá sóng đài này phát nhắm vào Iran, nhưng phía Cuba không có phản hồi.

Năm 2000, trước khi Nga chính thức chuyển giao Lourdes lại cho Cuba, báo chí cũng từng thông tin về việc Trung Quốc cũng đã ký một thỏa thuận chia sẻ sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật tại Lourdes.

Căn cứ tình báo Lourdes trên đất Cuba.

Suốt thời gian tồn tại, Lourdes đã tạo cho Liên Xô một lợi thế không nhỏ. Nó giúp tình báo Liên Xô giám sát toàn bộ Tây bán cầu. Đối với nước Nga, Lourdes cũng sẽ tạo ra lợi thế tương tự. Vyacheslav Trubnikov, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Hải ngoại cho biết, nếu đi vào hoạt động trở lại, Lourdes sẽ khiến cho Washington ăn không ngon ngủ không yên.

Việc Tổng thống Putin thực hiện chuyến công du ngày 11/7 và ký kết việc mở lại Lourdes nằm trong chiến lược đối ngoại mới của Moskva. Nó đánh dấu quan hệ Nga - Mỹ xấu thêm một mức nữa sau những diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Ukraina.

Giới phân tích đã quan sát rất kỹ động thái mở lại căn cứ Lourdes của Tổng thống Nga và cho rằng, động thái đó mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn. Pavel Felgenhauer, chuyên gia phân tích quốc phòng ở Moskva lý giải: Với việc thông báo mở lại căn cứ Lourdes, Nga có ý muốn nói với Mỹ rằng, Nga không phải là "cường quốc khu vực" mà hoàn toàn có khả năng kết nối mở rộng quan hệ đối ngoại ở ngay cả Tây bán cầu - nơi mà Mỹ tự tin xem là "sân sau" của mình. Đồng thời, Nga cũng muốn cho Mỹ thấy rằng, Nga hoàn toàn có khả năng đối chọi lại với Mỹ và các nước Tây Âu trên nhiều mặt trận khác nhau, trong đó có mặt trận tình báo.

Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ ở Moskva nhận định, việc mở lại căn cứ Lourdes quả thật có giá trị về mặt quân sự và các thương thảo giữa Nga với Cuba đã diễn ra và hoàn tất từ trước khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra. Nga muốn phá bỏ thế cô lập chiến lược bằng cách cải thiện quan hệ hợp tác quân sự với các nước và tuyên bố có thể chia sẻ thông tin thu thập được từ căn cứ Lourdes với các quốc gia đối thủ của Mỹ như Trung Quốc chẳng hạn.

Ông Pukhov cho biết thêm, Nga sẵn sàng chi tiền để mở lại các căn cứ tình báo ở nước ngoài, và sẽ đón nhận sự ủng hộ của bất cứ quốc gia nào thuộc khu vực Mỹ Latinh. Một trong những nguyên nhân khiến căn cứ Lourdes trở nên quan trọng đối với nước Nga là do Nga gặp vấn đề rất lớn về vệ tinh tình báo, vốn đầy rẫy sản phẩm, cấu kiện do phương Tây sản xuất, còn các tàu do thám của Nga thì cũng khó tiếp cận các bờ biển của Mỹ.

Trong khi đó, các quan chức Nga cho biết, hành động mở lại căn cứ Lourdes của Nga là do sự thôi thúc từ việc Ukraina quay ngoắt đi theo phương Tây. Quan hệ giữa Nga và Ukraina hiện nay đang rất xấu, và khả năng Ukraina trở thành cựu thành viên Liên Xô mới nhất gia nhập khối NATO là rất cao. Từ đó, Nga lo ngại điều này sẽ dẫn đến việc Mỹ và châu Âu đặt căn cứ tình báo trên đất Ukraina để theo dõi, giám sát nước Nga.

Bên cạnh việc mở lại căn cứ Lourdes, Tổng thống Nga còn triển khai kế hoạch thiết lập một loạt trạm thu phát tín hiệu cho hệ thống định vị toàn cầu của Nga mang tên GLONASS - đối thủ của hệ thống GPS của Mỹ. Ông Putin đã ký thỏa thuận với Cuba, Argentina và Brazil để mở các trạm GLONASS tại các nước này.

Ngoài ra, ông Putin còn bất ngờ ghé qua Nicaragua và thảo luận việc đặt một trạm GLONASS tại đây. Ông đã được Tổng thống Daniel Ortega tiếp đón nồng hậu. Tổng thống Ortega là một trong những lãnh đạo Mỹ Latinh thiên tả và là "cái gai" đối với Mỹ. Ông từng nhiều lần tố cáo Mỹ đã cho tình báo CIA theo dõi và giám sát ông, thậm chí CIA đã có ý định ám sát ông. Vì vậy, việc Tổng thống Ortega ủng hộ đề nghị đặt trạm GLONASS của Tổng thống Putin cũng là điều dễ hiểu.

Hãng tin Interfax cho biết, nước Nga cũng từng đề nghị Mỹ cho đặt trạm GLONASS trên đất Mỹ nhưng Washington đã từ chối. Mặc dù vậy, Moskva vẫn tiếp tục đưa ra đề nghị Mỹ cho đặt một trạm GLONASS ở ven bờ biển Alaska

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.